15-2-2017
Người dân miền Trung đi kiện Formosa. Ảnh: internet
Tôi không biết 20.000 nhà báo ở hơn 800 cơ quan báo chí truyền thông nghĩ gì khi hãng tin Reuters đưa tin về hành trình đi kiện Formosa nhưng không thể đến đích của người dân các xã Quỳnh Ngọc, Sơn Hải và Quỳnh Thọ (Nghệ An). Chuyện xảy ra ngay trên quê hương mình, mất mát kia là của đất nước mình, đau đớn kia là của đồng bào mình… nhưng báo chí nước nhà gần như câm nín. Tôi thực sự thấy xấu hổ vì đến hôm qua vẫn nghĩ mình là nhà báo.
Hôm nay, trở lại câu chuyện Formosa không phải vì nỗi nhục nghề nghiệp, mà bởi vì tôi thấy là một công dân thì cần phải lên tiếng. Tôi biết, những bất ổn xã hội nảy sinh từ câu chuyện Formosa vẫn đang âm ỉ và thỉnh thoảng sẽ lại bùng lên. Tôi sợ rằng, nếu không chấm dứt xung đột lợi ích giữa một bộ phận nhân dân miền Trung và Formosa, thì một lúc nào đó cánh rừng sẽ cháy.
Theo Reuters, sự việc xảy ra vào ngày 14-2 có thể tóm tắt như sau:
Nhiều người dân ở Nghệ An dự kiến sẽ đi bộ suốt quãng đường dài 180km để đến toà án Kỳ Anh (Hà Tĩnh) nộp đơn kiện đòi Formosa bồi thường thiệt hại do đã gây ra vụ cá chết ở miền Trung vào đầu năm 2016. Tuy nhiên, hành trình ấy đã phải dừng lại khi mới xuất phát được 20km.
Quan điểm cá nhân, tôi cho rằng khi người dân còn lên tiếng nghĩa là họ còn có khát vọng được lắng nghe và kỳ vọng Chính phủ lắng nghe. Khi người dân còn nộp đơn kiện Formosa, nghĩa là họ còn đang cố giữ niềm tin vào công lý và pháp luật. Một Chính phủ văn minh sẽ biết lấy những điều đó làm động lực để kiến tạo và phát triển.
Tiếc thay, trên mạng xã hội, tôi thấy máu và nước mắt của nhân dân đã rơi xuống hành trình đi tìm công lý hôm qua.
Những giọt máu ấy sẽ không thể nào cứ thế phai nhạt giống như chất độc Formosa xả ra, biển miền Trung tự làm sạch. Những người bị đánh đập hôm qua sẽ không bao giờ bị lãng quên, dù báo chí truyền thông mải mê với những tin tức vô bổ, ru ngủ đám đông, lờ đi những vấn đề thiết thực với nhân dân, lảng tránh những vấn đề hệ trọng với quốc gia dân tộc. Tất cả những gì xảy ra vào những ngày này, lịch sử sẽ khắc ghi, nhân dân sẽ nhắc nhớ. Không ai bị lãng quên, không điều gì bị lãng quên.
Tôi không phủ nhận những nỗ lực của Chính phủ khi đã vạch trần được thủ phạm gây ra thảm hoạ môi trường biển miền Trung. Nhưng tôi buộc phải dùng từ thảm hoạ, bởi lương tâm không cho phép gọi đó là sự cố. Chính những người quản lý trong hệ thống công quyền khi trao đổi với tôi cũng gọi đó là thảm hoạ. Tôi cho rằng, Chính phủ cần nhìn nhận đúng mức độ nghiêm trọng của sự việc để sòng phẳng với nhân dân. Chỉ khi thừa nhận đó là một thảm hoạ môi trường thì Chính phủ mới ứng xử với nó như một thảm hoạ.
Tôi cũng không phủ nhận nỗ lực của Chính phủ khi khiến Formosa phải chi 500 triệu USD để bồi thường thiệt hại. Nhưng những thiệt hại mà nhân dân miền Trung đang phải chịu đựng thì những khoản bồi thường kia có bù đắp được hay không? Câu trả lời có trong những vết thương trên thịt da người khiếu kiện. Không một người dân nào lại xuống đường đi kiện nếu họ đang làm ăn yên ổn. Không người dân nào đổi cả máu của mình nếu như cuộc sinh tồn của họ không bị xâm hại.
Cá nhân tôi nhận thấy, riêng trong câu chuyện người dân kiện Formosa, Chính phủ vẫn chưa có hành động xích lại gần dân. Thay vào đó là bạo lực và bạo lực. Lẽ nào họ không biết rằng, dùng bạo lực để trấn áp không bao giờ là giải pháp để chấm dứt xung đột lợi ích giữa người dân với Formosa. Thậm chí, lạm dụng bạo lực sẽ khiến mâu thuẫn và bất ổn ngày càng gay gắt.
Người dân xuống đường đi kiện Formosa vì miếng cơm manh áo là hành động chính đáng. Tôi tin rằng, có nhiều người ủng hộ quyền khiếu kiện chính đáng ấy của người dân miền Trung. Nhân dân thức tỉnh và tiến bộ mới là số đông, lực lượng trấn áp chỉ là thiểu số. Tôi cũng tin rằng, chính những người trong lực lượng ấy cũng chẳng muốn xuống tay với đồng bào mình. Bởi suy cho cùng, họ đang sống bằng tiền thuế của dân và nhiệm vụ của họ là bảo vệ sự bình an của nhân dân, tạo điều kiện cho mọi người được thể hiện quyền công dân theo đúng quy định của pháp luật.
Nhà cầm quyền trấn áp bằng bạo lực sẽ có thể bị phản hồi bằng bạo lực tột cùng của sự căm phẫn. Đừng quên rằng, mỗi giọt máu của người dân rơi xuống, là hàng triệu trái tim người dân không cùng nhịp đập với người điều hành đất nước, là hàng triệu niềm tin hao mòn, là khoảng cách giữa người dân và Chính phủ lại càng xa nhau.
Đối thoại, lắng nghe và giải quyết mới là cách để dựng xây. Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tôi tin họ khát khao là một Chính phủ kiến tạo, họ muốn xây dựng đất nước này. Vậy thì, tại sao không bắt đầu bằng việc dẹp đường cho người dân đi hết hành trình 180km của họ? Tại sao không để toà án Kỳ Anh thực thi trách nhiệm của một toà án nhân dân bằng việc tiếp nhận đơn kiện Formosa của người dân?
Căn nguyên của những bất ổn thỉnh thoảng lại bùng lên ở miền Trung hiện nay chính là sự tồn tại của Formosa. Người đã bị ung thư, để kéo dài sự sống thì nhất thiết phải cắt bỏ khối u. Tất nhiên, phải cắt bỏ khối u chứ không thể nào cắt bỏ khúc ruột.
Tôi sẽ nói tiếp về giải pháp chấm dứt hoạt động của Formosa trong bài viết sau. Hôm nay dài quá rồi, mà tôi thì còn mệt.
(Ba Sàm)