Nguyễn Huỳnh (ghi)
(VNTB) – Cho đến nay dường như vị Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, vẫn chưa ý kiến gì về dấu hiệu ‘trục lợi trong đại dịch’.
Có cảnh báo, trong lý thuyết kinh tế và tham nhũng công, dịch bệnh là một tình huống mà ở đó các điều kiện để phát sinh tham nhũng, hối lộ là rõ ràng và thuận lợi nhất.
Thể chế chính trị đơn nguyên, không chịu sức ép cạnh tranh giữa các đảng phái nên càng thuận lợi hơn trong các việc – tạm gọi nhẹ nhàng là ‘trục lợi trong đại dịch’ của phe nhóm quyền lực nào đó.
Cụ thể cho thắc mắc ở đây, là chỉ xét riêng mỗi việc mua sắm kit xét nghiệm (có thể) không minh bạch, không công bằng và (có thể) bị ảnh hưởng bởi vận động hành lang của các nhóm tư nhân. Tiếp đến, tần suất và số lượng test mẫu, vốn là chuyện của các nhà chuyên môn, người dân khó lòng có được chỉ một câu trả lời duy nhất.
Nhưng nếu như có một sự liên thông về số liệu, thì các tổ chức kiểm toán nhà nước có thể biết được số lượng tồn kho và đặt hàng của các nguồn cung kit xét nghiệm là bao nhiêu, đối chiếu với nhu cầu sử dụng thật. Từ đó phần nào biết được: Thứ nhất, liệu có phải vì một số công ty nhập quá nhiều nên ngành y tế yêu cần người dân phải test thật nhiều cho hết tồn kho?; và thứ hai, chi phí test có quá cao so với mặt bằng chung?
Việc kiểm định mức giá mua vào và mức giá đến tay “người tiêu dùng”, ở đây là người được xét nghiệm, như thế nào cũng là của các cơ quan chuyên môn, người dân sẽ không đủ kiến thức và dữ liệu để phán định như thế nào là rẻ, như thế nào là đắt.
Những thông tin trên báo chí rằng công ty nước ngoài chào bán chỉ 35.000 đồng trong khi giá đấu thầu lên đến 70.000 – 80.000 đồng cho một bộ kit xét nghiệm nhanh nên được nhìn nhận ở góc độ chi phí – lợi nhuận một cách thận trọng.
Và trên hết, nếu thật sự có trục lợi ích nhóm giữa Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII – Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, với Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá XI, XII, XII – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, và có thể là cả Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII – Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, thì có lẽ mọi chuyện không hề đơn giản.
Điểm chung của 3 chính khách xướng tên ở trên, đó là đều ở những vị trí then chốt trong bộ máy cầm quyền lúc bắt đầu xảy ra đại dịch Covid-19 tại Việt Nam. Khi ấy, ông Nguyễn Xuân Phúc là Thủ tướng đã ‘điều’ ông Nguyễn Thanh Long từ ghế Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, sang giữ chức Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng là người phân công Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch Covid-19, trực tiếp chỉ huy công cuộc phòng chống dịch. Trước đó, trung tuần tháng 10 năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định phân công Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tạm kiêm chức vụ Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Y tế, trực tiếp lãnh đạo toàn diện mọi hoạt động của Bộ Y tế.
Phu nhân của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là bà Đinh Đào Ánh Thủy được ghi nhận là “thân Trung”, qua việc bảo vệ thành công luận án tiến sĩ “Phát triển doanh nghiệp tư nhân ở Trung Quốc và một số gợi ý đối với Việt Nam”, năm 2007. Trung Quốc hiện là quốc gia duy nhất tiếp tục đeo đuổi chính sách Zero Covid.
Trở lại với câu chuyện số lượng sử dụng và giá cả kit xét nghiệm nhanh kháng nguyên Covid-19.
Việc của cơ quan công quyền, mà cụ thể ở đây là Bộ Y tế và các cơ quan thanh tra kiểm toán, là đưa ra được bộ công cụ kiểm soát đủ mạnh, có khả năng thực thi, có năng lực nhìn thấy trước, để giảm thiểu tình trạng trục lợi trong việc mua bán, cung cấp sinh phẩm, thiết bị y tế trong điều kiện đặc biệt như dịch bệnh.
Theo như thông báo của Bộ Y tế thì ngày 11-8, bộ này ra công văn số 6547/BYT-TB-TC đề nghị nghiêm cấm việc tăng giá, đầu cơ, tích trữ…, đồng thời bản thân bộ chỉ tiếp nhận vật tư, sinh phẩm y tế… qua nguồn tài trợ – viện trợ hợp pháp. Nhưng lúc này, mọi sự hầu như đã rồi.
Trong một nền kinh tế thị trường tự do thật sự, phải chấp nhận việc mua – bán thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế… là cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng phải thấy đó là một trạng huống không phải “thuận mua vừa bán” như thông thường, mà là tình thế người tiêu dùng cuối cùng không có quyền trả giá, ít ra là trong ngắn hạn.
Như vậy, với những gì đang diễn ra chỉ với mỗi chuyện số lượng sử dụng và giá cả kit xét nghiệm nhanh kháng nguyên Covid-19, cho thấy công luận có lý khi hoài nghi về “trục lợi” của nhóm lợi ích ngay trong bộ máy Đảng cầm quyền.
“Kết quả, người thua thiệt là người đóng thuế, thông qua việc ngân sách nhà nước bị lãng phí. Tầng lớp bị thiệt hại nhiều nhất là những người dễ bị tổn thương nhất trong dịch, những người mà cho đến giờ nếu cần đi làm mà chưa đủ hai mũi chích thì buộc phải có kết quả xét nghiệm âm tính.
Những điều tốt đẹp mà y bác sĩ và nhân viên của Bộ Y tế đã tận hiến cho công cuộc chống dịch đáng cho hàng chục triệu người tri ân.
Còn những gì mà một số người có thể đã trục lợi bằng cách cấu kết bất chính, gây lãng phí ngân sách của quốc gia, tức tiền thuế của nhân dân, và làm lung lay niềm tin của người dân, cũng cần được nhà chức trách điều tra và đưa ra kết luận. Đấy phải được xem là một tiến trình cần phải thực hiện ngay cả khi dịch chưa chấm dứt, ít nhất là nếu nhìn từ nhận thức và sự thông hiểu của người dân”.
Có ý kiến đề nghị cần thiết phải hành động như vậy nếu như vị Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thật sự quan tâm đến sự sống còn của niềm tin dân chúng về Đảng cầm quyền.