Việt Nam Thời Báo

Giáo sư Ngô Bảo Châu ‘có quan điểm trái với sự giáo điều’

BBC

Một giảng viên ở Hà Nội nói với BBC rằng bà tin “Giáo sư Ngô Bảo Châu chẳng để ý chuyện ông đang bị bôi nhọ” và rằng bà khâm phục “một trí thức thành danh ở nước ngoài vẫn tha thiết với những vấn đề xã hội của Việt Nam”.

GS Châu (giữa) thường xuyên về Việt Nam làm việc và thăm thân
Mạng xã hội tại Việt Nam đang lan truyền những bài ‘Tiếc cho nhân tài Ngô Bảo Châu; Ngô Bảo Châu – một con trâu biết làm toán’ hay ‘Ngô Bảo Châu – một con chó phản chủ…’

Một bài trong số này đăng trên blog có đoạn viết: “Ngô Bảo Châu tiếp tục cổ súy cho các hành động sai trái chống phá đất nước của những tên phản động như Lê Công Định, Nguyễn Đình Thục, Đặng Hữu Nam, Mẹ Nấm…”

Cuối tháng trước, Giáo sư Châu là một trong 15 nhà khoa học của nhiều quốc gia được bầu làm viện sĩ tại Viện Hàn lâm khoa học Pháp.

Hồi tháng 12/2016, ông quyết định hiến toàn bộ tiền thưởng giải Fields năm 2010 để tài trợ cho Tạp chí Pi dành cho các học sinh, sinh viên yêu toán.

Trên trang cá nhân có nhiều lượt theo dõi, gần đây ông chia sẻ link ký thỉnh nguyện thư đòi trả tự do cho blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm).

Tháng 6/2017, đề cập về tập thơ Thành Phố Dịu Dàng bị thu hồi, Giáo sư Ngô Bảo Châu viết: “Đã vào thiên niên kỷ thứ ba lâu rồi mà ở đâu đó trên quả đất này vẫn có ai đó muốn kiểm soát thơ, cho rằng thơ không được chủ quan, thơ phải hợp lý. Có phải họ nuối tiếc một cái gì đó mà đáng ra nên vĩnh viễn cho yên nghỉ với thiên niên kỷ trước hay không?”

Trí thức người Việt thành danh ở nước ngoài thì nhiều, nhưng người tha thiết quay về đóng góp cả về nghề nghiệp và về những vấn đề xã hội của Việt Nam như Giáo sư Châu là rất hiếm hoi.
Giảng viên Nguyễn Hoàng Ánh

‘Dũng cảm và dấn thân’

Hôm 12/7, bà Nguyễn Hoàng Ánh, giảng viên đại học nói với BBC từ Hà Nội: “Tôi tin Giáo sư Ngô Bảo Châu chẳng để ý chuyện ông đang bị bôi nhọ đâu.”

Chắc ông thừa hiểu xã hội Việt Nam giống như căn nhà đóng cửa lâu năm, mới mở cửa đón làn gió mới, nên có thể một số người bên trong có phản ứng không phù hợp.”

“Tôi cũng không cho rằng chuyện ông bị bôi nhọ liên quan đến chính quyền, vì không có tin nào như vậy trên báo chính thống.”

“Theo như tôi thấy, có thể nguyên do của việc này là vì ông có những quan điểm trái với sự giáo điều về tôn sùng Hồ Chí Minh hay phản đối việc bắt giam blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.”

“Ông Châu là một trí thức chân chính, nói theo kiểu ngày xưa là “uy vũ bất năng khuất (người cương trực không chịu khuất phục kẻ có quyền thế).”

“Trí thức người Việt thành danh ở nước ngoài thì nhiều, nhưng người tha thiết quay về đóng góp cả về nghề nghiệp và về những vấn đề xã hội của Việt Nam như Giáo sư Châu là rất hiếm hoi,” bà Nguyễn Hoàng Ánh, nói. “Tôi cho đó là sự dũng cảm và dấn thân.”

Ông Nguyễn Quang Thạch, người khởi xướng chương trình Sách Hóa Nông Thôn nói với BBC: “Theo tôi, việc một số trang mạng hạ bệ giáo sư Ngô Bảo Châu thì không thể gọi nó là chiến dịch và không đáng bận tâm.”

“Điều đáng nghĩ là những phát ngôn rất đỗi hiển nhiên mà người có tri thức nào cũng có khái quát và phóng ngôn lại thu hút số đông quan tâm và cả đám đông chống đối.”

“Điều này, một phần phản ánh tính yếu của đám đông, họ xả ẩn ức về thực trạng xã hội qua quan điểm của một cá nhân, và một đám đông khác không chấp nhận quan điểm trái chiều. Xã hội có đám đông chỉ dừng ở xả ẩn ức qua và bằng ngôn từ thì thiếu sức mạnh nội thân để đấu tranh chống lại cái xấu và kiến tạo văn minh quốc gia.”

Danh tiếng của Giáo sư Ngô Bảo Châu là có thật chứ không phải là một sản phẩm của truyền thông để quý vị có thể sử dụng truyền thông, ngay cả chính thống, mà hạ bệ. – Nhà báo Huy Đức

Giáo sư Ngô Bảo Châu đọc diễn từ tại Viện Hàn lâm Khoa học Pháp hôm 20/6
“Hạ bệ một trí thức cụ thể nào đó là chỉ số xấu. Nhưng sự hạ bệ kinh khủng nhất và kéo lùi sự phát triển của xã hội là sự hạ bệ trí thức của đám đông.”

“Sự hạ bệ đó được thể hiện qua những người lớn khẳng định ‘trẻ em không đọc sách’, nhà trường không giúp trẻ em đọc sách, và xã hội vẫn để hơn 14 triệu trẻ em chưa được nghe và đọc sách. Vậy, để một ngày đẹp trời, những phát ngôn hiển nhiên của một trí thức nào đó không bị chụp mũ, thì cần một đám đông trân quý tri thức bằng cách chia sẻ nó rộng rãi.”


Cùng thời điểm, nhà báo Huy Đức viết trên Facebook cá nhân: “Đừng nghĩ truyền thông Việt Nam đã “dựng” Ngô Bảo Châu lên như dựng vài thần tượng khác.”

“Chính truyền thông và một vài chính trị gia đã khai thác sự ngưỡng mộ của dân chúng trước tài năng toán học xuất chúng của ông để đánh bóng hình ảnh cho họ.”

“Chắc giờ đây có người nhận ra Ngô Bảo Châu là một học giả tầm cỡ quốc tế chứ không phải là “một con cừu” nội địa. Nhưng, quý vị nên nhớ, danh tiếng của Giáo sư Ngô Bảo Châu là có thật chứ không phải là một sản phẩm của truyền thông để quý vị có thể sử dụng truyền thông, ngay cả chính thống, mà hạ bệ.”


Trước đó, Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, Đại học Toulouse, Pháp, viết: “Thật ra, những điều Giáo sư Ngô Bảo Châu nói ra, từ bô xít cho đến Mẹ Nấm… mới chỉ ở mức nhẹ, chẳng có gì là ghê gớm hay bí mật, ai có khả năng tự tìm thông tin và suy luận đúng đắn cũng nhận thấy được.”


“Tuy nhiên, trong thời đại Internet này, chính sách ngu dân có thể làm chậm lại sự tiến bộ của xã hội, nhưng cuối cùng thì làm sao có thể ngăn cản nổi nhu cầu văn minh hoá, tự do hoá về tư tưởng của cả trăm triệu người dân.”

Giáo sư Ngô Bảo Châu vào hè năm ngoái gỡ một bình luận gây tranh cãi của mình trên Facebook.

Vào hôm 19/05/2016, trên Facebook cá nhân của mình, Giáo sư Châu viết: “Có quý‎ mến ai thì mong họ thoát khỏi vòng luân hồi, đừng bắt họ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta.”

Bình luận này nhận được trên dưới 20.000 người “thích”, hàng trăm bình luận và cả ngàn lượt chia sẻ nhưng đã được gỡ bỏ sau khoảng hai giờ kể từ khi đăng.

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.