Việt Nam Thời Báo

VNTB – Nhìn lại để thấm thía nỗi đau khi không được quyền chọn lá phiếu bầu ‘đầy tớ’

Triệu Tử Long

 

(VNTB) – Thử cùng nhìn lại để thấy rõ hơn nữa ‘tài năng’ thật sự của một vài cá nhân trong vai trò ‘lãnh đạo chuyên trách’

 

Sau gần 2 năm chịu đựng đại dịch, nhiều người lo lắng không biết biến thể Omicron sẽ mang lại điều gì, liệu nó có giống Delta lúc mới xuất hiện, liệu mọi thành quả chống dịch có biến mất… Nhưng các chuyên gia y tế cho rằng còn quá sớm để kết luận bi quan.

Tuy nhiên đó là đánh giá của các chuyên gia y tế ngoại quốc. Riêng Việt Nam, theo công điện 1745/CĐ-TTg do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký ban hành ngày 19-12-2021, thì “Hiện đã có cơ sở khá rõ để đánh giá biến chủng Omicron lây lan nhanh hơn nhiều trong khi chưa có cơ sở để xác định độc lực thấp hơn so với biến chủng Delta”.

Ông Vũ Đức Đam yêu cầu căn cứ tình hình cụ thể trong từng lĩnh vực, từng địa phương có thể thống nhất với Bộ Y tế để nâng cấp độ dịch so với cấp độ dịch được xác định theo hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế.

Nghĩa là sắp tới đây nhiều địa phương sẽ đối mặt với lệnh tái giãn cách – phong tỏa kiểu ‘ai ở đâu ở yên đó’ để nhà chức trách ‘truy vết’ như đang diễn ra tại một số phường ở Hà Nội hiện tại.

Mọi chuyện vẫn còn ở thì tương lai. Giờ thử cùng nhìn lại để thấy rõ hơn nữa ‘tài năng’ thật sự của một vài cá nhân trong vai trò ‘lãnh đạo chuyên trách’.

Đêm tháng 5 định mệnh

Biến chủng Delta được phát hiện tại TP.HCM trên 02 người bệnh (BN4514, BN4583) ở Quận 7 vào ngày 18 tháng 5 năm 2021 do Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford – Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới thực hiện, sau đó kết quả giải trình tự gene mẫu bệnh phẩm từ chùm ca điểm truyền giáo Phục Hưng và các ca khác trên địa bàn Thành phố đều thuộc biến chủng này.

Từ thời điểm đó đến nay, qua định kỳ giải trình tự gene các chủng gây bệnh trên những người bệnh tại các bệnh viện trên địa bàn Thành phố chưa phát hiện biến chủng mới nào khác.

Có thể tóm tắt diễn biến dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Thành phố theo các giai đoạn như sau:

Ngày 29-4-2021, Thành phố ghi nhận ca nhiễm đầu tiên tại quận Bình Tân (từng tiếp xúc gần với trường hợp dương tính SARS-CoV-2 tại tỉnh Hà Nam). Đến ngày 18-5-2021. Thành phố phát hiện thêm 02 ca nhiễm cộng đồng tại Quận 7 và thành phố Thủ Đức, đều là nhân viên kiểm toán trong cùng 01 công ty, đều do biến chủng Delta.

Ngày 27-5-2021, Bệnh viện Nhân dân Gia Định phát hiện 03 trường hợp có triệu chứng đến khám tại bệnh viện và được tầm soát, chẩn đoán xác định nhiễm SARS-CoV-2. Từ 03 trường hợp này, Thành phố điều tra truy vết hàng loạt chùm ca nhiễm trong cộng đồng, điển hình là chùm ca liên quan điểm truyền giáo Phục Hưng tại Gò Vấp và nhiều trường hợp khác.

Sau đó, tất cả các quận, huyện đều ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng. Nếu như vào thời điểm đầu tháng 5-2021, số ca mắc chỉ lẻ tẻ ở một vài quận, huyện (tương đương dịch cấp độ 1) thì chỉ sau 4 tuần, chỉ số lây nhiễm đã chuyển sang cấp độ 2 (từ 20 ca đến dưới 50 ca mắc/100.000 dân/tuần), Sau đó, số ca mắc trong tuần tiếp tục tăng nhanh từ 1.674 ca/tuần lên 3.317 ca/tuần. Giai đoạn này, Thành phố đã thành lập 02 bệnh viện dã chiến (900 giường) và chuyển công năng của 09 bệnh viện trở thành bệnh viện điều trị Covid-19 (4.238 giường).

Dịch bệnh vẫn tiếp tục lan rộng, đến ngày 07-7-2021, chỉ số lây nhiễm trong cộng đồng đã chuyển sang cấp độ 3 (từ 50 ca đến dưới 150 ca/100.000/tuần), đây cũng là thời điểm dịch bùng phát mạnh nhất với số ca tăng cao tại hầu hết các địa phương trong Thành phố, số ca nhập viện tăng nhanh từ 3.317 ca/tuần lên đến 11.069 ca/tuần, số ca tử vong bắt đầu có hiện tượng tăng dần mỗi ngày (từ 02 ca vào ngày 07 -7-2021 tăng dần lên 17 ca vào ngày 17-7-2021).

Dịch bệnh tiếp tục lây lan rất nhanh, cho đến ngày 16-7-2021, tình trạng dịch của Thành phố tiếp tục chuyển sang cấp độ 4 (> 150/100.000/tuần), số ca mắc mới mỗi ngày vượt con số 2.000 ca/ngày. Ở giai đoạn này, tất cả bệnh viện dã chiến và bệnh viện điều trị Covid-19 trên địa bàn Thành phố đều bị quá tải, mặc dù Thành phố đã liên tục thành lập thêm 10 bệnh viện dã chiến với quy mô 24.027 giường và chuyển công năng thêm 5 bệnh viện lên 14 bệnh viện chuyển đổi (4.238 giường), số ca tử vong ở giai đoạn này tăng cao (từ 50 ca/ngày vào ngày 21-7-2021 đã tăng lên 114 ca/ngày chỉ sau 01 tuần, đỉnh điểm là 340 ca/ngày vào ngày 23-8-2021).

Đáp ứng diễn tiến của tình hình dịch bệnh, số bệnh viện dã chiến liên tục được thành lập, tính đến ngày 17-8-2021, Thành phố đã thành lập 25 bệnh viện dã chiến (với tổng quy mô lên 39.398 giường) và chuyển công năng 54 bệnh viện (với 15.261 giường). Trong vòng 01 tháng sau đó, Thành phố tiếp tục thành lập thêm các bệnh viện dã chiến và đầu tư khẩn cấp bổ sung thêm nguồn oxy cho các bệnh viện (từ hơn 2.000 giường oxy đã tăng lên 13.000 giường oxy). Tổng cộng Thành phố đã thành lập 32 bệnh viện dã chiến (42.798 giường) và chuyển công năng 64 bệnh viện (17.062 giường).

Có thể nói, từ trung tuần tháng 7 đến trung tuần tháng 9, cả Thành phố đã trải qua những ngày hết sức khó khăn do đỉnh điểm của dịch bệnh kéo dài suốt hơn 2 tháng.

Lệnh trên: phải ‘zero Covid’

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng nhận định số bệnh nhân Covid-19 không có triệu chứng ngày càng cao nên bên cạnh khoanh vùng, truy vết, có thể phải tính phương án “sống chung với lũ”.

Ý kiến trên được bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) nói tại cuộc họp Ban chỉ đạo chống dịch của TP.HCM chiều 25-6-2021. Cuộc làm việc diễn ra trong bối cảnh TP.HCM đã ghi nhận 2.397 ca nhiễm và trong 24 giờ qua phát hiện thêm 667 ca nghi nhiễm.

Ý kiến trên đã đi ngược lại chính sách ‘zero Covid’ của Bộ Y tế cùng vị Trưởng ban phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia, nên UBND TP.HCM đã có quyết định số 2484/QĐ-UBND ngày 09-7-2021 về biệt phái ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (HCDC) trực thuộc Sở Y tế TP.HCM đến nhận nhiệm vụ Phó thường trực Trung tâm điều phối xét nghiệm SARS-CoV-2 đặt tại Văn phòng UBND Thành phố trong thời gian 6 tháng kể từ ngày 09-7-2021. Nhiệm vụ của ông Nguyễn Trí Dũng do Trung tâm điều phối xét nghiệm SARS-CoV-2 phân công.

Tính đến thời điểm đó, người đứng đầu cơ quan hành chính của TP.HCM là ông Nguyễn Thành Phong vẫn thực hiện giãn cảnh trong phạm vi rất hẹp.

Giai đoạn từ ngày 19-6-2021 đến ngày 14-8-2021, nhận định tình hình dịch bệnh có khả năng tiếp tục bùng phát lan rộng, ngày 19-6-2021, Chủ tịch UBND TP.HCM đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-UBND về siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh với tinh thần là áp dụng các biện pháp của Chỉ thị số 16/CT-TTg trên phạm vi toàn Thành phố, đồng thời chuẩn bị các kịch bản cho tình huống cao hơn và báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ.

Trước diễn biến nhanh, phức tạp của dịch bệnh tại các tỉnh trọng điểm kinh tế trong khu vực như Bình Dương, Đồng Nai, Long An và các tỉnh Bắc Trung Bộ và Tây Nam Bộ, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu thực hiện giãn cách xã hội tại 19 tỉnh, thành phố trong vòng 14 ngày kể từ ngày 19-7-2021 tại Công văn số 969/TTg-KGVX ngày 17-7-2021.

Ngày 20-7-2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1292/QĐ-TTg về thành lập Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại TP.HCM và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với thành phần: ông Võ Minh Lương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng là Tổ trưởng, Tổ phó gồm 02 ông Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an và Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế cùng các thành viên là Thứ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Lao động – Thương binh và Xã hội, Xây dựng, Công Thương, Giao thông vận tải và Chủ tịch UBND TP.HCM.

Ngày 06-8-2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 86/NQ-CP về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28-7-2021 của Quốc hội khóa XV, theo đó Chính phủ giao nhiệm vụ cho “Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15-9-2021”.

Ngày 22-8-2021, Chính phủ ban hành Công điện số 1099/CĐ-CP, trong đó lấy xã, phường, thị trấn là “pháo đài”, người dân là “chiến sĩ’ trong phòng, chống dịch; giao TP.HCM thần tốc xét nghiệm diện rộng trong thời gian giãn cách xã hội để phát hiện sớm nhất các trường hợp F0, kịp thời ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Ngày 23-8-2021, Chính phủ ban hành tiếp Công điện số 1102/CĐ-CP về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên toàn quốc, theo đó, giãn cách xã hội là yếu tố quyết định để hạn chế tối đa lây nhiễm dịch bệnh; thần tốc xét nghiệm trên diện rộng là then chốt để phát hiện sớm, cách ly nhanh, phân loại kịp thời và điều trị phù hợp, hiệu quả.

Đến ngày 15-9-2021, trước tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM quyết định kéo dài thời gian giãn cách đến ngày 30-9-2021 (thay vì ngày 15-9-2021 theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết số 86/NQ-CP). Theo đó, TP.HCM thông báo quyết định tiếp tục triển khai giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ở mức độ nghiêm ngặt nhất (16+).

Đến ngày 1-10-2021, TP.HCM kết thúc phong tỏa – giãn cách để bắt đầu gọi là “bình thường mới” hệt như đề xuất chiều 25-6-2021 của bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, một chuyên gia về y tế dự phòng.


Tin bài liên quan:

VNTB – Chuyện chọc ngoáy

Phan Thanh Hung

VNTB – Tài phiệt Việt Nam có làm ‘kinh tài’ cho quan chức chóp bu?

Phan Thanh Hung

VNTB – Kiểm tra độ cồn: bắt chước không xong!

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo