Việt Nam Thời Báo

VNTB – Vì sao không thể thực nghiệm hiện trường vụ án Đồng Tâm?

Hà Nguyên

 

(VNTB) – Không thực nghiệm lại hiện trường 3 cảnh sát được cho là bị đốt cháy vì “không thể và quá dã man”

 

Nhưng tòa sơ thẩm vẫn có thể dễ dàng tuyên 2 bản án tử hình, 1 án chung thân và nhiều bản án tù giam khác; rồi sau đó tòa phúc thẩm lại tuyên y án. Chuyện gì lạ vậy?

Đơn giản, vì cho đến nay người ta cũng đâu thể dựng lại hiện trường để xem cậu bé bán đậu phộng rang tên Lê Văn Tám làm cách nào để thành bó đuốc sống, và có thể nhắm được phương hướng để chạy một mạch từ ngoài đường lộ, vượt qua các bốt canh với lính tráng có súng ống, để rồi sau đó vào tận bên trong để đốt cháy kho xăng Thị Nghè, Sài Gòn hồi trước năm 1975.

Về nghiệp vụ bắt buộc, thì dựng lại hiện trường là một trong những công việc để tiến hành hoạt động thực nghiệm điều tra.

Việc dựng lại hiện trường nhằm mục đích làm rõ các tình tiết, hành vi của người gây án, trên cơ sở đó xử lý đúng người, đúng tội. Khi dựng lại hiện trường, cơ quan điều tra có thể thực nghiệm điều tra bằng cách dựng lại hành vi, tình huống, hoặc những tình tiết khác của sự việc nhất định, và tiến hành các hoạt động thực nghiệm cần thiết.

Với những tiến bộ của các phần mềm ứng dụng (software), cũng có thể việc dựng này được thực hiện qua các phép tính toán vật lý về tốc độ chạy, về rơi tự do, về va chạm vật lý trong một không gian hẹp…; hóa học về nguồn cung cấp oxy cho duy trì sự cháy với nhiệt độ liên tục cao, sao cho đáp ứng năng lượng đủ để thời gian ngắn thiêu một người nào đó thành tro, hay còn lẫn thịt – xương, hoặc chết trạng thái ngạt… Tất cả có thể mô phỏng trên máy tính qua cấu trúc đồ họa 3D.

Điều 204, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 có quy định: “Để kiểm tra, xác minh tài liệu, tình tiết có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án, Cơ quan điều tra có thể thực nghiệm điều tra bằng cách dựng lại hiện trường, diễn lại hành vi, tình huống hoặc những tình tiết khác của một sự việc nhất định và tiến hành các hoạt động thực nghiệm cần thiết. Khi thực nghiệm điều tra phải đo đạc, chụp ảnh, ghi hình, vẽ sơ đồ, ghi rõ kết quả thực nghiệm điều tra vào biên bản.

Nghiêm cấm việc thực nghiệm điều tra xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người tham gia thực nghiệm điều tra và người khác”.

Như vậy việc dựng lại hiện trường có ý nghĩa quan trọng, đó là kiểm tra và xác minh những những tài liệu, tình tiết có ý nghĩa đối với vụ án, góp phần vào việc phá án. Trong trường hợp cần thiết, Viện kiểm sát có thể tiến hành dựng lại hiện trường.

Những người khi có mặt tại hiện trường được dựng lại có trách nhiệm xác nhận nội dung và kết quả công việc mà điều tra viên đã tiến hành.

Sự tham gia của những người này, đặc biệt là người chứng kiến nhằm mục đích loại trừ sự nghi ngờ đối với kết quả của những biện pháp điều tra do điều tra viên tiến hành, và bảo vệ điều tra viên ra khỏi sự vu cáo, xuyên tạc kết quả tiến hành biện pháp điều tra từ phía những người có lợi ích trong vụ án.

Tuy nhiên với những quy định sẵn có của pháp luật tố tụng, rất khó hiểu khi cả phiên hình sự sơ thẩm đến phúc thẩm vụ án Đồng Tâm, mặc dù được các luật sư yêu cầu thực nghiệm hiện trường, nhằm để xác định nguyên nhân của cái chết 3 viên cảnh sát được trang bị đầy đủ quân phục chuyên dụng và khí giới thích hợp trong vụ án, song phía cơ quan tố tụng vẫn từ chối với lý do “không thể và quá dã man”.

Ở đây, còn hoài nghi về một kết quả của ‘án bỏ túi’, vì kiểm sát viên được phân công thụ lý vụ án, hoàn toàn có thể vận dụng kiến thức vật lý lớp 6 về ‘tốc độ vật rơi tự do’, kiến thức hóa học lớp 8 về sự cháy trong môi trường hiếu khí/ yếm khí… để từ đó suy ra về nguyên nhân tử vong, và có thể được trình bày công khai tại phiên xét xử bằng các bảng biểu so sánh với phép tính số học lớp 6 của học trò cấp 2.


Tin bài liên quan:

VNTB – Ông Chu Ngọc Anh là một nghi phạm

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Công an tỉnh Đắc Nông có sai hay không?

Do Van Tien

VNTB – Luật sư có quyền… ‘độc lập’ hay không?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.