Việt Nam Thời Báo

VNTB – Tanya Nguyễn-Đỗ và Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ

 

Hạo Nhiên

 

(VNTB) – Người ta muốn tiêu diệt cả 3 thế hệ bằng cách giết hại tâm lý từ một cụ già cho đến những đứa trẻ dễ thương, ngoan ngoãn, tài ba.

Ngày 12-13 tháng 9 vừa qua, phiên họp rà soát về Quyền Trẻ em ở Việt Nam giữa Liên Hiệp Quốc và phái đoàn đại diện chính phủ Việt Nam diễn ra tại Geneva, Thụy sĩ. Khác với những lần trước, lần này có sự tham dự của 3 người phụ nữ Việt Nam, Tanya Nguyễn-Đỗ đến từ Hoa Kỳ, nhà hoạt động xã Hội Tường Uyên, từ Hòa Lan và cựu đạo diễn, nhà báo Song Chi từ Anh quốc. Họ là những người tình nguyện, họ nói một cách khiêm nhường chỉ để theo dõi cuộc họp và làm được điều gì có thể giúp phần hoàn thiện tình trạng xấu của trẻ em Việt Nam được chút nào hay chút nấy.

Một trong những điều bất ngờ và gây bối rối cho đoàn Việt Nam là vấn đề Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ,T.A., được ông phó chủ tịch đoàn LHQ nói đến. Người đưa ra vấn đề này là cô Tanya Nguyễn-Đỗ.

Với giọng đặc Sài Gòn chân chất và còn đượm sắc học trò trường đầm học từ bé đến lớn, cô Tanya kể.

Ngày đầu, may mắn được nói chuyện 15 phút với ông phó trưởng đoàn LHQ, về Quyền Trẻ Em, ông R. Chophel, tôi đã trình bày với ông về vấn đề Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ và sự oan ức của 10 em bé ở T.A. bị gọi là sản phẩm của sự “loạn luân”.

Ngày thứ hai trong phiên họp, bà đại diện bộ Công An Việt Nam, tên Huyền, nhăn mặt, nhíu mày khó chịu, có lẽ bị bất ngờ, khi nghe ông R. Chophel nói rằng ông được nghe một câu chuyện rất đáng sợ, gây xúc động về vụ việc gọi là Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ, 10 em nhỏ trong thiền am này bị tố cáo là sản phẩm của sự loạn luân giữa người mà các em gọi là ông nội và mẹ của các em. Ông cảm thấy không ngờ, cảm thấy rùng rợn, rất bị sốc, và yêu cầu đoàn VN cho biết chi tiết về chuyện này.

Ông Cục trưởng Cục trẻ em VN, Đặng Hoa Nam trả lời lớt phớt, tuyên truyền rằng VN tôn trọng quyền tự do tôn giáo, nhưng những hoạt động tác động vào an toàn xã hội sẽ bị trường phạt. “Tanya rất vui là đã đạt được một mục đích chuyến đi là đưa vụ việc Thiền Am đến LHQ.”  Tanya nói.

Trả lời câu hỏi đến với Thiền Am như thế nào, cô cho biết: Đầu tháng 10 năm rồi, tôi vào youtube để tìm một cái gì đó, tôi không phải người thích xem YouTube, nhưng vô tình, tôi dừng lại trước hình ảnh của mấy chú tiểu thật dễ thương, tôi xem, thích các em lắm, vài ngày sau rảnh, tôi lại tìm xem mấy show khác của mấy cậu, riết rồi biết tên mấy cậu ta, biết họ ở trong một gia đình tu tại gia. Tôi thấy mấy em được học tiếng Anh tại nhà, ai đó viết chữ đẹp lắm dậy các em học, nhưng tôi nghĩ học kiểu này lâu khá lắm. Tôi nẩy ý định giúp các em học tiếng Anh. Tôi tìm người giúp tôi liên lạc với người dậy các em, không may người này không trả lời Viber của tôi.

Anh có biết Đức Tâm không? Trong một video có chuyện chú tiểu Đức Tâm làm bể cái loa. Thày cậu phải lên youtube xin ai có cái loa giống vậy để mua lại. Tối hôm đó là 24 tháng 10, tôi quyết định giúp họ. Tìm trên facebook 5 chú tiểu, thấy có vô số tên Lê Thanh, tôi click đại vào một Lê Thanh, may quá, nó hiện ra Lê Thanh Nhất Nguyên. Click đại vào xem, thấy ông Nhất Nguyên đang live stream kiếm mua cái loa. Tôi ghi số điện thoại của họ xuống, mua cái thẻ điện thoại của ông Ngạn vì tôi không biết gọi qua iphone, mà cũng chẳng biết gọi sao, phải gọi qua tổng đài của hãng phone nhờ chỉ dẫn. Sau khi biết cách gọi, tôi gọi Thiền Am để ”xin việc” (cười).

– Thưa ai đấy a?

– Tôi tên Tanya.

– Cô gọi từ đâu?

– Tôi gọi từ Mỹ.

Đó là những câu đầu tiên trao đổi với Nhất Nguyên. Lúc đó trong mùa dịch, tôi thấy họ có vẻ dè dặt, riêng tôi, tôi không biết scandal của họ đang lùm xùm ở VN, không biết gì hơn ngoài ý định ‘xin job’. 

Tôi xem các em, thấy các em acting rất hay. Đúng ngày hôm đó, tôi đang xem cái video gì đó về luật nhân quả, Laws of Karma thì phải, thấy các em diễn mộc mạc, dễ thương, cây nhà lá vườn nhưng hay quá, chợt có ý làm gì hơn cho các em.

Tôi tìm xem có cái Film festival cho trẻ không. Sẵn cái ipad, tôi đánh children festival thì nó lại nhảy ra cái New York Int’l Children’s Film Festival, mà lại ghi chú sẽ đóng ghi danh trong hai ngày nữa. Anh có tin một sự mà tôi nghĩ lạ lắm? Tôi chỉ muốn ‘làm thầy tụi nhỏ, thấy các bé dễ thương muốn dạy tiếng Anh thôi, thế mà lại định promote mấy em.

Gọi điện thoại cho ông thầy mình nói chuyện hôm trước, ông Nhất Nguyên, nhưng ông không có đó. Mất mấy tiếng đồng hồ để tìm ra cái video ông thầy Hoàn Nguyên dạy mấy đứa nhỏ học số phôn của ổng, tôi gọi cho ổng. Tôi kể cho ông về cái festival ở New York và muốn đưa video của các em lên. Ông hỏi tôi vài chuyện quanh việc dự festival. Tôi cho ông biết là những video của các em cần phải làm phụ đề tiếng Anh. Trong vòng một ngày sau tôi đã làm xong phụ đề cho video của các em, trả lại các thầy xem, và gửi đến ban tổ chức liên hoan phim chỉ 1 giờ 30 phút trước nửa đêm khi họ đóng cửa ghi danh! Đó là bước chân đầu tiên tôi bước vô cuộc sống của Thiền Am.(*)

 

Dấn thân vì Thiền Am

Từ sau đó tôi theo dõi vụ Thiền Am. Tôi bắt đầu bị lôi vào vòng xoáy của T.A. Tôi có đầy đủ hình ảnh về họ, thấy họ bị đánh dập, mấy em bé sống trong sự khủng hoảng khi thấy người thân, thày, cô, ông nội của mình bị tấn công và phỉ báng, có khi họ phải chạy vào rừng ẩn nấp. Tôi muốn cứu họ, nhưng tôi không biết cách nào. Sau phiên phúc thẩm họ lại bị thua, tôi không biết cách nào an ủi họ. Có lần nói chuyện với Nhất Nguyên, tôi buột miệng hỏi ông: “Thầy có bao giờ nghe về tỵ nạn tôn giáo hay chưa?” Không biết sao tôi lại hỏi ông ấy vậy. Tôi vẫn nghĩ tôi chẳng làm được gì cho họ dù rất muốn giúp đỡ, muốn cứu họ. Ông Nhất Nguyên hỏi lại tôi cái đó là gì cô. Tôi nói tỵ nạn tôn giáo là mình bị vì bị áp bức vì lý do tôn giáo mà phải xa quê hương.

– Xa là xa thế nào? Xa vĩnh viễn ư? Nhất Nguyên hỏi tôi

– Thì dĩ nhiên rồi. Thầy tỵ nạn tôn giáo thì không được về

nữa.

– Tại sao cô biết việc tỵ nạn này?

– Hôm qua thấy các thầy bị thua án, tôi buồn quá, lên net tìm mấy cái mạng về human right, nhân quyền, tôi thấy những chương trình nói người bị áp bức về lý do tôn giáo được bênh vực.

– Có vậy hả cô, nhưng nếu đi thì đi bao lâu?

– Đi luôn không về nữa.

Ông ấy im không nói gì nữa. Tội nghiệp quá. Tôi nghĩ mình nói như nửa đùa nửa thật như vậy làm họ buồn. Tôi phải tìm kiếm cách giúp họ.

 

Duyên

Tôi không biết rõ lắm, nhưng có lần, 7 năm rồi, tôi có một giấc mơ. Có người ra lệnh cho tôi là cô về sửa soạn hành lý để đi một nơi rất xa. Tôi thắc mắc nên đã hỏi rất nhiều về hành trình này. Giọng nói người đó rất dứt khoát kêu tôi phải đi liền và cũng không được nói cho người thân của tôi. Tôi không đồng ý và xin họ cho tôi thêm thời gian vi tôi có người con ở tuổi 14, con tôi rất cần tôi bên cạnh

Tôi van xin năn nỉ nhưng họ lạnh lùng từ chối tôi, và họ cho tôi một chén cơm trắng lạt.Trên đường về một mình và đang đói bụng, tôi nhìn chén cơm mà buồn vì tôi không được nói lời từ giã với con trai của tôi. Khi tôi định ăn thì có vài hạt mưa rơi vài chén cơm. Tôi nhìn lên hướng nước mưa thì không thấy gì ngoài như có ai cầm bình nước tưới vào chén cơm một cách khéo léo vì hạt mưa chỉ vào cơm mà không có hạt nào bị ra ngoài cả. Tuy ngạc nhiên nhưng tôi vẫn ăn. Mà sao chén cơm mặn chát, tôi ngửa mặt than, “Sao cho tôi cơm mà còn chan nước mặn hả trời!”

Thoáng qua mà đã bẩy năm nay rồi, tôi vất vả chiến đấu với căn bệnh quái ác không thuốc chữa của tôi. Nhớ lại giấc mơ khủng khiếp, lúc đó tôi chỉ cầu mong sống được cho đến ngày con tôi vào đại học, giờ thì con tôi đã vào đại học, và tôi chấp nhận ra đi như đã hứa.

Nhưng vận vào tôi câu chuyện của Thiền Am, tôi lại chắp tay cầu trời cho tôi sống thêm vài năm nữa để đấu tranh cho họ, những người không có giọng nói và đang bị đàn áp vì lối tu của họ. Dù tôi không có nhiều, nhưng tôi sẽ tận dụng tất cả những gì tôi có để cứu T.A. Tôi không tin số mạng của một số người bị vu cáo tôi loạn luân mà ‘bị giết’. Tôi nghĩ tội loạn luân gán cho họ như một trái bom tâm lý rất mạnh, có thể tiêu diệt 3 thế hệ của 1 gia đình đang sống tu hành, êm ấm, hạnh phúc.

Cô Tanya nhắc lại lần nữa, “Người ta muốn tiêu diệt cả 3 thế hệ bằng cách giết hại tâm lý từ một cụ già, cụ Tường Vân, cho đến những đứa trẻ dễ thương, ngoan ngoãn, tài ba. Tôi đã khẩn cầu trời cho sống thêm đến lúc con tôi lên đại học, dù con tôi chưa ra trường, tôi sẵn sàng ra đi, nhưng giờ tôi lại cầu trời cho tôi sống đến ngày tôi cứu được T.A., lúc đó bắt tôi ra đi cũng không muộn mà. Xin cho tôi cứu được họ đi!” Đây là lời cầu nguyện mỗi đêm và hy vọng là ngày mai tôi sẽ mở mắt và tiếp tục hànhtrình đi tìm chân lý cho 30 người vô tội này.

Tôi đã gặp T.A. năm trước, ngày 24 tháng 10, hôm nay 23, tháng 10, còn một ngày nữa là tròn năm.

Sau khi quen họ được 3 tháng, thì Thiền Am đã bị đại nạn, vào lao lý, tôi tự hứa sẽ cứu họ, nhưng tôi không biết cách nào, một mình đi trên con đường mà mình cũng chẳng biết đi đâu. Tôi gửi đơn lên USCIRF, Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Hoa Kỳ hồi tháng 1, sau khi những hội đoàn khác đã nhận được đơn của tôi, và 4 ngày sau họ gửi đơn tôi lên Quốc Hội.

Khi đó, một mình, tôi có biết làm gì đâu, chỉ biết lên google, tìm được địa chỉ hội đoàn về Nhân Quyền thấy có thể giúp mình thì làm tờ trình gửi đi, gửi đi. Vì muốn có sự chú ý của Quốc Hội Hoa Kỳ, tôi đã xin được 6000 chữ ký qua kênh youtube của anh Nguyễn Tiến Dũng. Tôi có biết anh này trước đâu, tôi hỏi vài người bạn, họ giới thiệu tôi với anh Dũng. Cú phone đầu tiên liên lạc với Anh Tiến Dũng, tim tôi đập rất nhanh vì rất sợ và không dám dùng tên thật của mình.

Tôi rất ngạc nhiên vì hàng trăm ngàn người từng ủng hộ T.A. trên youtube, nhưng khi việc xảy ra, với hai tiếng loạn luân bị quàng trên cổ, hầu hết những người từng nói yêu thương T.A. quay lưng ra đi, thì tôi lại là người, tuy không biết họ nhiều, không yêu thích nhạc kịch lại có trách nhiệm đi ‘cứu Bồ‘ những người không may mắn này.

Tôi còn nhớ khi mới bắt đầu làm quen, mấy thầy hỏi tôi cô có biết bolero là gì? Không, tôi mù tịt. Vậy sao cô xem tụi tui? Không tôi đâu có xem các thầy, tôi chỉ yêu quý các em thôi. Một sự huyền bí đã đặt tôi vào cuộc đời họ. Tôi vô tình chịu ơn thầy Nhất Nguyên khi bệnh của tôi đến mức nguy hiểm, tủy tôi bị hư, không tìm thay được, lúc nguy ngập đó, không có tủy nhưng bác sĩ cố gắng tìm phương án thứ nhì là một loại máu hiếm thích hợp để tôi có thêm thời gian chờ thay tủy lần 2.

Gia đình tôi cũng không ai có loại máu đó, mà thầy Nhất Nguyên, không biết thầy cầu nguyện thế nào, một cơ quan từ thiện ở mãi tận đâu đã gửi cho tôi 4 bịch máu loại đó. Tôi đã dùng 2 bịch, còn 2 bịch dành đó.

Khi khỏe rồi, tôi điện thoại cho thày Nhất Nguyên, họ nói ổng đang bịnh nặng, ông ngồi thiền suốt để cầu nguyện cho tôi đến kiệt sức. Tôi rất cảm động. Thầy chưa bao giờ nói thầy cầu nguyện cho tôi. Tôi thầm nói lời cảm ơn trong tim và tự hứa sẽ trả ơn, nhưng tôi không ngờ ‘trận chiến’ tôi bước vào dễ sợ vậy. Mấy chục năm ở Mỹ, tôi hầu như thành người Mỹ, vì không dùng tiếng Việt nhiều nên giờ nói tiếng Việt không rành, giọng cứng ngắc, tôi hoàn toàn không biết gì về chính trị ở VN, mặc dù trong tôi vẫn mang dòng máu VN, vẫn yêu văn hóa, quê hương nhiều lắm. Vài tháng nay, tôi ăn ngủ không yên, lo lắng và bắt đầu nói chuyện nhiều mới nhớ lại tiếng mẹ đẻ, nói khá hơn. Đánh trận cho T.A., tôi chẳng biết đánh ra sao, mặc áo giáp thế nào (cười), chỉ biết gõ cửa. Gõ cửa nhiều hội đoàn, nhưng hai chữ loạn luân làm tôi rất vất vả, cho đến một ngày tôi được biết là USCIRF đang tìm tôi vì họ đã nhận được tin tức cầu cứu mà tôi gửi cho họ sau khi các thầy bị bắt vào tù, nhưng người chuyển thư cho họ đã làm mất email của tôi.

Chuyện tôi đi lên thủ đô DC cũng lạ. Buổi chiều hôm Chúa Nhật, tôi xong lá thư đã viết đi viết lại cả tháng, gửi cho bà Tiến sĩ Biden, vợ TT Biden, về chuyện T.A. Tôi cứ phân vân chưa gửi vì nghĩ thời gian chưa thích hợp; còn nhớ lúc 5 giờ chiều, tôi ngồi nghĩ hay tìm đến một hội nghị về tôn giáo nào, đến đó thử xem họ có giúp gì được không. Chỉ 30 phút tôi tìm được bên DC có một cái hội nghị thương đỉnh về tự do tôn giáo có hơn 100 quốc gia tham dự. Ngày mai, thứ Hai họ mở cửa, tôi muốn tham dự, nhưng chưa ghi tên, chưa có ticket, chưa có chỗ ở, chưa có vé máy bay. Vậy mà trong vòng một tiếng đồng hồ tôi loay hoay có giấy mời, có ticket. Tôi mua được cái vé máy bay cuối cùng đến DC trước giờ hội nghị khai mạc. Một người bạn tôi lại book cho tôi được ngay phòng khách sạn nơi tổ chức hội nghị.

Anh thấy tôi may mắn chưa? Ngày đầu tiên tôi lơ ngơ không biết ai. Người của USCIRF tìm tôi, tôi tìm họ trong khu hội nghị cả nghìn người. Họ cầm lá đơn của tôi hỏi ông TS Nguyễn Đình Thắng, nói chúng tôi kiếm người đàn bà gửi đơn về Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ này. Ông Nguyễn Đình Thắng cũng không biết tôi là ai. Tôi lơ ngơ tìm được một người đàn ông, hỏi, té ra là TS Nguyễn Đình Thắng.

Ông Thắng bảo tôi ngồi xuống, đừng đi đâu, có người kiếm cô, rồi ông đi tìm ai đó trong USCIRF. Họ là tổ chức cuối cùng đang thuyết trình, Ông TS Thắng đề nghị chờ họ nói xong thì tôi sẽ nói. Tôi nói không, tôi cần nói, tôi đưa tay xin phát biểu, họ cho tôi nói khoảng 5 phút. Tôi chỉ phát biểu 5 phút, rồi nó với người có trách nhiệm trong nhóm, sau này tôi biết tên là Dylan, là chuyện của tôi dài lắm, chỉ có 5 phút, mà còn nhiều người cũng muốn phát biểu, nên tôi sẽ bổ túc thêm về T.A. sau buổi họp này. Nói đến đây thì ông Nguyễn Đình Thắng đến nói với

Dylan rằng đây là người đàn bà mà ông đang tìm, người đàn bà đại diện cho Bồng Lai, lúc đó họ gọi thế. Người đàn ông đó dặn tôi đừng đi đâu, hẹn sẽ nói chuyện với tôi sau. Chúng tôi đã trao đổi với nhau về vụ TA. Tuy lúc ban đầu tôi không biết gì, nhưng sự việc cứ đưa đẩy tôi đi chiến đấu cho T.A. Gõ nhiều cửa và vừa qua tôi đã đến LHQ, Geneva. Bây giờ có kinh nghiệm chút xíu, lúc đầu chẳng biết gì, chỉ biết khóc thôi (khóc).

Hồi tháng 7, tôi lên gặp Dylan. Trước đó tôi có nói cho ông biết tôi sẽ đưa cho ông ta 6000 chữ ký live, có nghĩa là 6000 người đã đến gặp tôi để ký vào thơ yêu cầu đưa vụ T. A. lên chánh phủ Mỹ. Ông Dylan bảo giờ còn dịch covid, không nhận đơn qua tay. Lần này ông muốn nhận báo cáo, chữ ký của những người ủng hộ tôi. Ôm hộp đựng 6000 chữ ký trên 1269 tờ giấy, tôi nâng niu gìn giữ cẩn thận. Tôi phải mang nó theo hành lý xách tay, sợ thất lạc. Ông Dylan ngạc nhiên khi thấy tôi trao cho ông một thùng khá nặng, tôi đòi ông phải trả tôi hộp đựng chữ ký, vì đó là vật đáng quý, đáng giữ làm kỷ niệm của tôi. Tôi hy vọng sẽ trao cho Thiền Am như một tặng vật sau này. 

Ổng nhận 6000 chữ ký, tôi mừng muốn chết, ông bảo tôi, “Ngày mai tôi gửi cho cô một món quà qua email”. Emai của ông viết cảm ơn tôi, ông đã xin lỗi vì không liên lạc với tôi sớm hơn vì chuyện T.A. quá khó hiểu, kinh khủng, không biết tin ai, nhưng sau khi nói chuyện với nhiều người bạn trong giới truyền thông, luật gia và sau khi gặp tôi thì họ chắc chắn là những người tù trong vụ T.A. này đã được tiêu chuẩn vào chương trình, và xác nhận là prisoner of conscience. Tôi ngạc nhiên không hiểu tù nhân lương tâm là gì, phải hỏi ông TS Nguyễn Đình Thắng. Tôi rất là khờ, rất là ngu, cái này không phải là language của tôi, là ngôn ngữ tôi biết, thường xài. Những cửa tôi đến toàn do may mắn.

Trả lời câu hỏi trong phiên tòa ngày 7/21/, tòa không đả động gì đến vụ loạn luân, nhưng họ cho biết sẽ xử vụ này sau, và cho đến giờ, vẫn có một số người tin theo chánh phủ nói T.A. loạn luân, cô Tanya nói: Tôi không có chứng cứ gì nói họ có loạn luân, và cũng không có chứng cứ nói họ không có. Nhưng tôi tin họ thành thật, tôi không phải vì yêu, ghét, hay tôi nghiệp họ, tôi chỉ tin vào đúng hay sai. Tôi thấy có một cái quyền lực nào đó cho tôi biết là họ trong sạch và tôi cắm cúi theo con đường tôi đã vạch ra cho tôi. Trong ba tháng tôi làm sao hiểu họ hết. Mà tại sao tôi lại quyết bỏ sức cố giải cứu cho ba thế hệ. Tôi tin họ trong sạch, và tôi sẵn sàng hy sinh cho họ, thế thôi!

Tôi nghĩ rằng với khoa học ngày nay, người ta tìm ra ngay sự loạn luân giữa người đồng huyết, dễ quá mà. Tại sao họ chỉ bị kết án vào điều 331. Nếu họ loạn luân thật, chánh phủ đã tìm ra được. Cảnh sát đã bắt ép mấy người này lấy máu, từ mấy em đến người lớn và sao không đưa ra kết luận. Nếu chính quyền trọng sự thật thì nghi vấn đâu còn đến bây giờ. Tôi không thân với họ để biết họ có loạn luân hay không, tôi chỉ biết có cái gì đó thúc đẩy tôi làm việc này thôi. Và cái gì đó đã bảo với tôi là họ không có [loạn luân]. Tôi tự tin làm việc cho họ. Tôi không hỏi họ, nếu tôi hỏi, hóa ra tôi không tin họ, nghi ngờ họ. Tôi cảm thấy nếu tôi đã sai thì tôi không đi xa được như vậy đâu, mà như trong sự huyền bí nữa.

Anh thấy tôi có giỏi giắng gì đâu, tôi là người bệnh hoạn nữa. Anh thấy chưa? Không biết gì về chính trị, không biết về đấu tranh cho nhân quyền, tôi chỉ có trái tim và tự tin. Tôi không thắc mắc, tôi biết tôi làm đúng. Bây giờ tôi vẫn cảm thấy việc tôi đang làm đúng đó, còn sau này chứng thực được họ loạn luận thì là lỗi của tôi, nhưng tôi chấp nhận, và bây giờ tôi không tin họ sai.

Có nhà báo phỏng vấn tôi và tôi đã trả lời những câu mà anh đang hỏi, câu trả lời là tôi tin vào tri giác, cảm giác của tôi. Chính phủ có trách nhiệm chứng minh họ loạn luân, chuyện đó không phải của tôi. Trong thời gian chờ đợi, tôi vẫn cố gắng trong hành trình đi tìm chân lý cho ba thế hệ của T.A., họ là nạn nhân của sự trừng phạt vì Đức tin của họ.

(*) Video Law of Karma của nhóm T.A được chứng nhận chất lượng tốt. Liên hoan phim không có mục cho video về tôn giáo, dù vậy ban tổ chức vẫn giữ lại dành cho dịp khác.


 

 

Tin bài liên quan:

VNTB – ‘Rò rỉ’ hồ sơ điều tra vụ án “Tịnh thất Bồng Lai”: Nhân quyền ở đâu?

Phan Thanh Hung

VNTB – Tự nguyện “bị lừa”?

Do Van Tien

VNTB – Phản biện trên mạng dễ đối mặt hình sự

Do Van Tien

1 comment

Công Tâm 30.09.2022 2:06 at 14:06

Con thú có thể giết hại con người, nó không thể trở thành con người

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo