Trúc Giang (VNTB) Từ đầu năm đến nay, nếu tính những lần thông tin công khai trên báo chí, thì chuyện “tảo nở hoa” xuất hiện tại vùng biển có khu công nghiệp Formosa Hà Tĩnh hoạt động là vào các ngày 19-1, ngày 17-2, ngày 27-2 và mới nhất là sáng 4-4-2017. Rất nhanh chóng, trong vụ việc “tảo nở hoa” ngày 4-4, ngay trong sáng 4-4, phía Bộ Tài nguyên và Môi trường nói rằng dải nước màu hồng phấn dài khoảng 10m tấp vào cảng Sơn Dương của Formosa Hà Tĩnh, chỉ là hiện tượng tự nhiên của “tảo nở hoa”.
Dải nước màu hồng phấn dài khoảng 10m tấp vào cảng Sơn Dương của Formosa Hà Tĩnh, hôm 4-4. |
Lý thuyết về chuyện “tảo nở hoa”, cho biết nghi vấn lớn nhất trong trường hợp ở vùng biển khu vực Formosa Hà Tĩnh, là từ chuyện “nước phú dưỡng” có từ nguồn nước xả thải của Formosa Hà Tĩnh.
“Tảo nở hoa” thường là từ nguyên do vùng nước nơi đó “giàu chất dinh dưỡng vô cơ”. Các chất vô cơ ấy như phosphat, nitrat, silicat, sắt vốn có trong nước xả thải từ các nhà máy sản xuất công nghiệp, mà Formosa là một ví dụ gần gũi nhất. Ngoài ra còn có các chất vô cơ có độc tính rất cao như các hợp chất của Hg, Pb, Cd, As, Sb, Cr, F…, mà trước đây từng công bố có trong nước xả thải của Formosa Hà Tĩnh.
Tuy nhiên vùng biển xuất hiện tảo nở hoa thường sẽ kéo dài từ một tuần lễ trở đi, khó thể có chuyện “dải nước màu hồng phấn dài khoảng 10m tấp vào cảng Sơn Dương của Formosa Hà Tĩnh” chỉ xuất hiện độ vài tiếng rồi biến mất ngay trong ngày 4-4. Điều này thực sự đáng lo ngại, vì có thể ngoài Formosa Hà Tĩnh, tại khu vực biển miền Trung còn có những tổ hợp sản xuất khác đang xả thải độc hại ra môi trường. Sự di chuyển của các dòng hải lưu đưa chất thải độc này đi xa hơn cùng những yếu tố khác như chất thải từ kim loại nặng, đã góp phần tạo nên “tảo nở hoa”, hay còn gọi là “thủy triều đỏ”.
Nói một cách khác, có quyền đặt nghi vấn biển ở khu vực miền Trung đang chịu sự tác động của chất thải các khu công nghiệp, nhất là công nghiệp nặng đã gây ra hiện tượng tảo nở hoa gây hại, trải dài từ vùng biển Hà Tĩnh kéo đến tận Chân Mây của tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Trở lại với vụ “dải nước màu hồng phấn dài khoảng 10m tấp vào cảng Sơn Dương của Formosa Hà Tĩnh” hôm 4-4. Nghi vấn nguồn ô nhiễm từ cảng Sơn Dương là điều mà cho đến nay mới chỉ có báo chí chuyên ngành xa gần đề cập. Là cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam, ở Sơn Dương chắc chắn sẽ gây ô nhiễm vùng biển Hà Tĩnh từ chuyện dầu mỡ khoáng, các phế thải trên tàu và phế liệu xây dựng xả xuống biển. Tuy nhiên cảng Sơn Dương lại nằm trong quy trình khép kín trong “vương quốc Formosa Hà Tĩnh”, nên đến ngay cả các nhà báo trong ngành hàng hải cũng không mấy dễ dàng tìm hiểu những hoạt động của cảng Sơn Dương (tên đầy đủ của cảng này là Sơn Dương Formosa).
Câu chuyện một năm trước, khi xảy ra vụ Formosa thảm sát môi trường biển miền Trung, khi ấy, Ts. Bùi Quang Tề, cựu Viện trưởng Viện Nuôi trồng Thủy sản đã nhận định rằng, “Vùng ven biển Bắc Trung Bộ có một dòng hải lưu nên theo tôi, nguồn ô nhiễm có thể xuất phát từ một vị trí nào đó, chất độc sau đó trôi theo dòng hải lưu đi qua vùng biển gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt ở một vùng biển rộng lớn, kéo dài như thế”.
Như vậy, bên cạnh nhà máy Formosa Hà Tĩnh, người ta có quyền đặt nghi vấn về cảng Sơn Dương Formosa. Bởi nếu đúng là một năm qua nhà máy sản xuất thép Formosa dừng hoạt động, trong khi đó vẫn xảy ra “tảo nở hoa” ở vùng biển này, thì nghi can tiếp theo phải là cảng Sơn Dương Formosa.