Văn Nguyên Dưỡng
[ads_custom_box title=”Lời toà soạn” color_border=”#050ce8″]
Cựu Trung Tá Nguyễn Văn Dưỡng hiện sống tại Hawaii, nguyên trưởng phòng 2 ( Phòng Tình Báo) bộ tư lệnh sư đoàn 5 BB. Người tham dự trận chiến An Lộc từ bắt đầu đến kết thúc. Trong bài viết của ông dưới dây có thể có một vài chi tiết khá nhạy cảm với một vài người.
[/ads_custom_box]
GIẢI TỎA AN LỘC, PHẢN CÔNG
Có lẽ ngay trong giữa khuya 10/5 rạng ngày 11/5 khi được Tướng Hưng báo cáo là địch đang pháo kích với cường độ vô cùng lớn lao và An Lộc sẽ bị tấn kích trong buổi sáng sớm hôm sau khi dứt tiếng pháo… nên Tướng Minh và Bộ Tham mưu Hành quân của ông đã họp khẩn cấp lúc đó để hoạch định sử dụng các đơn vị chưa lâm chiến thi hành ngay kế hoạch cứu nguy cho An Lộc trong ngày hôm sau. Theo nhận định riêng của tôi thì kế hoạch này có hai phần, diễn ra chỉ cách nhau mấy ngày.
Thứ nhất: Tấn công mạnh để “bứng chốt” ở suối Tàu-Ô nhưng thực ra là để kềm SĐ-7/CSBV không cho tăng cường quân lên mặt bắc tập trung truy diệt Lữ đoàn 3 Nhảy Dù hiện đang còn hành quân trong các vùng ấp Đức Vinh và ấp Tân Khai từ 6km đến 10km phía nam An Lộc hay hợp công với các đơn vị chủ lực khác dứt điểm An Lộc.
Thứ hai: Khi quân CSBV tấn công vào An Lộc đợt 3 này thì ở vùng hai ấp nói trên có hai Trung đoàn 165 và 141 của SĐ-7/CSBV cộng thêm Trung đoàn 271 của SĐ-9/CS. Tất nhiên chúng phải rút bớt đơn vị sau trả về Sư đoàn gốc để tấn công An Lộc, chỉ còn lại ở chiến trường phía nam này hai Trung đoàn của SĐ-7/CSBV đã đang còn đánh nhau dữ dội với LĐ3ND và tất nhiên là đã thấm mệt vì tổn thất bởi các trận chạm súng và bởi hỏa lực không yểm quân Dù của KQVN và KLHK, nhất định là đã yếu đi. Nay Tướng Minh đổ thêm một cánh quân mạnh vào Tân Khai, tức nhiên lấy mạnh đánh yếu, vừa giải tỏa áp lực cho LĐ3ND, vừa có thể đánh thốc lên tiến thằng vào An Lộc bắt tay với các cánh quân phòng thủ An Lộc của Tướng Hưng mà gần nhất ở mặt nam là cánh quân của LĐ1ND của Đại tá Lê Quang Lưỡng. TWC/MN đã hết quân, không thể truy cản được cánh quân mới nhập trận này.
Phần thứ nhất của Kế hoạch được thưc hiện vào sáng tinh sương ngày 11/5/1972.
Trung đoàn 32 của SĐ21BB được tăng cường hai Chi đoàn chiến xa 1/5 và 1/18, cộng thêm Chi đoàn 1/2 Thiết kỵ, chia làm hai mũi, xuất phát từ Chơn Thành cặp theo hai bên trục QL-13 tấn công mạnh vào chốt chặn ở đoạn đường dài hơn 3 cây số khu vực suối Tàu-Ô. (Quận lỵ Chơn Thành được giao cho Trung đoàn 9/SĐ5BB (-) –mới được tái lập với hai Tiểu đoàn, tạm thời đặt trực thuộc hệ chỉ huy hành quân của SĐ21BB, bảo vệ trục QL-13 từ Lai Khê lên Chơn Thành). Ở mặt trận Suối Tàu-Ô, cuộc chạm súng đã diễn ra vô cùng dữ dội. Cần nói là trước khi quân của Trung đoàn 32 tiến đánh các mục tiêu, các chốt chặn liên hợp của Trung đoàn 209/SĐ-7/CSBV tăng cường Trung đoàn 101 Địa phương, một Đại đội trinh sát của SĐ-7/CSVB, Đại đội C41 Chống Chiến xa, một Đại đội phòng không, tất cả ước chừng hơn 1,200 cán binh –đóng chốt trong hai căn cứ với hầm hố kiên cố ở hai bên đường do các đơn vị HK để lại, kết hợp với các địa đạo sâu chi chít và hệ thống các “kiềng” dày đặc– đã bị dội hàng chục phi xuất B-52, và mỗi lần bị tấn kích chúng đã phải hứng hàng vài chục phi xuất không kích với bom, đạn, kinh hồn… của KQVN và KLHK mà chắc chắn rằng tổn thất không nhỏ. Có lẽ chúng chỉ thêm quân từng toán nhỏ và tiếp tế vào đêm… nhưng các chốt đó vẫn tồn tại. Cũng dĩ nhiên là chúng cũng không thể nhích chân để chuyển lên phía bắc để tiếp tay với các đơn vị khác. Và như vậy, Tướng Minh cũng thực hiện được một phần kế hoạch của ông, mặc dù sau đó đã phải tăng viện thêm cho Trung đoàn 32 ba Tiểu đoàn 65,73 và 84 BĐQ….
Phần thứ hai của Kế hoạch được thực hiện vào ngày 14/5/1972.
Trong ngày 11/5 khi Trung đoàn 15 của SĐ9BB đến Lai Khê, Trung tướng Minh định đưa vào tăng cường cho Tướng Hưng, bằng trực thăng vận vào thẳng An Lộc, nhưng trong đêm 10 rạng 11/5 CSBV pháo kích khủng khiếp vào An Lộc và biết rằng sáng sớm chúng sẽ tấn công vào các tuyến phòng thủ thành phố bằng bộ binh và chiến xa nên Trung tướng Minh đã thay đổi chiến thuật: vẫn đưa Trung đoàn này và một Trung đoàn khác vào An Lộc nhưng bằng cách khác. Sau mấy ngày chuẩn bị, mặc dù sau hai ngày 11 và 12/5 các mũi tấn công của CSBV và các tuyến phòng thủ đã bị chặn đứng và mức độ tấn kích của chúng cũng giảm đi, nhưng kế hoạch vẫn được tiến hành. Hai cánh quân được chuẩn bị để đưa vào chiến trường:
Cánh quân thứ nhất là Chiến đoàn 15 với các Tiều đoàn 1, 2, 3 và Đại đội 15 Trinh Sát trực thuộc, tăng cường Thiết đoàn 9 Kỵ binh và Pháo đội 93 Pháo binh, do Trung tá Hồ Ngọc Cẩn chỉ huy, chia làm ba đợt, trước tiên vào Tân Khai. Sau đó sẽ dùng nơi này làm “bàn đạp” tiến lên An Lộc. Đợt thứ nhất xuất phát gồm Thiết đoàn 9 Kỵ binh và Tiểu đoàn 1/15 tùng thiết kéo theo Pháo đội 93, xuất phát từ Chơn Thành, hành quân bộ tiến lên hướng bắc, đến Ngã ba Ngọc Lầu, 2km bắc Chơn Thành bọc vòng ra phía đông QL-13, nội trong ngày 15/5 đã vào ấp Tân Khai và thiết lập căn cứ hỏa lực Long Phi. Đợt thứ hai, Tiểu đoàn 2/15 được trực thăng vận xuống bãi đáp phía tây cách Tân Khai chừng 1km, tiến vào ấp trong ngày 16/5. Sau đó Bộ Chỉ huy Chiến đoàn đổ xuống căn cứ hỏa lực trong ấp. Đợt thứ ba, Tiểu đoàn 3/15 và ĐĐ15TS cũng được trực thăng vận đổ xuống phía đông, rồi tiến vảo Tân Khai. Các cuộc đổ quân an toàn.
Cánh quân thứ hai là Trung đoàn 33/SĐ21BB với các Tiểu đoàn bộ binh và Đại đội trinh sát trực thuộc, do Trung tá Nguyễn Viết Cần chỉ huy, cũng sẽ vào Tân Khai. Từ đó sẽ tiến lên An Lộc song song với cánh quân thứ nhất. Ngày 17/5 một Tiểu đoàn của Trung đoàn này được trực thăng vận vào căn cứ Long Phi để bảo vệ đơn vị pháo binh và thay cho Tiểu đoàn 2/15 rút ra khỏi căn cứ và di chuyển quân bên ngoài tiếp nối với Tiểu đoàn 3/15. Ngày 18/5 Trung đoàn 33 (-) xuất phát từ một căn cứ hỏa lực cách Ngã ba Ngọc Lầu 1km và cách Chơn Thành 3km về phía bắc, cũng bọc ra hướng đông trục lộ, theo đường tiến quân của Thiết đoàn 9 Kỵ binh và Tiểu đoàn 1/15 trong mấy ngày trước, vào Tân Khai trong ngày đó. Như vậy, đến ngày 18/5 này coi như cả hai cánh quân giải tỏa An Lộc đã đến được địa điểm tập trung và xuất phát mới chỉ cách An Lộc về phía nam chừng 10km.
Nhưng 10 cây số này là đoạn đường sống chết vô cùng nguy hiểm cho cả hai cánh quân nói trên nếu không có một cánh quân bạn –tái nhập cuộc– làm đảo lộn cục diện ở đoạn đường này và cục diện chiến trường An Lộc, vì đã đánh một trận để đời làm cho… quân CSBV thực sự kiệt lực.
Xin nhắc lại diễn tiến:
Ngày 18/5, khi Trung đoàn 33 (-) của SĐ21BB đến Tân Khai thì Chiến đoàn 15 của Trung tá Hồ Ngọc Cẩn bắt đầu xuất phát tiến lên An Lộc, với toàn bộ 3 Tiểu đoàn, Đại đội trinh sát và nguyên vẹn Thiết đoàn 9 Kỵ binh; chỉ để lại Trung đoàn phó Trung đoàn 15 chỉ huy căn cứ pháo yểm Long Phi với 4 khẩu đại bác 105 ly và 2 khẩu 155 ly và một Tiểu đoàn của Trung đoàn 33/SĐ21BB, đến yểm trợ và bảo vệ căn cứ từ hôm trước. Như vậy, khi xuất phát từ Tân
Khai tiến lên An Lộc, Trung đoàn 33 (-) của Trung tá Nguyễn Viết Cần chỉ huy có hai Tiểu đoàn bộ binh và Đại đội trinh sát trực thuộc, không có đơn vị chiến xa cùng theo. Ở đây có một chi tiết quan trọng cần nêu lên là hai cánh quân này cùng tiến lên giải tỏa hay bắt tay với các đơn vị phòng thủ An Lộc không có một cấp chỉ huy thống nhất, cấp bậc cao hơn –tức là cấp đại tá— để chỉ đạo hai ông trung tá chỉ huy hai cánh quân khác nhau nhưng cùng chung một nhiệm vụ. Dĩ nhiên, Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Tư lệnh SĐ21BB chỉ huy toàn thể các cánh quân đó, nhưng ông ở Lai Khê lại còn phải điều động các cánh quân khác nữa, nên cần… phải chỉ định một vị chỉ huy và ban tham mưu của vị này để trực tiếp chỉ huy Chiến đoàn 15 và Trung đoàn 33. Cũng cần nên nói là sao chỉ tổ chức “một Chiến đoàn” quá nhiều quân và “một Trung đoàn” trừ bớt một Tiểu đoàn trong khi hai cánh quân này cùng song song tiến theo trục lộ: Chiến đoàn 15 ở hướng tây và Trung đoàn 33 (-) ở hướng đông? Do đó, trước tiên là thiếu sự chỉ huy phối hợp, thiếu đồng nhất –cánh mạnh, cánh yếu. Thứ đến, kế hoạch hành quân không được phối hợp chặt chẽ, thiếu yểm trợ hữu hiệu, và có thể thiếu cả sự tương trợ khi cần đến nhau. Tóm lại những quyết định tại chỗ của một cấp chỉ huy thống nhất rất cần thiết cho một cuộc hành quân phối hợp có nhiều đơn vị khác nhau…. Dựa vào “logic” mà nói thì nhận định trên không sai, nhưng hình ở trận lần thứ hai đổ quân vào Tân Khai này tình thế trận địa có vẻ phù hợp với tổ chức các cánh hành quân như Tướng Minh hay Tướng Nghi đã làm. Vì cánh quân sườn tây trục lộ tiến lên An Lộc của Trung tá Hồ Ngọc Cẩn chạm địch dữ dội, mạnh nhiều lần hơn so với cánh quân của Trung tá Nguyễn Viết Cần ở sườn đông trục lộ.
Đêm 18/5 địch bắt đầu pháo kích vào căn cứ Long Phi. Rốt cục, Trung tá Hồ Ngọc Cẩn quyết định để thêm Tiểu đoàn 1/15 ở lại phối hợp với Tiểu đoàn có sẵn của Trung đoàn 33, thay nhau bung ra để hạn chế bớt việc địch pháo bắn súng cối vào căn cứ hỏa lực quan trọng này.
Cánh quân của Chiến đoàn 15 từ lúc xuất phát đã bị địch đánh nhiều trận lớn, nhất là bị địch bám sát bắn súng cối liên tục trong các ngày 19, 20 và 21/5, như trước đây chúng đã dùng để đối phó với quân Nhảy Dù trong vùng này. Trận chạm súng mạnh nhất diễn ra ở ấp Đức Vinh. Đây là vùng trận địa của Trung đoàn 141/SĐ-7/CSBV. Mặc dù vậy, đến sáng ngày 22/5 cánh quân này đã tiến đến một địa điểm khoảng 1km hướng nam xã Thanh Bình. Xã này nằm bên ngoải vòng đai phòng thủ hướng tây nam chỉ cách thị xã tỉnh ly An Lộc chừng 2km. Như vậy là rất gần An Lộc, nhưng bị Trung đoàn 141 chận đánh dữ không tiến lên được. Các Tiểu đoàn 2/15, 3/15, Đại đội 15 Trinh Sát và Bộ Chỉ huy Chiến đoàn bị pháo dữ dội, bị xung kích bằng bộ binh có chiến xa phối hợp, nhưng đã đẩy lui mọi cuộc tấn kích đó. Tuy vậy, tiến không được, thối cũng không xong. Chiến đoàn đã bị bao vây kể từ ngày 23/5. Chiến sĩ chết phải chôn tại chỗ, chiến sĩ bị thương không tản thương được. Trong mấy ngày liền phải được tiếp tế thực phẩm và đạn dược bằng thả dù. Trực thăng cũng không đáp được. Hàng ngày chỉ có vài chục phi xuất không yểm, oanh kích và thả bom là có kết quả. Thiết đoàn 9 tiến trên trục QL-13, từ Tân Khai lên Đức Vinh, theo sau Chiến đoàn, không bị tấn công. Chiều ngày 23/5 Trung tá Cẩn quyết định mở đường máu bằng Thiết quân vận của Thiết đoàn này tản thương cả trăm thương binh về Tân Khai. Thành công. Nhưng ngày hôm sau, 24/5 khi trở lên nơi đóng quân của Chiến đoàn, qua khỏi ấp Đức Vinh, Thiết đoàn bị một đơn vị cấp Tiểu đoàn và một đơn vị chống tăng của TRĐ141 phục kích, tổn thất nặng, hàng chục chiến sĩ hy sinh hàng chục mất tích, gần 80 bị thương, 22 Thiết quân vận M-113 bị B-40, B-41 và hoả tiễn AT-3 Sagger bắn hạ. Chiến đoàn 15 phải đưa một đơn vị bộ yểm trợ và phối hợp với Thiết đoàn 9 Kỵ binh mở đường trở về căn cứ Long Phi, ở Tân Khai. Sau đó, đại bộ phận chiến sĩ bộ binh của Chiến đoàn trụ lại địa điểm đóng quân bên ngoài xã Thanh Bình, tổ chức lại đơn vị. Toàn bộ chỉ còn gần 350 chiến sĩ chiến đấu được. Ngày 25/5 Chiến đoàn này lại đánh thốc lên An Lộc, nhưng không tiến lên nổi. Không yểm VNCH và KLHK đã trở nên tối cần hơn bao giờ…. Đã có hàng trăm phi xuất ngày đó và mấy ngày tiếp theo.
Cánh quân thứ hai, Trung đoàn 33 (-) của Trung tá Nguyễn Viết Cần lúc đó bắt tay với Trung đoàn 31/SĐ21BB (không nhớ tên Trung đoàn trưởng) –trước đã được đưa vào tăng cường cho Tiểu đoàn 1 Nhảy Dù trong vùng ấp Đức Vinh– khi quân Dù rút quân, vẫn bám trụ trong vùng này. Ngày hôm sau, Trung đoàn 33 tiến lên hướng bắc, Trung đoàn 31 vẫn tiếp tục được lệnh hoạt động trong địa bàn cũ vùng phía đông Đức Vinh. Trung đoàn 33 vừa qua khỏi đông bắc ấp Đức Vinh bị Trung đoàn 165/SĐ-7/CSBV chận đánh. Nỗ lực đánh thốc lên phía bắc của cánh quân này ngày 31/5/1972, cũng không thành công. Tổn thất của địch lớn bởi hỏa lực không yểm của KQVN và KLHK nhất là là trực thăng võ trang Cobra HK rất nhanh với các dàn đại liên bắn chính xác. Cánh quân này của Trung tá Nguyễn Viết Cần tránh không khỏi tổn thất, nhất là bị pháo kích, nhiều nhất vẫn là các loại súng cối 61 ly, 82 ly và loại hỏa tiễn 122 ly. Chiến sĩ bị thương đã lên đến hơn 200. Không ghi nhận rõ bao nhiêu chiến sĩ hy sinh và mất tích.
Trong bốn năm ngày kế tiếp cả hai cánh quân của hai ông Cẩn và Cần còn tiếp tục chịu nhiều trận tấn công xung kích bộ và chiến xa của hai Trung đoàn 141 và 165 của SĐ-7/CSBV. Số binh sĩ thương vong của hai cánh quân bạn càng nhiều hơn, nhưng vẫn không thể tản thương được vì trực thăng không thể đáp xuống các vị trí đóng quân dã ngoại của các cánh quân này. Màn lưới phòng không của chúng dày đặc, nguy hiểm nhất là loại hoả tiễn SA-7. Trực thăng không thể đáp được. Chỉ có thể nhờ vào không yểm mà thôi, kể cả những boxes B-52….
Vào những giờ phút khó khăn, gay cấn nhất của hai cánh quân “Giải tỏa An Lộc” nói trên thì đơn vị cứu tinh tái xuất hiện ở chiến trường nam An Lộc này. Đó là Tiểu đoàn 6 Lữ đoàn 1 Nhảy Dù, do Trung tá Nguyễn văn Đỉnh chỉ huy.
Nhớ lại, Trung tá Nguyễn văn Đỉnh trong tháng 4/1972, đã chỉ huy Tiểu đoàn 6 Nhảy Dù đổ quân vào tăng cường An Lộc, chiếm hai cao điểm đông nam An Lộc, Đồi Gió và Đồi 169. Khi đang đóng quân tại Srok Ton Cui gần đó thì đêm 20/4 rạng ngày 21/4 cả ba địa điểm này bị hai Trung đoàn 141 và 165 của SĐ-7/CSBV và Trung đoàn 209 của SĐ-5/CS tràn ngập, ông phải chỉ huy hai Đại đội đánh mở đường máu rút xuống ven Sông Bé và được trực thăng đón về Lai Khê với hơn một trăm chiến sĩ Dù. Ngày đó địch đã tấn công đơn vị của ông với lực lượng 6/1 (2,400/400). Phải đánh mở đường máu mà thôi. Sau hơn một tháng, Tiểu đoàn của ông được bổ sung với quân số thặng dư của Sư đoàn Nhảy Dù gồm các chiến sĩ Dù của tất cả các đơn vị Dù khác bị thương trong nhiều trận đánh, hồi phục sau thời gian trị bịnh –trong đó có nhiều sĩ quan các cấp dày dạn chiến trường– và một số tân binh tình nguyện, thường là những thanh niên can đảm, nên khi tái thành lập, Tiểu đoàn đã có khả năng tác chiến như các đơn vị Dù khác. Trở lại chiến trường An Lộc để tái sát nhập với Lữ đoàn 1 Nhảy Dù của Đại tá Lê Quang Lưỡng. Tướng Minh giao trách nhiệm cho Trung tá Đỉnh đánh giải vây cho hai cánh quân của hai ông Cẩn và Cần, trước khi Tiểu đoàn Dù này vào An Lộc. Nên khi vào trận địa, Trung tá Đỉnh còn dẫn theo đơn vị của mình 300 quân bộ binh bổ sung cho Chiến đoàn 15 của Trung tá Hồ Ngọc Cẩn.
Ngày 4 tháng 6, 1972 TĐ6ND được trực thăng vận đổ quân ở một bãi đáp cách căn cứ pháo yểm Long Phi ở Tân Khai chừng 2km, hướng đông bắc. Tiểu đoàn cặp theo hướng đông QL-13 tiến lên hướng bắc, qua khỏi ấp Đức Vinh, bất thình lình đánh thúc vào ngang hông của Trung đoàn 165/SĐ-7/CSBV lúc đó đang đối đầu với Trung đoàn 33 của Trung tá Nguyễn Viết Cần. Đơn vị địch tổn thất nặng phải bỏ trận địa rút lên hướng bắc vùng Đồi Gió và Đồi 169. Áp lực địch không còn, các đơn vị của Trung tá Cần có thể dọn bãi đáp cho trực thăng tản thương hơn hai trăm thương binh ra khỏi trận địa và đơn vị tiếp tục vượt qua Đồn điền cao su Xa Trạch vào ấp Đồng Phất 1, chừng 4km nam An Lộc. Ngày 6/6, đơn vị Dù của Trung tá Đỉnh tiếp tục tiến qua hướng tây trục lộ, một lần nữa đánh ngang hông Trung đoàn 141/SĐ-7/CSBV, giải vây, bắt tay với Chiến đoàn 15 và giao 300 quân bổ sung cho Trung tá Cẩn. Đơn vị của ông Cẩn cũng ngay sau đó cũng dọn bãi đáp cho trực thăng tản thương gần 150 thương binh (Bản đồ # 8). TĐ6ND là cứu tinh của hai cánh quân miền Tây này ở mặt trận nam An Lộc. Đơn vị của Trung tá Cẩn đã khoẻ hơn…. Người anh hùng, Trung tá Nguyễn văn Đỉnh, Tiểu đoàn trưởng TĐ6ND, đã lập kỳ tích lớn lao đánh những trận quyết định làm cho hai Trung đoàn 141 và 165 của SĐ-7/CSBV bị thiệt hại thật nặng –gần như tan rã— báo được mối hận tháng trước bị hai đơn vị cộng sản này đánh xé đôi đơn vị của mình ở vùng Srok Ton Cui và Đồi Gió.
Ngày 8/6, hai đơn vị của hai ông Trung tá Dù và bộ binh này thành hai mũi nhọn song song cùng tiến lên An Lộc. Trong buổi sáng đó, khi TĐ6ND tiến đến phía đông xã Thanh Bình, lại lần nữa chạm súng dữ dội với một đơn vị của Trung đoàn 141, địch tháo chạy, bỏ lại trận địa trên 70 xác chết và hơn 30 súng cộng đồng và cá nhân. TĐ6ND tổn thất 11 chiến sĩ hy sinh và hơn 50 bị thương. Sau đó Tiểu đoàn này của Trung tá Đỉnh tiế́p tục tiến qua đồn điền Xa Cam và bắt tay với TĐ8ND của Trung tá Văn Bá Ninh. Trung đoàn 15 tiến theo sau và đóng quân bên ngoài An Lộc với thiệt hại trên 150 chiến sĩ hy sinh, gần 600 bị thương và trên 30 mất tích, nhưng cũng đã hạ tại trận trên 300 cán binh, thu hơn hàng trăm vũ khí cộng đồng và cá nhân, và bắn cháy 2 chiến xa của quân CSBV từ khi đổ quân vào Tân Khai và tiến lên An Lộc.
Trung đoàn 33 cũng đã tiến qua khỏi ấp Đồng Phất 1 và chạm khá nặng với một đơn vị địch quãng giữa đường khi tiến lên ấp Đồng Phất 2. Tiếc thay, khi đã đẩy lui được mọi cuộc tấn công của địch quân và vào đóng quân tại ấp này, đến ngày 29/6/72 Trung tá Trung đoàn trưởng Nguyễn Viết Cần hy sinh trong một đợt pháo kích của địch quân. Ông được truy thăng Đại tá. Nếu ở miền Đông gia đình “Đỗ Cao…” có hai người con hy sinh cho QLVNCH là Tướng Đỗ Cao Trí, Tư lệnh QĐIII & V3CT và em ruột là Thiếu tá Đỗ Cao Luận thì ở miền Tây gia đình “Nguyễn Viết…” cũng có hai sĩ quan một cấp Tướng và một cấp Tá hy sinh trên chiến trường làm rạng rỡ dòng tộc là Tướng Nguyễn Viết Thanh, Tư lệnh QĐIV& V4CT và em ruột là Đại tá Nguyễn Viết Cần. Còn bao nhiêu gia đình nữa có hai hoặc ba người con hy sinh ở chiến địa cho miền Nam tự do?.. Thương cảm biết bao!
Từ ngày 8/6 khi sĩ quan chỉ huy và chiến sĩ hai cánh quân TĐ6ND và Trung đoàn 15 tay bắt mặt mừng với các chiến sĩ phòng thủ An Lộc thì cục diện chiến trường này đã hoàn toàn thay đổi. Trong thành phố An Lộc, Tướng Lê văn Hưng ra lệnh cho các cánh quân phòng thủ phản công đánh chiếm lại các khu vực ở các tuyến đã bị quân CSBV chiếm trong các trận đánh trước.
Tuyến hướng Tây, Trung đoàn 7/SĐ5BB chiếm lại khu vực trại giam tỉnh ra cổng Phú Lố và trọn con đường dài Hoàng Hoa Thám bọc quanh phía tây thị xã. Tuyến phía bắc Liên đoàn 81/BCND tái chiếm lại toàn bộ khu vực thương mại bắc thành phố và Sân bay Đồng Long, Tuyến phía đông Chiến đoàn 3/BĐQ chiếm trọn lại tuyến cũ trên Đại Lộ Nguyễn Du, bung ra xa khỏi đường rầy xe lửa đến cổng Quản Lợi. Đến quá trưa ngày 12/6 tàn quân của các đơn vị địch không kịp rút chạy hay bỏ trốn đều bị hạ. Tuyến phía nam thị xã, Lữ đoàn 1 Nhảy Dù vẫn giữ chặt chẽ từ lâu, sân bay trực thăng tạm ở đầu xa lộ bắt đầu hoạt đông lại từ đầu tháng 6, khi các cánh quân từ Tân Khai tiến lên đang đánh nhau với các đơn vị địch (Bản đồ # 7). Từ khi hai cánh quân của TĐ6ND và Trung đoàn 15/SĐ9BB vào đến vòng đai An Lộc và bắt tay với TĐ8ND, thì đã có rất nhiều loại trực thăng chở quân đến, tải thương đi, khá đều đặn, tuy nhiên thỉnh thoảng vẫn còn những quả pháo từ xa rót vào. Điều đáng nêu lên là trong ngày 13/6 Trung tướng Nguyễn văn Minh ra lệnh cho SĐ18BB đưa trước Trung đoàn 48 trực thuộc vào An Lộc và đánh chiếm lại hai cao điểm đông nam thị xã là Đồi Gió và Đồi 169 và trấn đóng trong khu vực này.
Đến hết ngày này coi như thành phố An Lộc, tỉnh lỵ của Tỉnh Bình Long hoàn toàn được giải tỏa, Sài Gòn và Washington không còn bận tâm lo lắng nhiều nữa. Hà Nội đã vuột mất thành phố này, không như chúng từng tuyên bố. Kế hoạch về quân sự và chính trị của CSVN đã hoàn toàn thất bại.
Ngày kế tiếp, 14/6/1972, Tổng thống Nguyễn văn Thiệu, gởi công điện khen ngợi các Tướng Tư lệnh QĐIII & V3CT, Tướng Tư lệnh SĐ5BB, Tướng Tư lệnh SĐ21BB và toàn thể các đơn vị trưởng và chiến sĩ các cấp của tất cả các đơn vị phòng thủ và khai thông QL-13.
Trên thực tế, con đường bộ từ Chơn Thành lên đến Tân Khai đã không thể nối liền được. Trung đoàn 32/SĐ21BB bị thiệt hại nặng ở khu vực chốt chặn suối Tàu-Ô, phải đưa về SĐ25BB để bổ sung và Sư đoàn này đưa Trung đoàn 46 trực thuộc vào thay thế để tiếp tục “bứng” chốt ở đó. Ở đoạn trên, các Trung đoàn 141 và 165 của SĐ-7/CSBV sau mấy trận đánh với Chiến đoàn 15, Trung đoàn 33 và TĐ6ND trong tuần lễ trước, tuy bị tổn thất nặng nề về vũ khí và nhân mạng, nhưng ngày 17/6 đã tập trung trong vùng ngoại vi Tân Khai, tổ chức thành cả hàng chục địa điểm phòng không và pháo với ý định dứt điểm căn cứ hóa lực Phi Long của Chiến đoàn 15 ở Tân Khai. Tướng Nghi, Tư lệnh SĐ21BB phải điều động Trung đoàn 31 từ ngoại vi ấp Đức Vinh quay về, phối hợp với hai Tiểu đoàn bộ binh và Thiết đoàn 9 Kỵ binh (-) trong căn cứ để bảo vệ căn cứ hỏa lực này. Ngày 18/6 Lữ đoàn 1 Nhảy Dù của Đại tá Lê Quang Lưỡng được lệnh xuất phát ra khỏi SĐ5BB rời chiến trường An Lộc, di chuyển hành quân xuống Tân Khai và lập thêm thành tích đánh một trận lớn nữa, hạ gần 600 quân của hai Trung đoàn nói trên của SĐ-7/CSBV –bỏ xác tại trận– và tịch thu trên 70 súng đủ loại, trong đó cả nhiều loại đại liên phòng không. Đó là trận đánh lớn cuối cùng của mặt trận Binh Long mà Lữ đoàn cứu tinh này đã thực hiện. Sau đó tất cả các đơn vị Dù của Đại tá LQL được trực thăng vận về Chơn Thành và trở về Sài Gòn bổ sung rồi tăng viện cho QĐI & V1CT. Tàn quân của các Trung đoàn CSBV rút về tăng cường chốt chặn Tàu-Ô. Coi như SĐ-7/CSBV đã mất ba phần tư nhân lực và phân nửa vũ khí ở chiến trường nam An Lộc và trên QL-13 mặc dù chúng vẫn giữ chặt được chốt chặn Tàu-Ô này trong khi các tướng chỉ huy của chúng ở TWC/MN đã để thua một cuộc chiến lớn nhất trong thời điểm đó.
Chiến thắng ở Bình Long là điều khẳng định của các tướng lãnh, các cấp chỉ huy đơn vị và chiến sĩ phòng thủ và tiếp ứng An Lộc. Nhưng trên hết vẫn do tinh thần “quyết tử” của những người giữ thành từ ông tướng đến một chiến sĩ vô danh như một nghĩa quân, một địa phương quân, một cảnh sát, hay ngay cả một cư dân, một cậu bé nhỏ tên Đoàn văn Bình từng xin Đại tá Trần văn Nhật súng để “bắn xe tăng” địch, hoặc giả như một cô thơ ký hành chánh tỉnh chạy giặc ẩn trú trong khu vực của LĐ81/BCND đã viết hai câu đối ca ngợi chiến sĩ của đơn vị thiện chiến này “An Lộc địa sử ghi chiến tích. Biệt Kích Dù vị quốc vong thân.” Như vậy cô thư ký này cũng đã tham dự vào chiến công giữ vững An Lộc. Các tỉnh thành miền Đông, miền Tây, ngay cả Sài Gòn bừng bừng tin chiến thắng, đến chị em bán hàng trong Chợ Bến Thành và các chợ búa khác ở Sài Gòn cũng biết “Tướng Hưng tử thủ và chiến thắng An Lộc”. Hình như ít ai biết “giữ được An Lộc, đánh được Tướng Trần văn Trà là công lớn của vị Tướng cầm quân hữu tài, túc trí, Nguyễn văn Minh, Tư lệnh QĐIII & V3CT”. Và chính vì tiếng vọng xa của Hưng đã làm… hại ông cộng thêm một sự kiện khác diễn ra vào những ngày chót chiến thắng đã làm cho binh nghiệp của ông không còn hanh thông như trước nữa. Tôi sẽ nói… nhưng nên nói sao cho phải lẽ trước, sau.
Trước tiên là mấy ông tướng cầm quân TWC/MN tức ấm ức, nhất là Tướng Trần văn Trà nổi danh, vì biết sẽ thua ở An Lộc, nhưng vì Chiến dịch mùa Hè năm 1972 đó của Bộ Chính Trị Đảng và Quân Ủy Trung Ương quyết nghị và chỉ đạo chưa ngã ngũ ở Vùng 1 và Vùng 2 Chiến Thuật, nên, cũng giống như các võ sĩ thượng đài có tiếng, chẳng lẽ… mới bị đấm một vài “cú” vào mặt ngã ngửa mà không cọ quạy tay chân thì người ta tưởng là chết gục rồi, nên mấy ảnh đành gượng dậy –từ cuối tháng 5/1972 và tiếp theo từ trung tuần tháng 6/1972– đánh qua Phước Long, đấm qua Xuyên Mộc, Đất Đỏ tỉnh Phước Tuy, đấm xuống Đức Huê, tỉnh Hậu Nghĩa và còn đánh càn xuống Cái Bè, Cai Lậy tỉnh Định Tường, Mộc Hóa, tỉnh Kiến Tường của Vùng 4 CT. Ở mấy nơi thuộc lãnh thổ Vùng 3 Chiến Thuật thì Tướng Minh biết rồi và đã có lực lượng trừ bị đánh trả. Còn sở dĩ Tướng Trà cho đánh lan xuống Vùng 4 là vì, tuy trong chiến dịch này ông ta là Tư lệnh Tiền phương của BTL/TWC/MN, nhưng trước đó là Tư lệnh Mặt Trận B-2, mà theo tổ chức của CSBV, gồm cả lãnh thổ V3CT và V4CT của QLVNCH, nên lập kế hoạch đánh khắp… nơi cho mặt trận nó rộng lớn. Đánh thì đánh nhưng ở đâu thì mùa Hè năm đó ông Trần văn Trà cũng thua thôi. Lý do là vì TWC/MN chỉ có mấy đơn vị bộ chiến chủ lực, Sư đoàn 5, 7, 9 và Sư đoàn mới thành lập C30B, còn một số đơn vị địa phương cấp Trung đoàn hay Tiểu đoàn. Các đơn vị địa phương CS không ai coi ra gì, chủ lực thì, nói riêng trong mùa Hè đó, chỉ có SĐ-7/CSBV và Sư đoàn 69 Pháo là các lò nướng rụt rịt qua lại khá lâu tại chiến trường Binh Long-An Lộc chịu… đốt, còn các đại đơn vị khác thì như những chiếc lò nướng lớn, di chuyển loanh quanh đông tây nam bắc, mà bao nhiêu lớp người “sinh Bắc, tử Nam” đưa từ ngoài ấy vào đều chung vào các lò… đó để nướng, hết lớp này đến lớp khác…. Chết thì châm… thêm. Càng châm thì càng chết. Vậy mới đúng nghĩa với câu “dĩ ngôn” rất ư là… thản nhiên của các “lãnh tụ” Đảng CSVN khuyến dụ nhân dân miền Bắc… ái quốc, “chống Mỹ cứu nước” và “giải phóng nhân dân miền Nam” v.v. và v.v.
Kế tiếp là phải nói đến chiến thắng của quân dân ở An Lộc chẳng những tạo niềm tin lớn lao trong mọi tầng lớp trong quần chúng các tỉnh miền Nam mà còn vang xa đến tận nhiều nơi trên thế giới, những chiến lược gia lỗi lạc như Tướng Moshi Dayan của Do Thái, đã đến Nam Việt Nam –như nói ở trên– để tìm hiểu bằng cách nào mà quân phòng thủ miền Nam trong một thành nhỏ này lại có thể chiến thắng được đạo quân thiện chiến của Võ Nguyên Giáp ở Điện Biên Phủ… nhất là Sir Robert Thompson, nhà chiến lược nổi tiếng của Anh Quốc –lúc đó đang là cố vấn đặc biệt cho TT Nixon– cũng được Tướng Hollingsworth hướng dẫn vào thị xã An Lộc trong ngày 15/6/1972 và được Tướng Hưng đưa đi quan sát sự đổ nát gẩn như hoàn toàn của thành phố và một số xác của các chiến xa CSBV ở khắp các tuyến phòng thủ… đã vô cùng ngạc nhiên về sức chiến đấu, lòng can đảm và sự chịu đựng của chiến sĩ phòng thủ An Lộc. Ông cho rằng chiến công của chiến sĩ An Lộc trong trận chiến này lớn lao hơn ĐBP rất nhiều và tỏ ra khâm phục các tướng, tá, các cấp chỉ huy và chiến sĩ phòng thủ. Hình như chưa cỏ một nơi nào mà sĩ quan và binh sĩ ôm vũ khi rượt bắn xe tăng và hạ hầu hết bất cứ chiến xa nào đã vào thành phố…. Tiếng vang chiến thắng An Lộc cũng đến thủ đô các nước Nam Hàn, Đài Loan, Phi Luật Tân. Nên BTTM/QLVNCH định thành lập một phái đoàn gồm các chiến sĩ anh hùng ở mặt trận này thăm viếng và thuyết trình “Trận An Lộc” ở Đài Bắc và Hán Thành. Đây là việc làm tốt để biểu dương thành tích của QLVNCH.
Ngày hôm sau, 16/6 Trung tướng Nguyễn văn Minh mới vào thị sát và ủy lạo chiến sĩ phòng thủ An Lộc. Ông được hoan nghinh lắm và rất… lắm lắm bởi chiến sĩ Trung đoàn 8, nhất là của Đại tá Trung đoàn trưởng Mạch văn Trường. Đêm đó ai nghe Đài Phát thanh QĐ sẽ được nghe ông MVT nói là hằng ngày vị Tướng Tư lệnh này đều bay trên nền trời An Lộc để trực tiếp chỉ huy, khích lệ và khen ngợi, nâng cao tinh thần chiến đấu… của chiến sĩ và còn cho thả dù… thịt heo quay và bánh hỏi cho chiến sĩ phòng thủ….
Ngày 18/6/1972, Trung tướng Nguyễn văn Minh tuyên bố An Lộc đã được hoàn toàn giải tỏa.
Nhưng cũng ngay đêm đó, Tướng Hưng lại mang thêm mối họa khác, và lần này lớn hơn mọi lần khác: Trung tướng Minh gởi công điện lệnh cho Tướng Hưng đưa ngay Đại tá Mạch văn Trường về trình diện BTL/HQ/QĐIII & V3CT để chuẩn bị… mọi thứ –nhất là các tài liệu cho các buối thuyết trình lớn– về trận chiến An Lộc. Đại tá MVT được QĐIII & V3CT chỉ định và đề nghị lên BTTM/QLVNCH làm Trưởng phái đoàn “nhữnh anh hùng An Lộc”, sẽ mang chuông sang đấm xứ người. Hình như không cần suy nghĩ Tướng Hưng… từ chối. Ngày hôm sau chính đích thân Trung tướng Minh gọi điện thoại cho Tướng Hưng. Ông này xin Tướng Minh nên đề cử người khác vì Đại tá MVT… không xứng đáng. Đây là lần đầu tiên Tướng Hưng cãi lệnh Tướng Minh. Trong mấy ngày liền cả Thiếu tướng Đào Duy Ân, Tư lệnh phó và Đại tá Phan Huy Lương, Tham mưu trưởng HQ/QĐIII & V3CT đều gọi điến thoại cho Tướng Hưng yêu cầu nên nghe lời Trung tướng… nhưng Tướng Hưng đều từ chối. Đêm sau, Tướng Ân cũng gọi điện thoại cho tôi, vì ông mến tôi khi tôi làm việc ở Phòng 2/BTL/QĐIII & V3CT và biết tôi thân với ông Hưng, bảo tôi nên khuyên ông Hưng nên tuân theo lệnh của Trung tướng… Tư lệnh đi. Tôi vào gặp Hưng lập lại lời của Tướng Đào Duy Ân. Ông Hưng chỉ cười nói: -“Không, không được! Tại sao Trung tướng không chỉ định Đại tá Vỹ, Đại tá Lưỡng, hay Đại tá Nhật. Chỉ định Đại tá Nhật là phải nhất, địa phương này của ông ta….” Chỉ một câu này thôi, ông Hưng quay sang hỏi tôi chuyện khác… “Dưỡng, nghĩ xem tụi nó còn quân không?’’ Tôi nói –“Không, tụi nó chỉ còn pháo!”
Mà quả thật, sau khi các đơn vị phòng thủ phản công tái chiếm lại hoàn toàn các khu vực bị chúng chiếm và Liên đoàn 81/BCND cắm ngọn quốc kỳ lên ngọn đồi thấp ở sân bay Đồng Long trưa ngày 12/6 đã không còn trận chạm súng nào nữa, các đơn vị bộ chiến của TWC/MN đã rút ra khỏi mặt trận An Lộc sau khi bị thiệt hại rất nặng… gấp hai hoặc ba lần so với các đơn vị phòng thủ. Theo ước tính của riêng tôi, số quân tổn thất chúng ở các vòng đai phòng thủ An Lộc nhất là vùng ngoại vi tiếp cận thành phố có thể lên đến 8,000 người đa số chết bởi KQVH và KLHK trong hàng nghìn phi vụ không yểm: oanh kích, thả bom, kể cả B-52 của KQ Chiến lược HK. Đó là chưa kể số thương binh có thể lên đến gấp đôi hay gấp ba lần số quân chết tại trận. Tổn thất của tất cả các cánh quân của chúng trong chiến dịch mùa Hè năm đó có thể lên đến hơn 20,000, hằng trăm chiến xa, hàng trăm đại pháo và hàng vài nghìn vũ khí cộng đồng và cá nhân khác trong chiến trận Tỉnh Bình Long.
Lữ đoàn 1 Nhảy Dù rời An Lộc trong hai ngày 16/6 và 17/6 xuống Tân Khai đánh thắng trận cuối cùng ở đó, rồi về Sài Gòn. Ngày 24/6 Liên đoàn 81/BCND cũng trả về cho BTTM/QLVNCH. Các tuyến phòng thủ giao lại cho SĐ5BB và các đơn vị ĐPQ của Tiểu Khu, đã mỏng ra. Nhưng địch đâu còn quân mà đánh nhau nữa. Các đại đơn vị của chúng, bị thiệt hại nặng, rút sang đất Miên bổ sung, rồi mở các mặt trận khác như nói ở trên. Nhưng… pháo vẫn còn bắn vào thành phố nhiều ngày nữa. Đó là các loại pháo kéo trên các xe, thường xuyên di chuyển sau mỗi đợt bắn, nên khó diệt. Mỗi ngày ít ra thì cũng còn vài chục quả, muốn rớt vào đâu cũng mặc, cũng có người chết. Ai mà… chết vào những giờ phút trận chiến đã chỉ còn là nhúm lửa âm ỉ sắp tàn lụi này thì… thật là tận số. Nên ông nào… đã lạnh cẳng sẵn rồi, lúc này lại còn… ớn lạnh hơn lúc trước nữa. Ra sớm khỏi An Lộc mà… làm anh hùng sớm, hạng bậc nhất “đình huỳnh”, thì ai mà chẳng muốn ra…. Người giỏi tính như ông MVT sau khi được ăn “thịt quay bánh hỏi” dỏm xong thì tính chuyện rút ra sớm thiệt thì quả thật là… giỏi. Còn người chân chính như Tướng Hưng, không chịu nổi chuyện dỏm chuyện thật mập mờ bất phân, không biết đáp ứng… chỉ thị của thượng cấp là… bất tuân thượng lệnh. Mà chuyện cãi lệnh này có nhiều người biết nên ông Tư lệnh càng giận hơn, giận dữ…. Thôi thì không thưởng được lúc này thì thưởng lúc khác. Thôi thì chưa làm gì được nhau lần đó thì để lần khác hạ vậy. Chưa vội. Rồi cũng đến mà. Lật bật mấy tuần qua mau.
Ngày 7/7/1972, Tổng thống Nguyễn văn Thiệu, một vài Bộ trưởng, Đại tướng Cao văn Viên, Tổng Tham mưu trưởng QLVNCH và Trung tướng Nguyễn văn Minh Tư lệnh QĐIII & V3CT vào An Lộc ủy lạo và thăng thưởng chiến sĩ phòng thủ. Tướng Hưng đã… ra lệnh cho các đơn vị quanh vòng đai phòng thủ bung ra xa hơn vì sợ bích kích pháo địch bắn gần hơn là đại pháo bắn từ xa. Tổng thống và phái đoàn đến bằng trực thăng và đáp ở bãi tạm nam xa lộ, được Tướng Lê văn Hưng và Đại tá Trần văn Nhật đón rước và mời vào cái villa phía trên hầm BTL/HQ/SĐ5BB –cái villa và chiếc hầm chưa hề trúng một quả đạn đại pháo nào trong hơn 70,000 quả đạn đại pháo CSBV dội vào thành phố từ đúng ba tháng vừa qua.
Bên trong villa đã chuẩn bị sẵn các bản đồ chờ TT hỏi để trình nhưng TT đến không hỏi mà để tuyên dương công trạng cho chiến sĩ “Bình Long Anh Dũng”, tuyên bố chiến thắng An Lộc là chiến thắng vang dội thế giới: “Bình Long là một tiêu biểu của quốc gia và là một tiêu biểu quốc tế”, đại khái Tonton nói như vậy và tuyên bố thêm là sẽ thăng cho mỗi chiến [sĩ] An Lộc một cấp bậc cao hơn…. Lúc đó các vị sĩ quan chỉ huy Nhảy Dù, BCND và BĐQ tăng phái đã rời An Lộc rồi nên các vị đó và sĩ quan chiến sĩ thuộc cấp sau đó đều được thăng cấp (Đại tá Lê Quang Lưỡng thăng Chuẩn tướng và được bổ nhậm làm Tư lệnh Sư đoàn Nhảy Dù). Vậy nên Tonton Thiệu gắn lon mới tượng trưng cho một số sĩ quan của SĐ5BB và Tiểu Khu Bình Long. Chỉ thưởng một ít huy chương cho mấy vị thôi.
Tướng Hưng đứng đầu hàng được TT đọc lệnh thăng cấp Chuẩn tướng thực thụ và được gắn Đệ Tam Đẳng Bảo Quốc Huân Chương kèm Anh Dũng Bội Tinh với Nhành Dương Liễu. Đại tá Trần văn Nhật thăng Đại tá thực thụ và được gắn Đệ Tam Đẳng Bảo Quốc Huân Chương kèm ADBT với Nhành Dương Liễu. Đại tá Mạch văn Trường thăng cấp Đại tá thực thụ, vừa đọc quyết định xong… TT Thiệu định bước sang gắn cấp bậc mới cho Trung tá Lý Đức Quân, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 7 đứng kế tiếp… bỗng thấy Trung tướng Minh bước tới… vừa thưa trình vừa dúi vào tay TT một cái huy chương vàng nhạt lẫn màu xanh đọt chuối, có vòng vải quốc kỳ (để đeo vào cổ) tức là Đệ Tam Đẳng Bảo Quốc Huân Chương và một cuống huy chương khác là Anh Dũng Bội Tinh với Nhành Dương Liễu… “Xin TT gắn cho Đại tá Trường Đệ Tam Đẳng Bảo Quốc Huân Chương và…” TT Thiệu ngắt lời: -“Ông Trường có Đệ Tứ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương chưa?” Trả lời: -“Dạ có… Tôi đã đề nghị rồi… Sắp được!” TT Thiệu ngần ngừ… nhưng bước tới tròng chiếc huy chương cao quí đó vào cổ cho MVT, rồi gắn thêm cái ADBT với Nhành Dương Liễu lên ngực ông này. Đẹp quá! Đẹp hết chỗ nào chê.… Sau đó TT gắn lon Đại tá cho Trung tá Lý Đức Quân và Trung tá Trịnh Đình Đăng, Trưởng phòng 3 Sư đoàn. Kế tiếp gắn cấp bậc Trung tá cho tôi và Thiếu tá Huỳnh văn Tâm, Trung đoàn phó Trung đoàn 8 -người thực sự chỉ huy Trung đoàn này suốt trận An Lộc. Thêm vài SQ, HSQ và BS nữa được mang cấp bậc mới.
Sau buổi lễ, TT và đoàn tùy tùng được Tướng Hưng và các ông Đại tá hướng dẫn đi thăm viếng các nơi khác trong thành phố An Lộc. TT Thiệu và phái đoàn viếng An Lộc chừng hơn 2 tiếng đồng hồ mới ra về. Không nghe tiếng pháo nào nổ quanh đâu đó như mọi ngày trước. Âu là Tonton có chân mạng… đế vương đó thôi. Sướng cũng nhiều mà khổ cũng lắm. Nên sau này sang lưu vong ở Hoa Kỳ không nói hay viết hồi ký về bất cứ điều gì. Im lặng là vàng.
Trong lần thăng thưởng đó đã… thấy rõ sự bất công: Đại tá hiện dịch thực thụ Lê Nguyên Vỹ không thấy hiện diện trong lễ tưởng thưởng này, không thấy thăng chuẩn tướng, không biết sau đó có được tặng Đệ Tam Đẳng Bảo Quốc huân Chương hay không? Mãi đến gần hai năm sau khi Trung tướng Phạm Quốc Thuần về làm Tư lệnh QĐIII & V3CT, Đại tá LNV mới được đề bạt làm Tư lệnh SĐ5BB thay thế Chuẩn tướng Trần Quốc Lịch. Một vị nữa, người có công trạng nhiều nhất ở An Lộc là Đại tá thực thụ Bùi Đức Điềm, như tôi đã nói, bị bỏ quên như một gốc cổ thụ già ở đâu đó trong các khu rừng Bình Long: không thăng cấp tướng, không một chiếc huy chương… mãi cho đến khi mất miền Nam.
Một sự kiện buồn đáng nêu lên là chỉ mấy ngày sau khi TT Thiệu rời An Lộc, ngày 9/7/1972, Tướng Richard J. Tallman, Tư lệnh phó TRAC (Third Region Assistance Command –Bộ Tư lệnh Viện Trợ Vùng 3, Hoa Kỳ) cùng mấy sĩ quan tham mưu và tùy viên của ông, bay trực thăng vào thăm An Lộc, đáp xuống sân bay trực thăng Tiểu khu, bị pháo, trái thứ nhất thoát, nhưng trái thứ hai trúng vào giữa toán của ông đang chạy vào BCH/TK, ba sĩ quan của TRAC chết liền tại chỗ, Tướng Tallman được tản thương về Bệnh viện 3 Dã Chiến HK –3rd Field Hospital Sài Gòn– mổ vết thương. Thương tích quá nặng ca mổ không thành công, ông từ trần ngay khi mổ, ngày đó. Trong chiến cuộc Bình Long, từ Lộc Ninh, đến An Lộc và vùng chốt chặn Tàu Ô-Tân Khai, có nhiều sĩ quan cố vấn HK của các đơn vị hy sinh hay mất tích. Tôi không biết rõ là bao nhiêu vị. Chúng tôi, những chiến sĩ của An Lộc-Bình Long xin tri ân và chia buồn cùng gia đình của các vị. Xin cám ơn tất cả các chiến sĩ KLHK [Không Lực Hoa Kỳ] và các đơn vị khác đã cứu giúp chúng tôi trong cuộc chiến này.
Ngày 11/7/1972, SĐ18BB do Đại tá Lê Minh Đảo, Tư lệnh Sư đoàn chỉ huy, đổ quân bằng trực thăng vào An Lộc thay thế SĐ5BB rút toàn bộ về căn cứ chính Lai Khê. SĐ25BB được lệnh đến Chơn Thành thay thế cho SĐ21BB ngày 15/7/1972 để tiếp tục giải tỏa QL-13, bứng các chốt chặn từ suối Tàu-Ô lên Tân Khai. Tính ra thì sự tổn thất của SĐ21BB của Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi còn nặng hơn của SĐ5BB nhưng công trạng rất lớn vì suốt ba tháng đã kềm chế được SĐ-7/CSBV không để cho Sư đoàn này tiến lên An Lộc hợp lực với các đại đơn vị CSBV dứt điểm thành phố đó. Chúng chắc chắn bị thiệt hại nặng hơn, số cán binh của chúng bị hạ không dưới 7,000 người. Sau khi về miền Tây, Tướng Nghi thăng thêm một sao và được bổ nhậm Tư lệnh QĐIV & V4CT.
Tôi về Lai Khê với nỗi buồn ray rức. Tôi thăng cấp trung tá nhiệm chức đặc cách mặt trận ngày 7/7/1972 sau hơn 5 năm mang cấp bậc thiếu tá từ 19/6/1967 –ba năm nhiệm chức, hai năm thực thụ— đó là phần thưởng cuối cùng trong binh nghiệp của tôi. Một năm sau mới được điểu chỉnh trung tá thực thụ. Nỗi buồn không rõ nguồn cơn. Có thể vì tôi đã nhìn thấy lửa bỏng chiến trường lần này mới thực sự là chiến tranh, chết chóc, máu thịt đầm đìa bừa bãi ở trận địa và những nấm mồ tập thể của người dân thường vô tội. Tôi đã nhìn thấy sự chịu đựng của chiến sĩ với những hình ảnh hy sinh cao cả và cả… những hình ảnh bẩn thỉu nhất trong quân ngũ.
Vâng, QLVNCH bất khuất, tôi thương yêu quân đội này như yêu chính bản thân tôi, hơn tất cả mọi thứ khác trên đời. Và vì tình yêu đó, sau này khi định cư tại Hoa Kỳ, tôi bỏ tất cả mọi thứ, vào trường đi học hỏi lại, và mong mỏi làm cho được cái công việc mà tôi gọi là “lật đất”, thực ra là tìm tòi tài liệu để tìm hiểu sự thực, để binh vực cho màu cờ sắc áo của chúng tôi; tôi đã thực hiện sở nguyện viết lại cuộc chiến đó bằng Anh ngữ –một quyển sách chỉ vài trăm trang nhưng tạm gọi là đầy đủ— để trả lời những người đã bôi biếm chúng tôi (xin xem mạng Google để đọc một vài Chương của quyển sách “The Tragedy of the Vietnam War”, McFarland, 2008 Van Nguyen Duong và bài thơ “Lật Đất” đính kèm). Nhưng, những “sự thực” thì một người muốn “lật đất”, không thể giấu giếm mãi, đến ngày nay tôi phải nói ra để mong đem lại sự phán đoán công bằng cho cố nhân.
Hình như Tướng Hưng cũng mang vẻ trầm tư hơn trong nét mặt của ông sau khi từ chiến trường An Lộc trở về. Có lẽ ông đã thấm thía hơn và suy nghĩ nhiều về câu nói “nhất tướng công thành vạn cốt khô”. Ông có muốn như thế đâu. Phận làm tướng, là cấp chỉ huy chiến sĩ đánh nhau ở chiến trường, cái lẽ sống chết, thành bại, cũng là… đương nhiên thôi. Đâu có cấp chỉ huy nào muốn cho binh sĩ dưới quyền mình bị hy sinh quá nhiều đâu! Tôi biết trường hợp mất quân… quá lớn ở Lộc Ninh làm cho ông suy nghĩ nhiều nhất. Có lẽ ông cũng mang thứ mặc cảm “đã phụ lòng thầy”. Quả thực ông có phụ lòng Tướng Minh đâu! Tướng Minh đã nâng đỡ ông từ cấp Trung úy lên cấp Tướng, như ông từng nói với tôi. Ông rất muốn lấy sự “sống chết” ở chiến trường để tạ ơn người thầy đã đỡ đầu cho ông. Nhưng tôi cũng biết ông Hưng đã từng tạo chiến công hãn mã… đem đến sự thăng tiến binh nghiệp của chính ông và cả… cho Tướng Minh nữa trong bao nhiêu năm trời. Còn quyết định của ông ở chiến trường An Lộc, dù không hợp với Tướng Minh, nhưng cũng cứu nguy được An Lộc trong những giờ phút nguy ngập nhất. Tướng Minh cũng đã đem hết tài năng của mình điều binh khiển tướng mà cứu Tướng Hưng. Có lần, sau Trận An Lộc, ông và tôi ăn cơm với nhau… trên một nhà hàng khá thanh tịnh ở Sài Gòn, ông hỏi tôi: -“Dưỡng có thích đọc sách triết hay không? Có theo một tôn giáo nào hay hành xử theo một đạo lý nào không?” Tôi trả lời: -“Không, tôi ghét triết học, tôi không thích được thuyết giảng, tôi không thích ai nói cho tôi nghe về “morale”. Tôi dốt.” Hưng nói: -“Tôi cũng vậy. Nhưng có lắm điều làm cho mình suy nghĩ về đạo lý ở đời… và về sự sống chết…”
Tôi suy nghĩ và hiểu rằng ông Hưng không hẳn chỉ là một tướng lãnh chỉ biết đánh nhau. Ông ta có suy tư hơn là những kẻ có uy quyền chỉ biết hưởng thụ, coi thường sinh mạng chiến sĩ thuộc cấp. Ông hành xử theo lẽ phải, tôn trọng lẽ phải…. Ông có một khối óc mẫn đạt, sáng suốt với những ý nghĩ chính chắn trong sạch và một trái tim đỏ thắm tình yêu chiến sĩ, yêu mầu cờ sắc áo, và yêu nước cao cả. Chính những người như ông mới dám cầm súng mà bắn vào óc hay vào tim mình để tự hủy diệt những gì tốt đẹp ở trong các thứ quí báu của con người đó trước khi những kẻ khác muốn hủy diệt nó. Tôi biết rõ ở An Lộc ông đã từng câm nín… để nhận chịu sự bất công của bậc mà ông vẫn tôn kính là thầy mà ông từng muốn đem sinh mạng để đền đáp nghĩa ân. Sao người ta nỡ hủy diệt hay tạo ảnh hưởng hủy diệt uy tín của một người cao thượng và trung chính như vậy… hở? Mãi đến ngày nay ông đã tuẫn tiết hơn ba mươi năm rồi mà chiến dịch ngầm phá hoại uy tín ông vẫn còn ảnh hưởng ở một số người, hiện sống ở hải ngoại, kể cả những chiến hữu ngày xưa của ông. Trời ơi, tôi hiểu ông và thương ông lắm! Tôi không tin rằng có một người nào hiểu Hưng hơn tôi, kể cả những người ông yêu thương nhất. Tôi thành thực xin lỗi khi viết những dòng chữ này.
Tôi suy nghĩ… hay chỉ vì một quyết định vô cùng ngay thẳng, theo lẽ phải, từ chối không cho Đại tá MVT về Lai Khê làm trưởng phái đoàn “Bình Long Anh Dũng” mà Tướng Minh cho Hưng bị người ta cho là người “phản thầy” hay sao? Hay đó chỉ là giọt nước làm tràn miệng bát vì uy danh “tử thủ” của Tướng Hưng trong trận An Lộc đã lan xa trong nước? Tiếng “phản bội” cũng do chính Tướng Minh nói với tôi trước mặt Đại tá MVT. Hiện nay ông MVT đang sống ở California. Hai vị tướng đã thành người thiên cổ. Tôi xin lập lại sự thực vì người sống vẫn còn đó, như trách nhiệm của một người muốn “lật đất”….
Chỉ chừng một tuần, sau khi từ An Lộc về Lai Khê, được Tướng Minh cho người điện thoại bảo tôi về Biên Hòa dùng cơm trưa với ông. Tôi ngạc nhiên nhưng tuân lời, tôi không nhớ rõ ngày, chỉ nhớ buổi trưa đó tôi đến tư dinh Tướng Minh ở bờ sông Biên Hòa và được hướng dẫn lên chiếc trailer của tư lệnh. Vào trailer thì thấy Trung tướng đã có ở đó, bên cạnh chỉ có Đại tá MVT. Tôi chào Trung tướng và được ngồi vào bàn cơm. Suốt buổi cơm Tướng Minh nói cười vui vẻ với ông MVT và tôi. Nhưng khi ông tướng ăn cơm xong, uống cà phê, hút thuốc và nghiêm nghị hỏi tôi có biết vì sao gọi tôi về ăn cơm trưa buổi đó: -“Dưỡng từng làm việc với tôi, chắc biết tánh tôi. Tôi rất ghét những người phản bội. Về nói với Hưng, đừng phản thầy. Tôi đã từng cứu Hưng không chỉ lần này ở An Lộc mà rất nhiều lần trước ở SĐ21BB. Tôi đã từng tin tưởng Hưng và nâng Hưng từ một Đại úy lên cấp tướng. Sao lại trở mặt với tôi!” Tôi nghe xong, chết điếng trong lòng. Chỉ ngồi im lặng. Ông MVT cũng không thốt một lời nào…. Buổi cơm tàn, tôi lên trưc thăng trở về Lai Khê. Suy nghĩ mãi, mấy ngày sau, tôi gặp Tướng Hưng ở văn phòng của ông. Tôi lập lại từng lời của Trung tướng cho ông Hưng nghe. Tướng Hưng chỉ cười nhẹ. Một nụ cười gượng, buồn bã, nhưng không nói gì. Từ đó về sau, trong ánh mắt, Tướng Hưng nhìn tôi như nói lên sự thương mến tôi nhiều hơn thời gian trước. Ông đã rõ lòng dạ tôi từ ngày ở An Lộc, tôi từ chối không về Lai Khê, mà ở lại cùng ông giúp ông đánh nhau với quân CSBV. Ông có cho tôi một đặc ân nào đâu. Chỉ có tấm lòng… chân thật với nhau. Không lâu sau đó, Tướng Hưng được lệnh bàn giao SĐ5BB cho Đại tá Nhảy Dù Trần Quốc Lịch, về Biên Hòa làm Phụ tá Hành quân cho Tướng Minh. Và cũng… không lâu sau đó, tôi nghe nhiều người châm biếm về đôi mắt “hay nheo” của Tướng Hưng và bình luận rằng vì ở An Lộc ông Hưng không hề rời hầm hành quân, ở mãi trong bóng tối nên sợ ánh sáng mà… nheo mắt. Tôi đã nói Hưng hay nheo mắt từ khi còn là SVSQ mà…. Hơn thế nữa, người ta đem những điều đó mà ngầm trình báo lên các giới chức lãnh đạo cao cấp…. Cao cấp nhất của Chính phủ và QLVNCH. Chê ông Hưng thiếu khả năng nên thua lớn ở Lộc Ninh…. Khi ông về Quân đoàn III & V3CT, tôi biết ông Hưng sẽ dừng lại ở ngôi sao của ông….
Trước khi Đại tá Trần Quốc Lịch về thay thế Tướng Lê văn Hưng, Đại tá MVT được bổ nhậm chức Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Tỉnh Long Khánh. Tôi vẫn ở lại làm việc với Đại tá TQL, ở chức vụ cũ. Còn các Đại tá Lê Nguyên Vỹ và Bùi Đức Điềm thuyên chuyển về đâu, tôi không nhớ. Phụ tá Hành quân QĐIII & V3CT là chức vụ của Đại tá LNV khi ông… bắn xe tank ở An Lộc và mỗi đêm nằm ngủ trên chiếc ghế bố dã chiến trong hầm BTL/HQ cạnh anh Trịnh Đình Đăng và tôi trong hơn ba tháng….
Một ngày khác, sau buổi cơm ở trailer Biên Hòa với Trung tướng Minh và Đại tá MVT, tôi tiếp một sĩ quan báo chí quân đội tại Lai khê. Trung tá Nguyễn Đạt Thịnh, Trưởng Phòng Báo Chí Cục Tâm Lý Chiến của Tổng cục Chiến tranh Chính trị QLVNCH, lên Lai Khê vào Phòng 3 BTL/SĐ5BB hỏi Đại tá Trịnh Đình Đăng xin bản sao Nhật ký Hành quân của Sư đoàn ở An Lộc để viết Hồi ký… cho Tướng Minh. Ông Đăng chỉ cho Trung tá NĐT sang gặp tôi, vì Phòng 3/HQ của ông có 6 sĩ quan bị một hoả tiễn 122 ly rơi trúng khi đang ăn cơm, tất cả đều… hy sinh, nên không ai ghi Nhật ký Hành quân của Sư đoàn và giữ các tài liệu này, mà chỉ có ông Đăng, tôi và hai ông Đại úy Dương Tấn Triệu và Nguyễn Chí Cường của Phòng 2/BTL/HQ của tôi ghi chép khá chi tiết (sau trận An Lộc, đều thăng cấp Thiếu tá, vẫn làm việc với tôi) nên toàn bộ tài liệu đó tôi đã cho đánh máy lại và do tôi cất giữ lúc đó. Sơ sót của tài liệu là không ghi phối trí của các đơn vị bạn ở An Lộc và chi tiết về các phi xuất yểm trợ của KQVN và KLHK vì hai ông này chỉ là nhân viên tình báo tác chiến. Khi ông NĐT nói rõ mục đích xin bản sao tài liệu nói trên, tôi từ chối và nóí vớí Trung tá Nguyễn Đạt Thịnh một câu mà đến nay tôi vẫn còn nhớ rõ ràng: -“Nếu anh Thịnh xin các tài liệu này cho Phòng Báo Chí, Cục TLC, tôi xin đưa ngay, nhưng nếu để viết Hổi ký… riêng cho Trung tướng Tư lệnh… xin miễn chấp, tôi từ chối.” Trung tá NĐT ra về không nói gì. Tôi biết làm như vậy đường hoạn lộ của tôi sẽ bị tắt nghẽn, không thăng tiến được nữa.
Sau đó vài ngày tôi mang một bản sao tài liệu Nhật ký Hành quân này về Khối Quân sử /BTTM định trao cho Đại tá Phạm văn Sơn làm tài liệu nhưng hình như Đại tá PVS đã không còn giữ chức vụ Trưởng Khối Quân sử nữa hoặc đi đâu vắng. Tôi trao tài liệu cho một sĩ quan cấp tá ở đó. Sau này tôi được biết phần sử viết về trận chiến Bình Long–An Lộc là do Trung tá Lê văn Dương, tân Trưởng Khối Quân Sử/P5/BTTM chủ biên với các vị phụ tá, Thiếu tá Lê văn Bân và Đại úy Tạ Chí Đại Trường. Thỉnh thoảng có trích một đoạn trong bản Nhật ký Hành quân của SĐ5BB do các Đại úy Triệu và Cường của Phòng 2/HQ ghi trong thời gian đang hành quân ở An Lộc.
Thời gian thấm thoát qua mau. Sau này, Trung tá Nguyễn Đạt Thịnh và tôi cùng định cư ở thành phố Honolulu, thỉnh thoảng gặp nhau chỉ cười chào hỏi nhau, ít nói năng thù tạc. Hiện nay, tôi được biết ông ở Texas, làm báo. Không biết ông NĐT có nhớ chuyện cũ không? Không nhớ thì tốt hơn.
1 comment
Trận chiến Bình Long-An Lộc tôi được biết qua báo chí khi còn học sinh trung học…Nay được đọc lại những dòng quân sử VNCH của anh Dưỡng thấy thán phục tinh thần chiến đấu chống CS xâm lược và những chuyện chưa bao giờ được kể về tướng Hưng.
(Phần 11 tìm đọc không thấy VNTB)