Tiền phong
TP – Suốt tuần nay, triều cường và những cơn sóng dữ từ biển dội vào khiến nhiều kilômét đê sạt lở, hàng nghìn hộ dân sống ven biển miền Tây rơi vào cảnh mất nhà, mất đất, mất kế sinh nhai…
Đê biển Gành Hào bị sụp
“Mấy chục năm tôi sống ở xứ biển này, mỗi khi đất lở thì dời nhà chạy vô chứ chưa bao giờ thấy cảnh sóng biển tàn phá khủng khiếp như thế này” – bà Nguyễn Thị Phương ở cồn Nhàn thuộc ấp Thạnh Hải, xã Bảo Thuận (Ba Tri, Bến Tre) nói. Căn nhà của gia đình bà bị sóng cuốn đổ sập xuống biển đêm 15/2.
“Đêm đó, thấy nước biển dâng cao, gió lớn, vợ chồng tôi có cảm giác bất an nên đưa cả gia đình về nhà người thân trong đất liền ngủ. Sáng hôm sau trở lại nhà thì thấy cảnh tan hoang, nhà cửa đổ sập do sóng đánh”- bà Phương kể. Một số vật dụng trôi ra biển, số còn lại bà gom lại chất ngổn ngang trên mé bờ đê.
Trắng tay
Chồng bà Phương, ông Huỳnh Văn Ngoạt năm nay 57 tuổi, người gầy nhom, hai mắt trũng sâu, ngồi trầm ngâm trên chiếc giường cũ kỹ nhìn những tài sản mấy chục năm dành dụm bỗng chốc thành đống gạch vụn. “Cả đời làm vất vả mong được chỗ nương thân nhưng giờ mất hết, không còn đất để ở nên không biết lấy gì sống”- ông Ngoạt thở dài.
Theo lời ông Ngoạt, hơn chục năm trước khu vực này có rừng ngăn sóng nhưng dần bị sóng cuốn đi mất. Dân thì dời nhà “chạy sóng” nhưng bây giờ cũng không còn đất để chạy. Chỉ tay về căn nhà mái lá cũ kỹ, xập xệ cách đó khoảng vài chục mét, ông Ngoạt cho biết, đó là nhà ông Mai Văn Kiếm cũng bị sóng biển đánh sập cùng lúc với nhà ông. Ông Kiếm có 0,5 ha trồng hoa màu nhưng mấy năm nay bị sóng biển cuốn đi riết không còn gì để canh tác nên vợ chồng ông kéo nhau đi làm thuê, để lại căn nhà trống, nay bị sóng đánh sập luôn.
Bà Nguyễn Thị Bích Phượng, 39 tuổi ở cách nhà bà Phương hơn trăm mét cũng trong cảnh tương tự. Bà Phượng kể: “Đêm hôm đó, sóng đánh sát mé nhà, cuốn cát trôi ra biển nên nền nhà rỗng toác. Cả gia đình phải chạy chỗ khác ở vì sợ nhà sập. Mấy hôm nay cả nhà bấn loạn, hoang mang”.
Bà cho biết, gia đình có 3 đứa con đang trong tuổi ăn học, đứa học lớp 12, đứa kế lớp 9 và đứa nhỏ lớp 2. “Con gái lớn về nhà xin tiền đóng học thêm nhưng trong nhà không đồng xu dính túi, chồng thì phải chạy đi làm thuê kiếm tiền đong gạo. Trước tình hình này, vợ chồng tôi không đủ khả năng lo cho con ăn học nên bàn tính cho con nghỉ để ở nhà đi làm thuê”, bà Phượng rơm rớm nước mắt.
Cồn Nhàn là giồng cát chạy dài theo bờ biển, bị sóng khoét sâu. Hàng cây xơ xác, chơi vơi, gãy đổ ngổn ngang cặp mé biển. Trên cồn có 75 hộ dân với 350 nhân khẩu sống chủ yếu từ trồng hoa màu, đánh bắt gần bờ và làm thuê.
Ông Trần Văn Lâm, Chủ tịch UBND xã Bảo Thuận cho biết, sau khi sự cố xảy ra đã huy động hàng chục cán bộ, cùng người dân khắc phục tạm thời bằng cách gia cố bằng bao cát chắn lại những đoạn bị vỡ.
Đồng thời, huy động máy móc đến hỗ trợ, đắp lại cho kiên cố hơn. Cồn Nhàn là điểm nóng sạt lở, hàng năm vào mùa gió chướng từ tháng 10 âm lịch sang tháng giêng năm sau thường xuyên bị sạt lở do sóng biển, trung bình mỗi năm lở sâu từ 10 – 20m.
Ngày đêm canh sóng
Trước sóng dữ.
Ông Bùi Văn Giàu (47 tuổi) ở sát đê biển Gành Hào (thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) chưa hết hoảng hốt khi nhớ lại đợt triều cường ngày 14/2 làm đổ sập đoạn bờ kè kiên cố đã xây dựng hơn chục năm nay.
Ông Giàu kể: “Hôm đó, mỗi đợt sóng ập vào cao từ 3 đến 5 mét. Sóng tràn qua đê vào nhà tôi ào ào, băng ghế đá để trước nhà cũng bị sóng đẩy vô hơn cả mét. Đường từ bờ kè vào nhà làm bằng bê tông nhưng bị sóng biển đánh gãy đôi”. Ông cho biết, mỗi lần sóng vỗ vào bờ đê làm nhà rung bần bật. “Mấy hôm nay, ban đêm hai cha con tôi thay nhau canh chừng, mỗi khi nước tràn vào nhà để quét ra ngoài hay có sự cố gì kịp thông báo cho mọi người”- ông Giàu nói.
Vợ chồng ông Giàu có 2 con, cả gia đình ở nhà thuê từ hơn chục năm nay, mỗi tháng 500.000 đồng. “Vợ chồng tôi dời nhà lần thứ 4 rồi đó. Trước đây, nhà cách biển gần cây số. Sóng đánh lở riết, phải chạy vô đây đến nỗi không còn đất cất nhà, phải ở nhà thuê – bà Liên, vợ ông Giàu kể.
Ngày thường, ông Giàu cùng con trai đi bạn cho thuyền đánh cá ngoài biển, còn vợ ở nhà làm nghề phơi tôm, cá khô thuê. “Những tháng trời êm, tôi đi làm thuê ngày kiếm hơn trăm ngàn nhưng từ Tết đến giờ biển động, không ai ra khơi nên không có cá, tôm để làm khô. Tình hình kéo dài như thế này lâu ngày chắc… chết đói”- bà Liên than thở.
Ông Đinh Vinh Trung (ấp 1, thị trấn Gành Hào) cho biết đã sống ở đây gần 50 năm nhưng chưa bao giờ thấy cảnh sóng biển kinh hoàng như lần này. Ông cho biết, ở xứ này, gia đình nào cũng phải chạy và dời nhà đôi ba lần.
Hễ biển lấn vào là dân dời nhà lùi vô trong. Ban đêm, có lúc đang ngủ gặp mưa to, nước biển tràn vô không ít lần ướt nhem đồ đạc… Tuy nhiên, hồi đó đến giờ không có đợt sóng nào cao kinh khủng đến gần 5m như thế này. Trước đây ông Trung sống bằng nghề đi biển, giờ sức khỏe yếu nên ở nhà cùng vợ mở quán nước mía kiếm vài chục ngàn đồng ăn gạo hằng ngày.
Cách nhà ông Trung vài chục mét là đến nhà ông Lê Văn Lộc. Ông Lộc năm nay 64 tuổi, nước da đen nhẻm ngồi nhìn ra phía biển thất thần khi thấy những con sóng vỗ ầm ập tiến về phía nhà. Ông cho biết, nhà có 5 người con trai nhưng nghèo, không ai biết một chữ nên theo cha bám nghề ngư phủ kiếm sống.
“Ngồi đây mà lòng bất an. Hôm qua con gọi về nói ngoài khơi đang sóng to, không đánh bắt được gì cả, hiện đang “núp” ở đảo Hòn Khoai để chờ trời yên mới đánh bắt được”, ông Lộc tâm sự.
Hàng nghìn hộ dân bị đe dọa
Bà Nguyễn Thị Phương dùng bao cát cứu nhà mình
Từ ngày 12 đến 15/2, triều cường dâng cao kèm sóng lớn đã làm vỡ đê, sập nhà gây khó khăn cho hàng nghìn hộ dân ở các tỉnh ven biển ĐBSCL.
Tại Bến Tre, sạt lở đoạn đê bao dài hơn 500m, ăn sâu vào trong khoảng 50 m làm sập một căn nhà và hàng chục căn khác sụt lún, có nguy cơ đổ xuống biển bất cứ lúc nào. Ở tỉnh Sóc Trăng cũng xảy ra sạt lở đoạn đê gần 70 m ở xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu đe dọa đến hàng trăm héc ta hoa màu phía trong đê.
Trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu xảy ra 3 điểm sạt lở nghiêm trọng. Bờ kè đê biển Gành Hào, thị trấn Gành Hào (Đông Hải) bị sạt lở dài 58m, rộng 10m. Ngoài bị sạt lở, sóng biển cũng tràn qua đỉnh của toàn tuyến kè, gây ngập hành lang kè và tràn vào nhà dân ảnh hưởng đến sinh hoạt của hàng nghìn hộ dân.
Bờ kè đê biển Nhà Mát ở phường Nhà Mát (TP Bạc Liêu) bị sạt lở do đỉnh triều cường cao, kết hợp với gió mạnh, sóng lớn trên làm dầm mũ hắc gãy hơn 20m rớt xuống mái kè. Trong khi đó, tại cầu Chiên Túp 1 thuộc xã Vĩnh Trạch Đông (TP Bạc Liêu) cũng bị sạt lở đường dẫn 2 bên cầu với chiều dài 18m, rộng 6m.
Theo Sở NN&PTNT Bạc Liêu, nguyên nhân là do triều cường dâng cao, kèm theo sóng to, gió mạnh tác động vào tường kè tạo ra các cột sóng cao từ 5-10 m. Đặc biệt, trong những ngày qua, mực nước đỉnh triều dâng cao vượt báo động 3 (từ 0,1-0,2m), cấp độ rủi ro thiên tai lên cấp 2.
Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Cao Văn Trọng cho biết, tỉnh đã chỉ đạo địa phương tập trung khắc phục để hạn chế tối đa thiệt hại cho dân. Đồng thời, hỗ trợ chi phí cho người dân di dời nhà cửa. Bên cạnh đó, động viên những hộ có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn để sinh sống.Ông Trọng cho biết thêm, giải pháp căn cơ hiện nay là tỉnh đang triển khai dự án trồng rừng chắn sóng, chống xói lở để giữ vành đai rừng. “Ở khu vực này đất cát dễ xói lở, trong khi trước đây trồng phi lao nên hiệu quả không cao.Vì thế, sau khi các tổ chức phi chính phủ đến khảo sát và họ hỗ trợ dự án sinh kế bền vững cho người dân trồng rừng để giữ đất. Qua đó, sẽ tạo sinh kế lâu dài cho người dân từ nuôi tôm-rừng”- ông Trọng nói.Ông cho biết, Dự án trồng rừng kết hợp nuôi tôm gắn với biến đổi khí hậu triển khai tại đây từ nay đến 2020 với kinh phí khoảng 70 triệu USD do chính phủ Đan Mạch và một số tổ chức phi chính phủ khác tài trợ.Ngoài xã Bảo Thuận, trên địa bàn tỉnh còn có 2 dự án tương tự đang triển khai tại xã Thạnh Phong và Thạnh Hải của huyện Thạnh Phú.
Hòa Hội