Loan Thảo ( tuỳ bút)
(VNTB) – Người già sống bằng ký ức. Ký ức neo họ làm họ tha thiết mà trải lòng…
Tết này là 2 cái tết mà người bạn của tôi đã ăn Tết trong tù. Nếu phải ‘trả đủ án’, thì anh bạn của tôi sẽ còn thêm vòng quay 12 con giáp nữa mới có thể ăn bữa cơm đoàn viên.
Chặng đường dài quá với đấng sinh thành vốn giờ ai cũng đã gần đất, xa trời. Hồi má của tôi còn bên con cháu, chị hai của tôi thường nhắc với mấy đứa em rằng ngày Tết nhớ về ăn bữa cơm đoàn viên với má, vì, “đâu còn bao nhiêu năm để má mặc áo dài đón Tết nữa đâu”.
Câu nhắc này là chị hai ‘mượn’ của ba. Năm đó má cũng ngoài 70. Bên mâm cơm Tết, ba buông một câu khiến má rưng rưng: “Đâu còn bao nhiêu năm nữa để má bây mặc áo dài đón Tết”. Vậy nên, thành lệ trong gia đình, mùng Một con cháu đều mặc áo dài chúc tết, chơi xuân. Khi ba mất, chị hai luôn nhắc mấy đứa em và con cháu điều tưởng chừng quá đỗi bình thường ấy.
Mồng Một Tết, cắm nhang trên bàn thờ tổ tiên, nơi ba má đều trên đó, tôi bất chợt thảng thốt khi tự đặt câu hỏi cho mình, rằng liệu người mẹ của anh bạn tôi có còn kịp chờ bữa cơm đoàn viên với con trai của bà trong vòng quay của tròn 12 con giáp tới?
Dân gian hay nói “ba ngày xuân” nghĩa là ba ngày Tết, đó là thời gian mọi người được sum họp gia đình, được vui chơi thảnh thơi, rồi sau đó trở lại cuộc sống thường nhật, tất bật và hối hả. Nhưng tôi biết, với những đấng sinh thành như của anh bạn tôi, Tân Sửu này là thêm một năm nữa họ không hề có Tết.
Lúc còn được tự do, cứ mỗi khi xuân về, luận về sự vô thường, anh bạn của tôi thường dẫn thi hào thiền sư đời Trần, ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ trong chuyện đón xuân bằng bài kệ như sau:
Thời tiết xoay vần xuân đến thu,
Cái già xồng xộc đến trên đầu.
Giàu sang ngó lại trơ tràng mộng,
Năm tháng mang theo chất hộc sầu.
Nẻo khổ vành xe lăn lóc khắp,
Sông yêu bọt nước mất còn đâu?
Trường đời nếu chẳng sờ lên mũi,
Ngàn thuở lương duyên chỉ bóng màu!
Thời tiết xoay vần nên có bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Theo dòng thời gian, con người càng ngày càng tiến dần đến chỗ chết. Nhìn lại kiếp sống, đau khổ nhiều hơn lạc thú, danh vọng quyền thế hay bể ái sông yêu đều chỉ như mộng ảo, như bọt nước đầu ghềnh.
Trong trường đời, nếu không có một chút tỉnh thức, không biết đẩy lui phiền não nghiệp chướng để nhận ra cái thường hằng, cái phi huyễn thì dù muôn thuở lăn lóc trong ba nẻo sáu đường, cũng chỉ là bóng màu hư dối.
Tôi tin, với đấng sinh thành của anh bạn tôi, ký ức neo họ, mang đến cho họ sức mạnh tiềm ẩn trong chờ đợi của giở tờ lịch ngày, đếm thời gian đi qua cho ngày đón đứa con trai đang phải xa nhà trong 15 năm – thời gian dài bằng hai phần ba chặng đường của cuộc ‘kháng chiến’ mà thân phụ của anh đã đi qua.
Liệu được bao nhiêu năm nữa để mấy đứa con, mấy đứa cháu của anh còn nghe người mẹ, người bà kể chuyện ký ức về ngày anh còn tự do?.
Nghĩ vậy mà thương đến thắt lòng mớ ký ức Tết, ngày có anh…