BBC
Nếu việc kiểm tra, giám sát tài sản là nhằm khôi phục lòng tin của nhân dân, thì những người ở vị trí cao nhất trong hệ thống chính trị cần công khai tài sản của mình trước tiên, theo Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam.
Việc kiểm tra nên bắt đầu từ “những người lớn nhất, lãnh đạo Đảng và nhà nước”, ông Trần Quốc Thuận nói với BBC hôm 29/5.
“Họ cần lên báo công khai và nói cho mọi người dân biết rằng ‘Tôi chỉ có bao nhiêu tài sản đó thôi’, nếu vợ chồng con cái có [những tài sản khác nữa] thì đề nghị báo công khai trên mạng, báo chí, cho báo chí tham gia, để nhân dân phát biểu tham gia.”
“Việc tuyên bố kê khai, công khai, kiểm tra tài sản là điều nói đi nói lại đã rất nhiều lần, nhưng với bản chất nhà nước là của dân, do dân, vì dân, mọi quyền lực thuộc quyền của nhân dân, thì để nhân dân kiểm tra là tốt nhất.”
“Quan chức cũng nên sẵn sàng từ chức nếu bị chứng minh cho thấy có tài sản nào khác ngoài số đã công bố,” luật sư Thuận đề xuất thêm.
‘Ai dám kiểm tra ai?’
Theo Quy định về kiểm tra, giám sát tài sản vừa được thông qua hôm 23/5, sẽ có khoảng 1.000 quan chức thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý rơi vào nhóm có thể bị kiểm tra, giám sát tài sản, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Lê Thị Thủy được truyền thông trong nước dẫn lời.
“Diện kê khai từ 1.000 người là gồm từ cấp thứ trưởng trở lên,” ông Thuận nói với BBC Tiếng Việt.
Một trong những mục tiêu là nhằm “phát hiện và xử lý tham nhũng”, theo nội dung Quy định.
Ông Trần Quốc Thuận, Luật sư, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam |
Bà Thủy được truyền thông Việt Nam đồng loạt dẫn lời khẳng định rằng việc kiểm tra sẽ ‘không có vùng cấm’, kể cả với các trường hợp là uỷ viên Bộ Chính trị hay thành viên Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Báo Người Lao động dẫn lời bà Thủy theo đó giải thích việc kiểm tra, giám sát tài sản có thể diễn ra khi “cơ quan, tổ chức có thẩm quyền”, được hiểu ở đây là Bộ Chính trị hoặc Ban Bí thư, lên kế hoạch kiểm tra.
Bà Thủy nói việc lên kế hoạch đó “từ nay trở đi sẽ có lộ trình”. Tuy nhiên, bà không nói rõ ‘lộ trình’ đó sẽ là định kỳ bao lâu một lần, hay vào thời điểm không xác định.
Bên cạnh ‘kế hoạch theo lộ trình’, việc kiểm tra, giám sát cũng có thể được thực hiện “khi có kiến nghị, phản ánh, đơn thư tố cáo có việc kê khai tài sản không trung thực”, hoặc “khi có dấu hiệu vi pham quy định của Đảng, Nhà nước về kê khai tài sản”, bà Thủy nói.
Theo Nghị định 78 được ban hành hồi 2013, có khoảng hơn một triệu người làm việc trong bộ máy chính quyền các cấp phải kê khai tài sản, thu nhập hàng năm, nhưng tỷ lệ bị xác định “không trung thực” là rất thấp, theo VnExpress, chỉ có năm vụ trong năm 2014.
Quan chức cấp cao cần công bố tài sản của mình trước người dân, theo Luật sư Trần Quốc Thuận |
Tuy nhiên, ông Trần Quốc Thuận cho rằng tính khả thi của Quy định phụ thuộc nhiều vào việc “ai kiểm tra ai, ai có quyền kiểm tra ai, ai dám kiểm tra ai, và ai để cho người ta kiểm tra”.
“Kiểm tra để biết, biết để làm gì? Nếu chỉ là hồ sơ lưu trữ, đụng đến mà không khéo là bị kỷ luật và thậm chí là có thể bị điều tra, truy tố vì đụng chạm đến đời tư…”
Tuy nhiên, nếu kỷ luật thì “Có lẽ cần nhắc lại câu của Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng:
‘Nếu kỷ luật hết, thì không còn người làm việc’,” ông Thuận nói., còn ngược lại, “nếu không làm một cách thực chất sẽ chỉ làm cho người ta thấy nhàm chán”
‘Bần cố nông’
‘Những người từng bỏ phiếu tín nhiệm là ai?’, Luật sư Trần Quốc Thuận đặt câu hỏi (ảnh minh họa từ kỳ họp Quốc hội Việt Nam hôm 22/05/2017) |
Khi được báo giới hỏi về việc công khai kết quả kiểm tra, bà Lê Thị Thủy cho biết Uỷ ban Kiểm tra Trung ương “sẽ có thông cáo và công khai đầy đủ đến các cơ quan báo chí và nhân dân”.
Bà cũng lấy ví dụ về việc sử dụng bản kê tài sản của người được bầu trong mỗi lần bỏ phiếu chọn
Chủ tịch Quốc hội khóa mới.
Tuy nhiên Luật sư Trần Quốc Thuận kể, trong thời kỳ ông làm việc tại Quốc hội, và sau này khi ‘hỏi thăm’ thêm thông tin, “thì hầu như những bản kê khai [tài sản] đó đều là bần cố nông hoặc dạng nghèo.
“Nhưng rồi đùng một cái nào biệt thự, villa, đất đai nhà cửa, chứng khoán này nọ… thì cái đó ít có người truy từ đâu mà ra. Cho nên việc kê khai nguồn gốc thu nhập là chuyện nên làm nhưng đã quá trễ rồi.
“Không ai cứ chờ đợi những lời hứa hẹn rằng phía trước bãi sa mạc là những rừng mơ – cứ nói thế người ta nghe người ta cũng chán.”