Việt Nam Thời Báo

VNTB – Giáo sư Thêm rất kiên định với “tiên học lễ”

Thúy An

Bạn đọc viết

 

(VNTB) – Xuyên suốt mấy năm trời, ông Trần Ngọc Thêm vẫn kiên định với vấn đề bỏ “tiên học lễ” cùng với những lập luận na ná giống nhau, cũng không biết rằng ý muốn của ông là gì?

 

Những ngày cuối tháng 11, giáo dục dường như “dậy sóng” với ý kiến đến từ giáo sư Trần Ngọc Thêm về kiến nghị bỏ khẩu hiệu “tiên học lễ, hậu học văn”. Phần đông ý kiến là phản đối; một số đồng tình; vài người thì cho rằng nên điều chỉnh sao cho phù hợp với xã hội, không nên quá cứng nhắc….

“Tiên học lễ, hậu học văn”. Có thể nói đây là một khẩu hiệu mà có lẽ đa số những học sinh đều biết; cũng có khi bước chân vào môi trường học đường, đã nhìn thấy không chừng. Chữ Lễ trong văn hóa của người Việt từ ngày xưa cũng đã được ông, bà đề cao, coi trọng và tựa hồ như một trong những kim chỉ nam hình thành nên nhân cách của con người – “thành nhân trước thành danh”.

Chính vì thế, với kiến nghị của giáo sư Thêm, với tôi, đã thật sự gây ngạc nhiên, nhất là đối với một giáo sư chuyên về vấn đề văn hóa; có giáo trình về văn hóa, môn cơ bản ngay từ học kỳ 1 – năm nhất; lại đi kiến nghị như vậy.

Tưởng chừng như điều đó là hoàn toàn mới, đến từ một nghiên cứu nào mới của giáo sư Trần Ngọc Thêm, cho nên ông mới kiến nghị. Nhưng không…

Ngày 26-11-2021, giải thích về vấn đề liên quan “tiên học lễ”, báo chí dẫn trả lời của ông Thêm: “Sở dĩ tôi đưa ra đề nghị trên bởi đây là khái niệm hội tụ ở mức độ rất đậm đặc tính thụ động của người Việt Nam. Văn hoá Việt Nam hình thành trên kinh tế trồng lúa nước là một nền văn hoá âm tính, trong đó con người có đặc điểm là thường luôn thụ động. Tính thụ động này của văn hóa thể hiện rất rõ qua cách tiếp nhận và sử dụng khái niệm “trồng người”…”.

Dẫn chứng thêm, báo Tuổi Trẻ cũng viết: “Xã hội muốn phát triển thì điều quan trọng là cần phải có con người sáng tạo, mà để có con người sáng tạo thì trước hết phải có con người chủ động. Môi trường học đường cần đề cao, khích lệ tư duy phản biện, khai phóng. Không sử dụng những cách biểu đạt mang tính thụ động như “con ngoan trò giỏi” (“ngoan” theo nghĩa là “dễ bảo, vâng lời”, “giỏi” theo nghĩa “thuộc bài”)…”

Không quá khó khăn trong việc tìm kiếm thông tin từ Internet, ngày 27-6-2016, từ thời tân Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, báo chí cũng dẫn lời ông Thêm, ý tứ tương tự như 2021, “Xã hội Việt Nam truyền thống là xã hội nông nghiệp trồng lúa nước rất âm tính, với đặc trưng cơ bản là chỉ muốn sống yên ổn, ổn định. Muốn ổn định thì xã hội cần những con người ngoan ngoãn, biết vâng lời.

Bởi vậy mà triết lý giáo dục truyền thống của Việt Nam có thể tóm gọn trong bốn chữ cửa miệng mà mọi người Việt Nam, các trường học Việt Nam thường dùng, là “con ngoan, trò giỏi”. Con ngoan là biết vâng lời (Con cãi cha mẹ trăm đường con hư), trò giỏi là học thuộc bài (câu hỏi cửa miệng thường là “Đã học thuộc bài chưa?”). Nói đầy đủ hơn, đó là một triết lý giáo dục hướng đến ổn định….”.

Bên cạnh đó, về vấn đề chữ lễ trói buộc tư duy, phản biện, năm 2021, ông Thêm cho rằng: “…Chừng nào còn đề cao chữ “lễ” thì người học còn bị trói buộc trong quan hệ kính trọng một chiều. Chấm dứt sử dụng khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” sẽ là điều kiện cần để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo…”.

Năm 2016, ý tứ và câu từ của Thêm cũng có nét tương tự: “Chính là do ảnh hưởng của triết lý giáo dục “con ngoan trò giỏi” mà chúng ta đã khôi phục khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” ở khắp nơi, cứ tưởng rằng xã hội lộn xộn thì chỉ cần gò trẻ em vào lễ là xong. Nề nếp do lễ mang lại ở đâu chưa thấy, trong khi ai cũng biết rằng, Nho giáo và chữ lễ trói buộc con người, không cho sáng tạo thì rất rõ. Không sáng tạo, làm sao có phát triển?…”

“Không thể hiểu nổi từ đâu mà ông Thêm từ năm 2016 cho đến 2021 đều cho rằng chữ lễ trói buộc con người? Ông đã khảo sát hoặc lấy bao nhiêu mẫu rồi? Có trói hay không trói còn tùy vào mỗi người, chẳng lẽ điều này ông Thêm cũng không hiểu? Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh, làm sao ông Thêm có thể biết hoàn cảnh từng nhà để rồi “phán xét” lễ có trói hay không trói? Thôi thì gạt bỏ qua hết tất cả, để tồn tại đến tận hôm nay, để nhà trường đưa ra khẩu hiệu, để các nhà giáo dục lấy đó dạy con trẻ, thì dù thế nào đi chăng nữa, có lẽ không sai. Đem cả nền văn hóa, nếp nhà, biết bao thế hệ đi so sánh đúng sai với ông giáo sư, cá nhân tôi, chắc không theo quan điểm của ông giáo sư đâu”.

Có thể nói, xuyên suốt mấy năm trời, ông Trần Ngọc Thêm vẫn kiên định với vấn đề bỏ “tiên học lễ” cùng với những lập luận na ná giống nhau, cũng không biết rằng ý muốn của ông là gì? Không biết rằng ông có thù hằn gì với “tiên học lễ” hay không mà lại kiên định như vậy?

Thế nhưng, mấy năm như vậy, vẫn không cải thiện được gì, không lẽ người nghiên cứu khoa học như ông Thêm không nhận ra, cái ông đưa quá cứng nhắc và không phù hợp với văn hóa, phong tục, con người Việt Nam?

(*) Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả


Tin bài liên quan:

VNTB – Còn ác hơn cả mẹ Cám

Phan Thanh Hung

VNTB – ‘Tranh luận’ hay ‘đả kích’ về tôn giáo?

Do Van Tien

VNTB – Chữ Lễ có trói buộc tư duy?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo