Hàn Giang (VNTB) Từ ngày 24 –29/05/2017, theo ước chừng có khoảng hơn 500.000 con tôm hùm nuôi ở phường Xuân Yên và xã Xuân Phương trực thuộc thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên đã chết. Mặc dù các cơ quan, ban ngành chức năng ở tỉnh Phú Yên đã tổ chức họp bàn đưa ra nguyên nhân và giải pháp nhưng hàng trăm hộ nuôi tôm hùm ở đây đã không tán thành. Xác định nguyên nhân tôm hùm chết hàng loạt là do Công ty Nguyễn Hưng xả thải làm nhiễm độc nguồn nước nên liên tiếp mấy ngày qua các hộ nuôi tôm này đã tập trung trước công ty Nguyễn Hưng để biểu tình…
Các hộ nuôi tôm hùm ở phường Xuân Yên và xã Xuân Phương đến công ty Nguyễn Hưng biểu tình. Ảnh: Facebook Thanh Sin. |
Các hộ nuôi tôm hùm biểu tình và cần sự trợ giúp khắp nơi
Theo báo đài nhà nước thông tin, vào chiều ngày 29/05/2017, UBND tỉnh Phú Yên cùng các Sở ban ngành chức năng của tỉnh trong đó có Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn đã tổ chức cuộc họp xác định nguyên nhân ban đầu và tìm giải pháp để giải quyết tình trạng tôm hùm chết hàng loạt trong mấy ngày qua tại vịnh Xuân Đài, vùng trọng điểm là các vựa nuôi ở phường Xuân Yên và xã Xuân Phương. Con số tôm hùm chết ước lượng ban đầu đã lên đến hơn 500.000 con bao gồm các loại tôm hùm xanh và tôm hùm bông, thiệt hại về phía người dân từ mấy trăm tỷ cho đến 1000 tỷ đồng.
Theo báo TTO ghi lại lời của ông Trần Hữu Thế- phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết các cơ quan chức năng tỉnh xác định nguyên nhân dẫn đến hiện tượng tôm hùm chết hàng loạt bước đầu nghi là do hiện tượng thủy triều đỏ, trời nắng nóng, xuất hiện mưa giông là tầng đáy ở những vùng nuôi tôm hùm xuất hiện hiện tượng này, khiến khu vực đó thiếu oxy, làm tôm nuôi gần đáy chết nhiều. Còn theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Phú Yên, nguyên nhân ban đầu khiến tôm chết là do mật độ nuôi quá dày, thức ăn dư thừa, chất thải từ hoạt động nuôi tích tụ, gây ô nhiễm nguồn nước tại khu vực nuôi, tôm bị bệnh sữa…
Tuy nhiên, theo nghi nhận của Việt Nam Thời Báo khi thu thập ý kiến của các hộ nuôi tôm hùm tại phường Xuân Yên thì hầu hết không tán thành cách giải thích nguyên nhân của các ban ngành, cơ quan chức năng tỉnh Phú Yên. Các hộ dân ở đây cho rằng, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng tôm hùm chết hàng loạt vào mấy ngày qua là do gần khu vực nuôi tôm có công ty Nguyễn Hưng đã lợi dụng một ngày mưa giông và lén xả thải rồi sau đó các chất thải theo nguồn nước đến khu vực nuôi tôm dẫn đến việc tôm chết.
Theo chị Sí, một hộ nuôi tôm hùm ở khu phố Phước Lý, phường Xuân Yên cho Việt Nam Thời Báo biết là tôm hùm nhà chị nuôi chết mấy ngàn con, ước chừng số tiền thiệt hại là khoảng từ 500 đến 600 triệu đồng.
“Bữa đó có cơn mưa giông rất là to. Người dân nghi ngờ trong cơn mưa đó phía Công ty sẽ lợi dụng xả thải nước thải ra. Mưa xong, những ngày sau không có gió nên ứ đọng lại những chất hôi thúi khiến tôm chết»- Lời của chị Sí :« Bình thường nuôi nhưng cách mấy ngày nay thấy tôm chết, người dân xuống vớt lên thì thấy từ màu xanh chuyển sang màu đỏ. Người dân nghi là do công ty Nguyễn Hưng xả thải những chất thải ra nên mấy ngày này người dân tới biểu tình.”
Một hộ nuôi tôm hùm khác cũng ở khu phố Phước Lý, phường Xuân Yên cũng có tôm chết trong những ngày này là hộ ông Trần Van An. Chia sẻ với Việt Nam Thời Báo, vợ ông An cũng cho biết nguyên nhân dẫn đến hiện tượng tôm chết hàng loạt là do công ty Nguyễn Hưng xả thải.
“Việc nuôi trồng tôm ở đây là do gần nhà máy chế biến Nguyễn Hưng, nên nhà máy xả những nước sút tẩy quá nhiều, mạnh quá nên tôm ở đây ngã nghiêng ngã ngửa chết hết à, không còn con nào hết.”
Thiệt hại của gia đình được bà An cho biết có khoảng gần 10.000 con tôm các loại bị chết, ước chừng trên cả tỷ đồng. Giờ gia đình không còn gì bởi có bao nhiêu vốn liếng đã đầu tư hết vào số tôm hùm ấy, chưa kể là mấy người cháu của gia đình bà An cũng nuôi tôm hùm và ước chừng có người mất từ 700 đến 800 triệu đồng.
Bà An không đồng ý cách giải thích của các sở, ban ngành chức năng Phú Yên khi cho rằng nguyên nhân tôm hùm chết có nguyên nhân thời tiết. Bà An nói:
“Không phải đâu. Hồi nào nhà nuôi cũng 17 năm rồi, ví dụ tôm bệnh sữa thì một lồng mình nhốt khoảng 200 con mà bị bệnh sữa khoảng 5, 10 con thì mình mua thuốc về diệt vài ba bữa là xong liền hà. Nếu một bữa chết một, hai con thì mình vớt bỏ không đáng kể đằng này bữa hổm ngã lăn ngã ngửa hết không còn con nào hết, vậy bệnh sữa thì không có, bệnh sữa đâu mà chết cả mười mấy ngàn con như vậy. Còn thời tiết, mưa nước ngọt thì người dân có cách cứu vãn chứ đằng này cả lồng hơn 200 con đều ngã nghiêng ngã ngửa hết.”
Hầu hết các hộ nuôi tôm hùm ở khu phố Phước Lý ở đây đều bị thiệt hại tôm hùm chết, rất nhiều người mất hết vốn liếng, trắng tay. Có số hộ thì vớt càng vớt đại số tôm hùm đang nuôi dưới lồng lên bán tháo bán chạy với giá từ mấy chục ngàn cho đến khoảng 200.000đồng/kg .
Lãnh đạo tỉnh Phú Yên cho báo đài biết là yêu cầu ngành ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ, tái cơ cấu nợ cho người dân nuôi tôm hùm bị thiệt hại. Trong khi đó, các hộ nuôi tôm than thở tự mình chịu chứ hiện tại vẫn chưa thấy chính quyền giúp đỡ gì nhiều như lời bà An nói:
“Tự mình làm, tự mình ra xúm lại vớt bán được đồng nào hay đồng đó thôi chứ còn phường họ ra họ lấy mẫu xét nghiệm. Bây giờ tỉnh nói là để lấy nước xét nghiệm nhưng giờ nước nói hòa tan hết rồi. Bữa hôm mưa, nước đang ô nhiễm do người ta xả ra, nước thúi chịu không nổi, nước đen như xì dầu thì tôm sao mà chịu cho nổi”.
Phiá công ty Nguyễn Hưng, đối tượng duy nhất bị các hộ nuôi tôm hùm nghi ngờ khiến tôm chết hàng loạt mấy ngày qua vẫn chưa gặp mặt đối thoại với dân hoặc có cách gì đó hỗ trợ cho các hộ dân đang gặp hoàn cảnh khó khăn.
“Không nói gì hết. Công an ra cũng nói là do dịch bệnh, tôm nuôi dày ô nhiễm vậy thôi. Giờ dân yêu cầu ngưng hoạt động của công ty Nguyễn Hưng lại, không cho hoạt động nữa. Nếu tiếp tục hoạt động mà làm vậy thì dân chúng tôi không dám nuôi tôm nữa, giờ hết tiền rồi mà nhà nước có cho vay để nuôi lại cũng không dám nuôi nhưng mà mấy ổng cũng đâu có cho ngưng hoạt động.” – Bà An nói.
Khoảng ngàn người dân trong đó đa phần là các hộ nuôi tôm hùm ở phường Xuân Yên và xã Xuân Phương đã bức xúc kéo đến công ty Nguyễn Hưng để biểu tình liên tiếp mấy ngày qua. Người biểu tình yêu cầu công ty Nguyễn Hưng ngừng hoạt động. Bà An chia sẻ:
“Dân người ta kéo ra nhà máy đó bảo ngưng hoạt động, không cho hoạt động nhưng nhà máy đó vẫn hoạt động. Ở trong tỉnh về họp, biết bao nhiêu hộ dân ý kiến nhờ cấp trên không cho nhà máy đó hoạt động nữa, giờ nhà máy xả thải ra lại không thừa nhận. Có người nhìn thấy xả nhưng chỉ chút đỉnh mà không ngờ độc tố mạnh vậy, tôm cả làng ở đây chết hết, giờ nhà máy vẫn cho công nhân vào làm. Dân nhờ ở trên cứu giúp giùm, có người chạy xe vào trong tỉnh nhờ cấp tỉnh giải quyết nhưng chưa thấy gì. Người dân sốt ruột quá!”.
Sốt ruột trước thảm họa kinh tế ập xuống gia đình mình mà chưa biết rõ nguyên nhân chính xác, các hộ nuôi tôm hùm ở phường Xuân Yên và xã Xuân Phương cho Việt Nam Thời Báo thấy họ đang rất cần sự trợ giúp khắp nơi. Đồng thời các hộ nuôi tôm hùm này còn bày tỏ lo ngại liệu có sự lo lót nào dành cho các sở, ban ngành chức năng Phú Yên khiến tiếng kêu cứu của người dân cũng như không?./.