Tâm Don
(VNTB) – “Bao giờ đến lượt Việt Nam?”, “Venezuela hôm nay, Việt Nam ngày mai?”…
Ảnh của tờ Washington Post chụp người biểu tình ở thủ đô Caracas.
Biểu tình đòi phế truất Maduro
Cơn đói khát đang diễn ra trầm trọng ở đất nước Venezuela. Khẩu phần ăn của người dân thấp ở mức khó có thể thấp hơn được nữa: chỉ chừng 500 calo/người /ngày. Đã lan truyền chóng mặt một thành ngữ cay đắng: Ở Venezuela, chó cũng không có cứt mà ăn. Các mặt hàng tiêu dung cực kỳ khan hiếm, đến mức giấy vệ sinh cũng không có. Trong những ngày này, người dân Venezuela đã vùng lên mạnh mẽ, yêu cầu Tổng thống Maduro phải ra đi, và bầu cử ngay lập tức.
Các hãng truyền thông lớn trên thế giới cho biết, hàng trăm ngàn người Venezuela đã đổ ra đường trong 10 ngày liên tiếp đòi cách chức Tổng thống và thay đổi chế độ quản lý khiến đất nước nhiều giàu mỏ nhất thế giới này lâm vào tình trạng bần cùng. Đụng độ đã xảy ra giữa cảnh sát và người biểu tình, đã có thiệt mạng về người và nhiều người khác bị thương. Cuộc khủng hoảng tại Venezuela gia tăng từ ngày 1/4 khi Toà án Tối cao thân Maduro ra phán quyết hạn chế quyền hạn của cơ quan lập pháp do phe đối lập kiểm soát.
Luisa Ortega, Tổng chưởng lý Venezuela, đã gọi phán quyết này là “sự bẻ gãy” trật tự hiến pháp. Ngay sau quyết định được cho là vi hiến này của Tòa án tối cao, hàng nghìn người ủng hộ phe đối lập đã tràn xuống các đường phố thủ đô Caracas tuần hành kêu gọi cách chức các thẩm phán và buộc Tổng thống đương nhiệm Maduro phải từ chức.
Cao trào nhất của cuộc biểu tình diễn ra vào ngày 9 và 10 tháng 4, giờ Việt Nam. Hàng trăm ngàn người dân ở thủ đô Caracas, và hàng trăm ngàn người dân ở các thành phố khác đã cùng lúc xuống đường yêu cầu tổng thống đương nhiệm Maduro phải từ chức, yêu cầu bầu cử tổng thống. Cảnh sát đã tiến hành trấn áp người biểu tình ở thủ đô Caracas, và một sinh viên luật đã bị bắn chết, hàng trăm người đã bị bắt giam.
Sự tức giận của người biểu tình tiếp tục tăng lên sau khi cơ quan kiểm toán quốc gia thông báo lãnh đạo phe đối lập Henrique Capriles sẽ bị cấm giữ chức vụ công trong vòng 15 năm, tức là truất quyền tranh cử của ông này vào cuộc bầu cử năm 2018.
Hôm Thứ bảy 8/4, ông Capriles lên án chính quyền Maduro hành xử như độc tài bằng việc sử dụng vũ lực chống lại người biểu tình: “Đây là đàn áp, đây là phạm tội. Họ đã phạm tội và vi phạm quyền con người, dẫm đạp lên quyền lợi của người dân. Chính phủ đã tự dựng lên vụ đảo chính và những hành động nhắm vào tôi là một phần trong màn kịch này”.
Vì đâu nên nỗi?
Các thông tin đáng tin cậy từ các tạp chí có uy tín, các công trình mang tính học thuật và các cơ quan thống tấn khả tín cho biết, từ lâu, Venezuela đã nổi danh là “đất nước của nhan sắc” với hơn 22 người đẹp đăng quang Hoa hậu Thế giới và Hoa hậu Hoàn vũ, nhiều hơn bất cứ quốc gia nào. Tuy nhiên, ít ai để ý rằng, Venezuela là một “cường quốc dầu mỏ” với trữ lượng dầu khí lớn hơn cả Ả-rập Saudi. Venezuela là một trong 10 nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới. Dầu mỏ chiếm một nửa tổng sản lượng GDP 480 tỉ đô la Mỹ (tính theo sức mua tương đương, PPP), 80% kim ngạch xuất khẩu và đóng góp một nửa số thu ngân sách hàng năm. Với GDP bình quân đầu người năm 2009 đạt 13.000 đô la Mỹ/người/năm, Venezuela đứng vào hàng các quốc gia có thu nhập trung bình khá, xếp thứ 85 trên thế giới. Tuy tài nguyên dồi dào nhưng thể chế quản trị quốc gia kém đã biến Venezuela thành nền kinh tế quốc gia phụ thuộc hoàn toàn vào khai thác và xuất khẩu dầu mỏ, các ngành nghề khác bị chèn ép không phát triển được. Sự phụ thuộc ngày càng lớn vào tài nguyên dầu mỏ của Venezuela đã được các chuyên gia kinh tế cảnh báo là “một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất mà chính phủ Chavez phải đối mặt”.
Theo các tạp chí chuyên ngành dầu khí, để kiểm soát nguồn tài nguyên dầu khí, từ đầu năm 2002 Venezuela thi hành luật Dầu khí mới, theo đó tập đoàn Dầu khí quốc gia Venezuela PDVSA nắm giữ tối thiểu 51% vốn tất cả các dự án dầu khí, tăng tỷ lệ tiền thuê mỏ mà tập đoàn nước ngoài phải trả cho nhà nước Venezuela từ 16,5% lên 30% giá trị sản lượng. Đến năm 2007, chính phủ nắm toàn bộ quyền kiểm soát các mỏ dầu ở Đồng bằng Orinoco – trung tâm dầu mỏ của Venezuela – và sau đó truất hữu quyền khai thác của các tập đoàn dầu mỏ nước ngoài. Từ đó, nguồn lực quốc gia rơi vào tay các quan chức hành chính thay vì các nhà quản trị doanh nghiệp, dẫn tới những sai lầm nghiêm trọng, chẳng hạn như lợi nhuận từ xuất khẩu dầu mỏ hoặc rơi vào túi tham nhũng, hoặc được phân bổ vào các dự án “cải tạo xã hội” đầy tính chất dân túy thay vì tái đầu tư để mở rộng sản xuất hoặc đầu tư phát triển các lĩnh vực công nghiệp khác.
Một trong những hậu quả của tình trạng phụ thuộc vào dầu mỏ là Venezuela gần như phải nhập khẩu toàn bộ hàng tiêu dùng, từ lương thực thực phẩm tới thiết bị. Sự phụ thuộc vào nhập khẩu khiến Venezuela rất dễ bị tổn thương trước những biến động của thị trường, nhất là thị trường tài chính luôn chao đảo sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Bi kịch của vương quốc hoa hậu Venezuela bắt nguồn từ một người thiên tả có khả năng diễn thuyết hùng hồn, có các chính sách mị dân và có tinh thần lạc quan khủng khiếp về sức mạnh- sự trường tồn-ưu việt của chủ nghĩa xã hội, người đó chính là tổng thống quá cố Hugo Chavez.
Theo trang bách khoa toàn thư mở Wikipedia, Hugo Rafael Chávez Frías (28 tháng 7 năm 1954 – 5 tháng 3 năm 2013) là Tổng thống Venezuela từ năm 1999 cho đến khi qua đời vào năm 2013. Ông từng là lãnh đạo của Chính đảng Phong trào Đệ ngũ Cộng hòa từ khi tổ chức này được thành lập vào năm 1997 cho đến khi nó giải thể- đồng thời ông trở thành lãnh đạo của Đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất Venezuela (PSUV). Tuân theo ý thức hệ chính trị chủ nghĩa Bolivar và “chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21” của mình, ông tập trung vào việc thực hiện các cải cách xã hội chủ nghĩa ở trong nước, xem chúng là một phần của một kế hoạch xã hội được gọi là cách mạng Bolivar, xây dựng một bản hiến pháp mới, các hội đồng Tham dự dân chủ chủ nghĩa, quốc hữu hóa một số ngành công nghiệp then chốt, tăng chi tiêu của chính phủ cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và giáo dục, giảm đáng kể tỷ lệ đói nghèo theo số liệu của chính phủ.
Hugo Chávez mô tả chính sách của ông là chủ nghĩa phản đế quốc, ông lớn tiếng chỉ trích chủ nghĩa tân tự do và chủ nghĩa tư bản tự do kinh doanh. Tổng quát hơn, Hugo Chávez là một đối thủ nổi bật với chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Ông thiết lập liên minh mạnh mẽ với các chính phủ cộng sản của Fidel Castro và sau đó là Raúl Castro tại Cuba và các chính phủ xã hội của Evo Morales tại Bolivia, Rafael Correa tại Ecuador và Daniel Ortega tại Nicaragua, nhiệm kỳ tổng thống của ông được nhìn nhận là một bộ phận của “trào lưu cánh tả” xã hội chủ nghĩa đang có tác động sâu rộng đến Mỹ La tinh.
Vào giữa năm 2016, một tờ báo thuộc dòng báo chí nhà nước ở Việt Nam là tờ Thời báo kinh tế Sài Gòn cũng đã thẳng thắn thừa nhận:”Thêm vào đó, từ năm 1998, dưới sự dẫn dắt của Tổng thống đã quá cố Hugo Chavez, Venezuela bắt đầu đi theo mô hình “chủ nghĩa xã hội Bolivar”, với những chính sách kinh tế sai lầm, triệt tiêu sức cạnh tranh của nền kinh tế và đi tới chỗ khánh kiệt khi giá dầu sụt giảm kéo dài.”
“Bao giờ đến lượt Việt Nam?”
Giữa chính quyền cộng sản Việt Nam và những người theo thuyết chủ nghĩa xã hội ở Venezuela đã có một mối quan hệ và tương tác khá nồng ấm. Vào năm 1964, khi người thanh niên cộng sản Nguyễn Văn Trỗi đặt bom ở Sài Gòn để khủng bố phái đoàn quân sự Hoa Kỳ bị bắt, những người du kích cộng sản ở Venezuela đã tiến hành bắt cóc một sĩ quan quân đội Hoa Kỳ ngay tại thủ đô của Venezuela là Caracas. Họ đưa ra một yêu cầu: Nếu chính quyền Sài Gòn trả tự do cho Nguyễn Văn Trỗi, du kích Caracas sẽ trả tự do cho người sĩ quan Hoa Kỳ. Dĩ nhiên, chính quyền Sài Gòn đã từ chối yêu cầu này. Có lẽ, sự nồng ấm của hai thế lực cộng sản ở Đông và Tây bán cầu có khởi nguồn từ sự kiện này.
Có tổng thống Hugo Chavez và tổng thống Venezuela đương nhiệm Maduro đều đã từng thăm viếng Việt Nam, đã đã được tiếp đón rất trọng thị. TT Hugo Chavez đã tặng thanh bảo kiếm quốc gia Venezuela cho đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam đã từng viết: “Ngày nay, sự ngưỡng mộ của Việt Nam đối với Venezuela còn vì thắng lợi vang dội của H.Chavez trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 1998, mở ra một trang sử mới cho mảnh đất này, một đảng cánh tả Mỹ la-tinh đã giành quyền lãnh đạo đất nước nhằm tới mục tiêu xây dựng một “chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21”. Venezuela và H.Chavez, theo gương Cuba ở giữa lòng Nam Mỹ.” (http://dangcongsan.vn/tu-lieu-van-kien/ho-so-su-kien/phong-trao-cong-san-cong-nhan-quoc-te/books-010120159310746/index-5101201592758467.html).
Bi kịch của đất nước Venezuela và các cuộc biểu tình của người dân chống lại chính phủ cánh tả Caracas đã không được các cơ quan truyền thông lớn ở Việt Nam thông tin chi tiết và cụ thể, và dĩ nhiên là không có sự giải thích cho các vấn đề bi kịch và biểu tình.
Khác với chính quyền và các cơ quan truyền thông là công cụ của chính quyền, nhiều người dân Việt Nam đã dũng cảm bày tỏ thái độ của mình về chính quyền tồi tệ Caracas, ủng hộ cuộc tranh đấu của nhân dân Venezuela. Trong mấy ngày qua, nhà hoạt động xã hội Nguyễn Chí Tuyến ở Hà Nội đã liên tục cập nhật các video clip về các cuộc biểu tình ở Venezuela từ trang mạng xã hội Twister về trang Facebook cá nhân của anh để mọi người được biết. Và, các câu hỏi đã được đưa ra: “Bao giờ đến lượt Việt Nam?”, “Venezuela hôm nay, Việt Nam ngày mai?”.
Một nhà báo viết trên trang FB cá nhân: “Như một lẽ tất yếu, nếu bị đẩy vào đường cùng, người dân sẽ phản kháng, sẽ đứng lên đòi quyền lợi chính đáng của mình, sẽ tìm cách xóa bỏ những chính quyền thối tha tồi tệ. Trong dòng chảy nhận thức ấy, cuộc cách mạng ở Venezuela đang diễn ra mạnh mẽ , theo tôi, là cuộc cách mạng của những cái bao tử rỗng tuyếch”.
Một facebooker ở Sài Gòn đăng tải hình ảnh đám đông biểu tình ở Venezuela và viết: “Có phải người dân Venezuela đang tiến hành tưởng niệm Bác Hugo Chavez vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của nhân dân Venezuela? Không đâu. Sau 20 năm sống trong lòng chủ nghĩa xã hội của bác ấy, Venezuela từ một đất nước xinh đẹp và giàu có đã trở thành điêu tàn. Người dân cực kỳ đói nghèo và bất hạnh, đến nỗi câu nói sau đây đã trở thành câu đầu miệng: Ở Venezuela, con chó cũng không có cứt mà ăn. Người dân đã đứng lên lật đổ một chế độ bạo tàn, xua tan màn đêm quái thai cộng sản”.