Theo Trí thức trẻ/BBC
Đây là cuộc nội chiến ở Syria, nhưng nó được coi là có tầm ảnh hưởng rất lớn đến cả thế giới bởi có quan hệ trực tiếp đến quan hệ Nga – Mỹ.
Cuộc nội chiến ở Syria đã kéo dài hơn 6 năm qua, khiến hơn 250.000 người thiệt mạng. Đó là cuộc chiến giữa các binh sĩ ủng hộ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad và một bên là nhóm được gọi là quân nổi dậy, những người muốn lật đổ ông Assad. Bởi vì đây là cuộc xung đột giữa hai phía trong cùng 1 đất nước, nó được gọi là nội chiến.
Trong cuộc chiến này, có 1 “chiến trường” quan trọng: thành phố Aleppo.
Cuộc nội chiến bắt đầu như thế nào?
Rắc rối nảy sinh từ năm 2011, ở thành phố Deraa của Syria. Người dân địa phương đã tổ chức biểu tình sau khi 15 học sinh bị giam giữ (và được cho là bị tra tấn) vì vẽ lên tường 1 bức tranh graffiti có nội dung chống Chính phủ.
Ban đầu đó là 1 cuộc biểu tình trong hòa bình, kêu gọi trả tự do cho nhóm học sinh này và rộng hơn là kêu gọi chính quyền trao nhiều tự do hơn cho dân chúng.
Chính phủ Syria đã giận dữ đáp lại. Ngày 18/3/2011, quân đội nổ súng vào người biểu tình, khiến 4 người thiệt mạng. Ngày hôm sau, đoàn người tham gia đám tang của các nạn nhân bị bắn và 1 người khác thiệt mạng. Diễn biến này đã gây ra 1 cú sốc và bạo động nhanh chóng bao trùm khắp nơi trên đất nước Syria.
Đến tháng 7/2012, Hội chữ thập đỏ quốc tế tuyên bố bạo động ở Syria đã lan rộng đến mức nước này đã lâm vào tình trạng nội chiến.
Ban đầu, người biểu tình chỉ muốn dân chủ và tự do; nhưng sau khi tiếng súng vang lên, người biểu tình đã yêu cầu ông Assad phải từ chức – điều mà vị Tổng thống đã từ chối. Căng thẳng cứ như vậy mà leo thang. Tổng thống Assad cũng đã vài lần đưa ra kế hoạch thay đổi cách điều hành đất nước, nhưng người biểu tình không còn tin vào ông nữa.
Tuy nhiên vì vẫn còn khá nhiều người ủng hộ Tổng thống Assad và Chính phủ, cuộc chiến vẫn tiếp tục khi những người biểu tình không đạt được thứ họ muốn.
Tình hình rất phức tạp
Không chỉ có 1 nhóm chống lại Tổng thống Assad. Có vài nhóm có chung mong muốn lật đổ ông. Ước tính có khoảng 1.000 nhóm khác nhau phản đối Chính phủ kể từ khi xung đột nổ ra, với khoảng 100.000 binh sĩ. Họ là quân nổi dậy, có cả những đảng phái chính trị và những người lưu vong.
Nhưng mọi chuyện phức tạp hơn kể từ năm 2014, khi tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) bắt đầu mạnh lên ở nước láng giềng Iraq. IS bành trướng sang phía Đông Syria, và trong sự hỗn loạn của cuộc nội chiến, chúng có thể giành lấy đất đai và củng cố quyền lực. Giờ đây cả quân đội của ông Assad và phía quân nổi dậy đều đang ở trong những cuộc chiến riêng lẻ với IS.
Để ngăn chặn IS, tháng 9/2014, Mỹ, Anh và các nước khác bắt đầu can thiệp và thực hiện các cuộc không kích tấn công khủng bố ở Iraq và Syria.
Người dân Syria khốn khổ
Hàng triệu dân thường Syria phải rời khỏi nhà để tìm nơi trú ẩn. Một số ở lại trong khi nhiều người tìm đường ra nước ngoài. Theo Liên hợp quốc, khoảng 5 triệu người Syria đã rời khỏi đất nước, 6 triệu người vẫn ở Syria nhưng không thể sống trong căn nhà của mình.
