Việt Nam Thời Báo

VNTB – “Nhờ Nga”, 10 triệu người Ukraine trở thành vô gia cư

Khánh An dịch

 

(VNTB) – Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin: Nga đang cố tình nhắm vào các trung tâm dân cư đông đúc khi chiến dịch quân sự của họ vấp phải sức kháng cự quyết liệt của Ukraine.

 

Tác  giả: Alan Cullison, Isabel Coles and Matthew Luxmoore

 

Cuộc tấn công của Nga vào Ukraine đã khiến hơn 10 triệu người phải rời bỏ nhà cửa và quy mô thảm họa nhân đạo không có dấu hiệu giảm bớt khi Moscow tăng cường bắn tên lửa và pháo kích.

Cuộc chiến ở Ukraine tàn khốc đến mức 10 triệu người đã phải chạy trốn – tị nạn trong nước hoặc ở nước ngoài”, Đặc phái viên Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn Filippo Grandi cho biết hôm 20/3. Điều đó có nghĩa là gần một phần tư dân số Ukarine trước chiến tranh đã phải tứ tán khắp nơi.

Theo số liệu mới nhất Liên Hiệp Quốc, khoảng 3,4 triệu người đã rời Ukraine kể từ khi Nga bắt đầu động binh vào ngày 24/2, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em đến Ba Lan; số người tị nạn có thể lên đến 4 triệu. Những ngày gần đây, dòng người di tản đã giảm bớt nhưng mỗi ngày vẫn có hơn 50.000 người tị nạn.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin hôm 20/3 cho biết quân đội Nga đã cố tình nhắm vào các trung tâm dân cư vì chiến dịch của Tổng thống Putin đã bị khựng lại trước sức mạnh phòng thủ và phản công hiệu quả của Ukraine.

Ông Austin nói với kênh CBS News: “Ông ta không thể đạt được các mục đích chóng vánh như ý muốn. Ông ta đối mặt với một kết cục thê thảm khi đẩy quân của mình vào một cỗ máy băm gỗ”. It’s had the effect of him moving his forces into a wood chipper.

Bộ Quốc phòng Nga hôm 20/3 đã buộc các lực lượng bảo vệ Mariupol chậm nhất sáng 21/3 phải đầu hàng, đồng thời cho phép di tản dân thường ra khỏi thành phố đang bị bao vây và là nơi có nhiều thường dân thương vong nhất trong cuộc chiến.

Chúng tôi kêu gọi tất cả các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang Ukraine, các tiểu đoàn bảo vệ lãnh thổ và lính đánh thuê nước ngoài ngừng hoạt động quân sự và hạ vũ khí”, ông Mikhail Mizintsev, Tư lệnh Trung tâm Kiểm soát Quốc phòng của Bộ Quốc phòng Nga, cho biết – theo hãng tin Interfax.

Ông Mizintsev nói rằng Kyiv phải đáp lại lời đề nghị của Nga trước 5 giờ sáng ngày 21/3 theo giờ Moscow. Theo RIA Novosti, hãng thông tấn nhà nước chính thức của Nga, Mizintsev gọi quan chức thành phố Mariupol là “những tên cướp đáng ghét”, đồng thời tuyên bố họ có một “lựa chọn lịch sử” là chấp nhận đề nghị của Nga.

Nếu không thì bị ra tòa án binh chỉ là một phần nhỏ so với những gì mấy người xứng đáng nhận được”, ông ta nói thêm với hãng tin RIA Novosti.

Đường phố ở thủ đô Kyiv vắng tanh. Một số quan chức thành phố cho rằng hơn một nửa cư dân đã di tản, mặc dù không thể xác định được con số chính xác là bao nhiêu.

Thay vì người và xe cộ, lúc này trên đường phố toàn là những khối bê tông, ụ đất và bẫy xe tăng được làm từ các thanh thép cầu trục hàn lại với nhau nhằm cản trở cuộc tấn công sắp tới của Nga.

Công việc nhặt rác trong thành phố vẫn hoạt động, nhưng những chiếc xe nát bét vẫn là hình ảnh phổ biến khắp thành phố hoang vắng này. Chẳng có ai dọn dẹp đống đồng nát như thế sau khi có tai nạn.

Cho đến nay, Bộ Quốc phòng Nga không có dấu hiệu dừng lại ngay cả khi quân đội Nga bị tổn thất nặng nề. Hôm 20/3, Nga cho biết họ đã bắn một số vũ khí tầm xa vào các mục tiêu ở Ukraine, tấn công một căn cứ quân sự ở vùng Zhytomyr nơi được cho là có máy bay chiến đấu nước ngoài, và không kích một số lượng lớn các cơ sở quân sự bằng trực thăng.

Hôm 20/3, thống đốc thành phố Sevastopol trên bán đảo Crimea cho biết Tư lệnh Phó Hạm đội Biển Đen của Nga đã thiệt mạng trong cuộc tấn công vào Mariupol. Đây là người mới nhất trong số các sĩ quan cao cấp Nga thiệt mạng trong cuộc xâm lược UKraine.

Trong cùng ngày 20/3, Tổng thống Volodymyr Zelensky quả quyết quân đội Ukraine đang gây tổn thất nặng nề cho quân đội Nga, đồng thời thừa nhận: “Chúng tôi nhận thức rõ ràng rằng Nga có nguồn nhân lực vô hạn với rất nhiều thiết bị, tên lửa và bom”.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden sẽ tới châu Âu trong tuần này để tham dự các cuộc họp với đồng minh và đối tác trong khối NATO, nhóm G-7 và các quốc gia châu Âu. Dự kiến sẽ họ thảo luận về các nỗ lực ngăn chặn, cứu trợ nhân đạo và chiến dịch trừng phạt Nga.

Nhà Trắng hôm 20/3 xác nhận ông Biden sẽ không đến thăm Ukraine, một ngày sau khi cựu Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko mời Biden như một biểu hiện của tình đoàn kết.

Trong khi đó, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã lên tiếng lên án “hành động xâm lược bạo lực chống lại Ukraine… một cuộc tàn sát vô nghĩa, nơi các hành động tàn khốc và tàn bạo tái diễn hằng ngày”, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế chấm dứt “cuộc chiến tranh ghê tởm này”.

Phát biểu từ cửa sổ nhìn ra Quảng trường Thánh Peter sau khi đọc lời cầu nguyện buổi trưa theo thông lệ, Đức Giáo hoàng không gọi Nga là kẻ xâm lược trong cuộc chiến tranh này, nhưng nhấn mạnh hậu quả khủng khiếp mà cuộc xâm lược gây ra cho người dân Ukraine.

Đức Giáo hoàng nói: “Tuần này tên lửa và bom đã dội xuống đầu thường dân, người già, trẻ em và các thai phụ. Nhiều bậc ông bà, người bệnh và người nghèo, phải chia lìa gia đình họ, nhiều trẻ em và những người yếu ớt chịu chết dưới những trận mưa bom”.

Ở Mariupol, nơi diễn ra các vụ giao tranh trên đường phố, tình hình nhân đạo đã trở nên tồi tệ hơn. Giới chức Ukraine cho biết Nga dã ném bom vào một trường nghệ thuật nơi có khoảng 400 người đang trú ẩn, chôn vùi hết thảy dưới đống đổ nát. Không biết được họ sống chết thế nào.

Sự việc xảy ra sau khi một nhà hát ở Mariupol bị đánh bom vài ngày trước. Tính đến ngày 18/3, nhân viên cứu hộ đã cứu được 130 người khỏi đống đổ nát, trong khi 1.300 người vẫn bị mắc kẹt trong tầng hầm nhà hát – một viên chức địa phương cho biết.

Hội đồng thành phố Mariupol hôm 20/3 cho biết khoảng 4.000 dân thường trong thành phố đã thiệt mạng kể từ khi phía Nga bắt đầu tấn công. Hội đồng cũng cáo buộc quân Nga đã cưỡng bức một số cư dân của thành phố sơ tán sang Nga và lãnh thổ Donetsk và Luhansk là các khu vực ly khai thân Nga ở miền đông Ukraine.

Người dân bị cưỡng ép di chuyển vào lãnh thổ Nga và bị thu giữ hộ chiếu Ukraine, và họ được cấp những thứ giấy tờ không có giá trị pháp lý cũng như không được chấp nhận trong thế giới văn minh” – hội đồng tuyên bố trên Telegram hôm 20/3.

Về phần mình, Nga chưa bình luận gì về thông tin cáo buộc dân cư rời khỏi Mariupol.

Mariupol là một mục tiêu chiến lược của Moscow khi Nga cố mở một hành lang trên bộ đến khu vực Crimea do Nga sáp nhập và thay đổi động lực trong cuộc xâm lược kéo dài 3 tuần lễ. Trong nhiều tuần bị bắn phá và tấn công, người dân Ukraine cho biết họ đã cầm chân các lực lượng Nga ở vùng ngoại ô Mariupol, nhưng điều đó đã thay đổi hôm 19/3 – các quan chức Ukraine cho biết.

Chiếm được Mariupol sẽ là một chiến thắng đối với Nga, trong khi cho đến nay Nga vẫn chưa đánh chiếm được bất kỳ thành phố lớn nào của Ukraine kể từ khi bắt đầu xâm lược.

Cựu tướng Hoa Kỳ David Petraeus phát biểu trên đài CNN: “Mariupol vẫn chưa thất thủ. Thành phố này đã hết thức ăn, nhiên liệu, nước trừ lòng dũng khí. Họ vẫn đang kiên trì chiến đấu. Đây là nơi đầu tiên người Nga phải thực hiện cuộc giao tranh đô thị không hề “dễ nuốt”, họ di chuyển từ tòa nhà này sang tòa nhà kia. Họ không được phép bỏ sót bất cứ một gian phòng nào. Và rồi, họ nhận ra rằng lối đánh này cần rất nhiều lính, và lại còn làm cạn kiệt nguồn quân dự bị và lực lượng hiện có”.

Cư dân Mariupol đang cân nhắc thiệt hơn việc ở lại thành phố dưới cơn mưa bom đạn nhắm vào những người đang bỏ chạy khắp các đường phố và qua các chiến tuyến.

Anh Dima Shvets đã rời Mariupol hồi tuần trước cùng với vợ và đứa con gái 7 tuổi. Shvets kể anh đã phải cạo tuyết trên xe hơi cho tan chảy để lấy nước uống và sử dụng xe đẩy hàng trong siêu thị để chở xác chết đến những huyệt mộ được đào vội vàng.

Shvets cho biết không thể đếm xuể số lượng trạm kiểm soát của Nga mà gia đình anh đã đi qua trên đường từ Mariupol đến Berdyansk, dọc theo bờ biển Azov ở phía tây. Đoạn đường này thường chạy xe mất có 40 phút, nay đã kéo dài thành 15 giờ. Lính Nga bắt những ông cởi bỏ áo sơ mi và kiểm tra cơ thể của họ để tìm hình xăm nhằm có thể xác định họ là Quốc xã – anh nói.

Cô Masha, 37 tuổi, đã chạy trốn cùng chồng, con gái và con mèo vài ngày trước sau nhiều tuần lễ trú ẩn dưới tầng hầm ở Mariupol. Tại một nơi trú ẩn ở thành phố Dnipro, cô nhận được điện thoại của anh trai vẫn còn ở Mariupol. Cô giục anh trốn thoát, bất chấp nguy cơ bị bắn hoặc đạn pháo.

Thà mất đôi chân còn hơn mất mạng” – cô nói với anh trai.

Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk hôm 20/3 xác nhận Nga và Ukraine đã đồng ý thiết lập một hành lang nhân đạo để sơ tán cư dân khỏi Mariupol và gửi hàng viện trợ. Theo bà, đây là một trong bảy hành lang nhân đạo đã được nhất trí trong ngày này. Những hành lang đó đã có lúc không thể vận hành sau khi bị bắn phá.

Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết hơn 4.000 cư dân Mariupol đã tìm cách thoát thân ra ngoài qua một hành lang như vậy hôm 19/3.

Trong khi đó, ông Zelensky hôm 20/3 đã đình chỉ các hoạt động của 11 đảng phái chính trị có quan hệ với Nga mà các quan chức Ukraine từ lâu tin rằng họ đóng vai trò bình phong cho Điện Kremlin. Moscow tìm cách cài đặt các nhà lãnh đạo thân Nga tại các khu vực mà họ đã chinh phục kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược.

Theo các quan chức Ukraine, thủ lĩnh của một trong các đảng phái, ông Viktor Medvedchuk, đã trốn khỏi nơi bị quản thúc tại gia ở Kyiv mấy ngày sau khi Nga bắt đầu kéo quân xâm lược hồi tháng trước.

Ông Vyacheslav Volodin, chủ tịch Hạ viện Nga, lên án động thái này và cho rằng hành động của ông Zelensky là một sai lầm gây chia rẽ đất nước.

Trong khi đó, ông Oleksandr Kamyshin, người đứng đầu công ty đường sắt nhà nước Ukraine, nói với một kênh truyền hình rằng tuyến đường sắt nối Ukraine và Belarus đã bị cắt đứt. Ông Kamyshin từ chối nói thêm về việc tuyến đường này bị cắt như thế nào, nhưng ông cảm ơn các hãng đường sắt Belarus “vì những gì họ đã làm”.

Nga đã sử dụng Belarus để làm bàn đạp cho cuộc tấn công vào Ukraine.

Cũng hôm 20/3, Tổng thống Zelensky đã có bài phát biểu trước các nhà lập pháp Israel, trong đó ông chỉ trích Israel từ chối gửi viện trợ quân sự và miệt thị các nỗ lực hòa giải của Israel.

Israel có quan hệ chặt chẽ với cả Kyiv và Moscow và đã cố gắng duy trì quan điểm trung lập bằng vai trò trung gian hòa giải. Thủ tướng Israel Naftali Bennett đã nhiều lần trao đổi với lãnh đạo Nga và Ukraine, đồng thời đã đến Moscow và Berlin để hòa giải

Là một người Do Thái ông Zelensky nói: “Tôi muốn nói rằng thái độ thờ ơ giết chết người. Anh có hòa giải các quốc gia, nhưng không hoà giải được cái thiện với cái ác”.

Chính phủ Israel vẫn phản đối Nga xâm lược Ukraine nhưng chỉ có thể cung cấp viện trợ nhân đạo. Israel đã cho lập một bệnh viện dã chiến ở Ukraine.

Nguồn: WSJ


Tin bài liên quan:

VNTB – Ý nghĩa cuộc sống là gì khi không có tự do và dân chủ?

Phan Thanh Hung

VNTB – ADIZ ở Biển Đông: con chó cuối cùng sẽ sủa?

Phan Thanh Hung

VNTB – Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sẽ đóng cửa văn phòng tại Nga?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo