Hàn Lam
(VNTB) – Những người lao động đang phải đóng thuế thu nhập cá nhân ở bậc 1, bậc 2 hiện nay chỉ ở mức đủ sống mà thôi.
Bao hy vọng, mong chờ của người dân lại tiếp tục thất vọng khi phải “gồng” thêm ba năm nữa, tức đến năm 2025 luật thuế thu nhập cá nhân mới được sửa đổi và rất có thể năm 2026 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp mới được áp dụng.
Đầu tháng 9 năm nay có một tin rất sốc về thuế, đó là theo thống kê của Tổng cục Thuế, tính đến hết tháng 8-2022, ước số thu từ thuế thu nhập cá nhân đạt 116 tỷ đồng, bằng 98,9% dự toán. Như vậy, số thu từ sắc thuế này gần cán đích kế hoạch cả năm.
Sốc, vì số thuế nộp tăng chứng tỏ thu nhập của người nộp thuế tăng, đời sống đi lên nhưng thực tế chưa hẳn vậy.
Từ hơn hai năm qua, đồng lương của người làm công ăn lương ngày càng teo tóp bởi cơn bão giá. Nhất là từ đầu năm nay, giá cả hàng hóa tăng phi mã bởi hàng loạt hiệu ứng như giá xăng, giá cước, lãi suất, tỷ giá… Mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế 11 triệu đồng/tháng và người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng không đủ lo chi phí trong cuộc sống, nhất là khi sinh sống tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM.
“Mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng hiện không đủ chi trả cho những nhu cầu tối thiểu. Như con tôi học hệ chính quy tại một trường đại học ở TP.HCM, học phí đã 4,2 triệu đồng/tháng.
Vậy còn 200.000 đồng/tháng, một người có thể chi tiêu cho ăn, ở, quần áo… được không, dù tôi đang làm việc và sống nơi quê nhà, không phải tốn tiền thuê trọ. Câu hỏi này tin rằng ngay đến những người không cần giỏi tính toán cũng thấy ra câu trả lời” – một phụ huynh nhà ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, chia sẻ với người viết bài này như vậy về tiền ăn học của đứa con trên Sài Gòn.
Một lao động khác nói rằng từ năm 2020 đến nay, giá cả đã tăng rất nhiều nên mức giảm trừ 11 triệu đồng mỗi tháng cho người lao động và 4,4 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc là không đủ để người lao động đảm bảo cuộc sống bình thường hiện nay, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn.
“Sẽ rất vô lý nếu Bộ Tài chính lập luận kiểu sợ rằng ‘nếu giảm thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công thì đối tượng được hưởng chủ yếu sẽ rơi vào nhóm có thu nhập cao, không đúng với mục tiêu hỗ trợ khó khăn’. Trên thực tế, những người lao động đang phải đóng thuế thu nhập cá nhân ở bậc 1, bậc 2 hiện nay chỉ ở mức đủ sống mà thôi. Hệ quả là người làm công ăn lương phải thắt chặt chi tiêu hết mức có thể. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến bản thân họ mà còn tác động tiêu cực đến phục hồi của nền kinh tế sau dịch” – một ý kiến khác.
Thế nhưng trong thực cảnh đó về đời sống, thì theo số liệu của Bộ Tài chính, oái oăm thay, chín tháng đầu năm 2022, số thu thuế thu nhập cá nhân đã vượt kế hoạch cả năm với con số tuyệt đối 128.430 tỷ đồng. Đáng nói, số tiền thu từ thuế thu nhập cá nhân chín tháng qua còn cao hơn số thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước. Trong đó, phần lớn là đóng góp đều đặn từ người làm công ăn lương.
“Trời khô hạn mà mặt trời cứ chiếu nữa vào đầu là mau chết lắm!” – một lao động từng là quản đốc phân xưởng của Công ty Tỷ Hùng vừa thất nghiệp, than thân trách phận như vậy.
Theo vị cựu quản đốc này, có lẽ do lãnh đạo cao nhất luôn tin và hay lặp đi lặp lại câu khen xã giao của tổ chức Ngân hàng Thế giới, rằng, “mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang tỏa sáng ở Việt Nam”, nên ngành thuế cứ nghĩ ‘có nắng’ là cứ thoải mái thu, bất chấp nắng làm cho người ta sổ mũi, nhức đầu đến muốn bệnh đau luôn…
Năm nay, sự phục hồi sau dịch đã không như kỳ vọng, lại gặp thêm quá nhiều tác động và ảnh hưởng từ gần đến xa, từ vi mô đến vĩ mô, từ toàn cầu đến chính đồng lương, bữa ăn nhà mình. Nỗi lo hằn lên mỗi người nhưng sự chia sẻ thì không thể teo tóp.
Vậy thì còn chần chừ gì nữa mà Bộ Tài chính và Quốc hội Việt Nam không mạnh dạn “khoan thư sức dân” qua việc giảm ít nhất 50% tiền thuế thu nhập cá nhân năm nay và năm sau nữa cho người làm công ăn lương để họ đỡ gánh nặng thuế…