Việt Nam Thời Báo

VNTB – Nguyễn Tuân nhà văn áp dụng “Khổ nhục kế” để tiến thân

Dương Tử

 

(VNTB) – Thực ra trong lòng giới nghiên cứu, “nhà văn Nguyễn Tuân” đã “chết” ngay khi tham gia cách mạng. 

***

Quận Thanh Xuân Hà Nội có một con đường dài 800 thước rộng 14 thước mang tên Nguyễn Tuân. Gắn biển tên đường đợt đầu cùng với Tố Hữu,Nguyễn Công Hoan,Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng, Văn Cao,… cách đây vài năm.

Nguyễn Tuân (1910 – 1987) đời văn trải qua hai giai đoạn. Trước và sau Sự biến tháng Tám 1945. Nguyễn Tuân chỉ học đến cuối bậc thành chung ở Nam Định (tương đương với cấp trung học cơ sở hiện nay), từ bỏ Hán văn gia truyền, mê mải học tiếng Pháp.

Trước 1945, Nguyễn Tuân được gọi là nhà văn lãng mạn tài hoa hoài cổ một mình một chiếu không ngồi chung với ai. Sau 1945 gọi là nhà văn cách mạng hòa vào đám đông công nông binh.

Giới nghiên cứu văn học tin rằng nhà văn lãng mạn mang tên Nguyễn Tuân đã chết ngay sau 1945, nhất là từ khi ông thi hành “khổ nhục kế” để được lòng tin của Đảng. Từ đó trở đi, Nguyễn Tuân chỉ là cán bộ viết văn phục vụ “cách mạng” mà thôi.

Về sau này Nguyễn Tuân từng tâm sự với bằng hữu “Tôi phải biết sợ, nếu không đã chết lâu rồi”.

Chữ người tử tù  là truyện ngắn kiệt xuất của Nguyễn Tuân trước Sự biến tháng Tám 1945. Tác phẩm được xuất bản lần đầu tiên năm 1940 trong tập sách “Vang bóng một thời”. Đó là một bản tuyên ngôn nghệ sĩ và tuyên ngôn nghệ thuật độc đáo, khó có áng văn nào sánh được.

Năm 1945, đua theo Cuộc cướp chính quyền tháng Tám, Nguyễn Tuân nhiệt tình tham gia cách mạng và kháng chiến, trở thành một cây bút tiêu biểu của nền văn học mới. Từ 1948 đến 1958, ông được ban chức Tổng thư ký Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam. Nguyễn Tuân mất tại Hà Nội vào ngày 28 tháng 7 năm 1987.

Thực ra trong lòng giới nghiên cứu, “nhà văn Nguyễn Tuân” đã “chết” ngay khi tham gia cách mạng. Bởi, văn tùy bút cách mạng Nguyễn Tuân rất thô thiển, chẳng còn tài hoa chi nữa. 

Khổ nhục kế hi hữu trong làng văn

Nhìn Rõ Sai Lầm“- Nguyễn Tuân viết, đăng báo Văn nghệ:

Mở đầu, Nguyễn Tuân đổ tội cho chế độ cũ và người cha lỡ sinh ra và dạy dỗ ông:

Tôi là con một ông tú tài chữ Hán khoa thi cuối cùng. Tôi chịu ảnh hưởng nặng của tư tưởng phong kiến suy tàn do cha tôi truyền cho. Lúc còn nhỏ sống nhiều với đại gia đình, cha tôi kể lại cho nghe mọi cách ăn trên ngồi trốc, mọi cách ngồi mát ăn bát vàng (…) 

Nguyễn Tuân đổ tội cho thi sĩ Tản Đà người mở đầu phong trào Thơ MỚi Việt Nam: 

Tư tưởng giang hồ chơi ngông của Tản Đà, cách sống cầu kỳ của Tản Đà càng khơi sâu trong tôi những tư tưởng hưởng lạc hấp thụ được của cha”. 

Nguyễn Tuân kết tội giai cấp tư sản non trẻ ở Việt Nam:

Trên cái cơ sở hủ bại ấy của phong kiến tiêu dao, văn nghệ tư sản đồi bại của thời kỳ giữa hai cuộc chiến tranh đế quốc đã làm mọc thêm lên nhiều cây nấm độc. Tất cả những cái thèm khát cá nhân của tôi về ăn chơi giang hồ, tôi đưa hết cả vào truyện và tùy bút của tôi

Nguyễn Tuân đổ tội cho cả văn hữu và bạn đọc làm ông ta hư hỏng:

Tôi vào văn chương không gặp khó khăn. Trái lại tôi còn được ngay một số lớn những tâm hồn sa đọa khác ở các thành thị hưởng ứng theo, Những cái hư hỏng của tôi, tôi thêm nhiều xanh đỏ vàng bạc vào, họ cũng tưởng ngay tin ngay đó là cái đẹp cái tốt. Họ bèn liệt tôi vào hạng nghệ sĩ có tài. Tôi cũng nghênh ngang tự cho mình là đã có được một sự nghiệp trong văn chương. Và tự kiêu với cái hư danh xây dựng trên đống thối nát ấy. Nay tôi đứng trên lập trường nghệ thuật vị nhân sinh, đứng trên lập trường nghệ thuật cách mạng sáng tác vì lợi ích công nông mà tự xác định về cái “sự nghiệp” trước Kháng Chiến đó. 

Sau nữa, Nguyễn Tuân đổ tội cho các nhà xuất bản:

Cuốn sách đầu tiên tôi in ra năm 40 là tập truyện ngắn “Vang bóng một thời“,xuất bản đến ba lần ở ba nhà xuất bản khác nhau. Cuốn sách đầu tiên đánh dấu ngay tên tôi vào làng văn. Cuốn sách ấy cũng là những tang chứng đầu tiên về tội lỗi của tôi đối với dân tộc, với cách mạng”. 

*

Chưa thôi, Nguyễn Tuân tự bươi móc cả tác phẩm buổi đầu mới viết cho Kháng chiến mà còn đầy non kém lỗi lầm:

Cách mạng tháng Tám bùng nổ, tôi cũng thích, nhưng cái thích đó có tính chất bản năng của một người vừa bị ngợp chói trước ánh sáng vĩ đại. Cái thích đó chưa nâng được lên mức lý luận sâu sắc, nên tôi vẫn chưa dứt khoát đứng về phía nào. Cho đến toàn quốc kháng chiến, tôi mới thấy có sự chuyển hướng trong nhân sinh quan. Trong người cái tốt cái xấu còn lẫn lộn lộn xộn, nhưng tôi muốn làm việc có ích. Sau Kháng chiến tôi in được hai tập tùy bút “Đường vui”, “Tình chiến dịch” vào năm 49 và 50. Nội dung của những tuỳ bút viết sau Kháng chiến phần lớn vẫn còn mang nặng những cái tư tưởng cũ những cái hình ảnh cũ. Tôi vẫn còn luyến tiếc những cái cũ đó đem nó vào văn chương kháng chiến, tuy miệng thì vẫn tuyên bố là đã dứt khoát rồi với những nếp cảm nghĩ ngày trước. Tôi muốn thay đổi nhiều, nhưng tư tưởng hưởng lạc phong kiến của tôi vẫn còn bao vây tôi dầy đặc. Chỉ có một điều một chút khác trước là ngày nay sự hưởng lạc lẫn giấu kín đáo, chứ không lồ lộ nghênh ngang thường xuyên như trong sáng tác cũ.

(…)

Tôi phấn khởi đứng về phía bần cố nông mà thận trọng và cố gắng thể hiện cái tâm hồn sáng lên của dân cày có Đảng lãnh đạo. Tôi tin tưởng những biến chuyển mới ở nông thôn từ đây sẽ thổi vào tâm hồn và sáng tác của tôi những luồng sinh khí mới”.

 

Nguyễn  Tuân tháng Bảy 1953 (Văn Nghệ số 41, tháng 7/1953, phát hành trong vùng kháng chiến núi rừng Việt Bắc).

 

Điểm qua vài dòng văn cách mạng của Nguyễn Tuân

Năm 1967, khi phi công Mỹ John McCain bị bắn rơi và được điều trị tại Hà Nội, Nguyễn Tuân đã xin tới phỏng vấn, trò chuyện linh tinh, có lẽ vì tò mò thì hơn. Ông viết bài bút ký “Đèn điện phố phường Hà Nội vui sáng hơn bất cứ lúc nào”.

Trong bài bút ký, Nguyễn Tuân kể lại cuộc gặp phỏng vấn tù binh thiếu tá John McCain trong hỏa lò Hà NộiMc Cain nói: “Xin ông cho một điếu thuốc lá!’ Mích Kên nhìn tôi chằm chằm, sau khi nói tiếng Pháp như thế”.

Xin ông một điếu thuốc!’ Tôi lại cắm điếu thuốc Điện Biên thứ hai vào mồm thằng tư Kên”.

Nó gạt tàn thuốc lên ngực lông lá, cánh tay trái cẩn thận gạt nhẹ tàn tro vào cái gạt tàn. Nó khép chặt cánh tay vào nách, theo một thói quen của bọn giặc bay quen sống với buồn lái, ít khoa tay vung chân quá rộng, mà thường là cử động với những động tác khép khít hẹp ngắn, (Nguyễn Tuân cố ý khoe óc nhận xét tinh tế – chứ thực ra chi tiết ấy chẳng có ý nghĩa gì).

Ngôn từ văn chương có vẻ lưu manh, du côn, thô thiển hiếm có!

Chẳng còn đâu nhà văn tài hoa khí phách ngày xưa nữa.

Trong bài ký “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi. ngồi ở Hà Nội, Nguyễn Tuân viết bừa bãi về Sài Gòn như này đây:

“… nhưng cuộc sống Sài Gòn nay bị Mỹ nó phá quá chừng. Nam bộ làm ra thóc gạo, mà nay Sài Gòn phải ăn gạo Hoa Kỳ nó chở qua. Phố Tự Do ở Sài Gòn bây giờ đĩ mặc quần ni lông hiện ra cả giữa ban ngày. Sự sống Sài Gòn nay nhất đĩ nhì Mỹ, Mỹ và đĩ là cùng một vần. Bảng giá trị xã hội Sài Gòn nay là “nhất Mỹ, nhì đĩ, tam sư, tứ tướng”

Nguyễn Tuân, cùng với Hoài Thanh, buổi đầu đi theo cách mạng, rất sợ bị Đảng khinh rẻ lối văn “tiểu tư sản”. Trong Hội nghị chỉnh đảng, chỉnh quân ở Việt Bắc, nhà  văn tự sỉ vả thực kỳ lạ.

Nhà thơ Xuân Sách cây bút trào phúng đỉnh cao viết tập Chân dung 100 nhà văn hiện đại, có bài vịnh Nguyễn Tuân (bài  số 6/100)

Vang bóng một thời” đâu dễ quên

Sông Đà” cũng muốn đẩy thuyền lên

Chén rượu “Tình rừng” cay đắng lắm

Tờ hoa” lại trót lỡ ưu phiền

Nhà thơ Xuân Sách khẳng định rằng Nguyễn Tuân chỉ còn “Vang bóng một thời” đáng gọi là văn chương(đâu dễ quên). Ba tác phẩm ký “Sông Đà,Tình rửngvà tùy bút “Tờ hoaviết sau cách mạng đều bị giới phê bình văn học chê bai là thứ văn cố ý lập dị làm dáng, lởm khởm và vớ vẩn

Kết

Ngày nay bạn đọc coi lại bản tự kiểm điểm hăng hái tự xỉ nhục mình của Nguyễn Tuân, khó ai ngờ văn nghệ sĩ lại trải qua thời kỳ nhục nhã như vậy. Nguyễn Tuân đã thi hành khổ nhục kế đạt được sự tín nhiệm, được kết nạp đảng, được  tiến thân. Thực là hiếm có một “bản kiểm điểm văn chương” độc nhất vô nhị trong lịch sử văn học nước  nhà.

Khách bộ hành lững thững trên đường sẽ nhắc lại “khổ nhục kế Nguyễn Tuân” do ông ta tự viết lại và đăng báo Văn nghệ năm xưa.

Nhiều người sẽ còn luyến tiếc một văn tài Nguyễn Tuân trước năm 1945. Đi trên đoạn đường ngắn nhỏ hơn 1 cây số mang tên “Nguyễn Tuân”, người ta se buồn vì thấy nhà văn không xứng đáng với nhân vật con đẻ tinh thần tâm huyết của ông-nhân vật tử tù Huấn Cao vẫn quí trọng cái Đẹp trước ngày hành quyết.  


Tin bài liên quan:

VNTB – Ân oán giữa cựu tuyên giáo nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm và cố thủ tướng Võ Văn Kiệt

Phan Thanh Hung

VNTB – Phép vua thua lệ làng hay là mạnh ai nấy ăn?

Phan Thanh Hung

VNTB – Giáo dục Việt Nam có phải là quốc sách không?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.