Việt Nam Thời Báo

VNTB – Áp lực đáo hạn của 85.000 tỷ đồng trái phiếu

Phạm Lê Đoan

 

(VNTB) – Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp gỡ với đại diện các lãnh đạo ngân hàng tại Hà Nội hôm 16-10. Đang có cảnh báo là rủi ro thanh khoản tăng đối với thị trường tài chính Việt Nam trong quý cuối năm 2022.

 

Khối lượng đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp tập trung nhiều vào 2023-2024

Theo Chứng khoán Vietcombank (VCBS), khối lượng đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp tập trung nhiều vào năm 2023-2024. Theo ước tính, lượng đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp quý 4/2022 đạt 85.000 tỷ đồng, trong đó tập trung ở nhóm các ngân hàng (chiếm 53,4%), bất động sản (chiếm 27%).

Lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm 2023 và 2024 ước khoảng 790.000 tỷ đồng, chiếm gần một nửa khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành, có thể kéo theo nhu cầu phát hành để đảm bảo nhu cầu vốn của các doanh nghiệp trên thị trường.

Theo đó, VCBS cho rằng khối lượng đáo hạn và khả năng trả gốc và lãi trái phiếu, cũng như khả năng huy động vốn của doanh nghiệp sẽ là yếu tố cần theo dõi trong thời gian tới. Đồng nghĩa, rủi ro thanh khoản tăng đối với thị trường tài chính nếu không có các biện pháp kiểm soát tốt.

Hơn 142.200 tỉ đồng trái phiếu đã được mua lại trước hạn

Theo dữ liệu từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), tính chung trong ba quý đầu năm 2022 tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn lên hơn 142.200 tỷ đồng, tăng tới 67% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó riêng tháng 9 chiếm hơn 28.800 tỷ đồng, tương đương tăng 199% so với cùng kỳ năm trước.

Những doanh nghiệp điển hình trong hoạt động tất toán nợ trái phiếu trước hạn phải kể đến Hoàng Anh Gia Lai, Cơ điện lạnh (REE), Tập đoàn Gelex, Công ty Yamagata, An Phát Finance, Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS), Ngân hàng OCB…

Một trong những nguyên nhân phổ biến là nhằm giảm rủi ro áp lực nợ đáo hạn cận kề, trước thực tế các chính sách pháp lý kiểm soát nguồn vốn khiến nhiều doanh nghiệp khó triển khai tiếp dự án. Thời gian quay vòng vốn bị kéo dài khiến doanh nghiệp phải tăng cường mua lại trái phiếu kỳ hạn ngắn để đảm bảo khả năng thanh toán nợ.

Doanh nghiệp bất động sản ‘chật vật’ với trái phiếu đáo hạn quý 4/2022

Trong báo cáo cập nhật mới nhất, Công ty Chứng khoán VNDirect ước tính quý 4/2022, bất động sản tiếp tục là nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất về giá trị trái phiếu riêng lẻ đáo hạn với 34,1% – tương đương 20.071 tỷ đồng – giảm 40,3% so với quý quý 3/2022 nhưng tăng 65,2% so với cùng kỳ.

Các doanh nghiệp bất động sản có giá trị đáo hạn cao nhất trong quý 4 bao gồm:  Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (3.000 tỷ đồng) và Công ty cổ phần Bách Hưng Vương (2.980 tỷ đồng) …

Kể từ sau sự kiện trái phiếu Tân Hoàng Minh, các hoạt động huy động vốn trái phiếu của nhóm này bắt đầu chậm lại, nhường chỗ cho các thương vụ mua lại trái phiếu trước hạn.

Tính đến cuối quý II/2022, Novaland đang nợ 195.000 tỷ; VIC nợ 376.000 tỷ. Các doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn như Phát Đạt, Kinh Bắc, Khang Điền, Đất Xanh cũng nợ từ 8.000 tỷ – dưới 20.000 tỷ.

Trên thị trường chứng khoán, chỉ tính trong 1 tháng rưỡi trở lại đây, nhà đầu tư liên tục phải gồng tài khoản trước những đợt lao dốc của nhiều cổ phiếu lớn ngành bất động sản. Cổ phiếu DXG giảm tới 47% và hiện còn 15.x đồng; cổ phiếu KDH giảm 34% về còn 26.x đồng; mã PDR giảm 17% còn 48.200 đồng thị giá; bộ đôi nhà Vin (VIC – VHM) cũng giảm từ 10 – 20%; …

Trái phiếu doanh nghiệp sẽ rơi vào trầm lắng?

Sự kiện lãnh đạo Tập đoàn Vạn Thịnh Phát – Trương Mỹ Lan và một số nhân khác bị bắt mới đây liên quan đến việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp đang khiến cho nhận thức của nhà đầu tư đối với rủi ro từ sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp thay đổi đáng kể.

VCBS nhận định với tác động tiêu cực của xu hướng tăng lãi suất sẽ được khuếch đại lên và làm giảm đáng kể sức hấp dẫn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp đối với nhà đầu tư, điều đó sẽ khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục giai đoạn trầm lắng với thanh khoản giảm dần, và cổ phiếu bất động sản có thể lại lao dốc…

Một lưu ý khác là ở quý cuối năm này, giới chuyên gia đánh giá sẽ là giai đoạn căng thẳng nhất về diễn biến tỷ giá trong nước khi đồng bạc xanh nhiều khả năng tiếp tục tăng do chính sách tiền tệ thắt chặt của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong bối cảnh lạm phát toàn cầu duy trì ở mức cao.


 

Tin bài liên quan:

“Tư nhân hóa báo chí” có gì xấu để cần phê phán?

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – GDP quý I của Việt Nam tăng 5,66% và những ‘vùng xám’ trái chiều

Bùi Ngọc Dân

VNTB – ‘Domino’ Thủ Thiêm?

Phan Thanh Hung

1 comment

Công Tâm 19.10.2022 3:50 at 15:50

Bán đất gấp đi, mua một lô tặng một lô, giống như bán bánh trung thu dzậy, đặng thu hồi dzốn!

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo