Sơn Trà
(VNTB) – Ông Nguyễn Xuân Phúc vắng mặt ở buổi kỷ niệm 60 năm Cảnh sát nhân dân Việt Nam tại Hà Nội
Ông Nguyễn Xuân Phúc về quê nhà tham dự lễ kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh – liệt sĩ, và người ta không thấy ông đến dự lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Truyền thống lực lượng Cảnh sát nhân dân Việt Nam.
Lễ kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh – liệt sĩ ở tỉnh Quảng Nam diễn ra sáng 17-7. Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Truyền thống lực lượng Cảnh sát nhân dân Việt Nam, tổ chức tại Hà Nội, tối 17-7. Ở buổi lễ này chức danh Chủ tịch nước được xướng tên nhiều lần trong thủ tục trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh, và trao tặng Danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.
Sự vắng mặt của ông Nguyễn Xuân Phúc tại Hà Nội ở buổi kỷ niệm 60 năm Cảnh sát nhân dân Việt Nam, là rất đáng tiếc còn vì ông là Chủ tịch của Hội đồng quốc phòng và an ninh Việt Nam, tức là người giữ vị trí thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân, gồm có Quân đội nhân dân – Công an nhân dân – Dân quân tự vệ.
Có phải ông Nguyễn Xuân Phúc đang bị… ‘thất sủng’?
Gọi là ‘thất sủng’, vì tin tức cho hay chiều 17-7 tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Phó chủ tịch nước Lào Bounthong Chitmany nhân dịp ông sang thăm chính thức và dự các hoạt động kỷ niệm 60 năm thiết lập ngoại giao, 45 năm ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam – Lào. Tuy nhiên phần hội đàm sau đó lại vắng mặt ông Phúc, thay vào đó là bà Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân.
Vài ý kiến từ một số nhà hoạt động xã hội dân sự cho rằng các phi vụ làm ăn của cựu đệ nhất phu nhân Trần Thị Nguyệt Thu đã làm hại đường hoạn lộ của ông Nguyễn Xuân Phúc, khi bà Nguyệt Thu được cho là giúp sức cho Công ty Việt Á tiêu thụ kit test.
Từ rất lâu trước đó, khi ông Nguyễn Xuân Phúc rời Quảng Nam để ra trung ương thì hàng loạt tin đồn lan mạnh trên mạng xã hội về những mối thân hữu của vợ chồng ông Phúc với các đại gia trong ngành ngân hàng, lắp ráp xe hơi, năng lượng…
Khi ấy, khác hẳn với đồng liêu Nguyễn Bá Thanh hồi cả hai còn chung cấp chính quyền địa phương Quảng Nam – Đà Nẵng, ông Nguyễn Xuân Phúc hứng nhiều tai tiếng hơn về chuyện đỡ đầu cho một số doanh nghiệp, có nghĩa theo năm tháng, ông cũng dày dặn hơn trong những dự liệu ứng phó với các cáo buộc về ‘sân sau’…
Trở lại với vụ Công ty Việt Á
Liên quan đến nâng khống giá kit test xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á, công khai trên diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu, chuyên gia cho rằng, một mình Phan Quốc Việt và Việt Á ‘không thể làm được’, do đó, đằng sau, rất có thể còn có thế lực ngầm, ‘cá lớn, cá bé’, sân sau, sân trước.
Tuy vậy khá ngạc nhiên là trên cương vị Chủ tịch nước, ông Nguyễn Xuân Phúc dường như đang tìm mọi cách khép lại vụ việc này khi tiếp xúc cử tri.
Đơn cử, ngày 21-6-2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng tổ đại biểu Quốc hội TP.HCM, đơn vị số 2, tham dự buổi tiếp xúc cử tri quận 1 sau kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Các cử tri quận 1 đã nêu nhiều kiến nghị về các vấn đề của ngành y tế thời gian qua, bày tỏ lo ngại trước việc một số cán bộ đầu ngành, cán bộ chủ chốt của ngành y bị xử lý thời gian qua.
Trả lời cử tri, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đối với các sai phạm xảy ra trong ngành y tế thời gian qua đã được xử lý nghiêm. Một số cán bộ tham ô, tiêu cực trong lĩnh vực y tế đã bị xử lý.
Ông Nguyễn Xuân Phúc dùng các kiểu câu: “đã được xử lý nghiêm” – “đã bị xử lý” tạo tâm lý là vụ việc đã đi vào kết thúc, sẽ không còn có chuyện mất mát cán bộ nữa.
Ông Nguyễn Xuân Phúc cũng khéo léo khi đề nghị TP.HCM đảm bảo cung ứng dịch vụ y tế, khơi thông bất cập trong đấu thầu thuốc, giải bài toán thiếu thuốc, vật tư y tế, không để ảnh hưởng đến người dân.
Gọi là “khéo léo” vì qua lời đề nghị đó, ông Nguyễn Xuân Phúc gián tiếp muốn nói nếu còn tiếp tục bắt bớ trong ngành y tế, thì chuyện chăm sóc sức khỏe toàn dân sẽ bị đứt gãy, gián đoạn.
Công tâm mà nói, ẩn tình của khuyến cáo ở đây của ông Nguyễn Xuân Phúc không phải là không có căn cứ. Bởi theo ông Nguyễn Tri Thức, giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy, thì, “Những trường hợp lợi dụng chính sách để tư lợi cá nhân sẽ bị xử lý. Bên cạnh đó, trong lúc chống dịch có một số thủ tục do vội chống dịch nên bỏ qua, tôi đề nghị nên xem xét cho thấu tình đạt lý. Việc mua sắm chống dịch ở các địa phương cũng khác nhau, các địa phương bùng phát dịch như TP.HCM, Hải Dương, Đà Nẵng mua sắm khẩn cấp sẽ khác các địa phương khác. Tôi nghĩ phải nhìn vấn đề một cách toàn diện”.
Chính trường ở Việt Nam là thế giới của tin đồn đoán cả lề trái và lề phải. Nếu như có báo chí tư nhân, có lẽ việc kiểm soát truyền thông sẽ thuận tiện hơn vì luôn cụ thể các địa chỉ tòa soạn để truy cứu trách nhiệm.