Việt Nam Thời Báo

VNTB – Binh sĩ tử trận, kiện tới âm ty – Diêm vương thiên vị, bị xử tội chết

Dương Tử dịch và giới thiệu

(truyện ngắn Bồ Tùng Linh, bộ “Liêu trai chí dị”, nguyên tác là “Diêm Vương chết)

 

(VNTB) – Nhân ngày 27/7 tác giả bất giác nhớ câu chuyện ma quỷ trong bộ sách Liêu Trai Chí Dị của Bồ Tùng Linh, đăng lên để gửi đến mỗi binh sĩ tử trận một lời an ủi siêu sinh tịnh độ nơi cõi khác.

***

 

LỜI DẪN

Từ câu chuyện cũ

Hà Nội từ lâu lưu truyền câu chuyện bi đát từ một người cựu chiến binh lính thông tin liên lạc sống sót sau chiến cuộc. Giữa Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, Hà Nội trực tiếp chỉ huy cuộc đánh chiếm thành cổ Quảng Trị. Một viên chỉ huy từ Quảng Trị gọi điện vô tuyến trực tiếp báo cáo về văn phòng tướng Giáp ngồi trong hoàng thành Hà Nội: “Báo cáo đại tướng, hoả lực địch bắn rát lắm, bắn liên tục, không nhích lên được. Cho rút quân được không ạ? Đại tướng vỗ bàn lớn tiếng, dằn giọng “Không được, phải chiếm thành cổ bằng mọi giá!”

Thành cổ chỉ rộng hơn 1 km vuông, đổ xuống đó 10.000 binh lính tử trận. Quân đội chiếm được rồi giữ được hơn 1 tháng, sau đó bị đối phương phản công giành lại. Binh sĩ gọi đó là cối xay thịt. 

Thời phong kiến, tướng lĩnh ở mặt trận có thể không nghe lệnh vua. Tuy nhiên, dưới thời cộng sản thì khác, Đảng ra lệnh là tuyệt đối chấp hành.

Nhân ngày 27/7 dịch giả bất giác nhớ câu chuyện ma quỷ trong bộ sách Liêu Trai Chí Dị của Bồ Tùng Linh, đăng lên để gửi đến mỗi binh sĩ tử trận một lời an ủi siêu sinh tịnh độ nơi cõi khác.

Theo quan niệm tâm linh phương Đông, người chết xuống âm phủ vẫn được dự các phiên tòa tái thẩm.Tòa án Diêm vương xử tiếp những vụ án oan và bỏ lọt tội phạm trên trần thế. Quan tòa Diêm vương trong truyện này, một lần cải trang đi vi hành trần gian dưới vai trò là ông quan họ Ngụy, đã nghe lời cầu xin của ông Mỗ con trai của phạm nhân. Diêm vương xử án không nghiêm, bị ma quỷ phản đối. Cuối cùng Diêm vương (trong vai viên quan họ Ngụy) lại bị xử tội chết. Ai xử tái thẩm vụ này ? Tòa Diêm vương là tòa cấp cao, nhưng chưa phải Tối Cao. Vậy, quan tòa Tối cao là ai nữa? là ông Trời chăng? Truyện tuy hư cấu hoang đường, song cơ bản là nội dung thông điệp nhà văn Bồ Tùng Linh gửi đến bạn đọc.

*TRUYỆN NGẮN BỒ TÙNG LINH*

“Cha của tuần phủ Mỗ hồi trước là tổng đốc một tỉnh phía nam, đã chết từ lâu. Một đêm ông Mỗ nằm mơ thấy cha hiện về, vẻ mặt buồn bã hoảng sợ nói “Ta lúc còn sống không làm nhiều tội nghiệt, chỉ có một lần cầm quân ở trấn, không nên điều động mà ta lại điều động, trên đường hành quân gặp phải cướp biển, toàn quân bị giết sạch. Nay vong hồn binh lính kiện ta tới tòa án Diêm Vương, chắc chắn ta sẽ bị hình phạt tàn nhẫn đáng sợ. Ngày mai có viên quan Kinh lịch họ Ngụy áp tải lương ghé đây, ông ấy chính là Diêm Vương (đi vi hành) đấy. Con nên kêu xin cho ta, nhớ đừng có quên”. 

