Việt Nam Thời Báo

VNTB – Có phải là biểu hiện của “tự diễn biến” từ sự hoài nghi?

Hoài Nguyễn

 

(VNTB) – Tuổi 18, một tuổi trẻ chông chênh và lo lắng…

 

Với việc đưa ra chủ đề “Tuổi trẻ chông chênh và sứ mạng của văn chương”, đề thi văn khối 12 dành cho học sinh giỏi tại TP.HCM gây bất ngờ cho cả thí sinh và người dạy văn vì chất liệu, ngữ liệu và góc nhìn của đề thi đậm chất văn và luôn có yếu tố mới, sáng tạo, gây hứng thú thực sự cho cả thí sinh và người dạy văn.

Tôi lớn lên trong một thời đại mà các giá trị sống, các quy chuẩn đạo đức, các quan niệm xã hội thay đổi, va chạm nhau đến nảy lửa. Những thay đổi và xung đột ấy khiến con người hoang mang, mất phương hướng.

Tuổi 18, một tuổi trẻ chông chênh và lo lắng…

(Lời tâm sự của một bạn trẻ)”.

Ở trên là đoạn trích của đề thi môn văn dành cho học sinh giỏi khối 12 hôm 17-3, chủ đề: “Tuổi trẻ chông chênh và sứ mệnh của văn chương”.

Đề thi dành cho học sinh chuyên và không chuyên đều có chung một câu hỏi số 1. Cụ thể: “Anh/ chị có đồng ý với suy nghĩ của bạn trẻ trên? Hãy viết bài văn để đối thoại với bạn trẻ ấy”.

Phía ra đề lý giải rằng, “các em vừa tròn 18 tuổi là lứa tuổi sắp bước vào đời thể hiện cách nhìn về cuộc sống, thời đại, và nhìn nhận lại chính bản thân mình. Cách nhìn đó có thể khác bạn trẻ trong văn bản của đề thi vì bạn trẻ đó chỉ nhìn thấy những mặt tiêu cực nên mới thấy chông chênh”.

Nhìn đa chiều, đề thi đòi hỏi thí sinh có sự phản biện và thể hiện suy nghĩ của tuổi 18 trước những chông chênh. Không cho phép “tuổi 18” dừng lại ở việc đồng tình hay không đồng tình với lời tâm sự, mà phải đưa ra những góc nhìn về cuộc sống và thời đại.

Mỗi học sinh sẽ có một cách đối thoại riêng theo suy nghĩ và quan điểm của riêng mình, nhưng chắc chắn sẽ đậm chất tuổi 18.

Thế nhưng giả dụ có một “tuổi 18” nào đó viết thế này, liệu có bị quy chụp là “tự diễn biến” vì có biểu hiện hoài nghi vào sự lãnh đạo của Đảng? – Nhắc lại, dưới đây chỉ là tình huống giả định của bài luận:

Cũng như bạn, tuổi 18 của tôi lớn lên trong một đất nước mà các giá trị sống, các quy chuẩn đạo đức, các quan niệm xã hội thay đổi, va chạm nhau đến nảy lửa, và nếu có vậy thì tôi chẳng mấy thấy mình chông chênh đâu.

Tôi chỉ thật sự hoang mang, mất phương hướng khi ở tuổi 18 chợt nhận ra những gì mà môn Giáo dục Công dân được học đã không đúng với thực tế, khi mà thầy cô giáo nói rằng luật pháp thì chỉ có sai hoặc đúng, không được phép ỡm ờ.

Song dường như chúng ta lại cho phép quá nhiều tiền lệ nên khiến luật pháp bị méo mó.

Thế nhưng thưa bạn “tuổi 18” gì đó ơi, mặc dù tôi cũng thấy mình chông chênh lắm chứ, song tôi cũng hiểu rất rõ rằng nếu ai đó dám nói thật lòng mình, thật với chính kiến của mình về đời sống xã hội hiện nay, người ấy dễ bị quy chụp hình sự về vấn đề chính trị lắm lắm luôn.

Tôi tin bạn “tuổi 18” cũng là đoàn viên Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, nên bạn hiểu mình nên “đối thoại” gì trong một bài luận để tránh tạo ra những chông chênh trong lý lịch “tuổi 18” của tụi mình.

Thưa bạn “tuổi 18”.

Những gì mà bạn “tuổi 18” đang cảm thấy chông chênh, thật ra rất dễ có ngay sự cân bằng, nếu như bạn cứ vững lòng tin vào Đảng.

Đảng cộng sản Việt Nam trong suốt gần trăm năm qua rất lo cho thế hệ thanh niên ngay từ khi còn là đứa trẻ mới lọt lòng. Đến trường mỗi đầu năm đều “sẵn sàng với lý tưởng xã hội chủ nghĩa”, đều hoàn thành xuất sắc các thành tích cao nhất của giáo dục… với răm rắp “5 điều Bác Hồ dạy”, thì làm sao có thể đưa đến một thế hệ chông chênh và mất phương hướng?.

Thưa bạn “tuổi 18”.

Làm gì có chuyện của thế hệ trẻ chông chênh và mất phương hướng, trong khi đã thấm nhuần tư tưởng cách mạng và con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội vinh quang và là tất yếu của lịch sử. Bởi, thưa bạn “tuổi 18”, trong các văn kiện đại hội Đảng luôn xác định rõ mục tiêu và cũng là đích cùng của loài người này là con đường tất yếu đi lên chủ nghĩa xã hội.

Đảng ta không bao giờ sai và cũng không thể sai, nên không có chuyện bỏ rơi tuổi trẻ vào trong khủng hoảng tư tưởng đến mức trở thành một đề thi tự vấn như thế này, phải không, thưa bạn “tuổi 18”…


Tin bài liên quan:

VNTB – Viện Kiểm sát có quyền kiểm soát quyền lực?

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Điều luật hình sự 331 không chừa một ai!

Do Van Tien

VNTB – Người của Tịnh thất Bồng Lai có mạo xưng tôn giáo?

Trương Thế Tử

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.