Út Sài Gòn
(VNTB) – Những người mất vì Covid-19 cũng cần được tôn trọng
Sáng 17-7 tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức lễ khánh thành tượng đài “Công an nhân dân vì dân phục vụ” tại phố Trần Nhân Tông, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng.
Theo lời phát biểu tại buổi lễ này của Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, thì: “Công trình tượng đài có tính biểu tượng, khái quát cao, trang nghiêm, mang ý nghĩa chính trị, lịch sử truyền thống và đậm giá trị nghệ thuật.
Đây là tác phẩm điêu khắc thể hiện hình tượng chiến sĩ cảnh sát giao thông, chiến sĩ cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Là biểu tượng của sự dũng cảm, hy sinh vượt qua khó khăn, gian khổ trong cuộc chiến chống “giặc lửa”, bảo vệ tài sản của nhân dân và bảo đảm trật tự an toàn giao thông, mang lại bình yên, hạnh phúc cho mọi người.
Tượng đài đã bám sát công việc thực tiễn hàng ngày của 2 lực lượng là cảnh sát giao thông và cảnh sát phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, luôn gần gũi với người dân”.
“Xây dựng tượng đài tôn vinh người chiến sỹ công an thì cũng tạm chấp nhận đi. Mặc dù cũng có tiêu cực này nọ, nhưng nhìn chung, cũng có người này người kia, có người sẵn sàng “vì dân phục vụ”, sẵn sàng “có khi dân cần”. Thế nhưng, theo như quan điểm của tôi, cũng là khánh thành tượng đài nhưng nếu là tượng đài tưởng niệm những nạn nhân mất vì Covid-19 trong một năm qua, thì nó hay hơn nhiều, thời sự hơn nhiều và cũng nhân văn hơn nhiều”, ông Hai, cư dân Sài Gòn nhận xét.
“Tôi cũng nghĩ như vậy. Một năm qua, mất mát vì Covid-19 ở Việt Nam quá nhiều, nhất là đối với tháng 7 âm lịch sắp tới. Người chiến sỹ công an vì dân phục vụ cần được tôn vinh, thì những người mất vì Covid-19 cũng cần được tôn trọng. Họ mất vì cái gì? Có phải là vì sự “tự sướng” của con người “10 ngày dập dịch” hay không?
Mất vì cái gì? Có phải vì “tuy chúng ta không tuyên bố zero covid nhưng lại làm theo hướng zero covid” của ông cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long hay không? Mất vì cái gì? Có phải do tầm nhìn không chuẩn bị vắc-xin tốt từ lúc chưa bùng dịch từ cựu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hay không?”, đi cùng với ông Hai là ông Tư, ngụ ở Tân Phú, tiếp lời.
“Thật sự cần phải có tượng đài tưởng niệm, để làm chi? Để mỗi khi mình quên những gì đã diễn ra, nhìn vào đó, để mà thấy, ừ Sài Gòn từng có thời gian như vậy, từng có thời gian dân Sài Gòn phải “bất an” như thế nào? Từng có thời gian người dân phải lo lắng về công việc, về thức ăn, về khám chữa bệnh ra sao? Soi vào đó, để mà tự răn, không thể để những tình huống đó lặp lại một lần nữa”, ông Hai ‘luận’ tiếp.
“Em thì ủng hộ ý kiến của hai bác, nhưng theo em, bên cạnh việc có tượng đài tưởng niệm những người mất vì Covid-19 thì cũng cần có tượng đài tri ân những cá nhân, tổ chức tự lập âm thầm giúp đỡ người dân trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Theo chia sẻ của nhiều người mà em xem được, họ làm từ cái tâm, đóng góp một cái gì đó cho thành phố này, nhiều người cũng chẳng cần biết đến. Nhưng không vì thế mà chúng ta bỏ qua.
Người chiến sỹ công an là anh hùng trong ánh sáng thì những mạnh thường quân đó lại là những anh hùng âm thầm trong bóng tối. Không lẽ ánh sáng được tôn vinh còn bóng tối thì lãng quên?”, em Đức, tân sinh viên ngành Công tác xã hội, góp ý kiến.
Nhìn vào những gì một năm qua, soi rọi để thấy những cái mình chưa làm được. Chính sách sai lầm trong chống dịch đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính dần sửa chữa. Thế nhưng, tượng đài tôn vinh những người âm thầm hỗ trợ chống dịch cũng như tưởng niệm những người mất vì Covid-19, một năm qua đến nay, vẫn còn là câu chuyện mỗi khi bàn luận…