(VNTB) – Vu Lan năm nay, có thể cha sẽ không thể dẫn con tới viếng chùa như mọi năm, nhưng rồi mọi thứ sẽ qua, “sau cơn mưa trời lại sáng”, đúng không cha?
[ads_custom_box title=”Lời tòa soạn:” color_border=”#052ee8″]Bài viết này là một lá thư mà tác giả mong qua trang Việt Nam Thời Báo, giúp chuyển đến người cha của tác giả đang ‘tuyến đầu chống dịch’ ở bệnh viện dã chiến, khu Thủ Thiêm, Thủ Đức.[/ads_custom_box]
Cha thương yêu của con,
Con viết thư này trong tin tức dồn dập của hàng trăm ca tử vong vì dịch Covid tại các bệnh viện, nơi mà cha đang được tăng cường để chống dịch.
Vậy là kể từ cái cuộc gọi hôm ấy, con tạm thời không được gặp cha nữa. Dẫu biết rằng đây không phải là lần đầu tiên con với cha xa nhau, nhưng sao lần này, cái cảm giác bất an lại lớn đến thế!
Con nhớ, trong một bài nhạc, có câu hỏi, khoảng cách nào là xa nhất, đó có phải là khoảng cách của một vòng trái đất? Có lẽ vậy. Tuy nhiên, với con hiện tại, khoảng cách xa nhất chính là bề rộng của một dòng sông.
Chỉ một dòng sông, một cây cầu giữa quận 2 (giờ gọi là thành phố Thủ Đức) và quận Bình Thạnh mà thôi. Thế nhưng, thế nhưng, cho dù mỗi ngày có đứng nhìn đi chăng nữa, cho dù mong muốn được một lần nhìn thấy hình bóng của cha đang làm nhiệm vụ ở bệnh viện dã chiến, cũng không thể… Bề rộng dòng sông, với con, khi đó, chẳng khác gì khoảng cách của một vòng trái đất.
Dễ dàng hòa nhập, vui vẻ với mọi người là ưu điểm của cha, con biết. Nhưng đó cũng là điều con lo hơn khi cha chuẩn bị vào bệnh viện dã chiến thu dung ở quận 2. Bởi nó tựa như một con dao hai lưỡi, với đức tính đó, cha có thể sẽ đem đến sự nhẹ nhàng, thoải mái cho nhiều người nhưng lại rủi ro khi tiếp xúc, nói chuyện với quá nhiều người, nếu cha không trang bị kỹ lưỡng, và phút bất cẩn nào đó…
Cha từng là một quân nhân chuyên nghiệp, con tin cha hiểu chống dịch như chống giặc cần như thế nào, nhưng, con vẫn lo lắm…
Cha à, một người quen của con, bị thừa cân, không hút thuốc, nhưng khi xác định dương tính với Covid-19, không biết sao trở nặng rất nhanh, phải vào bệnh viện Chợ Rẫy nằm, thở oxy cùng nhiều biện pháp chữa trị khác. Cũng chính vì điều đó, lo lắng lắm, khi nói mãi cha không chịu bỏ cái tật hút thuốc và cơ thể thì lại “tròn trịa”.
Có những hôm, cầm máy điện thoại lên, gọi cho cha. Khi thì đổ chuông không bắt máy, khi thì không có tín hiệu, thuê bao không liên lạc được, con lại lo lắng nhiều hơn nữa. Nhiều đêm, nằm trằn trọc mãi, không biết rằng ở nơi xa ấy, cha đang như thế nào? Liệu có ăn uống đủ để tăng cường sức đề kháng hay không? Hay liệu sẽ có bất trắc gì xảy ra hay không? Một cuộc điện thoại vang lên giữa màn đêm, con sợ lắm. Sợ rằng, đó sẽ là một hung tin đến với gia đình mình.
Dẫu biết rằng, với một số người, đó cũng chỉ là bình thường, bởi nhiều người làm được, nhưng với con, tự hào lắm khi người thân, ở đây lại là cha, xung phong đi chống dịch.
Dẫu người ta có ví cha là anh hùng chống dịch hay rằng người nào ngại tiếp xúc với cha đi chăng nữa, song, với con, cha vẫn mãi mãi là cha. Một người cha bình dân, dung dị, luôn sẵn sàng hy sinh mình, chấp nhận khó khăn, lời ra tiếng vào từ nhiều phía vì con.
Vu Lan mọi năm, khi được một Phật tử cài lên ngực con một bông hồng đỏ thẫm, con vui và hạnh phúc lắm. Nhưng, nếu năm nay, cái điều ấy được lặp lại một lần nữa, con xin được dành tặng đóa hồng đó gửi đến cha. Người luôn quan tâm, chăm sóc con từ miếng ăn đến giấc ngủ, học hành.
Vu Lan năm nay, có thể cha sẽ không thể dẫn con tới viếng chùa như mọi năm, nhưng rồi mọi thứ sẽ qua, “sau cơn mưa trời lại sáng”, đúng không cha?
Và cái ngày đó, sẽ đến nhanh thôi…
Con yêu cha, và lúc con viết thư này, thứ sáu 13 tháng tám, cũng là sinh nhật thứ 18 của con… Con nhớ cha lắm, cha ơi!
Long Đức