Ngọc Lan
(VNTB) – Những sa sút quá nhanh của Trường đại học Tôn Đức Thắng trong thời gian qua bắt đầu từ nguyên nhân nào, và ai sẽ là người chịu trách nhiệm về vấn đề này?
Phó thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh đã yêu cầu bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo trực tiếp gặp, trao đổi với đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân về những nội dung liên quan trách nhiệm quản lý nhà nước của bộ với trường này.
Ông Lê Thanh Vân đặt câu hỏi về việc thực hiện cơ chế thí điểm tự chủ của Trường đại học Tôn Đức Thắng, và trách nhiệm cá nhân hiệu trưởng là theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Khi Chính phủ chưa tổng kết và đưa ra kết luận đúng sai về mô hình tự chủ do Thủ tướng Chính phủ cho phép, thì việc kỷ luật và cách chức hiệu trưởng Trường đại học Tôn Đức Thắng có đúng không?
Tháng 11-2020 tại phiên thảo luận ở Quốc hội, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định việc xử lý kỷ luật hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng là sai nhưng trong trường hợp đặc biệt; còn đại biểu Quốc hội cho rằng cần phải xem xét lại và thực hiện đúng quy định Luật Giáo dục đại học.
Ông Vũ Đức Đam nói rằng Luật Giáo dục đại học quy định rõ hội đồng trường là cơ quan quyền lực của trường, do đó các chức danh lãnh đạo gồm hiệu trưởng thì phải do hội đồng trường quyết và đề nghị cấp có thẩm quyền. Cụ thể, với trường hợp này Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ công nhận và phê chuẩn.
“Như vậy, nếu trong trường hợp có hội đồng trường mà Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam xử lý hiệu trưởng Trường đại học Tôn Đức Thắng mà không căn cứ vào đề nghị của hội đồng trường là không đúng luật”, ông Đam khẳng định.
Tuy nhiên, Phó thủ tướng nói đây là trường hợp đặc thù vì hội đồng Trường đại học Tôn Đức Thắng đã hết nhiệm kỳ. Trong khi đó, việc kiện toàn hội đồng trường bị chậm trễ do những nguyên nhân chủ quan và khách quan. Dẫn tới việc đến thời điểm Ban giám hiệu Trường đại học Tôn Đức Thắng gồm cả hiệu trưởng nhận kỷ luật thì trường không có hội đồng trường.
Ông Đam nhìn nhận “có chuyện không rõ ràng ở chỗ này” nên thông tin thêm với đại biểu rằng Thủ tướng đã có chỉ đạo Bộ Giáo dục và đào tạo với chức năng cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, phải vào cuộc trực tiếp. Tuy vậy, việc xử lý cán bộ theo ông Đam, là thực hiện đúng quy định của Đảng về pháp luật cán bộ công chức và thông lệ về xử lý cán bộ.
Trước giải thích của Phó thủ tướng là với trường hợp Trường Tôn Đức Thắng thì có đặc thù, bởi khi tiến hành xử lý thì trường này không có hội đồng trường do chưa kiện toàn được, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng chức danh Hiệu trưởng đại học Tôn Đức Thắng là phải xử lý theo luật, trong đó Tổng Liên đoàn chỉ có thể xử lý viên chức do Tổng Liên đoàn quản lý, chứ không thể xử lý với chức danh hiệu trưởng nhà trường.
Khi ấy đại biểu Trần Thị Diệu Thuý – Chủ tịch Liên đoàn lao động TP.HCM cho biết, là đại diện của liên đoàn lao động, từng tham gia Hội đồng trường Đại học Tôn Đức Thắng, nên nắm rõ sự việc xảy ra tại trường này. Theo bà Thúy, trường hợp đại học Tôn Đức Thắng không có Hội đồng trường thì việc kỷ luật Hiệu trưởng do cơ quan chủ quản quyết định. Như vậy, việc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam quyết định cách chức ông Lê Vinh Danh là đúng luật.
Về việc này, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cũng đã gửi văn bản hỏi Bộ Nội vụ. Văn bản trả lời của Bộ Nội vụ (số 4378 ngày 21-8-2020) nêu rõ, về thẩm quyền xử lý kỷ luật cán bộ công chức là người đứng đầu các tường đại học, đến nay do đại học Tôn Đức Thắng chưa có hội đồng trường nên thẩm quyền tiến hành kỷ luật và ra quyết định kỷ luật đối với Hiệu trưởng đại học Tôn Đức Thắng là do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam quyết định – bà Thuý khẳng định.
Đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị đại biểu Thúy xem lại Luật Giáo dục đại học. Ông Vân nhận định: “Văn bản nào cho Tổng liên đoàn lao động Việt Nam có quyền cách chức Hiệu trưởng đại học Tôn Đức Thắng như thế thì cũng là trái luật. Nếu Bộ nội vụ đồng ý cho Tổng liên đoàn làm như vậy thì cũng vi phạm luật. Đề nghị Bộ trưởng Nội vụ giải trình tiếp vấn đề này”.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội lúc đó là bà Nguyễn Thị Kim Ngân đã đề nghị các đại biểu quan tâm sự việc trao đổi riêng, không tiếp tục nêu vấn đề tại hội trường vì còn nhiều vị khác đang chờ chất vấn.
Ông Lê Thanh Vân có bằng tiến sĩ Luật học của trường Đại học Luật Hà Nội (khoá 1985-1989). Năm 2008, ông Lê Thanh Vân đảm nhiệm chức vụ Vụ trưởng, Giám đốc Trung tâm Thông tin khoa học, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Hai năm sau, ông được Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ nhiệm làm Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Tương đương Tổng cục trưởng).
Ông Lê Thanh Vân đưa ra lập luận như sau trong các lần chất vấn vụ trường Đại học Tôn Đức Thắng, đó là khi xem xét ở góc độ pháp lý, việc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam ban hành văn bản cách chức Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng là trái pháp luật, trái với Khoản 1 Điều 20 của Luật Giáo dục đại học, theo đó, quy định quyết định này thuộc về Hội đồng trường hay Hội đồng Đại học.
“Dù theo luật cán bộ, luật viên chức, những nhân sự là cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam thì họ có quyền kỷ luật, nhưng ở đây, chức danh Hiệu trưởng trường đại học thì phải tuân thủ theo quy định của Luật Giáo dục đại học vừa mới được Quốc hội thông qua. Đây là một luật rất tiến bộ, mở đường cho tự chủ đại học.
Tôi đánh giá về mặt nhận thức và hành vi quyết định này là có vấn đề. Cùng với đó, việc cách chức Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng theo trả lời chất vấn của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, là diễn ra trong khi không có Hội đồng trường. Nhưng tôi được biết, trường Đại học Tôn Đức Thắng khi sắp hết nhiệm kỳ Hội đồng trường đã có văn bản đề nghị Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam công nhận, cho phép nhà trường thành lập Hội đồng trường mới. Tuy nhiên, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam không trả lời.
Câu chuyện không dừng tại đây, theo đó, dựa vào vi phạm về Đảng của Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã cách chức Hiệu trưởng. Đây là câu hỏi tôi đặt ra với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Bởi vì quyết định này không có cơ sở pháp lý và vi phạm pháp luật” – ông Lê Thanh Vân diễn giải.