Trong số những người ở lại, phần lớn chạy khỏi thành phố và tìm kiếm sự an toàn ở các vùng nông thôn. Nhiều trẻ em không thể đến trường vì trường học đã bị phá hủy hoặc không có giáo viên.
Còn đối với những người đã chạy khỏi Syria, họ tới các quốc gia láng giềng như Jordan, Lebanon, Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq. Xung đột ở Syria gây ra một trong những làn sóng tị nạn lớn nhất trong lịch sử nhân loại.
Nhiều người thực hiện cuộc hành trình dài đằng đẵng và đầy nguy hiểm tới châu Âu. Một số nước châu Âu tuyên bố mở cửa chấp nhận những người tị nạn muốn có 1 cuộc sống mới.
Báo cáo công bố tháng 9/2015 cho thấy Đức chào đón hàng trăm người tị nạn, trong khi cựu Thủ tướng Anh David Cameron từng nói Anh sẽ chấp nhận khoảng 20.000 người tị nạn Syria từ nay đến năm 2020. Pháp cũng tuyên bố đón nhận khoảng 24.000 người.
Các cường quốc như Mỹ, Nga, Anh và Pháp đã có nhiều cuộc thảo luận để tìm ra giải pháp giúp đỡ Syria. Tuy nhiên vẫn chưa có gì đột phá.
Động thái mới nhất của Tổng thống Trump có ý nghĩa gì?
Sáng sớm nay (7/4), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây chấn động khi ra lệnh phóng 50 quả tên lửa hành trình Tomahawk với mục tiêu là căn cứ không quân của Chính phủ Syria. Đây là lần đầu tiên Mỹ trực tiếp tấn công các mục tiêu của chính quyền Assad sau cuộc nội chiến kéo dài 6 năm qua với lý lẽ Washington cáo buộc Tổng thống Bashar al-Assad đứng sau các vụ tấn công hóa học làm nhiều thường dân thiệt mạng.
Đây là cuộc nội chiến ở Syria, nhưng nó được coi là có tầm ảnh hưởng rất lớn đến cả thế giới bởi có quan hệ trực tiếp đến quan hệ Nga – Mỹ. Trong khi Mỹ lên án ông Assad, Nga lại hỗ trợ quân sự cho chính quyền Syria kể từ tháng 9/2015. Trong suốt hơn 6 năm qua, Nga đã vài lần sử dụng quyền phủ quyết ở Hội đồng bảo an liên hợp quốc để ngăn chặn lệnh cấm vận chống lại Syria.
Sự kiện cũng đánh dấu một bước ngoặt lớn trong quan điểm đối ngoại của Donald Trump – người vừa bước chân vào Nhà Trắng chưa tròn 100 ngày.
Trong suốt chiến dịch tranh cử Tổng thống năm ngoái, Trump đã buộc tội những người tiền nhiệm khiến khu vực Trung Đông thêm rắc rối. Nhưng sau vụ tấn công hóa học do chính quyền của ông Assad thực hiện khiến hơn 70 người, trong đó có nhiều trẻ em, thiệt mạng và với nhiều hình ảnh đau thương được truyền đi khắp thế giới, Trump tuyên bố suy nghĩ của ông đã thay đổi.
Đây cũng là cách tiếp cận không giống với người tiền nhiệm Barack Obama, người nhiều lần lên án và đe dọa sẽ có hành động quân sự với Syria nhưng chưa từng thực hiện. Năm 2013, sau vụ tấn công bằng khí sarin khiến hơn 1.000 người thiệt mạng ở gần Damacus, ông Obama cũng đã cân nhắc hành động nhưng sau đó đã lùi bước khi Anh từ chối tham gia. Thay vào đó, ông Obama và ông Putin đạt được thỏa thuận về Syria.
Thu Hương
Theo Trí thức trẻ/BBC