Mục đồng
Bạn đọc viết
(VNTB) – Việt Nam tuân thủ luật pháp quốc tế chứ hoàn toàn không “bá đạo”, thích làm gì thì làm như tác chiến mạng viết.
Trong một bài viết đã được đăng khá lâu trên một wordpress mang tên “tác chiến mạng” với tựa đề: “Trường Sa là của chúng ông, chúng ông thích làm gì trên đó thì làm!”, có đoạn: “ѴNCH để mất Hoàng Sa năm 1974 cho Trung Quốc, thế nhưng các anh, chị mồm ra rả là ‘cộng sản để mất đảo’ . Ģiờ đâу Ѵiệt Nɑm cải tạo và xâу dựng đảo “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” thì lại nhảу dựng lên. Ƭóm lại, là các người muốn cái gì? Nói ngắn cho nó vắn: Trường Sa là của chúng ông, chúng ông thích làm gì là quyền chúng ông”.
Tuy là thế hệ sinh sau đẻ muộn, được nghe giảng những bài học mà “lịch sử chỉ dành cho kẻ chiến thắng”, thế nhưng, thật may mắn một điều, khoa học – kỹ thuật phát triển, nhiều thông tin được chia sẻ công khai hơn, chỉ cần chịu khó tìm kiếm và tra xét xem trang đó có đáng tin hay không, là hoàn toàn có thể kiểm chứng thông tin như thế nào?
Trở lại vấn đề, có thể “tác chiến mạng” nói không sai, trận chiến Hoàng Sa năm 1974 là của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) với Trung Cộng, thất bại cũng là do tương quan lực lượng quá chênh lệch, dù những người lính VNCH đã chiến đấu ngoan cường đến tận phút cuối.
“…Chiếc HQ-16 bị hư hại cố tiếp ứng cho HQ-10 nhưng bị đẩy ra xa bởi hỏa lực của quân Trung Quốc. Nó phải rút về phía đông nam, trong khi HQ-4 và HQ-5 rút về phía nam. Hai tàu săn ngầm lớp Hải Nam của Trung Quốc tới nơi khoảng trưa 19/1, bắn tiếp vào chiếc HQ-10 khiến nó chìm vào lúc 1g chiều…” (theo Carl O. Schuster, “Battle for Paracel Islands”, Historynet, 06-2017)
Thế nhưng, vẫn có một câu hỏi được đặt ra, dù là miền Nam hay miền Bắc đi chăng nữa, vẫn là người Việt Nam, vẫn là đồng bào chung cha mẹ là Lạc Long Quân – Âu Cơ. Hoàng Sa tuy thời điểm đó là của VNCH, thế nhưng vẫn là của người Việt Nam. Vì sao người cộng sản Bắc Việt khi đó biết mà vẫn không đồng lòng chống giặc ngoại xâm là Trung Cộng, mà chỉ phản đối suông?
“…Cùng lúc, Hà Nội phản đối động thái này của Bắc Kinh nhưng không hành động gì. Bắc Việt vẫn cần sự ủng hộ của Trung Quốc để tổ chức, động viên lực lượng của mình cho trận đánh cuối cùng nhằm giành quyền kiểm soát Nam Việt Nam.
Sau khi thống nhất đất nước vào tháng 4-1975, Hà Nội nhanh chóng giành quyền kiểm soát các đảo do Nam Việt Nam nắm giữ trên quần đảo Trường Sa. Những năm sau chiến tranh, Việt Nam tiếp tục phản đối việc Trung Quốc chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa và duy trì tuyên bố khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo này, cũng như với các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.
Việt Nam tuy vậy chưa bao giờ tìm cách chiếm lại Hoàng Sa. Nước này còn bị thua trong một cuộc hải chiến vào những năm 1980 khi Trung Quốc tấn công ba đảo đá san hô do Việt Nam kiểm soát thuộc quần đảo Trường Sa…” (theo Carl O. Schuster, “Battle for Paracel Islands”, Historynet, 06-2017).
Thôi thì “hòa hợp – hòa giải”, câu chuyện của quá khứ tạm thời gác lại, chính quyền Việt Nam bây giờ cũng đã khác lúc trước ít nhiều, đã trực tiếp khẳng định chủ quyền hòn đảo bằng việc củng cố phòng thủ và tiến hành tập trận hải quân. Thế nhưng, dưới con mắt của tác chiến mạng thì “chúng ông thích làm gì thì làm”.
Chúng ông ở đây là ai? Nếu không nói rõ ràng, cũng có thể chúng ông là tác giả bài viết, là admin của trang tác chiến mạng hay người upload bài lên trang tác chiến mạng cũng không chừng!
Việt Nam tuân thủ luật pháp quốc tế. Việt Nam có những bước đi ngoại giao cũng như khẳng định chủ quyền biển đảo một cách bài bản chứ hoàn toàn không “bá đạo”, thích làm gì thì làm như tác chiến mạng viết.
Hai vấn đề, Việt Nam tăng cường phòng thủ ở quần đảo Trường Sa với “Trường Sa là của chúng ông, chúng ông thích làm gì trên đó thì làm” là khác xa nhau hoàn toàn.
Hành động của Đảng và Nhà nước Việt Nam là một việc làm rất đúng, rất tốt về chủ quyền quốc gia, nhất là về Hoàng Sa – Trường Sa. Thế nhưng, dưới con mắt cũng như góc độ của ông bà nào đó viết bài trên trang “tác chiến mạng”, nó lại thành một hành động bá đạo, thích làm gì thì làm. Điều này là đang xuyên tạc với những gì diễn ra.
Bài viết của tác chiến mạng đăng tải ngày 21-2-2021, câu hỏi đặt ra, không lẽ lực lượng an ninh mạng không nhận ra đây là một bài viết mang “mùi” không đúng với thực tế, có yếu tố xuyên tạc? Nếu có, vì sao nó vẫn còn tồn tại đến tận bây giờ? Xem ra, có vẻ hơi khó hiểu…
(*) Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả