Trúc Chi
(VNTB) – Hôm 17 tháng 4 năm 2021, sau 11 tháng kể từ ngày tạm giam khởi tố, xét xử và bắt đầu thi hành án, cuối cùng ông Nguyễn Tường Thuỵ đã được phép gặp mặt gia đình.
Bà Lân vợ ông Thuỵ cho hay hiện ông Thuỵ đang thi hành án tại trại giam Phú Giáo sau 2 tháng ở trại tạm giam Bố Lá. Cuộc gặp mặt đầu tiên này kéo dài 1 giờ đồng hồ sau gần 1 năm gia đình không có được tin tức trực tiếp từ ông Thuỵ.
Bà Lân kể bà không thể nhận ra chồng vì ông Thuỵ vừa gầy, vừa đen, lại hốc hác. Khi nói chuyện ông Thuỵ hay nói lắp, hay quên và muốn nói gì cũng phải nghĩ một lúc. Trước đó cũng đã từng có tin sức khoẻ của ông Thuỵ bị sút kém đi rất nhiều.
So với nơi tạm giam tại số 4 Phan Đăng Lưu và Trại Bố Lá, ông Thuỵ cho biết trại An Phước có tốt hơn. Ở trại An Phước ông Thuỵ ở chung phòng cùng với một tù nhân là giáo dân Phật giáo Hoà Hảo, và một người ở Tây Nguyên. Phòng giam ở trại An Phước rộng 20 mét vuông, có ti vi và quạt máy, bệ nằm lát đá hoa. Bữa ăn cho tù nhân cũng tốt hơn những trại trước.
Trại tạm giam số 4 Phan Đăng Lưu nơi ông Thuỵ phải ở 8 tháng trời trong thời gian điều tra vụ án từng được các tù nhân từ trải qua thời gian ở đây tường thuật lại là một nơi vô cũng ngột ngạt. Buồng giam kín mít, chỉ có đúng một cái lỗ 15x20cm để đưa thức ăn vào hoặc tống rác thải ra ngoài. Bên trên có lưới thông hơi nhưng thường bị bịt kín do bụi bặm đóng lại. Ông Điếu Cày Nguyễn Văn Hải kể rằng lớp bụi này tù nhân thay phiên nhau lau chùi nhưng chỉ được chốc lát rồi bụi lại bám vào ngay.
Vì vậy phòng giam chật hẹp, nóng bức như một cái lò nung, khí thở đặc quánh, nhất là vào mùa hè từ tháng 4, 5 trở khi Sài Gòn bước vào mùa nóng nhất trong năm. Với điều kiện như vậy thì có lẽ không một ai có thể ăn ngủ được ở một nơi như thế. Chưa kể, không được đi ra ngoài hít thở khí trời hay tập thể dục thì việc bị ghẻ lở toàn thân cũng như tinh thần bị khủng hoảng trong hoàn cảnh như vậy là điều không thể tránh khỏi.
Điều kiện giam giữ khắc nghiệt ở ngay tại một thành phố được mệnh danh là trung tâm tài chính, kinh tế của cả nước khiến người ta nghĩ rằng đó là một hình thức tra tấn tù nhân gián tiếp. Chứ một thành phố phồn hoa có thu nhập đóng góp được trên một phần tư ngân sách cho cả nước thì lẽ nào lại có thể để một khu trại giam tồi tệ đến như vậy tồn tại ngay trung tâm thành phố?
Có lẽ vậy nên chắc ai cũng sẽ mong được chuyển trại cho thoải mái hơn. Tám tháng trời bị giam ở ắt là một cơn ác mộng cho ông Thuỵ mỗi khi hồi tưởng lại. Có lẽ phần nào cũng vì vậy mà ông Thuỵ thà không kháng án, chấp nhận đi trại khác. Bởi kháng án làm gì khi biết trước kết quả xét xử cũng không thay đổi nếu không làm đơn xin giảm án, trong khi thời hạn phải ở lại chờ phúc thẩm khác nào là tiếp tục để cho thân xác bị đoạ đày và khủng bố tinh thần không biết sẽ kéo dài đến bao lâu.
Theo những tù nhân đã trả xong án từ trại An Phước đã từng nửa đùa nửa thật nói rằng so với trại số 4 Phan Đăng Lưu thì đi trại An Phước giống như họ được đi nghỉ dưỡng. Nghe có vẻ chua chát, nhưng có lẽ là như thế thật.
Bà Lân hàng tháng phải từ Hà Nội bay vào thăm nuôi chồng khi bộ Công An quyết định giam ông Thuỵ cách xa nơi cư trú hàng ngàn kilomet. Sự tra tấn gián tiếp này với tù nhân lương tâm hay tù chính trị không có gì là lạ. Tù trong Nam thường được đưa ra miền Bắc và ngược lại.
Bà Lân đã được gặp chồng, biết được tin ông, nhìn thấy nhau có lẽ đã là chút an ủi phần nào. Những cái nắm tay, cái ôm sau gần một năm biệt tin biệt dạng sẽ chẳng bao giờ đủ. Chặng đường còn quá dài và gian khổ cho cả ông lẫn bà. Cơn ác mộng bị tra tấn trong cái hộp chật ém của ông Thuỵ đã phần nào chấm dứt. Nhưng còn cơn ác mộng của bà Lân vợ ông sẽ còn kéo dài thêm 10 năm nữa cho đến khi ông Thuỵ trả xong án nếu như không có đặc xá.
Ở đây nói đến khả năng không có đặc xá hay giảm án vì có lẽ ông Thuỵ hay bất kỳ những tù nhân án an ninh nào sẽ không viết đơn xin giảm án. Nói cách khác là họ sẽ không chấp nhận nhận tội để đổi lấy tự do.
Chặng đường dài ấy, có lẽ sẽ tiếp tục bằng niềm tin và hi vọng rằng ông Thuỵ đã ở tuổi 70 tnhưng sẽ còn đủ sức khoẻ cho ngày đoàn tụ gia đình, được hít thở bầu không khí tự do mà không phải bẻ cong chí khí.
Ông Phạm Chí Dũng vẫn còn ở trại trung chuyển Bố Lá sau khi quyết định không kháng án và vẫn chưa được tiếp xúc với gia đình.
Ông Lê Hữu Minh Tuấn vẫn còn ở trại tạm giam số 4 Phan Đăng Lưu để chờ ngày ra toà trong phiên xử phúc thẩm.