Ngọc Lan
(VNTB) – Bà Đào Hồng Lan đã được Quốc hội phê duyệt theo thủ tục chức vụ bộ trưởng Bộ Y tế.
Bà Đào Hồng Lan được ghi nhận là chuyên trách về vấn đề bảo hiểm xã hội lúc bà làm việc ở Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Vậy thì với quyền lực của một bộ trưởng, bà sẽ giúp các bệnh viện đòi được khoản nợ mà phía Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã khước từ thanh toán?
Một báo cáo của Sở Y tế TP.HCM cho biết từ năm 2019, cơ quan Bảo hiểm xã hội TP.HCM thực hiện thanh, quyết toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn theo phương thức tổng mức thanh toán, được quy định tại nghị định 146 năm 2018 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Thế nhưng, từ lúc áp dụng theo phương thức thanh toán mới này, hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh đều gặp khó khăn do tổng mức thanh toán khám chữa bệnh bảo hiểm y tế thấp hơn nhiều so với chi phí thực tế mà các cơ sở khám chữa bệnh đã sử dụng cho bệnh nhân.
Hệ quả là các chi phí phát sinh trong hoạt động khám chữa bệnh bảo hiểm y tế của các bệnh viện không được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán do vượt tổng mức thanh toán giai đoạn từ năm 2019 đến 2021 là 1.088 tỷ đồng. Riêng 8 tháng đầu năm 2022, các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn TP.HCM ước vượt tổng mức thanh toán hơn 400 tỷ đồng.
Sở Y tế TP.HCM cho biết hiện các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn TP đang áp dụng phương thức thanh toán theo giá dịch vụ. Theo đó hằng quý, cơ quan Bảo hiểm xã hội thực hiện giám định và tạm quyết toán cho các bệnh viện. Tuy nhiên, khi thực hiện quyết toán năm, cơ quan Bảo hiểm xã hội lại căn cứ vào tổng mức thanh toán (được xác định dựa vào tổng mức thanh toán của năm trước liền kề) được quy định tại khoản 5 điều 24 nghị định số 146 của Chính phủ.
Đây là trở ngại lớn nhất đối với tất cả bệnh viện, vì thực tế khách quan đang diễn ra tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn TP.HCM là tổng chi phí khám chữa bệnh của năm sau luôn cao hơn năm trước.
Ông Tăng Chí Thượng, giám đốc Sở Y tế TP.HCM nhìn nhận, “Khả năng cao không thể thu lại (423 tỷ). Trong quý 4 sẽ còn tăng nữa, có thể trên ngàn tỷ. Như vậy rất thiệt thòi cho các bệnh viện vì đã bỏ tiền, bỏ công, bỏ thuốc ra mà Bảo hiểm xã hội trả lại không đủ”.
Trước đó, Bệnh viện Lê Văn Thịnh và nhiều cơ sở y tế khác cũng trình bày khó khăn liên quan đến việc Bảo hiểm y tế chậm thanh toán. Cụ thể, về đấu thầu, riêng danh mục thuốc tốn 55% tổng chi phí của bệnh viện. Sau đấu thầu, bệnh viện tập trung nguồn lực trả nợ các nhà cung cấp, trong khi phải phụ thuộc nhiều vào Bảo hiểm y tế. Khi Bảo hiểm y tế chậm thanh toán sẽ dẫn đến công nợ của bệnh viện với các công ty dược kéo dài. Từ đó, đối mặt với nguy cơ thiếu thuốc.
Bệnh viện Lê Văn Thịnh cũng đề nghị xem xét lại việc cấp kinh phí tạm ứng 80% chi phí khám chữa bệnh hiện tại. Theo bệnh viện, 80% tạm ứng này không đủ. Phần 20% còn lại và phần vượt dự toán năm sau mới được xem xét. Đây là khoản chi phí rất lớn nhưng vẫn phải chờ.
Trong thời gian đó, các bệnh viện phải chi tiền lương, phụ cấp và thu nhập khác theo từng tháng; tiền điện, nước trả theo kỳ; tiền thuốc, vật tư, hóa chất sử dụng cho bệnh nhân phải dự trữ tồn kho… nên gặp nhiều khó khăn.