Việt Nam Thời Báo

VNTB – Đấu giá xong, bỏ cọc: chuyện bình thường!

thủ thiêm

Hàn Lam

 

(VNTB) – Sau khi đấu giá thành công, Tân Hoàng Minh chính thức xin bỏ cọc lô đất 24.500 tỉ đồng ở Thủ Thiêm.

 

Trung tuần tháng 12-2021, thị trường bắt đầu hiếu kỳ quan sát 4 doanh nghiệp trúng đấu giá các lô “đất vàng” ở Thủ Thiêm liệu có bỏ cọc hay không? Nếu quyết định đầu tư thì sẽ huy động vốn để nộp tiền đấu giá ra sao, sẽ khai thác giá trị các mảnh đất này thế nào nhằm đảm bảo có lợi nhuận…

Dường như không phải chờ đợi lâu, chưa tròn tháng, chiều 11-1-2022, báo chí đồng loạt đưa tin về “tâm thư” của ông Đỗ Anh Dũng – Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh, đơn vị liên quan Công ty Ngôi Sao Việt đã đấu giá lô đất hơn 10.000 m2 với giá 24.500 tỉ đồng tại Thủ Thiêm, với nội dung cho biết tự nguyện bỏ cọc kết quả đấu giá lô đất “vàng” với giá “khủng” ở khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Cụ thể, “tâm thư” gửi tất cả lãnh đạo cấp cao từ Tổng bí thư đến các lãnh đạo bộ, ngành, TP.HCM và thành phố Thủ Đức… với các nội dung liên quan đến cá nhân, tập đoàn của ông làm việc trong thời gian. Đặc biệt, “tâm thư” nêu ông Dũng đã tham gia đấu giá lô đất 3-12 (hơn 10.000m2) thuộc khu chức năng số 3 trong khu đô thị mới Thủ Thiêm-… với giá 24.500 tỉ đồng, tính ra giá trung bình 2,45 tỉ đồng/m2 , cách người trả giá thứ 2 là một công ty nước ngoài đặt giá 23.800 tỉ đồng là 700 tỉ đồng.

Đây thực sự là mức giá cao bất ngờ mà ngay cả bản thân tôi trước khi tham gia đấu giá cũng không bao giờ nghĩ đến. Nhưng thực tế, trong quá trình tham gia, đã có nhà đầu tư trả giá cao đến mức 20.000 tỉ đồng rồi bỏ cuộc. Từ đó, chỉ còn lại 1 nhà đầu tư nước ngoài và tôi tiếp tục tham gia đấu giá.

Nếu tôi bỏ cuộc thì lô đất được tôi đánh giá là đẹp nhất khu Thủ Thiêm này sẽ thuộc về sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Trong suy nghĩ của tôi, lúc đó trào lên lòng tự hào dân tộc, danh dự của tập đoàn bất động sản trong nước mà tôi là một trong số đó, nên tôi đã quyết tâm trả giá cao hơn 700 tỉ đồng để giành quyền trúng đấu giá lô đất này”- “tâm thư” viết.

Cũng theo “tâm thư”, ông Dũng phải thay đổi toàn bộ kế hoạch đầu tư, kinh doanh và tài chính của tập đoàn, cân đối đầy đủ tài chính của tập đoàn để đảm bảo đóng tiền theo đúng tiến độ. Đồng thời, lên phương án thiết kế, kinh doanh mới cho phù hợp nhất để có hiệu quả mặc dù lợi nhuận theo tính toán là khá thấp, không đúng với kỳ vọng ban đầu nhưng vẫn đảm bảo thu hồi được vốn đầu tư và giữ uy tín của tập đoàn…

Sau khi trúng đấu giá, chúng tôi đã suy nghĩ và lắng nghe rất nhiều dư luận xã hội theo nhiều chiều khác nhau và thấy rằng kết quả trúng đấu giá ở mức cao như vậy, có thể dẫn đến hệ lụy không tốt.

