Mai Tú Ân
(VNTB) – Dù muốn dù không, dù ở bên phe nào đi nữa thì ta đều phải thừa nhận rằng, vụ việc đã vượt tầm một thảm họa môi trường và trở thành một thảm hoạ xã hội cho đất nước này rồi…
Một năm buồn đã qua kể từ ngày những chất thải độc của nhà máy thép Formosa đổ ra biển miền Trung. Nhiều loại chất độc hại, nguy hiểm cho con người, cho các loài tôm cá, cho môi trường đã vô tình, hay cố ý đổ ra biển và làm nên một thảm họa môi trường lớn nhất, khủng khiếp nhất từ trước đến nay của đất nước ta. Nhưng thảm họa này lại còn lớn hơn nữa, gây tai họa hơn nữa bởi những người điều khiển đất nước này.
Nhưng từ một thảm họa môi trường không ai muốn, Formosa càng lúc càng trở nên một thảm họa vượt lên tầm mức của nó để trở thành một vấn đề xã hội càng lúc càng bế tắc. Chính quyền ông Nguyễn Xuân Phúc đã lúng túng, tắc trách và cuối cùng thì thêm lửa cho vấn đề này. Một thảm hoạ mà suy tận cùng ra ta có thể thấy hướng giải quyết trên cơ sở coi trọng những mất mát, những vấn đề dân sinh của người ở trong thảm hoạ. Nhưng bởi cách giải quyết vấn đề cứng ngắc, bảo thủ nên đã đưa sự việc đến chỗ bế tắc. Vấn đề bồi thường thì sự tranh chấp gia tăng giữa chính quyền và thành phần dân bị thảm họa, với liên tục các vụ phản đối chặn đường quốc lộ. Các cuộc khiếu kiện đặc biệt là của giáo dân liên tục diễn ra vì sự bồi thường bất hợp lý khi cho rằng chỉ có 4 tỉnh miền Trung là bị hại và được bồi thường. Còn các tỉnh giáp biển với 4 tỉnh đó thì không được bồi thường một xu nào trong khi ai cũng biết là họ thiệt đơn thiệt kép không thua gì các tỉnh kia. Tóm lại càng lúc thì cái tên Formosa lại càng trở lên không thể chấp nhận được.
Các biện pháp của chính quyền cứ đi theo một hướng không hợp lý và như ngược lại với phương cách hành động thông thường. Đầu tiên là sự lặng im một cách khó hiểu khi vụ việc diễn ra, rồi sau đó là động thái giống như một con lạc đà khi chui đầu vào cát vì không nhìn thấy tức là không có vấn đề. Nhưng khi vụ việc trở nên ầm ĩ thì chính quyền lại lao vào cuộc một cách nhanh chóng thái quá, bất bình thường của một tay mơ. Các “điều tra” nhanh chóng và đưa đến một đền bù cũng nhanh không kém. 500 triệu đô la cho một môi trường bị huỷ hoại nhưng chưa biết tới tầm mức nào. Bởi lẽ việc đền bù nó phải có thời gian để đánh giá thiệt hại một cách rõ ràng và công tâm chứ đền bù vội vàng kiểu này thì sẽ dẫn đến sự phản đối của cả kẻ được đền bù lẫn của kẻ đền bù. Ngoài ra hợp đồng đền bù nhanh chóng này lại dẫn đến một hệ quả là phía Việt Nam không còn khả năng kiện cáo gì phía Formosa cả, dù có diễn tiến gì đi nữa.
Rồi sự tiếp cận bên ngoài cũng bị ngăn cấm một cách khó hiểu. Khi một vụ việc tầm cỡ Formosa này xảy ra thì tốt nhất nên có sự vào cuộc tham gia của các tổ chức hay một quốc gia độc lập, rồi các sự đền bù sau đó sẽ đặt trên những nền tảng mà các tổ chức quốc tế này điều tra ra. Nhưng đáng tiếc là các đề nghị được trợ giúp của LHQ và của Mỹ đều đã bị chính quyền Việt Nam từ chối thẳng tay.
Nhưng vấn đề lớn nhất, bao trùm nhất mà chính quyền Việt Nam đã hành xử là việc trấn áp dã man các cuộc xuống đường vì môi trường. Tại Hà Nội, Sài Gòn và bất cứ nơi đâu mà người dân bức xúc muốn xuống đường biểu tình thì đều bị đáp trả bằng các lực lượng CA, AN hùng hậu. Trấn áp dữ dội, đánh đập thẳng tay mọi người dân xuống đường, trấn áp cả người công giáo đi kiện để rồi giờ đây quốc gia như chia rẽ hơn, và không chỉ vì thảm hoạ môi trường nữa. Các cuộc xuống đường và chực chờ xuống đường luôn chực chờ ở đâu đó…
Qua các cuộc đàn áp người biểu tình ôn hòa vụ Formosa này suốt một năm qua thì người Việt Nam ở khắp nơi đã nhìn thấy sự tàn ác, bất chấp tất cả của chính quyền để khiến cho người dân quên đi vụ Formosa. Nhưng làm sao quên được Formosa. Nó đã đến và ngự trị khủng khiếp lên đất nước Việt Nam một năm rồi và nó sẽ còn ngự trị trên đất nước chúng ta nhiều năm nữa. Như một vết thương lở lói mà không một người Việt Nam có lương tri nào cần có nữa.
Dù muốn dù không, dù ở bên phe nào đi nữa thì ta đều phải thừa nhận rằng, vụ việc đã vượt tầm một thảm họa môi trường và trở thành một thảm hoạ xã hội cho đất nước này rồi…