Việt Nam Thời Báo

Người Việt bỏ 3 tỷ USD mua nhà ở Mỹ: Tiền đi ra bằng “cửa” nào?

Dân trí

Thông tin Việt Nam đứng thứ 6 trong Top 10 nước có công dân mua nhà ở Mỹ với số tiền trên 3 tỷ USD khiến nhiều quan ngại. Số tiền “khủng” này chuyển ra nước ngoài bằng cách nào và nếu như để lại đầu tư thì sẽ đóng góp rất lớn cho nền kinh tế đất nước.

3 tỷ USD để lại đầu tư trong nước: Rất quý
Hiệp hội Quốc gia chuyên viên địa ốc Hoa Kỳ (NAR) được thành lập năm 1908, có hơn 1,1 triệu thành viên trên khắp nước Mỹ, ngày 18/7 vừa qua đã công bố báo cáo thường niên có tên “Hồ sơ các hoạt động quốc tế trong lĩnh vực bất động sản ở Mỹ năm 2017″.
Báo cáo dựa trên các số liệu được tổng hợp từ tháng 4/2016 đến tháng 3/2017 cho thấy, người nước ngoài đã chi 153 tỷ USD để mua 284.455 căn nhà ở Mỹ. Trong số này, người Việt Nam đã chi tổng cộng 3,06 tỷ USD (chiếm 2%).
Theo báo cáo này, dẫn đầu trong Top 10 quốc gia có công dân mua nhà ở Mỹ trong năm 2017 nhiều nhất là Trung Quốc với 31,7 tỷ USD. Kế tiếp là Canada (19 tỷ USD), Anh (9,5 tỷ USD), Mexico (9,3 tỷ USD) và Ấn Độ (7,8 tỷ USD). Việt Nam tăng 2 bậc (năm 2016 xếp vị trí thứ 8) để “soán” vị trí thứ 6 với 3,06 tỷ USD, bằng với những quốc gia phát triển khác như Đức, Nhật Bản và đang phát triển như Venezuela.
Thống kê của NAR cho thấy Việt Nam là quốc gia mua nhà liên tục đứng trong top 10 ở Mỹ nhiều năm qua. Báo cáo của NAR cho biết, 65% người mua Trung Quốc trả bằng tiền mặt, chỉ có 26% vay tiền mua nhà ở Mỹ.
Trước thông tin người Việt chi hơn 3 tỷ USD để mua nhà ở Mỹ khiến nhiều chuyên gia kinh tế, bất động sản “quan ngại sâu sắc”.
Trao đổi với chúng tôi chiều 21/7, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoREA) cho rằng, ông không bất ngờ khi người Việt bỏ ra 3 tỷ USD mua nhà ở Mỹ nhưng rất quan ngại vì nguồn tiền này rất lớn.
Theo ông Châu, Việt Nam là nước nhỏ nhưng đứng thứ 6 thì có nghĩa là nước có tỉ lệ người chuyển tiền ra nước ngoài lớn nhất. “Chi 3 tỷ USD mua nhà ở Mỹ là vấn đề rất lớn. Đây thực là điều không mong muốn. Trong lúc Việt Nam rất thiếu nguồn lực, trong đó có nguồn lực ngoại tệ. Nếu số lượng tiền này để lại Việt Nam đầu tư thì rõ ràng có lợi cho đất nước.
Theo tính toán của ông Châu, 3 tỷ USD tương đương 66.000 tỷ đồng. Con số này quý giá với đất nước, gấp đôi gói tín dụng hỗ trợ bất động sản 30.000 tỷ đồng.
Thống kê của NAR cho thấy Việt Nam là quốc gia mua nhà liên tục đứng trong top 10 ở Mỹ nhiều năm qua (Ảnh minh hoạ)
Thống kê của NAR cho thấy Việt Nam là quốc gia mua nhà liên tục đứng trong top 10 ở Mỹ nhiều năm qua (Ảnh minh hoạ)
Lỗ hổng quản lý ngoại hối
Ông Lê Hoàng Châu cho rằng, những người mua nhà ở Mỹ có thể là nhu cầu thật, thường là đối tượng đã có thẻ xanh. Cũng có thể là người mua để đầu tư, bởi có những giai đoạn mua được nhà giá rẻ sau đó lên nhanh.
TS Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính (Đại học Ngân hàng TPHCM) cho rằng, người dân, doanh nghiệp trong nước vẫn mong muốn đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt là Mỹ để kiếm thêm cơ hội kinh doanh.
Trong cơ cấu đầu tư, mong muốn đầu tư qua Mỹ vì quốc gia này có chính sách tự do hóa thương mại mạnh hơn các nước khác. Mặt khác, sự thỏa thuận trong chính sách thương mại của Mỹ với các nước khác vẫn mang tính Mỹ là người lợi hơn.
“Khi mình đầu tư qua Mỹ vẫn lợi hơn là đầu tư qua nước khác. Chính phủ người ta vẫn nghiêng về bảo vệ các nhà đầu tư, người tiêu dùng”, ông Tín nhận định.
CEO của một doanh nghiệp (xin giấu tên) chuyên đầu tư nước ngoài cho biết, mua nhà ở Mỹ bằng nguồn tiền từ Việt Nam chuyển qua là cực kỳ khó khăn. Nếu là doanh nghiệp thì phải thành lập doanh nghiệp ở nước ngoài, được cấp phép bởi Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Sau khi thành lập doanh nghiệp ở nước ngoài, thực hiện hàng loạt các thủ tục, báo cáo… thì mới chuyển tiền qua được và cam kết sử dụng tiền đúng mục đích.
Đối với cá nhân khi chuyển tiền ra nước ngoài thì phải có lý do chính đáng, trong lý do chính đáng đó, không có lý do mua nhà mà không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
“Hiện chỉ có chuyển tiền qua đóng học phí cho sinh viên, học sinh đi học bên đó, đóng tiền để mua xe hơi sau khi đi học và có bằng lái, đóng tiền thuê nhà, những khoản sinh hoạt phí hợp lý thì mới được chuyển còn nếu không thì không được”, nhà đầu tư này nói.
Cũng theo nhà đầu tư này, với số tiền lớn 3 tỷ USD thì người Việt khó chuyển được bằng con đường chính thức (chuyển tiền đen), hoặc chuyển vào một ngân hàng trung gian ở nước ngoài rồi từ nước thứ 3 đó chuyển vào Mỹ để mua nhà.
“Bên Mỹ, nếu đồng tiền bất chính như là đồng tiền tham nhũng, do kinh doanh những ngành nghề bóc lột sức lao động, buôn lậu vũ khí, ma túy mà Mỹ chứng minh là tiền bẩn thì không mua được”, nhà đầu tư này nói thêm.
Trong khi đó, TS Bùi Quang Tín cho rằng, nếu số tiền chuyển đi hợp pháp thì khó có thể đạt đến con số khủng 3 tỷ USD trong năm 2017 như báo cáo của NAR đã nêu.
Hiện nay, theo quy định tại pháp lệnh ngoại hối năm 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2013), công dân Việt Nam khi xuất cảnh được phép mang tối đa 5.000 USD hoặc số tiền tương đương quy đổi khi qua cửa khẩu. Thế nhưng, có những đường dây gửi tiền ra nước ngoài bất hợp pháp đang lộng hành.
TS Tín cũng cho rằng, có thể chuyển tiền ra nước ngoài hợp pháp thông qua con đường du lịch… Theo đó, dựa vào số tiền thực tế của mỗi khách mang với hạn mức cho phép, nhóm dịch vụ có thể gom được lượng tiền lớn trong nước ra nước ngoài một cách chính danh.
Theo thống kê, kiều hối mỗi năm nhận trung bình trên dưới 10 tỷ USD. Năm 2016, sụt giảm còn 9 tỷ. TPHCM 6 tháng đầu năm 2017, nhận được 2,1 tỷ USD kiều hối, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Lê Hoàng Châu bày tỏ sự lo lắng khi cho rằng, nếu con số thống kê của NAR là đúng thì điều đó chứng tỏ quản lý về ngoại hối của nước ta có những lỗ hổng. Do đó phải làm sao bịt kín lỗ hổng đó thì tốt. Tuy nhiên, để bịt kín “chảy máu ngoại hối” là điều rất khó nên trước mắt, cơ quan chức năng phải tìm cách hạn chế tối đa.
“Đất nước mình bị chảy máu chất xám với chiến lược săn đầu người của các nước phương Tây. Tiếp đó là chảy máu tài nguyên và giờ đây, chúng ta đang bị chảy máu về ngoại hối bằng việc chuyển số lượng lớn tiền ra nước ngoài mua nhà như thế này”, ông Châu nói.
Công Quang

Tin bài liên quan:

VNTB – Đồng Tâm, Tiên Lãng và việc nhận lỗi trước dân

Phan Thanh Hung

Chi tiền ‘bịt miệng’ chủ tàu vỏ thép nằm bờ?

Phan Thanh Hung

VNTB – Biến cố Đồng Tâm: hãy giữ đúng cam kết đối ngoại

Phan Thanh Hung

1 comment

Huong Nguyen 22.07.2017 2:51 at 14:51

Xin phép nói thêm về cách chuyển tiền ra nước ngoài :
Ở hải ngoại Ông A bà B , anh C , chị D , em H , cháu G …v.v….muốn chuyển tiền về VN cho người thân hay làm ăn , mua nhà …… thì không cần chuyển tiền về VN gì cả mà ở VN các Quan to sẽ cho người đem tiền đến cho những người mà người Việt hải ngoại muốn gửi đến …tổng công 1 triệu dollars hay 3 trieu dollars ….5 triệu dollars …. tất cả những người ở VN đã nhận tiền , thì mặt khác ở bên nầy tất cả chừng đó tiền ví dụ như 5 triệu dollars sẽ được bỏ vào account của quan to thôi mà , nhưng điều kiến người bên này phải có business nhu tiem sua xe , giat ui , sua giay ..v.v.., hay văn phòng gì đó …Cũng như những người ở XHCNVN qua nước ngoài họ trồng nha phiến , bán xong tiền họ không được quyền công khai deposit vào ngân hàng vì sẽ bị nghi ngờ và find out ra ngay , nên họ nhờ trung gian người dân định cư lâu đời ở đây chuyển tiền bằng tấm cheque cho họ và được hưởng 10% huê hồng trên số tiền mà họ chuyển , ngoài ra thì tổ chức show ca nhạc , không cần biết lời hay lỗ có khán giả hay không , họ mời ca sĩ trong nước qua , thế là họ công khai chuyển tiền vào ngân hàng rồi , vì có giấy chứng thực là kinh doanh bằng show ca nhạc đàng hoàng ….
Đúng là kế hoạch thần sầu quỷ khóc

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.