VOA
Ông Trịnh Xuân Thanh “tự thú” trên truyền hình.
Thông tin này được một nguồn tin đáng tin cậy trong Bộ Ngoại giao Đức tiết lộ riêng với VOA Việt Ngữ, trong khi Việt Nam mới tuyên bố “mong muốn duy trì phát triển quan hệ đối tác chiến lược với Đức”.
Nguồn tin cho biết hôm 16/8: “Chính phủ Việt Nam đã tiếp cận với chúng tôi và đề nghị đối thoại với chúng tôi và chúng tôi hoan nghênh điều đó”.
Đây được coi là phản ứng chính thức của Việt Nam, hai tuần sau khi Đức cáo buộc Việt Nam bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh ở Berlin mà Hà Nội từng nói lấy làm tiếc.
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore, nhận định với VOA Việt Ngữ rằng Việt Nam “nên nhìn thẳng vào vấn đề” và “cần liên lạc với giới chức Đức để cùng nhau xử lý cho nó phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Ông nói thêm: “Giải pháp giảm căng thẳng là Việt Nam tìm một tiếng nói chung nào đấy mang tính chất thỏa hiệp đối với Đức. Đối với Đức, thỏa hiệp duy nhất tức là có thể một lời công khai nhận sai lầm của mình có liên quan tới vụ Trịnh Xuân Thanh”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam nói rằng Hà Nội vẫn muốn thúc đẩy quan hệ với Đức.
Trong khi đó, trả lời các phóng viên tại buổi họp báo ở Hà Nội hôm 17/8, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định vẫn chú trọng quan hệ với Đức.
Bà nói thêm: “Tôi xin khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn duy trì phát triển quan hệ đối tác chiến lược với Đức, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới”.
Cùng ngày, bà Petra Isabel Schlagenhauf, luật sư của ông Trịnh Xuân Thanh, cho biết rằng vẫn “đang chờ phản ứng của chính phủ Đức”, và “cho tới nay, vẫn chưa có hồi đáp của Việt Nam về việc cho ông Trịnh Xuân Thanh trở lại Đức”.
Bà Schlagenhauf cho biết rằng sắp tới bà “sẽ không đi Việt Nam” và các đồng nghiệp của bà ở trong nước “đang tìm cách gặp ông Thanh”.
Về các biện pháp trừng phạt mà Việt Nam có thể đối mặt nếu mọi chuyện không được giải quyết, tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nói:
“Các đáp trả nó sẽ ở mấy chỗ này. Một là về chính trị. Hai là về hợp tác kinh tế. Ba là hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và Đức. Bốn là hợp tác phát triển giữa Việt Nam và Đức. Năm là giao lưu nhân dân. Năm lĩnh vực đó có thể bị ảnh hưởng”.
Chính quyền Berlin từng cáo buộc Việt Nam vi phạm “trắng trợn” luật pháp Đức và quốc tế trong vụ bắt ông Thanh, đồng thời cho hay rằng đang cân nhắc các biện pháp tiếp theo.
Chưa rõ là việc Việt Nam chủ động tiếp cận với Đức có hóa giải mối quan hệ ngoại giao song phương đang gặp sóng gió lớn nhất trong nhiều năm.