Phương Thảo
(VNTB) – “ Lòng thù hận tạo ra mâu thuẫn, chỉ có tình yêu thương mới bù đắp mọi lỗi lầm”
Những năm thế chiến thứ 2, Đức quốc xã đã tàn sát hàng triệu người Do Thái, hàng triệu người dân vô tội kể cả trẻ em đã bị giết hại dã man trên các quốc gia Âu châu nơi mà Đức quốc xã đi qua. Ở nhiều thành phố lớn các viện bảo tàng của người Do Thái được lập ra để tưởng nhớ các sự kiện đau buồn mà người Do Thái đã phải gánh chịu.
Các viện bảo tàng nổi tiếng có thể có tên gọi như Anne Frank ở Amsterdam, Đài tưởng niệm Holocaust ở Berlin ngay sát bên cạnh toà nhà Quốc Hội Đức như một lời tạ tội với những sinh linh vô tội.
Phần lớn các viện bảo tàng chỉ có tên gọi chung chung là Viện bảo tàng Do Thái ở hầu khắp các quốc gia châu Âu. Các bảo tàng này được những người Do Thái trên khắp thế giới đóng góp hàng triệu đô la và công sức nhằm gợi nhớ đến một giai đoạn đau buồn trong lịch sử của người Do Thái và thế giới.
Ở nhiều nơi trên các con phố lớn nhỏ ở Âu châu, nếu để ý khi đi bộ trên đường, người ta sẽ thấy chen lẫn các viên đá xanh nhỏ nhỏ lót đường, đôi khi là các miếng đồng có kích thước chừng 15×15 trên đó có tên họ của một vài người nào đó. Đó là tên của những người Do Thái cùng gia đình họ đã sống trong các căn nhà gần đó và bị sát hại.
Có những nơi, có các công trình nghệ thuật đơn giản để tưởng niệm các nạn nhân Do Thái; đôi khi đó chỉ là một viên đá có gắn một tấm biển bằng đồng, hay những đôi giày cũ kỹ được bọc đồng nằm dọc bên bờ sông, những giọt nước mắt thuỷ tinh gắn trên tường, hay đơn giản chỉ là một ngôi sao David đơn độc, một đoạn đường ray bị cắt đứt.
Tuyến đường xe lửa chở người Do thái đến trại tập trung bị cắt đứt vĩnh viễn, xe điện mang số 8 ở Amsterdam từng chở người Do Thái ga xe lửa cũng không còn được sử dụng…
Tất cả chỉ để nhắc nhở rằng, việc giết hại 6 triệu người Do Thái không được phép lặp lại và tuyệt nhiên không một nơi nào hiện diện những dòng chữ mang đầy tính phi nhân văn như “ đời đời căm thù Đức quốc xã.”
Tưởng niệm người vượt biển
Những ngày tháng 4 này, người Việt hải ngoại lại hồi tưởng đến những ngày vượt biển và những sự kiện đau buồn sau 1975. Nhiều thuyền nhân đã tự chọn “quên” chuyện buồn trên những chuyến tàu vượt biển vì đã hơn 40 năm rồi. Họ tụ tập lại những ngày cuối tháng tư chỉ để tưởng niệm hàng trăm ngàn người xấu số đã bỏ mình trên con đường vượt biển.
Thuyền nhân Việt Nam ở nhiều nơi trên thế giới đã tự đóng góp để xây dựng các đài tưởng niệm ở nhiều nơi trên thế giới vì chính phủ các quốc gia họ cư trú không cấp kinh phí cho các công trình này. Thuyền nhân Việt Nam hay còn gọi là Cộng đồng tỵ nạn cộng sản cũng không lập nên những bia căm thù cộng sản ở bất cứ nơi nào trên các quốc gia tự do.
Các công trình nghệ thuật hay bia tưởng niệm không ghi gì khác hơn ngoài tưởng nhớ những người đã bỏ mạng trên hành trình vượt biển và tri ân những người đã giúp đỡ thuyền nhân. Nhưng thật mỉa mai khi tấm bia tưởng niệm người vượt biển ở trại tỵ nạn ở Pulau Galang đã bị Indonesia đục bỏ dưới áp lực của nhà cầm quyền Việt Nam.
Có lẽ vì những tượng đài thuyền nhân là những biểu tượng lên án chế độ Cộng Sản Việt Nam. Do đó nhà cầm quyền Việt Nam luôn luôn tìm cách đánh phá, triệt hạ và dùng áp lực ngoại giao để ngăn chận và phá hủy những Tượng Ðài Thuyền Nhân Việt Nam.
Tấm bia đá bị đục bỏ lại là một chỉ dấu không thể chối cãi được về thiện chí muốn hoà hợp hoà giải dân tộc mà Hà Nội đang luôn kêu gọi khúc ruột ngàn dặm hướng về quê hương.
Người Việt hải ngoại vẫn không quay lưng với nước Việt khi mà bằng chứng là lượng kiều hối và đầu tư về Việt nam, cũng như những người trẻ mong mỏi quay về để tham gia các dự án khởi nghiệp, các bác sỹ hay giáo viên thiện nguyện gốc Việt, hay những người lớn tuổi quay về để dưỡng già.
Trăm năm bia đá thì mòn,
Vết thương cuộc chiến sau hơn 40 năm vẫn cứ chưa bao giờ được phép khép lại khi lòng căm thù vẫn được khoét sâu. Từ Đông sang Tây có lẽ duy chỉ có ở Việt Nam mới nở rộ “bia căm thù”.
“Bia căm thù” có mặt ở nhiều nơi ở Việt Nam và những tưởng đó chỉ là sản phẩm của những năm cuối thế kỷ 20. Thế nhưng lại những ngày cuối tháng 3 đầu tháng 4 của năm 2017, huyện Mỏ Cày – Bến Tre lại khởi công xây dựng và nâng cấp 3 bia căm thù Mỹ – Nguỵ với tổng kinh phí lên đến 12 tỷ đồng.
Mục đích của việc xây dựng “bia căm thù” đó là “nhằm giáo dục truyền thống cho cán bộ, đoàn viên, hội viên và học sinh về những sự kiện lịch sử của nhân dân… trong quá trình đấu tranh bảo vệ Tổ quốc.”
Điều mà họ muốn giáo dục, tuyên truyền cho thật ra không gì khác hơn là nuôi lòng thù hận – thù hận những người và dân tộc mà họ chưa hề biết mặt. Lòng thù hận của những người sinh ra khá lâu sau cuộc chiến 1975 nhưng lại có thể đắc thắng cho rằng đáng đời thằng Mỹ, thằng Pháp khi những cuộc tấn công khủng bố xảy ra trong đầu thế kỷ 21 ở trong lòng nước Pháp, nước Mỹ.
Chiến tranh luôn tàn khốc dù là những cuộc chiến chính nghĩa hay các cuộc chiến vô nghĩa… nhưng cuộc chiến nào thì người dân vô tội vẫn bị vướng giữa hai làn đạn. Hai mươi năm nồi da xáo thịt với hơn 2 triệu người Việt đã bỏ mình.
Hơn 40 năm, nhà nước cộng sản vẫn luôn kêu gọi hoà hợp, hoà giải dân tộc nhưng lại vẫn cho xây dựng bia căm thù Mỹ – Nguỵ như một lời nhắc nhở rằng tuyệt đối không được phép yêu thương kẻ đã từng là kẻ thù của mình.
Hơn 40 năm trôi qua, chính quyền trong nước vẫn loay hoay nuôi lòng thù hận bằng các bia căm thù “hoành tráng” được xây bằng tiền thuế của dân mà không nuôi được lòng thương xót cho đồng bào của hai bên chiến tuyến đã thiệt mạng vì bom đạn Mỹ hay súng đạn của Việt cộng để cùng chung tay xây dựng một Việt nam hùng mạnh.
Đến khi nào người cộng sản Việt Nam mới làm được như người Do Thái hay thuyền nhân Việt Nam khi hiểu rằng“ Lòng thù hận tạo ra mâu thuẫn, chỉ có tình yêu thương mới bù đắp mọi lỗi lầm”?