Đặc biệt, sau khi tiếp thu ý kiến của Bộ trưởng Bộ Tài chính… chúng tôi nghiêm túc kiểm điểm và nhận thấy rằng việc trúng đấu giá như vậy dẫn đến sự xáo trộn trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản nói riêng và kinh tế nói chung…

Chúng tôi xin tự nguyện đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá tài sản lô đất 3-12 khu chức năng số 3 trong khu đô thị mới Thủ Thiêm – thành phố Thủ Đức… và chấp nhận mọi chế tài về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng này theo quy định của pháp luật về việc đấu giá tài sản công” – “tâm thư” viết.

Số tiền mà Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh) đặt cọc để tham gia đấu giá lô 3-12 là 588,4 tỷ đồng.

Chuyện đấu giá xong, bỏ cọc là chuyện bình thường ở xứ Việt thôi.

Đơn cử, hồi quý 4-2021, UBND huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa đã ký hàng loạt quyết định về việc hủy kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với 35 lô đất.

Theo UBND huyện Quảng Xương, lý do hủy kết quả trúng đấu giá các lô đất nói trên là do khách hàng không nộp đủ số tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Đình Dự, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương cho biết vệc hủy kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất ở các địa phương nói trên là do hết thời gian theo quy định của pháp luật. Kể từ khi trúng đấu giá đến khi hết hạn nộp tiền mà người trúng đấu giá không nộp hoặc nộp không đủ số tiền trúng đấu giá nên bắt buộc UBND huyện buộc phải có thông báo hủy kết quả trúng đấu giá.

Theo ông Dự, vào thời điểm khoảng từ tháng 2 đến tháng 6-2021, bất động sản Thanh Hóa bỗng dưng “sốt” mạnh. Các mặt bằng ở các địa phương thuộc huyện Quảng Xương, nhất là các xã vùng biển khi đưa ra đấu giá đều bán rất nhanh và người trúng đấu giá cao hơn so với giá sàn Nhà nước định giá rất nhiều lần, có nơi cao gấp rưỡi, gấp đôi so với giá sàn.

Thế nhưng những người trúng đấu giá với giá cao này đến thời điểm phải nộp tiền theo quy định thì sẵn sàng bỏ cọc, chứ không nộp tiền đã trúng với giá trên trời đã trúng tại các phiên đấu giá.

Không chỉ Thanh Hóa mà một số địa phương khác như Bắc Giang cũng xuất hiện tình trạng khách hàng bỏ cọc dẫn tới việc chính quyền phải hủy kết quả đấu giá.

Cụ thể, theo kết quả rà soát của UBND huyện Lạng Giang (Bắc Giang), đến thời điểm tháng 4-2021, toàn huyện có 103 lô đất sau đấu giá đã hết thời hạn nộp tiền nhưng khách hàng bỏ cọc, không nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách nhà nước.

Các lô đất trên có diện tích từ 90m2 đến hơn 200 m2/lô, thuộc thôn Chùa, xã Thái Đào, 55 lô; thôn Vàng và khu dân cư chợ Năm, xã Tiên Lục, 37 lô; thôn Thanh Lương, Cầu Đá và khu cổng UBND xã Quang Thịnh, 3 lô; thôn Tân Sơn, xã Tân Dĩnh, 3 lô; tổ dân phố Tân Luận, thị trấn Vôi, 4 lô; tổ dân phố Lèo, thị trấn Kép, 1 lô. Tổng số tiền các lô đất khách hàng trúng đấu giá là hơn 156 tỷ đồng, chênh lệch hàng chục tỷ đồng so với giá khởi điểm.

Được biết, những lô đất đấu giá mà nhà đầu tư bỏ cọc được rao bán trên nhiều trang mạng, tung ra thị trường, tạo sự khan hiếm để bán cho người có nhu cầu mua.


Tin bài liên quan:

VNTB – Lãi suất xuống đáy vì không ai vay tiền làm ăn?

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Doanh nghiệp thép Việt lo bị đẩy đến bờ vực phá sản vì thép Trung Quốc

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Thất lạc lương tâm

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo