Nguyễn Anh Tuấn
Các chính quyền độc đoán như Việt Nam thường cáo buộc những ai đòi hỏi các điều kiện nhân quyền cho các hiệp định thương mại tự do (FTA) với phương Tây là “ngăn cản sự phát triển kinh tế quốc gia”, “phá hoại tiến trình hội nhập của đất nước”. Đứng trước lý lẽ này, công chúng bỗng cảm thấy phân vân, vì dù có thể không đồng tình với chế độ cai trị hà khắc, họ vẫn luôn khao khát sự phát triển kinh tế mà họ tin là các FTA này có thể mang lại.
Trạng thái phân vân này là điều mà nhà cầm quyền muốn thấy ở công chúng, bởi nó giúp họ hai điều:
(1) Thoải mái trấn áp bất kỳ ai đưa ra thông điệp gắn nhân quyền với thương mại mà không quá e ngại sự phản ứng từ dư luận;
(2) Nhiều người sẽ e ngại đưa ra thông điệp này, nhất là những người có ảnh hưởng với công chúng, vì họ sợ bị dán nhãn “phá hoại sự phát triển” trong mắt công chúng.
Nhưng kỳ thực thì thế nào? Giữa một chính phủ vi phạm nhân quyền và những người hoạt động lên tiếng phê phán chúng, ai mới thực sự đang ngăn cản sự phát triển quốc gia và hội nhập quốc tế?
Trước nhất cần phải thấy rõ những người hoạt động không hề phản đối các FTA mà họ phản đối việc không đặt điều kiện nhân quyền trong các FTA đó. Và nhân quyền ở đây hoàn toàn không trừu tượng. Nó là quyền tự do hiệp hội để người lao động có thể lập nghiệp đoàn, quyền tự do hội họp để người lao động có thể đình công hoặc là quyền tự do ngôn luận để người lao động có thể lên tiếng – tất cả là để người lao động, vâng, hàng chục triệu người lao động của Việt Nam, có bạn, có tôi và cả người thân, bạn bè của chúng ta, có thể bảo vệ quyền lợi của mình tốt hơn và có tiếng nói mạnh mẽ hơn trước bất kỳ bất công nào mà chúng ta có phải gặp phải.
Ngoài ra, FTA dĩ nhiên sẽ giúp gia tăng xuất khẩu, đem lại nhiều lợi nhuận hơn cho giới chủ, song điều đó không đồng nghĩa là mức sống của đại đa số người lao động sẽ tăng tương ứng, nếu họ vẫn quá yếu thế trong mối quan hệ với những người thuê mướn họ. Họ cần những công cụ – quyền lập nghiệp đoàn, đình công và cất tiếng – để cân bằng quyền lực với giới chủ, từ đó chia phần phát triển với giới chủ một cách công bằng hơn. Thực tế là để đón đầu các FTA mà Việt Nam ký kết, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc đã tăng cường đầu tư hoặc mở rộng sản xuất trong các ngành có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam; nhưng, một khi vẫn thiếu vắng các quyền trên, lấy gì đảm bảo người lao động Việt Nam không bị lép vế trước những ông chủ ngoại quốc trong việc phân chia lợi ích mà các FTA đem lại? Và nguồn lợi chính từ các FTA này sẽ ở lại Việt Nam hay chủ yếu chảy qua các quốc gia kể trên?
Đối thoại giữa một số tổ chức XHDS Việt Nam với Phái đoàn Tiểu ban Nhân quyền Nghị viện Châu Âu do Chủ tịch Tiểu ban, Nghị sĩ Panzeri chủ trì tại Hà Nội hôm 24.02.2017
Cuối cùng, một khi vẫn trì hoãn những cải cách thể chế và khước từ các quyền chính đáng kể trên của người lao động với lí do e ngại chúng có thể đưa đến những xáo trộn khó lường ảnh hưởng tới quyền lực độc tôn của đảng cầm quyền hiện tại, chính phủ Việt Nam hẳn sẽ bị các đối tác thương mại cáo buộc rằng đang cạnh tranh không lành mạnh bằng cách duy trì tiêu chuẩn lao động thấp, từ đó sẽ phải nhân nhượng và chịu thiệt thòi ở các điều khoản khác. Đổi lợi ích quốc gia, lợi ích của đại đa số người lao động để giữ quyền lực độc tôn của một nhóm lợi ích chính là thể hiện qua điểm này.
Bởi vậy, đòi hỏi điều kiện nhân quyền cho các FTA là trách nhiệm của những ai tin vào sự phát triển bền vững cho quốc gia nơi lợi ích của thương mại tự do được chia phần cho đại đa số người lao động thay vì bị chiếm đoạt bởi một nhóm rất thiểu số gồm giới chủ ngoại quốc và chóp bu chính trị.
Đây cũng chính là lý do mà chúng tôi, một số đại diện của xã hội dân sự Việt Nam, khi đối thoại với Phái đoàn Tiểu ban Nhân quyền Nghị viện Liên minh Châu Âu nhân chuyến thăm làm việc về vấn đề FTA của EU và Việt Nam, đã đưa ra quan điểm dứt khoát, thể hiện qua phát biểu sau:
“Thiếu các quyền căn bản như tự do hiệp hội để lập nghiệp đoàn, tự do hội họp để đình công, tự do ngôn luận để lên tiếng, làm sao chúng tôi có thể bảo vệ được quyền lợi của người lao động Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu mà bản FTA này góp phần tạo ra? Làm sao FTA này có thể mang đến lợi ích cho số đông người lao động, thay vì chỉ một nhóm rất nhỏ, nếu nó không tôn trọng các quyền căn bản của người lao động? Tóm lại, nếu không được gắn với các điều kiện nhân quyền, đặc biệt là quyền lao động, chúng tôi dứt khoát phản đối.”
Một tuyên bố chung trên tinh thần đó cũng được chúng tôi chính thức gửi đến Phái đoàn với các khuyến nghị cụ thể về việc gắn các điều khoản nhân quyền, gài các cơ chế kiểm định sau phê chuẩn, ghim sự tham gia của xã hội dân sự độc lập vào quá trình giám sát thực thi, để đảm bảo FTA này góp phần vào sự phát triển bền vững của Việt Nam như chính nó đã tuyên bố.