Việt Nam Thời Báo

VNTB – Hành là chính

Trần Dzạ Dzũng

 

(VNTB) – Chúng tôi làm thủ tục hải quan mãi vẫn chưa xong

 

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết việc 1,5 triệu khẩu trang hỗ trợ chống dịch Covid vẫn nằm trong kho từ cuối năm 2021 là do không nhận được giấy xác nhận của Bộ Y tế chứ không phải do cơ quan hải quan gây khó khăn.

Lòng vòng trách nhiệm

Đánh giá về chuyện cải cách thủ tục hành chánh tại buổi thảo luận tổ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022, bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam đã dẫn một vụ việc tương tự sự việc mà đại biểu Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Mặt trận tổ quốc Việt Nam TP.HCM, đã nêu tại kỳ họp thứ 2: Vấn đề tiếp nhận hàng hóa hỗ trợ công tác phòng chống dịch rất khó khăn trong hoàn thiện thủ tục hải quan.

Sau đó, Chính phủ đã chỉ đạo và Mặt trận tổ quốc đã lấy được hơn 23.000 lon sữa, hỗ trợ các cháu bị ảnh hưởng do Covid-19.

Bà Trương Thị Ngọc Ánh cho biết tưởng sự việc ở TP.HCM xong, các bộ ngành liên quan rút kinh nghiệm, nhưng đến tháng 11-2021, Mặt trận tổ quốc nhận được hai văn bản của doanh nghiệp ở Đức và bà con kiều bào ở Hồng Kông thông báo gửi về những lô khẩu trang để hỗ trợ Việt Nam trong phòng chống dịch.

Tại tổ thảo luận có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự, bà Trương Thị Ngọc Ánh nói: “Nhưng báo cáo Thủ tướng là chúng tôi làm thủ tục hải quan mãi vẫn chưa xong. Lô hàng ở Đức gửi về Nội Bài còn lô khẩu trang ở Hồng Kông gửi về sân bay Tân Sơn Nhất.

Khi làm thủ tục, yêu cầu phải có biên bản tiếp nhận, xác nhận tài trợ, chúng tôi đều làm đầy đủ. Hải quan nói cần phải có xác nhận của Bộ Tài chính. Tới Bộ Tài chính thì nói việc này không thực hiện theo Nghị định 80 mà thực hiện theo Nghị định 93.

Tuy nhiên Nghị định 93 này mới ban hành cuối tháng 10-2021, quy định về vận động, huy động, hỗ trợ hàng hóa phục vụ cho công tác chống dịch. Nhưng làm theo Nghị định 93 hải quan lại yêu cầu Mặt trận tổ quốc phải có ý kiến của Bộ Y tế về miễn thẩm định lô hàng thì sẽ cho xuất lô hàng ra.

Chúng tôi đã làm văn bản sang Bộ Y tế được hơn 1 tháng, nhưng đến nay cũng chưa có phản hồi. Như vậy đã hơn 6 tháng, 1,5 triệu khẩu trang phục vụ cho công tác phòng chống dịch vẫn nằm trong kho và hàng tháng Mặt trận tổ quốc vẫn phải gửi, chuyển trả tiền lưu kho, lưu bãi. Đây là vấn đề chúng tôi thấy hết sức bất cập”- Phó Chủ tịch Mặt trận tổ quốc Việt Nam nêu vấn đề.

Bà Trương Thị Ngọc Ánh tiếp tục đặt câu hỏi: “Vậy thủ tục hành chánh như thế nào để tiếp nhận lô hàng hỗ trợ phục vụ cho công tác phòng chống dịch!? Thủ tướng chỉ đạo rồi, chống dịch như chống giặc, tinh thần hết sức khẩn trương, lúc đó thì lô khẩu trang hết sức ý nghĩa, nhưng bây giờ nếu chúng ta lấy ra cũng hết sức bình thường vì công tác phòng chống dịch của ta đã chuyển sang giai đoạn mới”.

Trở lại với vụ lô hàng 22.000 lon sữa hỗ trợ trẻ em.

Bà Tô Thị Bích Châu kể có một đơn hàng với 22.000 lon sữa do kiều bào ở Úc ủng hộ cho trẻ em gặp khó khăn trong đại dịch tại TP.HCM. Theo trình tự thủ tục, Mặt trận tổ quốc thành phố đã xin ý kiến Cục An toàn thực phẩm, Cục Thú y. Trong khi Cục Thú y trả lời đồng ý chỉ trong 2 ngày, thì Cục An toàn thực phẩm lại nói đề nghị TP.HCM hỏi Chính phủ.

“Chúng tôi gửi công văn đến Chính phủ cũng phải giao về Cục An toàn thực phẩm trả lời. Vậy tại sao không tham mưu luôn một văn bản nêu chính kiến của mình tham mưu cho Chính phủ trả lời?

Cách làm của Cục An toàn thực phẩm là đúng quy trình, nhưng không đúng với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Và nếu không có gì thay đổi trong đánh giá hàng năm, cuối năm cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Vậy còn lô hàng cứu trợ về gần 1 tháng chưa lấy ra được, lỗi do ai” – bà Tô Thị Bích Châu ý kiến.

Xe sang biếu tặng người nghèo

Tiếp theo đây cũng câu chuyện diễn ra hồi thời dịch giã Covid liên quan đến biếu tặng. Theo đó, tưởng chừng dịch Covid-19 hoành hành hơn 2 năm qua khiến hàng loạt doanh nghiệp phá sản, khó khăn. Lạ thay, mỗi năm vẫn có khoảng 1 ngàn doanh nghiệp, cá nhân ở Việt Nam được đối tác nước ngoài tặng siêu xe trị giá từ vài tỷ tới hàng chục tỷ đồng.

Theo điều tra của báo chí, Cục Hải quan Hà Nam Ninh – đơn vị quản lý hoạt động xuất nhập khẩu tại 3 tỉnh Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình, dù số thu thuế và đóng góp cho ngân sách nhà nước hàng năm rất thấp, lượng doanh nghiệpcũng lèo tèo nhưng mỗi năm cấp tới gần 200 giấy phép nhập khẩu xe biếu tặng.

Kỳ lạ nhất, hầu hết các doanh nghiệp được cấp phép đều chung địa chỉ đăng ký kinh doanh. Theo điều tra của một cơ quan báo chí thuộc trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, riêng địa chỉ 10/13 đường Thành Công, phường Tân Thành, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình, có khoảng 10 doanh nghiệp đăng ký.

Bà V., chủ căn nhà số 10/13 đường Thành Công cho biết, bản thân là giáo viên mầm non, còn chồng làm công nhân nên gia đình không lập công ty nào để kinh doanh hay nhập khẩu ô tô. Khi được hỏi vì sao lại xuất hiện hàng chục doanh nghiệp đăng ký trụ sở trong nhà mình, bà V. mới sực nhớ: “Trước đây, có một số người lạ đến thuê đặt biển với giá khoảng vài triệu đồng/năm. Từ cuối năm 2020, họ dỡ biển, rút đi. Không hiểu sao, vẫn còn nhiều doanh nghiệp mới thành lập lấy địa chỉ nhà tôi để đăng ký?”.

Hồ sơ cho biết ngày 20-9-2021, Cục Hải quan Hà Nam Ninh cấp phép cho Công ty TNHH Truyền thông và Quảng cáo Ecopark nhập khẩu chiếc Mercedes-Benz G63 do Áo sản xuất, đối tác nước ngoài tên SD-Design tặng.

Địa chỉ công ty được ghi là nhà “ông Phạm Văn Tiến, thôn Hòa Trung, phường Tiên Nội, thị xã Duy Tiên, Hà Nam”. Tìm về thôn này, đại diện thôn khẳng định ở đây chỉ có 1 thanh niên tên Phạm Văn Tiến, sinh năm 2000, con ông Phạm Văn Thoại.

Căn nhà của ông Thoại tuềnh toàng, được dựng phần lớn bằng tôn, nằm xa tít ngoài cánh đồng, được vây quanh bởi ao cá; tiếng vịt kêu khắp nơi. Khi được nghe về việc có công ty lấy địa chỉ nhà để nhập khẩu ô tô, cả gia đình ông Thoại đều bày tỏ sự ngạc nhiên vì cậu con trai Phạm Văn Tiến mới tốt nghiệp cấp 3, đang học tiếng Nhật để chuẩn bị đi xuất khẩu lao động.

Từ nguồn tin độc lập có được từ giới buôn xe, ghi nhận có những đối tác nước ngoài mỗi năm ‘tặng’ hơn 100 siêu xe cho doanh nghiệp, cá nhân ở Việt Nam. Các đối tác này hầu hết là đại lý, nhà buôn ô-tô nổi tiếng, hãng vận tải biển xuyên biên giới. Xe biếu tặng cuối cùng không đi về địa chỉ được cấp phép trước đó mà vào… các showroom ô-tô.

Năm 2021 dù khó khăn do đại dịch Covid-19 nhưng các đối tác nước ngoài “hào phóng” tặng các doanh nghiệp Việt Nam gần 1.000  xe sang hoặc siêu sang, thậm chí có cả mẫu xe là phiên bản duy nhất.


Tin bài liên quan:

VNTB – Ám ảnh từ dịch cúm A/H1N1 chục năm trước…

Phan Thanh Hung

VNTB – “Ai cũng có thể là F0!”

Phan Thanh Hung

VNTB – Ước nguyện ngày xuân Tân Sửu: tìm được tự do, dân chủ

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo