Việt Nam Thời Báo

VNTB – Hiến kế chống tham nhũng 1000 và lập ‘vệ binh đỏ’

Phùng Hoài Ngọc (VNTB) Trong mớ bòng bong rối ren hàng trăm vấn đề quốc kế dân sinh bung ra trong tháng 6 năm 2017, tôi xâu chuỗi 4 vấn đề và thử đưa ra hiến kế gửi tới nhà cầm quyền. 

Vấn đề 1. “Bộ Chính trị kiểm tra tài sản của 1.000 cán bộ cấp cao”. 
Vấn đề 2. Quốc hội đang thảo luận Luật cảnh vệ, nhiều đại biểu đòi bố trí cảnh vệ cho cán bộ lãnh đạo địa phương.
Vấn đề 3. Tuyên bố xoá biên chế 1,2 triệu giáo viên (sẽ thí điểm) bởi Bộ trưởng Giáo dục cùng phó thủ tướng Vương Đình Huệ.
Vấn đề 4. Thông tin mỗi năm có 200.000 cử nhân ra trường nhưng thất nghiệp (chưa kể hàng nghìn thạc sĩ cũng vậy) do Bộ Lao động TBXH cung cấp báo chí.
Dư luận xôn xao
Chúng tôi xâu chuỗi 4 sự kiện kể trên thành một “cụm giải pháp” và hiến kế cho lãnh đạo quốc gia.
Giảm:
Trước mắt để cứu tình trạng nợ công. 
Có thể hi sinh nền giáo dục vốn đã xuống cấp lâu rồi, thì cho xuống luôn bậc nữa, cũng chưa chết ai. 
Chỗ nào dễ cắt nhất thì giảm, xoá biên chế 1,2 triệu GV, khoán quĩ lương các trường học, họ tự xoay sở ắt sẽ giảm chi. 
Mặt khác, nảy ra vấn đề thiếu tiền làm sân bay Long Thành, ông Phạm Minh Chính, UVBCT, Trưởng ban tổ chức TW, đồng tình với Bộ trưởng Giáo dục và phó thủ tướng Vương Đình Huệ, nhẩm tính “giảm biên chế trong hai năm, chúng ta có trên 20.000 tỷ xây dựng sân bay Long Thành… Muốn làm vậy chúng ta phải giảm đầu mối, giảm biên chế theo đúng tinh thần nghị quyết 39 của Bộ Chính trị là có thể giải quyết được việc này”, ông Phạm Minh Chính nêu. Ông Chính tính kế “một mũi tên bắn hai đích”.
Giảm biên chế GV đồng thời chuyển họ sang ngành “cảnh vệ” và “vệ binh đỏ” (sẽ trình bày ở phần sau). Đó là “nhất cử lưỡng tiện”.
Tăng:
Lấy đâu ra nhân lực làm nhiệm vụ rà soát kiểm tra tài sản 1000 cán bộ cao cấp ?
Mỗi “mục tiêu” cần bao nhiêu nhân lực đi kiểm tra xác minh tài sản ?
Nếu một mình UBKT trung ương đi tác nghiệp 1000 mục tiêu thì dự tính mất bao nhiêu “kế hoạch 5 năm” để hoàn thành ?
Mặt khác nữa, Quốc hội đang bàn tăng cường cảnh vệ cho các quan chức đầu tỉnh (63 tỉnh thành). Số lượng cần bao nhiêu ? Nhẩm tính: số vị cần bảo vệ: 63 x 20 vị = 1260 vị. Nhiều lãnh đạo đầu ngành tỉnh sẽ ganh tị, con số này hàng chục người mỗi tỉnh thành. Lại hỏi thêm, còn cán bộ trung cấp thì sao ? Đừng tưởng đấy là cán bộ hạng “ruồi muỗi” thì khỏi lo. Số lượng này nhiều lắm. Cán bộ đứng đầu huyện và tương đương (khoảng 700 đơn vị). Số lượng cán bộ đầu ngành huyện ước chừng 20 người/đơn vị. Tổng cộng ước: 700 x 20 = 1400 vị cần được bảo vệ.
Số này sống gần dân, thực ra lại càng cần “cảnh vệ” vì Dân ngày nay có vẻ ngày càng manh động, điên tiết, không chịu mất thì giờ đi khiếu nại vòng vo (tình hình dân chúng manh động tự mình “thế thiên hành đạo” đã xảy ra ở Trung Quốc).
Trường hợp hot girl xứ Thanh có được tính vào số 1000 không, dù rằng cô ấy chỉ thuộc loại “trung cấp” hoặc “sơ cấp” (theo thang trình độ chức sắc của hệ Đảng). Nên ghép cô ấy liên danh vào một vị cán bộ CC ở xứ Thanh co được không ?
Kế dài hạn và ngắn hạn trong công tác diệt tham nhũng
Về mặt dài hạn, cần xây dựng thể chế tam quyền phân lập (I); Thành lập thêm ít nhất một đảng đối trọng (như Campuchia) – II; Hệ thống báo chí được tăng quyền tự do kiểm soát quyền lực (III); Ban hành luật lập Hội dân sự (IV); Ban hành Luật biểu tình (V).
Về ngắn hạn, huy động trưng dụng 200.000 cử nhân tốt nghiệp đang lay lắt tìm việc bất kể chuyên ngành đào tạo. Đây là lực lượng đầy nhiệt huyết, có kiến thức cơ bản. Chỉ cần được Uỷ Ban Kiểm Tra Trung Ương và Bộ Công An tập huấn thời gian ngắn, họ sẽ ra quân đồng loạt đi “đánh” tất cả các mục tiêu do Nhân dân chỉ điểm rải khắp 63 tỉnh thành. Hãy đi học kinh nghiệm Trung cộng tổ chức “hồng vệ binh giai đoạn 1966-1976”. Trong đó nhiều “hồng vệ binh” ngày xưa nay đã làm cán bộ lão thành của Trung cộng, thỉnh sang Việt Nam làm “chuyên gia, cố vấn”. 
Điều quan trọng tiên quyết là trung ương không sợ “vỡ bình quí”, cũng như “chúng ta không sợ tranh luận”. Chúng ta đã từng phê phán “hồng vệ binh Trung cộng” là man rợ nhưng “vệ binh đỏ” của chúng ta khác họ. Thử so sánh: Hồng vệ binh lập ra do chủ tịch Mao nhằm triệt hạ tư tưởng xét lại, mầm mống dân chủ tư bản trong đảng. Đồng thời Nhóm 4 tên do Giang Thanh cầm đầu nhằm diệt kẻ không cùng cánh để thâu tóm quyền lực đảng. Hai người cầm đầu phong trào “cách mạng văn hoá vô sản” nhưng đồng sàng dị mộng. Lực lựng thứ ba nén lòng chờ Mao nằm xuống, tập trung diệt Nhóm bốn tên. Tóm lại, hồng vệ binh Trung cộng là lũ choai choai ấu trĩ bị lợi dụng. Vệ binh đỏ của chúng ta là lớp thanh niên có tri thức, giàu lý tưởng yêu nước. Hai bên, chỉ giống nhau hình thức, còn nội dung tư tưởng thì khác nhau.
Bởi vì “vệ binh đỏ” Việt Nam có lý tưởng cao cả: diệt trừ tham nhũng, cứu nước.
Kiểm tra chéo 1.000 cao cấp và hàng vạn trung cấp
Nếu để địa phương tổ chức kiểm tra mục tiêu thì coi như “đánh bùn sang ao”. 
Ví dụ, đứng trước Đơn Tố cáo cả họ Bí thư Bắc Ninh làm quan, bà Phó bí thư lên tiếng “không quan tâm chuyện cá nhân”. 
Ví dụ “phố biệt thự” đắt tiền của quan chức Lào Cai hầu hết là quan đầu tỉnh. Quan chức nào trong tỉnh dám thanh tra đến cùng ?
Ví dụ ở Yên Bái, bí thư tỉnh ra lệnh cho cấp dưới kiểm tra xác minh bất động sản của “em trai là giám đốc Sở”. Kết quả kiểm tra thế nào thiên hạ biết trước rồi (Chị bí thư Trà diễn hài còn hấp dẫn hơn Trấn Thành, Việt Hương). Nghe giám đốc Phạm Sĩ Quý giải trình: “sổ đỏ đứng tên vợ tôi là Hoàng Thị Huệ”. Làm giám đốc mà ngu lâu, ông Quý quên rằng từ năm 2015 sổ đỏ phải có đủ tên cả hai vợ chồng (nếu chưa li dị). Hay là vợ chồng ông ta đã li dị rồi ?!
Ví dụ, công luận chỉ rõ hot girl xứ Thanh có gốc rễ lớn, lập tức phó bí thư tỉnh tuyên bố “yêu cầu công an vào cuộc xác minh kẻ tố cáo” để răn đe dư luận. Sau nữa “tam thập lục kế tẩu vi thượng sách”, cần xác minh ai đã đưa tiễn hotgirl bay đi New Zeland để xoá nhân chứng?…
Vậy, tốt nhất hãy tổ chức cho Kiểm tra chéo.
UBKT tỉnh này đi kiểm tra tỉnh khác.
Trường hợp Mục tiêu là quan chức tướng lĩnh Quân Đội, Công An thì làm sao ?
Đối với mục tiêu Quan chức ngành Công an thì huy động bên Viện kiểm sát quân đội vào cuộc, nhận nhiệm vụ.
Trái lại, mục tiêu là Tướng lãnh quân đội thì phân công Bộ công an nhận nhiệm vụ.
Bộ chính trị, Ban bí thư ngồi trực tổng hành dinh chiến dịch. Hàng ngày nhận báo cáo từ các mũi tiến công khắp cả nước.
Cuối cùng là kêu gọi toàn dân tố cáo và chống tham nhũng. Các tiểu đội Vệ binh đỏ được cấp kim bài bất khả xâm phạm, đi khắp nước lôi “mục tiêu” ra chất vấn. Hiệu quả cao, thời gian nhanh.

Tin bài liên quan:

VNTB- Có nên đưa Hán Nôm vào trường phổ thông?

Phan Thanh Hung

VNTB – ‘Trảm’ cuối năm

Do Van Tien

VNTB – Những Vương Hậu dưới tay Nguyễn Phú Trọng

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo