Anh Khoa dịch
(VNTB) – Đây là cuộc khủng hoảng ngoại giao tồi tệ nhất giữa Trung Quốc và một quốc gia châu Âu trong hàng chục năm qua
Ngày 16 tháng 12 năm 2021
Một trong những biện pháp yêu thích của chính phủ Trung Quốc là cảnh báo các quốc gia dân chủ phương Tây không nên khơi mào một cuộc chiến tranh lạnh mới. Quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc lên giọng, một thế giới hòa bình cần hợp tác “đôi bên cùng có lợi” hơn chứ không phải nhiều bè phái ý thức hệ. Mùa đông năm nay, những từ đó đã trở nên vô nghĩa ở các khu đại sứ quán ở Bắc Kinh. Trên bình diện ngoại giao, chính Trung Quốc dường như đã phát động một cuộc chiến tranh lạnh ngầm. Họ có vẻ tự tin vào chiến thắng.
Một cuộc giao tranh sớm đã diễn ra vào ngày 15 tháng 12, khi nước cộng hòa nhỏ bé vùng Baltic là Lithuania đưa tất cả nhà ngoại giao cùng gia đình ra khỏi Bắc Kinh để “tham vấn”, bỏ trống toà nhà đại sứ quán. Việc họ di tản diễn khi chiến dịch gây sức ép kéo dài nhiều tháng của Trung Quốc leo thang, nhằm trừng phạt Litva vì đã cho phép hòn Đài Loan mở văn phòng đại diện tại thủ đô Vilnius. Trung Quốc gọi văn phòng Đài Loan là sự xúc phạm chủ quyền vì cho rằng Đài Loan thuộc lãnh thổ Trung Quốc.
Việc sơ tán không diễn ra nhẹ nhàng. Lithuania khẳng định là không đóng cửa đại sứ quán vĩnh viễn, nhưng đây là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong quan hệ giữa Trung Quốc và một quốc gia châu Âu kể từ năm 1981. Đại sứ Trung Quốc tại Hà Lan đã bị triệu hồi năm 1981 do Hà Lan bán tàu ngầm cho Đài Loan. Mối quan hệ Trung Quốc-Hà Lan bị giáng cấp trong ba năm sau đó. Lithuania không có đại sứ ở Bắc Kinh kể từ tháng 9, sau khi Trung Quốc yêu cầu đặc phái viên của họ rời đi. Vào tháng 11, Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố đại sứ quán hai bên sẽ bị giáng cấp xuống thành văn phòng đại diện do một tùy viên hoặc lãnh đạo tạm thời phụ trách.
Các nhà ngoại giao Lithuania có đến ngày 14 tháng 12 để nộp và đổi chứng minh thư Trung Quốc để phản ánh tình trạng bị giáng cấp phái bộ của họ. Không biết liệu nhân viên sư quán có được giữ quyền miễn trừ ngoại giao hay không và liệu họ có không chấp nhận việc giáng cấp đại sứ quán hay không, Lithuania yêu cầu tất cả nhân viên ngoại giao cùng gia đình giữ giấy tờ tùy thân và rời Bắc Kinh ngày hôm sau trên chuyến bay của Air China đến Paris. Giống như cảnh trong một bộ phim chiến tranh lạnh, những người Litva tụ tập cạnh một con đường vành đai đông đúc gần đại sứ quán vào một buổi sáng giữa tuần xám xịt. Những người di tản — người lớn trông có vẻ căng thẳng, thanh thiếu niên đeo tai nghe và một con mèo — đi lên xe buýt, bị cảnh sát mặc thường phục theo dõi. Đồng nghiệp từ các đại sứ quán thân quen đến để hộ tống họ ra sân bay.
Theo quan chức Trung Quốc, bất kỳ cuộc chiến tranh lạnh nào đang có nguy cơ xảy ra đều là lỗi của Mỹ, một kẻ bắt nạt đầy hiểm ác nhưng yếu đuối đang âm mưu ngăn cản sự trỗi dậy của Trung Quốc. Truyền thông nhà nước Trung Quốc nói rằng Lithuania với 2,8 triệu dân quá nhỏ để tự quyết định chống lại Trung Quốc, và cho rằng Lithuania đang cố gây thiện cảm với Mỹ hoặc tuân theo lệnh của Washington. Trên thực tế, những nghi ngờ tương tự về các chính phủ Liên minh châu Âu đã từng được lan truyền, đặc biệt là trong nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump, khi quan chức Mỹ đi khắp thế giới kêu gọi đồng minh thách thức Trung Quốc.
Nhưng nước cộng hòa Baltic chỉ ra lịch sử chống lại hành động bắt nạt của ngoại bang lâu đời như Đức Quốc xã và Liên Xô. Vào năm 2019, Lithuania đã tố cáo đại sứ quán Trung Quốc ở Lithuania tập hợp người dân nhằm gây rối tại một cuộc biểu tình ủng hộ các nhà dân chủ của Hồng Kông (các nhà ngoại giao Trung Quốc bị chụp ảnh đang trao biểu ngữ cho những kẻ gây rối). Năm 2021, Lithuania tuyên bố rút khỏi Nhóm “17 cộng một”, một nhóm các nước cộng sản trước đây do Trung Quốc lãnh đạo ở Trung và Đông Âu, gọi đây là sự chia rẽ.
Đã có những phàn nàn từ các chính trị gia và quan chức EU khi lần đầu tiên Lithuania tuyên bố mở “Văn phòng đại diện Đài Loan” tại Vilnius. Liệu Lithuania có thực sự phải chấp thuận cái tên cụ thể đó không, những người châu Âu càm ràm? Dù gì đi nữa, Trung Quốc chấp nhận các văn phòng thương mại ở nước ngoài được đặt tên theo thủ đô của Đài Loan, Đài Bắc. Tâm trạng bây giờ khác hẳn. Sự háo hức sử dụng các hình thức cưỡng bức kinh tế và ngoại giao ngầm của Trung Quốc đang lấn tới. Ngược lại với chiến tranh lạnh chống lại Liên Xô, điều đáng lo ngại không phải là Trung Quốc muốn xuất khẩu cách mạng hay lật đổ chủ nghĩa tư bản toàn cầu. Thay vào đó, Bắc Kinh được coi là kẻ không tuân theo luật: sẵn sàng sử dụng các công cụ thương mại và quan hệ ngoại giao làm vũ khí, ngay cả khi lãnh đạo Trung Quốc nói về chủ nghĩa đa phương và thương mại tự do. Cách đối xử của Trung Quốc với Lithuania đi theo một mô hình đã thấy trong các mâu thuẫn khác gần đây với các đồng minh của Mỹ. Trong số đó có Australia và Canada, đã bị tẩy chay thương mại không công bố và công dân họ bị bắt làm con tin trong các tranh chấp song phương. Trước đó, Nhật Bản và Hàn Quốc phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt kinh tế không công khai vì làm mất lòng Trung Quốc.
Trong vài tuần, các nhà nhập khẩu đã không thể liệt kê Lithuania là quốc gia xuất xứ trong cơ sở dữ liệu hải quan của Trung Quốc, khiến không thể thông quan hàng hóa (tuy vậy, Lithuania không xuất khẩu nhiều sang Trung Quốc). Các công ty của Đức và Pháp đã được cảnh báo rằng họ có thể không được phép vận chuyển hàng hóa có thành phần xuất xứ từ Litva đến Trung Quốc. Điều này có khả năng làm cho hàng trăm container đã được vận chuyển không được thông quan. Có tin đồn rằng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, ngân hàng trung ương, đã cấm các ngân hàng phát hành tín dụng thư liên quan đến các hoạt động thương mại ra vào bất kỳ cảng nào ở các nước Baltic. Khi quan chức EU nêu lên những lo ngại này, nhà chức trách Trung Quốc đã phản pháo lại rằng Lithuania nói dối và EU nên cẩn thận với việc trở thành con tin của một kẻ gây rối tí hon.
Với mong muốn trừng phạt Lithuania, Trung Quốc đang đánh cược rằng các cường quốc EU lớn hơn sẽ nghĩ đến thị trường của Trung Quốc và từ bỏ vùng Baltic. Khi làm như vậy, Bắc Kinh không để ý đến mức độ các quốc gia châu Âu nhỏ hoặc trung bình phải khiếp sợ về một thế giới mà các cường quốc đặt ra luật lệ của riêng họ. Người châu Âu ghê tởm ông Trump vì các chính sách thương mại ưu tiên nước Mỹ của ông. Họ cũng ghê tởm việc bắt nạt củaTrung Quốc, đặc biệt là khi nó đe dọa tính toàn vẹn của thị trường chung châu Âu.
Vì Lithuania trước hết
Trong EU, ngay cả Hungary, quốc gia thường thân thiện với Trung Quốc, cũng lên tiếng vì Lithuania. Ngày 30 tháng 11, tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói với Tổng Thống Lithuania Gitanas Nauseda , rằng Pháp coi sự giao thương với các cường quốc là lợi ích quan trọng — nhưng vẫn đặt ưu tiên cao hơn cho sự đoàn kết giữa các nước trong Liên Minh Âu Châu. Ngày 8 tháng 12, hai quan chức EU cấp cao cảnh báo rằng lệnh cấm thương mại rõ ràng, nếu được xác nhận, có thể khiến Trung Quốc vi phạm các nghĩa vụ với Tổ chức Thương mại Thế giới. Ngay sau đó, EU đã công bố các công cụ mới để trả đũa sự cưỡng bức kinh tế của các nước thứ ba. Các quốc gia ủng hộ thương mại tự do trong khối này không chắc rằng các công cụ như vậy có thể có hiệu quả hay không. Nhưng chính các chính phủ này cũng gặp rắc rối bởi hành vi của Trung Quốc.
Khi thủ tướng mới của Đức, Olaf Scholz, có cuộc điện đàm song phương đầu tiên với Tập Cận Bình, Lithuania chắc chắn sẽ có trong chương trình nghị sự. Nhìn chung, năm 2021 kết thúc với quan hệ Âu-Trung đang ở trong tình trạng tồi tệ. Các phái viên bi quan ở Bắc Kinh e rằng lãnh đạo Trung Quốc không quan tâm. Họ sợ Trung Quốc đang say sưa với chủ nghĩa dân tộc. Họ cũng phát hiện ra một niềm tin rằng đó là số phận của một Trung Quốc đang trỗi dậy để đấu tranh với một nước Mỹ đang tàn lụi. Tình đoàn kết với Litva có thể chỉ là thoáng qua; Người châu Âu có thể bắt đầu phải nhượng bộ Trung Quốc về các vấn đề khác. Nhưng việc đuổi một đại sứ quán khỏi Bắc Kinh sẽ không nhanh chóng bị lãng quên.
Nguồn: The Economist