Việt Nam Thời Báo

VNTB- Cuộc đấu tranh vì chế độ dân chủ tự do ở Ba Lan

Guy Verhofstadt
Phạm Nguyên Trường dịch

(VNTB) – Cuối cùng, chỉ có người Ba Lan mới có thể quyết định được số phận của đất nước họ.


Kể từ khi lên cầm quyền, năm 2015, đảng dân túy Luật pháp và Công lí (PiS) của Ba Lan đã và đang tấn công một cách có tổ chức vào các thiết chế dân chủ tự do của đất nước này. Chính phủ PiS phá hoại ngầm Toà bảo hiến của Ba Lan và không ngừng tấn công vào sự độc lập của ngành tư pháp, trong khi tiến hành những bước khác nhau nhằm bịt miệng báo chí.
Liên minh châu Âu đã đưa ra quy trình pháp-quyền nhằm chống lại chính phủ Ba Lan, trong khuôn khổ nhằm ngăn chặn việc áp đặt lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, cho đến nay, các nỗ lực nhằm ngăn chặn và đảo ngược các chính sách ngày càng độc đoán của PiS đã thất bại. Rõ ràng là, các quan chức chính phủ ở Warsaw cho rằng EU sẽ không có đủ ý chí chính trị để thực hiện các biện pháp trừng phạt.
Quan hệ giữa chính phủ Ba Lan và EU còn xấu đi hơn nữa tại cuộc họp của Hội đồng châu Âu ở Brussels hồi đầu tháng này. Trong bối cảnh các cuộc bầu cử quốc gia quan trọng ở châu Âu năm nay, việc Vương quốc Anh rời khỏi EU, mối quan hệ không chắc chắn với chính quyền mới của Tổng thống Hoa Kỳ, Donald Trump, và kỷ niệm 60 năm ngày kí Hiệp ước Rome, các đại biểu của hội nghị thượng đỉnh đã dự kiến thảo luận về tương lai của EU.
Nhưng, các cuộc đàm phán đã bị làm cho lu mờ bởi đề nghị của chính phủ Ba Lan, được đưa ra, theo yêu cầu của Chủ tịch PiS, ông Jarosław Kaczyński, vào phút chót, nói rằng cựu Thủ tướng Ba Lan, Donald Tusk, sẽ phải thay, không làm Chủ tịch Hội đồng Châu Âu nữa.
Theo các cuộc thăm dò gần đây, đa số người dân Ba Lan phản đối động thái này. Nhưng Kaczyński đã tìm cách trả thù Tusk từ lâu rồi, vì ông ta đưa ra lí thuyết âm mưu, nói rằng Tusk phải chịu một phần trách nhiệm về cái chết của người anh em sinh đôi của ông ta, cựu Tổng thống Ba Lan Lech Kaczyński, thiệt mạng trong vụ tai nạn máy bay gần Smolensk, Nga.
Thật may là, cuộc đảo chính chính trị của Kaczyński đã thất bại. Chính phủ Ba Lan bị bẽ mặt, và Tusk – với sự ủng hộ của 27 trong số 28 chính phủ EU – đã được tái cử một nhiệm kì nữa (Cuộc bầu cử diễn ra ngày 9 tháng 3 năm 2017, Tusk được bầu giữ chức vụ này nhiệm kì thứ 2, tới ngày 30 tháng 11 năm 2019. Ông được 27/28 phiếu thuận, phiếu chống là của chính phủ Ba Lan – ND).
Tuy nhiên, nếu không có phản ứng kiên quyết và thống nhất của EU, chính phủ Ba Lan hiện nay có thể sẽ tiếp tục đi theo quỹ đạo phi tự do. PiS chắc chắn sẽ đẩy đất nước lún sâu thêm vào cuộc khủng hoảng hiến pháp, và làm cho các thiết chế dân chủ suy yếu thêm, bằng cách đàn áp xã hội dân sự và chính trị hoá hệ thống tư pháp trong việc đàn áp Tusk.
EU cần chấm dứt hi vọng là tình hình sẽ tự giải quyết và bắt đầu bảo vệ chế độ dân chủ tự do ở Ba Lan trước khi quá muộn. Để đạt được mục đích đó, EU nên áp dụng hai cách tiếp cận.
Thứ nhất, các nhà hoạch định chính sách của EU phải cân nhắc để tất cả các khoản chi trả quỹ cơ cấu trong tương lai phải gắn với điều kiện là nước nhận tuân thủ chế độ pháp quyền. Theo số liệu chính thức của Ủy ban châu Âu, trong giai đoạn 2014-2020, các quỹ đã dành cho Ba Lan 86 tỉ Euro, thông qua 24 chương trình quốc gia và khu vực khác nhau. Các quỹ này – dành cho đầu tư cơ sở hạ tầng, bảo vệ môi trường và nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ – chiếm hơn 1/4 các nguồn lực của EU được phân bổ cho những mục đích đó. Từ nay trở đi, không được cho các thành viên không tuân thủ các chế độ pháp quyền hưởng những khoản tiền đó.
Thứ hai, Ủy ban châu Âu và các nước thành viên EU phải có hành động nhằm tước quyền bầu cử của chính phủ Ba Lan cho đến khi nước này lật ngược lại các chính sách phi tự do của mình. Nói rộng hơn, EU phải xây dựng khuôn khổ có hiệu quả hơn nhằm bảo vệ chế độ dân chủ tự do và thúc đẩy việc tuân thủ các giá trị của châu Âu trong nội bộ EU. Việc EU không có khả năng phạt Thủ tướng Viktor Orbán của Hungary vì ông ta đã vi phạm các giá trị của châu Âu chứng tỏ các cơ chế pháp lí hiện hành nhằm thực thi chế độ pháp quyền ở châu Âu còn chưa đủ cứng rắn.
Thật là vô lí, khi EU hiện có các công cụ nhằm thực thi tất cả mọi thứ, từ chính sách cạnh tranh đến giữ gìn trật tự, nhưng không bảo vệ các nguyên lí cốt lõi của chế độ dân chủ tự do của mình. EU phải hành động ngay từ bây giờ, không phải để trừng phạt những người kiêu ngạo ở Ba Lan, mà để bảo vệ một trong những nguyên tắc nền tảng của nó. Chế độ pháp quyền là một sản phẩm của lịch sử lập hiến của từng nước thành viên EU. Chế độ pháp quyền phải có chỗ đứng thích hợp trong các giá trị nền tảng mà chính EU dựa vào.
Các nhà lãnh đạo Châu Âu phải nói to và rõ ràng rằng chủ nghĩa dân túy của chính phủ Ba Lan hiện nay không tương thích với các tiêu chuẩn của EU. Người Ba Lan có sẵn sàng đứng yên và nhìn đất nước mình trở thành nghèo khổ hơn và cô lập hơn, trong khi Kaczyński theo đuổi những tư tưởng kì quặc của mình và coi thường những lí tưởng dân chủ tự do được ghi trong hiến pháp của nước mình hay không?
Cuối cùng, chỉ có người Ba Lan mới có thể quyết định được số phận của đất nước họ. Về phần mình, tôi tin rằng chẳng bao lâu nữa họ sẽ xuống đường để bác bỏ sự chuyển hướng của chính phủ về phía chế độ độc tài, và để đảm bảo một tương lai tươi sáng hơn cho Ba Lan trong lòng châu Âu. Khi họ làm như thế, họ phải biết rằng EU kiên quyết ủng hộ họ.
Guy Verhofstadt, cựu Thủ tướng Bỉ, hiện là Chủ tịch Liên minh những người Tự do và Dân chủ cho nhóm châu Âu (ALDE) ở Quốc hội Châu Âu và tác giả của cuốn Europe’s Last Chance. Why the European States Must Form a More Perfect Union (Tạm dịch: Cơ hội cuối cùng của châu Âu. Vì sao các nước châu Âu phải thành lập liên bang hoàn hảo hơn)
 ———————

Nguồn: https://www.project-syndicate.org/commentary/europe-rule-of-law-procedure-poland-by-guy-verhofstadt-2017-03

Tin bài liên quan:

VNTB- Tại sao Trung Quốc sẽ không ngưng việc xây dựng đảo ở Biển Đông?

Phan Thanh Hung

VNTB – Lưu Hiểu Ba có chết vô ích?

Phan Thanh Hung

VNTB – Trung Quốc: Luật đi trên con đường tơ lụa

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo