Mai Lan
(VNTB) – Mê hồn trận vì phải biết lựa chọn sao đây: tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Trung, tiếng Pháp, tiếng Nhật, tiếng Đức và tiếng Hàn.
Học sinh xứ Việt, từ lớp 3 trở đi bắt đầu phải học ngoại ngữ, gọi là ‘ngoại ngữ thứ nhất’. ‘Ngoại ngữ thứ hai’ thì không bắt buộc.
Tính đến tháng 3-2021, có đến 7 ngoại ngữ để học trò lớp 3 lựa chọn: Anh, Nga, Trung, Pháp, Nhật, Đức, Hàn.
Thế chế chính trị Việt Nam tuy tiếp tục là đơn nguyên, nhưng trong chuyện học tập thì chỉ cần liếc sơ qua bản danh sách ‘ngoại ngữ thứ nhất’ này lại cho thấy quả tình rất… ‘đa nguyên’ đàng khác, khi cho phép học sinh lựa chọn dựa trên nhu cầu cá nhân – tuy nhiên, nó cũng cho thấy chuyện ôm đồm…, bởi ‘ngoại ngữ 1’ mà có tới 7 thứ ngôn ngữ, thì rõ ràng là đã không hề có những ‘mũi nhọn’ để ưu tiên.
Bộ Giáo dục và Đào tạo lý giải như sau về chuyện ‘ngoại ngữ 1’ – ở đây là dẫn chứng về tiếng Đức:
“Môn Tiếng Đức là Ngoại ngữ 1 (sau đây gọi tắt là môn Tiếng Đức) được tổ chức giảng dạy từ lớp 3 đến hết lớp 12. Môn Tiếng Đức giúp học sinh hình thành, phát triển năng lực giao tiếp bằng ngôn ngữ và các năng lực chung, phát triển những phẩm chất tốt đẹp của bản thân, mở rộng tầm nhìn quốc tế để học tốt các môn học khác, để sống và làm việc hiệu quả, tạo nền tảng phục vụ nhu cầu học tập suốt đời.
Môn Tiếng Đức cung cấp cho học sinh một công cụ giao tiếp quốc tế quan trọng, giúp học sinh trao đổi thông tin, tri thức khoa học và kỹ thuật tiên tiến, tìm hiểu các nền văn hóa trên thế giới nói chung và các nền văn hóa của các quốc gia nói tiếng Đức nói riêng, qua đó góp phần tạo dựng sự hiểu biết giữa các dân tộc, hình thành ý thức công dân toàn cầu, góp phần vào việc phát triển phẩm chất và năng lực cá nhân.
Thông qua việc học tiếng Đức và tìm hiểu các nền văn hóa khác nhau, học sinh có thể hiểu rõ hơn, thêm yêu ngôn ngữ và nền văn hóa của dân tộc mình” – Trích Quyết định số 712/QĐ-BGDĐT ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Nếu xem xét điểm thi để hình dung kết quả của giáo dục, thì trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm ngoái, điểm trung bình môn tiếng Anh chỉ 4,577. Điểm số có nhiều thí sinh đạt được nhất là… 3,4. Thậm chí 543 em có từ 1 điểm trở xuống. Một kết quả tồi tệ khiến tiếng Anh trở thành môn “đội sổ” trong kỳ thi.
Có câu, nhất nghệ tinh, nhất thân vinh.
Có lẽ, chúng ta cần một tư lệnh ngành giáo dục quyết đoán để chọn 1 thứ làm ngoại ngữ số 1. Ít nhất, để tránh rơi vào cảnh cái gì cũng học nhưng rồi lại chẳng thông thạo cái gì.
Thế nhưng nếu thực hiện yêu cầu ‘nhất nghệ tinh’ như đề xuất ở trên thì cũng không mấy ổn khi quy ngược trách nhiệm đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, và tiếp theo đó là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Lý do: chuyện có ‘7 ngoại ngữ’ của ‘ngoại ngữ thứ nhất’, là kết quả của Đề án “Dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020”.
Theo mục tiêu của Đề án đã đặt ra, riêng với tiếng Anh, tới năm 2020 sẽ có 100% học sinh lớp 3 được học chương trình tiếng Anh 10 năm với tổng kinh phí 9.378 tỉ đồng.
Thực tế ra sao về ‘ngoại ngữ 1’ tiếng Anh, chắc không cần phải luận bàn nhiều.
Hãy cứ nhìn lại kết quả kỳ thi năm ngoái một lần nữa mà xem: Nó tệ hại vô cùng, và đó cũng là một hệ lụy của nền giáo dục duy ý chí, răm rắp theo nghị quyết “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” – Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI), Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 04-11-2013.