Phú Nhuận
(VNTB) – Cái khó ở đây của ông bộ trưởng là phải quản trị theo đầu bài ràng buộc của cái gọi là nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa do Bộ Chính trị ra đề.
“Xử lý nghiêm vi phạm, hoàn thiện cơ chế cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp”…
Cần thế nào để có nhà đầu tư chuyên nghiệp?
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói rằng đối với các nhà đầu tư cần phải hiểu biết mình là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo đúng quy định của pháp luật, đánh giá được đầy đủ rủi ro khi đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, không nên mua trái phiếu thông qua chào mời của các tổ chức cung cấp dịch vụ khi chưa tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu.
Bộ trưởng Tài chính nhắc nhà đầu tư cũng cần lưu ý việc các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán phân phối trái phiếu doanh nghiệp không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc mua trái phiếu. Trong trường hợp mua trái phiếu thông qua các hợp đồng đầu tư là không có căn cứ pháp lý theo quy định của pháp luật về phát hành trái phiếu, nhà đầu tư sẽ không phải là chủ sở hữu trái phiếu và không có quyền lợi đối với trái phiếu theo các cam kết của doanh nghiệp phát hành.
Tuy nhiên ở đây không thấy ông bộ trưởng nhận trách nhiệm về quản lý nhà nước trong vấn đề của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Lẽ ra tầm quản lý vĩ mô với ít nhất là hai tầng nấc, theo nguyên tắc Bộ Chính trị đưa ra các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội để Chính phủ liệu tìm các cách thích hợp để điều hành.
Trong quá trình đó, khi có những vướng mắc ở tầm vĩ mô thì Chính phủ sẽ làm động tác là “xin ý kiến” của Bộ Chính trị cho hướng xử trí, giải quyết trong đầu bài tiên quyết chung nhất quán của Bộ Chính trị là kiên trì nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nghĩa là để quy trình kể trên suôn sẽ theo đúng Điều 4 của Hiến pháp, là Đảng giữ quyền lực duy nhất, quyền lực tối cao trong lãnh đạo Nhà nước, thì ở đây tiên quyết phải có sự chuyên nghiệp trong quản trị quốc gia ở Bộ Chính trị và sau đó là dàn nội các Chính phủ.
Bộ Tài chính vẫn chậm nhịp trước doanh nghiệp?
Trở lại với vấn đề trái phiếu và trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Tài chính.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong những năm gần đây có sự tăng trưởng nhanh và dần bỏ xa quy mô phát hành trái phiếu chính phủ, điều chưa từng xảy ra trước năm 2018.
Cụ thể, năm 2018, trái phiếu doanh nghiệp phát hành thành công đạt 224.000 tỷ đồng, trong khi trái phiếu chính phủ đạt 190.000 tỷ đồng. Năm 2019, trái phiếu doanh nghiệp phát hành thành công đạt 312.000 tỷ đồng, và trái phiếu chính phủ phát hành đạt gần 300.000 tỷ đồng.
Năm 2020, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành lên tới 436.000 tỷ đồng, còn trái phiếu chính phủ phát hành khoảng hơn 330.000 tỷ đồng.
Số liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết trong năm 2021, tổng khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước đạt trên 658.000 tỷ đồng, tăng trưởng đến 42%. Theo VBMA, có đến 243 doanh nghiệp lần đầu phát hành trái phiếu trong năm ngoái, chiếm 40% tổng khối lượng phát hành. Phần lớn là các cái tên mới, đa phần đến từ ngành bất động sản và xây dựng.
Hiện tại thì các ngân hàng và công ty chứng khoán đang là những nhà đầu tư lớn nhất trên thị trường sơ cấp khi nắm giữ đến 52% tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong năm qua, với tổng giá trị lên tới 373.000 tỷ đồng.
Trong số đó, hai nhóm nhà đầu tư này mua 154.000 tỷ đồng, chiếm 68% trái phiếu ngân hàng phát hành, tập trung vào các trái phiếu kỳ hạn ngắn từ 1 – 4 năm và 153.000 tỷ đồng, chiếm 48% trái phiếu bất động sản phát hành.
Đây là những con số được Trung tâm nghiên cứu Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) tổng hợp tại bản báo cáo mới nhất về thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam.
Trong phạm vi 15 ngân hàng thương mại được SSI Research theo dõi, với tổng dư nợ tín dụng chiếm khoảng 75% thị phần tín dụng toàn hệ thống, tổng số dư trái phiếu các tổ chức kinh tế mà các ngân hàng thương mại đầu tư tính đến hết năm 2021 là khoảng 214.000 tỷ đồng, tăng 17% so với cuối năm trước đó.
Xét về giá trị tuyệt đối, ngân hàng đang nắm giữ lượng trái phiếu doanh nghiệp nhiều nhất đang là Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) với 62.809 tỷ đồng, tăng 34,4% so với cuối năm 2020.
Tiếp đến là Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB) với lượng trái phiếu nắm giữ gần 43.000 tỷ đồng, Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) với 27.782 tỷ đồng, Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) với 18.577 tỷ đồng.
Ngoài ra, nhiều ngân hàng cũng đang sở hữu trên 10.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp như Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank)…
Cái khó của cấp thừa hành về yêu cầu định hướng từ Bộ Chính trị
Trước loạt vấn đề trên, cho đến hiện tại người ta mới chỉ thấy ông Hồ Đức Phớc cam kết Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý giám sát, thanh, kiểm tra các hoạt động liên quan đến phát hành, cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp của các công ty chứng khoán, doanh nghiệp phát hành và các tổ chức cung cấp dịch vụ để phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tăng cường tính minh bạch của thị trường để đảm bảo thị trường trái phiếu doanh nghiệp trở thành một kênh huy động vốn quan trọng, hiệu quả cho doanh nghiệp.
“Tôi cho rằng cái khó ở đây của ông bộ trưởng là phải quản trị theo đầu bài ràng buộc của cái gọi là nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa do Bộ Chính trị ra đề.
Nền kinh tế này hiện chỉ có mỗi Việt Nam là đeo đuổi nên những hình mẫu tương tự cho học hỏi và rút kinh nghiệm trong quản lý, quả tình thực sự là nan đề đối với ông Hồ Đức Phớc” – một nhà phản biện tài chính độc lập đang cộng tác với trang Việt Nam Thời Báo, nhận xét.