VOA
Vietnamese national Trinh Xuan Thanh sitting on a park bench in Berlin. Germany accused Hanoi, Aug. 2, 2017, of kidnapping Trinh Xuan Thanh, who was seeking asylum in Germany. Berlin furiously summoned Vietnam’s ambassador and expelled one of the south-ea
Chính phủ Đức nói hôm 9/8 rằng họ đang xem xét các bước tiếp theo để đối phó với Việt Nam sau khi Hà Nội không hồi đáp yêu cầu của Bộ Ngoại giao Đức, đòi ‘trả’ Trịnh Xuân Thanh về Đức.
Reuters trích lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức nói với các nhà báo hôm 9/8: “Chúng tôi đã hy vọng là có khả năng hàn gắn mọi thứ sau vụ vi phạm luật pháp Đức và luật pháp quốc tế. Nhưng rất không may là điều đó đã không diễn ra, do đó chúng tôi đang cân nhắc xem có thể làm gì để các đối tác Việt Nam của chúng tôi biết là chúng tôi tuyệt đối không chấp nhận điều đó.”
Quan điểm của Bộ Ngoại giao Đức thể hiện rõ qua lời người phát ngôn rằng Đức “rất tiếc nhưng sẽ không thể bỏ qua vụ việc nghiêm trọng này.”
Hà Nội không thừa nhận đã thực hiện vụ bắt cóc như cáo buộc của chính phủ Đức trong một thông cáo cách đây hơn 1 tuần.
Nhận xét về “hành động bắt cóc Trịnh Xuân Thanh của Việt Nam” giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc nói điều này “là không thể giải thích nổi” bởi vì theo chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam này, thì Hà Nội vốn “rất thận trọng trong các chính sách đối ngoại.”
“Tôi vẫn không hiểu được Việt Nam hy vọng đạt được điều gì mà có thể đáng để đánh đổi cái giá phải trả cho một vụ bắt cóc trái luật và trơ tráo như vậy.”
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Đức ra ngày 2/8 đăng trên Twitter trong đó cáo buộc mật vụ Việt Nam bắt cóc và yêu cầu Trịnh Xuân Thanh được trở lại Đức “ngay lập tức.”
Trong thông cáo ra ngày 2/8, Đức yêu cầu Việt Nam cho phép ông Thanh, người mà Hà Nội cáo buộc đã làm thất thoát 3.300 tỷ đồng (khoảng 147 triệu USD) trong thời gian lãnh đạo PVC, được trở lại Đức để nước này xem xét yêu cầu dẫn độ của Việt Nam cũng như đơn xin tị nạn của ông Thanh (TXT).
Tuy nhiên, ngày hôm sau Hà Nội đáp trả qua lời của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, nói rằng Việt Nam “lấy làm tiếc” về thông cáo của Bộ Ngoại giao Đức, và chiếu cảnh ông Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú trên truyền hình nhà nước VTV.
Hôm 9/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức nói ông “lấy làm tiếc” là yêu cầu của Đức đã không được Hà Nội “hồi đáp.” Người phát ngôn cũng cho biết đã có những thương lượng giữa 2 chính phủ về việc này.
Bộ trưởng Ngoại giao Đức Sigmar Cabriel hôm 4/8 nói vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh của mật vụ Việt Nam ở Berlin gợi nhớ đến những bộ phim hành động thời Chiến tranh lạnh.
Bộ Ngoại giao Đức không cho biết những biện pháp cụ thể tiếp theo mà họ dự định áp dụng đối với Việt Nam là gì, nhưng đề cập tới việc Việt Nam đã nhận một lượng viện trợ phát triển đáng kể từ Đức. Năm 2015, Đức cam kết 220 triệu euro (gần 258 triệu USD) tiền viện trợ phát triển cho Việt Nam trong 2 năm.
Theo giáo sư Thayer, Việt Nam có thể đã tính đến những hậu quả tiêu cực của hành động này và luật sư Trần Quốc Thuận cũng đồng tình với ý kiến đó. Ông cho rằng Việt Nam khó chấp nhận giải pháp để Trịnh Xuân Thanh trở về Đức.
“Việc Việt Nam quyết bắt cho được Trịnh Xuân Thanh vì nó là một nút thắt trong một vụ án tham nhũng lớn ở Việt Nam mà nó liên quan đến nhiều người, nhiều cấp,” theo vị luật sư từng là phó chủ nhiệm văn Quốc hội Việt Nam. “Tôi nghĩ rằng họ quyết tâm như vậy thì chắc rằng khi đưa vấn đề ra để quyết định, về mặt ngoại giao và an ninh, nhà nước Việt Nam chắc đã tiên liệu sẽ có thể xảy ra chuyện này chuyện kia. Có thể cũng phải chấp nhận khi làm một công việc để làm trong sạch nội bộ.”
Ngôi nhà của Trịnh Xuân Thanh ở Hà Nội. Ông Thanh được coi là một mắt xích quan trọng cần giải quyết trong chiến dịch chống tham nhũng của TBT Nguyễn Phú Trọng.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đang tiến hành một chiến dịch chống tham nhũng trên quy mô lớn và từng tuyên bố phải bắt cho được Trịnh Xuân Thanh về lại Việt Nam.
Trong bài viết cho VOA Tiếng Việt, blogger Lê Anh Hùng cho rằng nhân vật đứng đằng sau vụ bắt cóc chính là “người đứng đầu Ban Chỉ đạo Trung Ương về phòng, chống tham nhũng, tức là TBT Nguyễn Phú Trọng.”
Blogger Lê Anh Hùng cho rằng ông Thanh, cựu phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, chỉ là một quan chức “hạng ruồi” theo lối nói thịnh hành trong chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ diệt ruồi” do ông Tập Cận Bình phát động ở Trung Quốc.
Nhưng giáo sư Thayer lại cho rằng TXT là một “con hổ.”
“Ông Thanh đứng trên đỉnh của mạng lưới các quan chức tham nhũng. Nếu các thông tin về việc ông Thanh có liên quan tới vụ thất thoát hơn 100 triệu USD là đúng thì ông ấy không phải là ‘một con ruồi.’” Nhà nghiên cứu về Việt Nam giải thích rằng “Những ‘con ruồi’ là những người ở dưới cái tháp đó và đã bị bắt.”
Các nhà phân tích, blogger và nhà báo trong nước cho rằng ông Thanh được xem là một ‘mắt xích quan trọng trong đại án tham nhũng’ có thể liên quan tới nhiều quan chức cấp cao trong chính phủ Việt Nam. Theo blogger Lê Anh Hùng, một trong những người đó có thể là Chủ tịch nước Trần Đại Quang, người mà truyền thông trong nước nói đang nghỉ dưỡng bệnh từ sau ngày 26/7, chỉ vài ngày sau khi ông Thanh bị bắt cóc ở Berlin.
Theo giáo sư Thayer, có thể Việt Nam đã đi “quá đà” trong vụ bắt cóc TXT khi mật vụ Việt Nam bị “bắt quả tang”, và do đó không thể giữ bí mật vụ bắt cóc này. Theo ông, các nhà ngoại giao Việt Nam đang trong tình thế đành phải “thu dọn hậu quả” vì sẽ phải đối mặt với những biện pháp trừng phạt của Đức và “ở một mức độ nào đó, những hệ lụy trong tương quan với EU.”
Việt Nam đang theo đuổi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU và trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trong mối quan hệ với Đức, Việt Nam có thể đánh mất sự ủng hộ của nước đứng đầu khối này. Hơn thế nữa, theo nhận định của giáo sư Thayer, dù vấn đề này có được giải quyết thế nào đi nữa thì hình ảnh và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế đã bị “tổn hại nặng nề”.