Lynn Huỳnh
(VNTB) – Chúng ta lo nổi không, trong khi xã hội còn nhiều nhu cầu khác nhau?
Chính phủ thời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cần đặt câu hỏi tại sao tư nhân mua được, họ theo đến cùng mục đích để mua vắc xin phòng Covid. Thế nhưng với Chính phủ lại chưa quyết liệt?
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh; Chủ tịch Hội dược học, Phó Chủ tịch Hội đông y thành phố Hồ Chí Minh, đã đặt câu hỏi như trên trong trao đổi với báo chí ở bên lề kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.
Công bằng mà nói, bà Lan không nhắc cụ thể tên của vị thủ tướng nào, song với thắc mắc sau đây đã gián tiếp cho thấy bà đang muốn nói đến chính phủ thời kỳ nào: “Chúng ta không thể ngủ yên trên những thành tích ban đầu là đã khoanh vùng, dập dịch với số ca đã khống chế được thấp hơn so với thế giới. Không bệnh này thì còn bệnh khác, với các bệnh truyền nhiễm, vắc xin vẫn là chìa khóa”.
“Chúng ta vẫn cứ Nhà nước lo hết, ngân sách lo hết. Thế nhưng chúng ta lo nổi không, trong khi xã hội còn nhiều nhu cầu khác nhau. Cũng không hiểu vì sao đến giờ Chính phủ, Bộ Y tế vẫn chưa cho tiêm vắc xin dịch vụ để công ty tư nhân phát huy thế mạnh”, bà Lan đặt vấn đề, và cho rằng việc chậm cho tiêm vaccine dịch vụ trên thực tế dễ phát sinh tiêu cực.
Điều này cũng giống như xã hội hóa ngành y tế. Các doanh nghiệp với thế mạnh bản thân sẽ có động lực nhập về và tiêm cho người có nhu cầu. Người ta sẵn sàng trả mức giá dịch vụ cao hơn, đôi bên cùng có lợi.
Thế mạnh của tư nhân mà Lan muốn nói đến, có lẽ là sự kiện Công ty cổ phần vắc xin Việt Nam (VNVC) đơn vị đầu tiên đặt mua vắc xin Covid 19 thành công và mang vắc xin về Việt Nam sớm nhất với số lượng vắc xin nhiều nhất.
Tháng 8-2020, VNVC đã tiếp cận được tập đoàn dược phẩm AstraZeneca, đơn vị đang cùng trường Đại học Oxford của Vương Quốc Anh nghiên cứu phát triển vắc xin ngừa Covid-19.
Sau nhiều cuộc đàm phán, tháng 11-2020, VNVC đã chính thức đạt thỏa thuận với AstraZeneca. Ngay lúc đó VNVC đã đặt cọc một số tiền rất lớn – đến những 30 triệu USD, tương đương gần 700 tỷ đồng Việt Nam, cho hãng AstraZeneca để tham gia vào quá trình phát triển vắc xin.
Lúc này, vắc xin mới thử nghiệm lâm sàng, nếu vắc xin không thành công, VNVC sẽ không được thu hồi số tiền ‘ứng’ đó, thậm chí còn phải tiếp tục đầu tư cho nghiên cứu, còn nếu nghiên cứu thành công, VNVC sẽ được ưu tiên đăng ký mua 30 triệu liều với giá ưu đãi.
Ngoài đầu tư tài chính, VNVC còn phải chứng minh các năng lực về nhập khẩu, bảo quản, vận chuyển, triển khai tiêm chủng và cam kết bình đẳng, chống gian lận, phá giá, tăng giá trong triển khai tiêm chủng… để đảm bảo các tiêu chí công bằng vắc xin mà nhà sản xuất hướng tới.
Đây là rào cản khó khăn đối với nhiều đơn vị khi tiếp cận, đặt mua vắc xin, tuy nhiên với lợi thế của hệ thống tiêm chủng vắc xin lớn hàng đầu Việt Nam, uy tín với nhiều nhà sản xuất vắc xin lớn trên thế giới, chứng minh năng lực toàn diện và ký kết hợp đồng thành công.
Ngay thời điểm đạt được thỏa thuận, VNVC phải đặt cược với chính mình khi đầu tư lớn cho hệ thống công nghệ thông tin, nhanh chóng mở thêm hơn 40 trung tâm trên toàn quốc, tuyển dụng và đào tạo hàng ngàn nhân sự, đầu tư hệ thống kho lạnh, xe vận chuyển… Tất cả diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn, tất cả vì mục tiêu sẵn sàng nhập khẩu, bảo quản và triển khai tiêm vắc xin Covid-19 cho hàng chục triệu người dân Việt Nam diễn ra an toàn.
Khi ấy, có lẽ VNVC không hề nghĩ là Bộ Y tế sẽ không cấp phép cho tiêm vắc xin dịch vụ, bởi vì chức năng chính của VNVC là nhập khẩu vắc xin về chích ngừa cho người dân đủ mọi lứa tuổi.
Thế nhưng để rồi theo yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Nghị quyết 61/NQ-CP ngày 19-6-2021, Bộ Y tế đã ‘tiếp nhận’ tất cả liều vắc xin Covid-19 từ VNVC theo nguyên tắc phi lợi nhuận. Giá chuyển nhượng ngang bằng với giá mà VNVC mua của AstraZeneca. Toàn bộ chi phí phát sinh trước thời điểm chuyển giao do VNVC tự chi trả.
Qua câu chuyện ở trên, bà Phạm Khánh Phong Lan – người từng giữ chức phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho rằng trong báo cáo đánh giá bài học của Chính phủ có đề cập việc tăng cường cơ chế xã hội hóa để tăng nguồn vắc xin. Tuy nhiên đến nay, cả nước vẫn chưa có chính sách tiêm vắc xin phòng Covid dịch vụ cũng như cơ chế khám chữa bệnh Covid ngoài công lập.