Ông Mỗ giật mình tỉnh dậy lấy làm lạ, cũng không tin lắm. Lại nằm ngủ tiếp, rồi lại mơ thấy cha về trách “Cha đã gặp nạn mà con chưa chịu ghi nhớ lời dặn, lại còn cho là mộng mị hão huyền à?”. Ông càng kinh ngạc. 

Hôm sau ông Mỗ ra xem sổ sách, quả có viên quan Kinh lịch họ Ngụy ngày hôm nay áp tải lương sẽ ghé công đường, ông Mỗ dặn lính hầu hễ khách tới thì mời vào ngay. Khách vừa tới, ông Mỗ lập tức mời vào. Lại sai hai người giữ quan Ngụy ngồi yên rồi bước ra quỳ lạy như được gặp thiên tử. Lạy xong Mỗ quỳ khóc, kể lại mọi việc. 

Ông Ngụy lúc đầu không chịu nhận lời, ông Mỗ cứ quỳ mãi không chịu đứng lên. Ngụy mới nói “Đúng là có chuyện ấy, nhưng âm ty có phép tắc, không phải lôi thôi như ở trần gian, cho dù ta có muốn nương tay, sợ rằng cũng không làm được”. Mỗ càng tha thiết năn nỉ, Ngụy bất đắc dĩ phải nhận lời. Mỗ lại xin Ngụy xử án mau cho, Ngụy ngẫm nghĩ rồi băn khoăn là không có chỗ yên tĩnh lập tòa án, Mỗ xin quét dọn khách sảnh, Ngụy bèn ưng thuận. Ông Mỗ đứng dậy, lại nài xin cho tham dự phiên tòa đặng nghe trộm, ông Ngụy nói là không được, Mỗ năn nỉ mãi, Ngụy mới dặn “Tới đó thì phải im lặng không được lên tiếng, vả lại hình phạt ở âm ty tuy thảm khốc không giống như ở trần gian, song chỉ là tạm thời bị giết chứ không phải chết thật, nếu thấy điều gì cũng đừng run sợ”. 

Đến đêm, ông Mỗ lẻn vào núp bên hành lang khách sảnh, thấy dưới thềm la liệt tù nhân, kẻ đứt đầu, người cụt tay đông đặc, nhốn nháo. Dưới thềm đặt một cái bếp lửa vạc dầu, có mấy người đang cho củi nhen lửa. Chợt thấy Ngụy đội mão thắt đai ra bước lên ngồi, khí thế uy nghiêm dữ tợn, khác hẳn lúc ban ngày.

Đám quỷ cùng nhất tề lạy rạp xuống, đều kêu khóc là oan khổ. Ngụy nói “Các ngươi bị giặc giết, oan có đầu nợ có chủ, sao lại quy tội cho quan chỉ huy ?”. 

Bọn quỷ rầm rĩ nói: “Lẽ ra không đáng điều động, lại bị công văn không hợp lệ gởi tới nên chúng tôi mới gặp nạn, vậy ai đền cho nỗi oan khổ này chứ ?”. 

Ngụy lại giải thích quanh co, đám quỷ gào khóc, ồn ào náo động. Ngụy bèn tuyên án đem bỏ cha viên quan Mỗ vào vạc dầu. Xét về lý thì đúng, nhưng xem ý tứ thì Tòa chỉ xử án nhẹ thế cho đám quỷ hả dạ mà thôi. Lệnh vừa ban ra, lập tức có bọn quỷ đầu trâu giải người cha tới rồi lấy đinh ba xóc lên bỏ vào vạc dầu, nhúng sơ qua một lượt. Mỗ nhìn thấy trong lòng đau đớn, không kìm nén được, bất giác kêu lên một tiếng thất thanh, trong khách sảnh chợt vắng ngắt không còn ai nữa. 

Ông Mỗ than khóc quay về nhà riêng, đến sáng tới nhà khách tìm viên quan họ Ngụy thì thấy ông ta đã chết ở trong phòng. 

Chuyện này là do người ở huyện Tùng Giang tỉnh Giang Tô thuật kể lại, vì không phải là chuyện hay nên không nói rõ tên người”. 

LỜI BÀN 

1. Đáng lẽ vong hồn viên quan tổng đốc, cha của tuần phủ Mỗ, phải bị tội chết (chết lần 2) vì cầm quân kém cỏi làm chết nhiều binh lính ở cõi trần gian…Tuy nhiên Diêm vương mềm lòng nể lời cầu xin của con phạm nhân mà xử án bất công, nên phải chịu tội chết thay.

2. Bộ truyện ngắn Liêu Trai Chí Dị gần 500 truyện xứng đáng là 1 trong Ngũ Đại Kỳ Thư. Tiếc thay giới nghiên cứu văn học Trung Quốc chỉ tôn vinh “Tứ Đại Kỳ Thư”. Giáo trình Văn học Trung Quốc của họ soạn theo quan điểm văn nghệ Mác -Lê -Mao viết rất sơ sài về “Liêu trai chí dị”, chỉ nhấn mạnh yếu tố phê phán chế độ phong kiến. Thực chất là Liêu Trai Chí Dị phản ánh trung thực chế độ đó. Giáo trình VH Trung Quốc của Việt Nam biên soạn chủ yếu dịch lại của họ nên cũng sơ sài như vậy (trong khi đó, giới điện ảnh Hoa ngữ lại làm nhiều phim về Liêu trai chí dị và chân dung Bồ Tùng Linh).

Tiếc thay! 

Hi vọng các thế hệ sau sẽ nhìn nhận đầy đủ chân giá trị bộ tiểu thuyết vĩ đại này sau khi chọn lọc thành tuyển tập tinh chất hơn hiện nay. Số truyện có giá trị văn học ước chừng 65 % toàn tập.

3. Nối tiếp truyền thống truyện ma quỷ thần tiên Bồ Tùng Linh, nhà văn Mạc Ngôn viết tiểu thuyết Ma Chiến Hữu (Chiến hữu trùng phùng) phản ánh cuộc chiến biên giới Trung- Việt 1979. Mạc Ngôn là thạc sĩ thiếu tá Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc từng làm việc ở Tạp chí văn nghệ QGP, sau đó giải ngũ biết tự do. Ông viết tiểu thuyết Báu Vật Của Đời được tặng giải Nobel 2012 (nhà văn đoạt giải Nobel duy nhất ở Trung Quốc đại lục). Mới đây, Mạc Ngôn không được ghi vào danh sách 100 tác gia tiêu biểu thế kỷ 20 Trung Quốc, hẳn vì bị coi là không trung thành với lý tưởng Trung Cộng.

_______________

Chú thích

1/ Bồ Tùng Linh, (1640 1715), quê tỉnh Sơn Đông, sống thời Khang Hi, triều nhà Thanh.

Bản gốc:“Diêm La hoăng” 閻羅薨 hoặc 閻王薨 Diêm Vương hoăng, quyển 14 chương 10.

(có tham khảo bản Việt ngữ của Khuyết danh Dịch giả trên mạng)

Nguồn chính: https://kknews.cc/history/4kx4mkx.html

2/Tranh vẽ: cảnh Diêm vương xử án

(tham khảo FB. PhungHoaiNgoc)


Tin bài liên quan:

VNTB – Học trò Liên Xô trả nợ cho nước Nga Putin thế  nào?

Phan Thanh Hung

VNTB – Thưởng thức 3 tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp

Phan Thanh Hung

VNTB – Bài thơ Tau Chửi và Giải thưởng Sách Quốc gia 2021

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo