Việt Nam Thời Báo

Quan chức Mỹ lên tiếng về các tin đồn chuyện xin visa Mỹ

Zing

Quan chức thuộc Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM khẳng định những tin đồn như đã đi Iran sẽ xin thị thực (visa) Mỹ khó hơn, Mỹ áp đặt hạn mức cấp visa… đều không đúng sự thật.


Câu chuyện “đậu” hoặc “rớt” trong quá trình xin thị thực Mỹ là một trong những chủ đề được bàn tán nhiều trên các diễn đàn. Phần lớn những người không được cấp thị thực đều bày tỏ sự khó hiểu, khi họ khẳng định đã nộp đầy đủ hồ sơ, chuẩn bị tất cả giấy tờ, bằng chứng hợp lệ và trả lời đầy đủ các câu hỏi của nhân viên lãnh sự.
Ông Mark McGovern, Trưởng Phòng lãnh sự thuộc Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM, trao đổi với Zing.vn xung quanh những thắc mắc này, cũng như xác thực một số tin đồn về quá trình xét cấp thị thực Mỹ:
– Nhân viên lãnh sự chỉ có khoảng 5 phút phỏng vấn, vậy họ có thể sơ suất không? Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, họ căn cứ những tiêu chuẩn nào để xét cấp thị thực?
– Đương đơn phải thể hiện tất cả về hoàn cảnh của họ, bao gồm các mối quan hệ xã hội, gia đình, kinh tế và những mối quan hệ ở nước ngoài. Những lý do thuyết phục để chứng tỏ họ sẽ rời Mỹ sau một thời gian lưu trú tạm thời ở đây. “Các mối quan hệ” xuất phát từ nhiều yếu tố trong cuộc sống và mang yếu tố ràng buộc như mối quan hệ gia đình, tuyển dụng và sở hữu tài sản.
Ông Mark McGovern – Trưởng Phòng lãnh sự thuộc Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM. Ảnh: TLSQ..
Hoàn cảnh của mỗi người khác nhau nên không có câu trả lời cố định cho những yếu tố tạo nên mối quan hệ.
Ngoài ra, đương đơn không được có những tiền lệ xấu trong những lần nộp hồ sơ xin thị thực Mỹ trước đây. Không phải người nào cũng đầy đủ yếu tố để được cấp thị thực, nhưng chúng tôi luôn phê duyệt cho những người xứng đáng.
– Đối với những đương đơn ở độ tuổi chưa đủ chín chắn thì cần thuyết phục nhân viên lãnh sự về tương lai ngành học và cam kết trở về Việt Nam như thế nào?
– Một số đương đơn có thể chưa đủ chín chắn vào thời điểm nộp hồ sơ. Liệu họ có thể giải thích với nhân viên lãnh sự về kế hoạch học tập tương lai, cũng như cam kết trở về sau khi tốt nghiệp được thuyết phục không?
Chúng tôi yêu cầu bắt buộc phụ huynh phải xuất hiện trong cùng buổi phỏng vấn nếu đương đơn dưới 17 tuổi. Điều này không bắt buộc khi người này từ 17 đến 18 tuổi. Chúng tôi nghĩ rằng những đương đơn trên 18 tuổi đã đủ trưởng thành để theo học tại Mỹ, cũng như đủ khả năng giải thích về kế hoạch học tập của họ.
Người dân làm thủ tục cấp visa tại Tổng lãnh sự quán Mỹ ở TP.HCM – Ảnh: Tuổi Trẻ/TTD.

Không giới hạn số lần nộp hồ sơ lại

– Nếu bị từ chối cấp thị thực thì đương đơn có bị giới hạn số lần được nộp hồ sơ lại hay không?
– Nếu bạn cảm thấy có thêm thông tin đáng được xem xét trong quá trình phê duyệt, hoặc nếu hoàn cảnh của bạn đã thay đổi đáng kể so với lần nộp đơn trước đây, thì bạn có thể tiếp tục nộp hồ sơ xin cấp thị thực. Bạn phải hoàn thành bộ hồ sơ mới trong lần này, trả phí và đặt lịch hẹn phỏng vấn.
Tất cả nhân viên lãnh sự đều quyết định dựa trên những nguyên tắc và luật lệ như nhau. Do vậy, nếu bạn vẫn sử dụng những thông tin giống với trước đây thì có khả năng sẽ nhận kết quả tương tự. Tuy nhiên, để bảo đảm công bằng, chúng tôi có chính sách là một nhân viên khác sẽ phỏng vấn các trường hợp từng bị từ chối.
– Thứ hạng của trường, hoặc việc chọn một đại học so với cao đẳng cộng đồng, có ảnh hưởng đến khả năng được cấp thị thực thành công không?
– Điều này không ảnh hưởng. Trên thực tế, quy định cụ thể đã cấm cấm chúng tôi “xếp hạng” các trường. Sinh viên có khả năng tài chính đầy đủ và kế hoạch trở về Việt Nam rõ ràng sẽ được xét cấp thị thực, không liên quan đến ngôi trường mà họ chọn.
Một người chia sẻ mẫu thông báo hồ sơ xin thị thực Mỹ được phê duyệt. Ảnh: FBNV.
Chúng tôi khuyên các sinh viên suy nghĩ thật kỹ về việc chọn trường và có thể giải thích điều này một cách mạch lạc trong buổi phỏng vấn với nhân viên lãnh sự. Họ chọn trường gì không quan trọng bằng vì sao họ chọn trường đó.
Một kế hoạch mà tôi thấy đang dần phổ biến là thoạt đầu đăng ký học một chương trình tiếng Anh hoặc cao đẳng cộng đồng, sau đó chuyển sang theo học tiếp tại một trường đại học 5 năm. Tôi khẳng định việc theo học tại một trường ít tên tuổi hơn không phải là lý do để từ chối cấp thị thực.
– Việc có người thân ở Mỹ ảnh hưởng thế nào đến xin thị thực? Trong trường hợp này, làm thế nào để chứng minh bản thân không có ý định ở lại sau khi học xong?
– Rất nhiều người Việt có họ hàng và gia đình tại Mỹ. Dẫu vậy, mỗi ngày chúng tôi vẫn cấp hàng trăm thị thực cho các trường hợp làm ăn, du lịch và du học. Những sinh viên sau khi trở về Việt Nam đã xây dựng sự nghiệp thành công nhờ tận dụng kiến thức được học ở nước ngoài. Mỗi trường hợp nộp đơn đều rất khác nhau, nên không có câu trả lời chung cho việc chứng minh ý định sẽ rời Mỹ sau khi hết thời hạn.
– Đương đơn phải đạt trình độ tiếng Anh nhất định khi nộp hồ sơ xin cấp thị thực. Nhưng nếu mục đích của đương đơn đến Mỹ là để học tiếng Anh thì người này có thể vượt qua cuộc phỏng vấn như thế nào?
– Mỗi đương đơn phải có năng lực tiếng Anh đủ tốt để hoàn thành kế hoạch học tập của họ. Chúng tôi cũng lường trước rằng những sinh viên xin thị thực để đi trau dồi tiếng Anh như ngôn ngữ thứ 2 (ESL) thì có thể chưa sử dụng ngôn ngữ này tốt, nhưng chúng tôi vẫn cấp thị thực cho các trường hợp này.
Cũng như những hồ sơ xin thị thực du học khác, sinh viên “diện ESL” phải chứng minh họ có đủ năng lực tài chính và kế hoạch trở về sau khi hoàn tất khóa học. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, phần lớn những sinh viên xin thị thực để đi học tiếng Anh đều đã từng trải qua nhiều khóa học ở Việt Nam trước khi nộp hồ sơ.
Đương đơn cần chứng minh rõ kế hoạch trở về nước sau khi kết thúc thời hạn lưu trú ở Mỹ. Ảnh: blogs.usembassy.gov.
– Rất nhiều công việc tại Việt Nam không thể nào chứng minh như làm nông, buôn bán… Vậy viên chức lãnh sự dựa trên cơ sở nào để xác định khả năng tài chính của đương đơn?
– Mỗi trường hợp của các đương đơn là rất khác nhau. Chứng minh tài chính có thể thể hiện qua nhiều hình thức như tần suất đi nước ngoài, bằng chứng tuyển dụng ở Việt Nam, người thân làm việc hợp pháp tại Mỹ… Đương đơn cần chứng minh rằng trong thời gian ở Mỹ thì họ sẽ không cần phải làm việc để kiếm sống.

Làm rõ những tin đồn

– Nhiều thông tin đồn đoán rằng xin visa từ nước thứ 3 và là một nước phát triển (như Singapore) thì khả năng thành công so với xin từ Việt Nam sẽ cao hơn?
– Như tôi đã trình bày, một trong những tiêu chuẩn xem xét là đương đơn phải chứng minh được các mối quan hệ ở bên ngoài nước Mỹ khiến họ chắc chắn sẽ trở về sau khi hết thời hạn được lưu lại Mỹ. Mối quan hệ này có thể ở Việt Nam hoặc bất kỳ nước nào khác. Điều quan trọng nhất là bạn phải thuyết phục được là bạn sẽ trở về Việt Nam.
– Quá trình xin thị thực khó khăn có phải do Mỹ khống chế số lượng, áp đặt hạn ngạch thị thực được cấp hay không?
– Chúng tôi không có hạn ngạch nào đối với những thị thực cho mục đích du lịch, đi làm ăn hoặc đi du học. Chúng tôi luôn cấp thị thực cho những ứng viên đạt tiêu chuẩn.
– Nhiều người cũng lo ngại là khi đã từng du lịch đến các nước trong danh sách nhạy cảm với Mỹ thì sẽ gặp rủi ro trong hồ sơ xin thị thực Mỹ?
– Không có danh sách nào như vậy. Chúng tôi luôn xem xét lịch sử đi lại của từng đương đơn bên cạnh nhiều yếu tố khác.

Phái bộ Mỹ tổ chức Triển lãm Du học Mỹ mùa Xuân

Cuộc triển lãm du học Mỹ quy mô lớn do Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội và Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM tổ chức vào giữa tuần này. Sự kiện có sự tham gia của 60 trường với sự đa dạng của các loại hình giáo dục, từ các trường đại học công lập và tư thục đến các trường đào tạo hệ 4 năm và các trường cao đẳng cộng đồng. Nhiều trường trong số này có cung cấp học bổng và hỗ trợ tài chính cho sinh viên quốc tế.
Một trong những điểm mới của triển lãm năm nay là bàn cung cấp thông tin về thị thực du học Mỹ trong suốt thời gian sự kiện. Triển lãm lần lượt diễn ra tại TP.HCM vào ngày 2/3 ở GEM Center và tại Hà Nội vào ngày 3/3 tại Khách sạn Daewoo. Chương trình mở cửa miễn phí cho công chúng quan tâm.
Theo Cảnh Toàn
Zing

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo