Nguyễn Phúc (VNTB) Trong vụ việc tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, người dân đã đưa 15 chiến sĩ cảnh sát cơ động bị giữ làm con tin cho Trung đoàn cảnh sát cơ động Công an thành phố Hà Nội.
Vấn đề pháp lý đặt ra: những người nông dân Đồng Tâm có phạm tội bắt giữ người trái pháp luật, hay đây là quyền phòng vệ chính đáng?
Động cơ bắt giữ người của nông dân Đồng Tâm?
Các dấu hiệu pháp lý hình sự của tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, có thể tóm tắt như sau: Tội phạm được thực hiện dưới hình thức lỗi cố ý. Mục đích phạm tội rất đa dạng, có thể do tư thù cá nhân, do muốn có thành tích, do xúi giục, do nhận tiền làm thuê;… Tuy nhiên, mục đích phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm này.
Mặc dù vậy, trong quá trình xem xét mục đích phạm tội kết hợp đánh giá với hành vi khách quan của tội phạm, có thể thấy rằng nếu cáo buộc hành vi vi phạm hình sự của nông dân Đồng Tâm, thì cần lưu ý thực tế là các hành vi bắt, giữ hoặc giam người xảy ra ở Đồng Tâm, tuy là trái pháp luật nhưng tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi không đáng kể, và lâu nay trong tố tụng đều không xử lý hình sự mà xử lý bằng các biện pháp khác.
“Chúng ta biết ơn những chiến sĩ cảnh sát với võ nghệ và vũ khí đầy mình đã cúi đầu chịu bị bắt làm con tin mà không ra tay đàn áp nhân dân. Họ đã thật sự chứng tỏ mình là công an của nhân dân và thật sự đã cứu chính quyền một bàn thua trông thấy”. Cựu phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ông Nguyễn Sĩ Dũng nhận xét như vậy trong một chia sẻ trên trang cá nhân facebook.
Quyền phòng vệ của nhân dân
Mục đích của hành vi được gọi là “giữ người trái pháp luật” ở vụ việc tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội chỉ nhằm mỗi yêu cầu được đối thoại minh bạch với ông chủ tịch thành phố Hà Nội. Người dân Đồng Tâm nói rằng giờ đây họ không còn tin chính quyền cấp xã và huyện có được sự liêm chính.
Như vậy, tên gọi đúng nhất cho chuyện “giữ người” nói trên là việc người dân Đồng Tâm đã sử dụng quyền phòng vệ chính đáng để bảo vệ những quyền sở hữu về đất đai, quyền chiếm hữu tư liệu sản xuất của mình.
Điều 15 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về phòng vệ chính đáng như sau: (1). Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm. (2). Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự.
Như vậy, khi xem xét một hành vi có được coi là phòng vệ chính đáng hay không cần hội tụ đủ các yếu tố:Thứ nhất, về phía nạn nhân: là người đang có hành vi xâm phạm đến các lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, của cá nhân người phòng vệ hoặc của người khác (người thứ ba). Hành vi xâm phạm này phải là hành vi có tính chất nguy hiểm đáng kể. Mức độ đáng kể ở đây là tuỳ thuộc vào tính chất quan trọng của quan hệ xã hội bị xâm phạm, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi tấn công của nạn nhân (người có hành vi xâm phạm).
Thứ hai, về phía người phòng vệ: Nếu thiệt hại do người có hành vi xâm phạm gây ra có thể là thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, có thể là thiệt hại về tài sản, nhân phẩm, danh dự hoặc các lợi ích xã hội khác, thì thiệt hại do người có hành vi phòng vệ gây ra chỉ có thể là thiệt hại tính mạng hoặc sức khoẻ về cho người có hành vi xâm phạm.
Thứ ba, hành vi chống trả là cần thiết. Cần thiết là sự thể hiện tính không thể không chống trả, không thể bỏ qua trước một hành vi xâm phạm đến các lợi của xã hội. Khi đã xác định hành vi chống trả là cần thiết thì thiệt hại gây ra cho người có hành vi xâm phạm dù có lớn hơn thiệt hại mà người có hành vi xâm phạm gây ra cho người phòng vệ vẫn được coi là phòng vệ chính đáng.
Như vậy, bước đầu có thể thấy rằng người dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội đang trong tình thế cần và có quyền phòng vệ chính đáng.