Việt Nam Thời Báo

Thuế đất tăng gấp 4: Đổi chiến thuật ‘thu cùng diệt tận’!

Thiền Lâm
(Cali Today)
“Rút kinh nghiệm sâu sắc” từ các chiến dịch vận động tăng giá điện và xăng dầu mà vẫn thường bị dư luận phản ứng quyết liệt khi ý đồ tăng giá bị lộ ra, vào lần này chính quyền đã âm thầm, hoặc lén lút tăng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp gấp 3-4 lần mà không thông báo trước cho dân.
Hệt như một đại biểu quốc hội đã mách kế “đánh thuế cứ phải như vặt lông vịt ấy…”. 
Từ vài năm qua và đặc biệt từ đầu năm 2017 đến nay, cứ mỗi lần Bộ Công thương, Bộ Tài chính và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam lộ ý đồ muốn tăng “thuế bảo vệ môi trường” từ 3.000 đồng lên đến 8000 đồng/lít xăng, ý đồ này lại bị dư luận phản đối mạnh mẽ.
Vụ việc tăng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp lén lút xảy ra vào đầu tháng 8/2017 và kéo dài cho đến nay. Dường như chưa có “chủ trương thực hiện trên phạm vi toàn quốc”, mà Sài Gòn đã trở thành địa phương đầu tiên được “thí điểm”.

   Đàn cừu mới chỉ kêu be be mà chưa hề co cụm thủ thế để phản kháng.
Sài Gòn lại được xem là ‘bò sữa” trong cặp mắt tham lam ngấu nghiến của ngân sách trung ương. Với đóng góp đến gần 35% cho GDP quốc gia, thành phố này đã từ lâu là nguồn thu lớn nhất cho ngân sách trung ương. Vào năm 2016, trong cơn bĩ cực cạn kiệt tiền tiêu xài, chính quyền trung ương đã thẳng tay ép phần để lại của ngân sách TP.HCM từ 23% tổng thu xuống còn 18% tổng thu ngân sách trên địa bàn thành phố này.
Chính quyền trung ương đã đi một bài tính rất khôn lanh. Nếu thu thuế đất nông nghiệp thì phải đánh thẳng vào túi tiền nông dân. Mà nông dân Việt Nam bây giờ đa phần đều khó khăn lẫn nghèo mạt, tiền thuế thu được chẳng đáng bao nhiêu mà còn bị dân chửi, thậm chí dân còn có thể phản ứng mạnh theo cách của người dân Đồng Tâm ở Hà Nội. Chi bằng đánh thuế phi nông nghiệp vào các đô thị cho chắc ăn. Đất phi nông nghiệp, mà thực chất là đất xây dựng nhà ở và các công trình, lại bạt ngàn. Với đặc tính nhiều người dân đô thị có của ăn của để và buôn bán đầu cơ, số người này sẽ phải cắn răng đóng thuế, cho dù thuế cao vọt.
“Không có gì sướng bằng đè đầu dân thu thuế” – mấy cán bộ hưu trí than vãn với nhau tại Phòng thuế. Nhưng khác với những lần trước, vào lần này thái độ họ còn có cả phẫn nộ.
Nhưng rồi vẫn… đóng tiền.
Có người hỏi “nếu dứt khoát phản đối chính sách tận thu của nhà nước mà không đóng thuế thì sao?”
Lại có người thở dài “Cơ quan thuế sẽ vịn vào cớ không tuân thủ pháp luật nghĩa vụ về thuế để làm khó mình, có khi còn chuyển hồ sơ cho công an để truy tố mình”.
Nhưng lại có người trẻ tuổi nói “Đấy, cứ như anh em lái xe đã bất tuân dân sự ở Nam Định, Hà Tĩnh hay gần đây nhất là trạm thu phí BOT Cai Lậy Tiền Giang, chính quyền có làm gì được đâu!”.
“Là bởi chúng ta thiếu đoàn kết. Bây giờ ai cũng chỉ nghĩ cho riêng mình” – một cán bộ hưu trí ấp úng.
Quả là như vậy. Nhiều cuộc thăm dò bỏ túi và nhiều bài viết phân tích tâm lý xã hội trên mạng xã hội đã cho biết đại đa số người dân Việt Nam bàng quan, thờ ơ với hoàn cảnh người khác. Nói cách khác là vô cảm, và vô cảm đang trở thành căn bệnh ghê gớm thống trị não rạng và cả trái tim con người.
Một ít trường hợp phản kháng chính quyền đã chỉ xảy ra ở những người hoặc nhóm người bị thiệt hại trực tiếp bởi chính sách. Trong khi đó, những “con cừu” khác vẫn bình an vô sự và vẫn chỉ dửng dưng quan sát, cho đến khi chính họ bị vặt trụi lông.
Chính quyền đã nắm được tâm lý tan đàn xẻ nghé đó và đã áp dụng chiến thuật “đánh tỉa”. Nếu thu thuế sử dụng đất ở Sài Gòn thành công, chính quyền sẽ “nhân điển hình tiên tiến” để thu tiếp ở Hà Nội, Đà Nẵng.. nói chung là tại những thành phố được coi là giàu có nhất nước.
Trong cơ cấu thu ngân sách quốc gia, tiền thuế sử dụng đất chiếm khoảng 9%, tương đương khoảng 100 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên tại một số địa phương có mật độ sử dụng đất đô thị lớn, tiền thuế sử dụng đất có thể chiếm đến 50% tổng thu ngân sách tại những địa phương này.
Việc thu thuế này sẽ làm dịu cơn đói khát của ngân sách trong thời buổi ‘loạn lạc”.
7 tháng đầu năm 2017 lại chứng kiến một cơn túng quẫn hiếm có của ngân sách trung ương. Trong  khi tỷ lệ bội chi vẫn duy trì ở mức 5,5 – 6% GDP mà không hề giảm đi, tỷ lệ thu ngân sách lại sụt giảm đáng kể. Với đà thu thuế như hiện nay, rất có thể đến cuối năm 2017 ngân sách trung ương sẽ bị hụt thu đến 11% so với dự toán đầu năm- một tỷ lệ rất cao và sẽ khiến ngân sách này không biết tìm đâu ra hàng trăm ngàn tỷ đồng (trừ việc ồ ạt in thêm tiền) cho một đội ngũ công chức gần 3 triệu người mà trong đó có đến 30% bị dư luận xem là “không làm gì cả những vân đều đều lãnh lương”.

Tiếp theo các “phát minh” thu thuế bán hàng trên mạng, thu thuế “bảo vệ môi trường” và kể cả muốn thu thuế bằng bán… sim số đẹp, cơn bĩ cực ngân sách đang đánh thẳng vào hầu bao của giai tầng trung lưu và một phần “hạ lưu”. Cho đến nay, chiến dịch “thu cùng diệt tận” này vẫn đang tương đối có triển vọng bởi “đàn cừu” mới chỉ kêu be be mà chưa hề co cụm thủ thế để phản kháng.

Tin bài liên quan:

VNTB- ‘Phải đền bù cho nhà đầu tư’: Bộ Quốc phòng thách thức dư luận?

Phan Thanh Hung

VNTB- Nguồn cơn thực chất nào khiến Ủy ban TVQH cấm báo chí tham dự?

Phan Thanh Hung

VNTB- ‘Bồi bút tụng ca’ đang ‘giết’ Thủ tướng Phúc như thế nào?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo