Việt Nam Thời Báo

VNTB – Làm giàu bằng… nghị quyết

Thạch Hãn

 

(VNTB) – Cựu bộ trưởng Lê Doãn Hợp đề nghị lãnh đạo tỉnh Nghệ An cần ban hành nghị quyết với chủ đề “Giải phóng tư tưởng, quyết chí làm giàu, sớm đưa Nghệ An ra khỏi tỉnh nghèo”.

 

Ông Lê Doãn Hợp từng là bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, cựu bí thư Tỉnh ủy Nghệ An. Cụm từ “giải phóng tư tưởng” để đưa “Nghệ An thoát nghèo” trong ngữ cảnh này là rất đáng quan tâm.

Ngày 13-12-2022, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức tọa đàm khoa học tổng kết 10 năm thực hiện nghị quyết số 26 năm 2013 của Bộ Chính trị, và chuẩn bị ban hành nghị quyết mới về định hướng phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

“Tôi là người gốc Nghệ An. Hiện nay ở ngoài tỉnh có đến 2,5 triệu người, rất nhiều nhà khoa học, doanh nhân thành đạt, kỹ sư tay nghề cao, cần kêu gọi họ đầu tư phát triển quê hương. Một vùng đất hiếu học thế này mà không có một trung tâm công nghiệp về công nghệ thông tin nào thì thật tiếc… Chúng ta có thể đề nghị cho phép tranh cử các vị trí chủ tịch xã, chủ tịch huyện đến chủ tịch tỉnh” – ông Lê Doãn Hợp ý kiến.

Từ câu phát biểu trên cho thấy rất có thể cụm từ “giải phóng tư tưởng” ở đây được hiểu là đến lúc cần cạnh tranh công bằng trong chính trị. Lâu nay, tuy cùng là đảng viên trí thức, thế nhưng nếu người đó không nằm trong danh sách được quen gọi là “quy hoạch cán bộ nguồn”, thì cá nhân đó không thể nào được bầu chọn làm lãnh đạo cơ quan hành chính.

Thậm chí, khi đảng viên trí thức đó muốn tự ứng cử với những tranh cử công khai, cũng cần được sự đồng ý của người đứng đầu cơ quan Đảng bộ tại địa phương.

Cùng quan điểm với ông Lê Doãn Hợp, và cũng từng là cựu lãnh đạo của Nghệ An, nguyên bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển đăng đàn cho rằng: “Lãnh đạo hãy mạnh dạn làm với tư duy đổi mới, bám sát sự vận động của thực tiễn. Phải đối đầu với thách thức mới biết mình là ai và mình cần cái gì, chỉ cần tránh hai cái sai là sai vì động cơ cá nhân và sai quy luật thực tiễn gây hậu quả lớn”.

Phát biểu này lại đưa ra một mệnh đề có thể bị chụp mũ chính trị là “tự diễn biến – tự chuyển hóa”, đó là khả năng của “sai quy luật thực tiễn gây hậu quả lớn”.

Nếu đặt hai yêu cầu “giải phóng tư tưởng” của ông Lê Doãn Hợp song hành cùng yêu cầu “quy luật thực tiễn” của ông Trương Đình Tuyển trong vấn đề nhân sự quản lý, cho thấy đúng là cần một nghị quyết của mạnh dạn đả phá lề lối “Đảng cử dân bầu” không còn phù hợp với thực tiễn phát triển nữa.

Một câu chuyện cũ hồi còn thảo luận Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi) ở năm 2014, đã có ý kiến rộ lên là cần xóa cơ chế “Đảng cử dân bầu”. Theo đó, cần xây dựng cho được cơ chế giải pháp hữu hiệu mang tính khả thi cao, nhằm xóa bỏ mặc định Đảng cử dân bầu vốn trở thành nguyên tắc lâu nay.

Cần đổi mới căn bản việc đề cử và tự ứng cử để tìm người hiền tài ra gánh vác việc nước. Phải sửa đổi ngay cơ chế quá nặng về cơ cấu, nặng theo hướng giảm đến mức tối đa cán bộ chủ chốt cơ quan Đảng, chính quyền tham gia Quốc hội, nhằm tạo điều kiện để các đồng chí lãnh đạo yên tâm chỉ đạo điều hành hoạt động của ngành, địa phương, không ngại vất vả, dự họp Quốc hội hàng tháng trời, không để ghế trống trong hội trường khi họp Quốc hội…

Vì “Đảng cử dân bầu” nên hệ lụy dễ thấy là nếu muốn tiến thân trên con đường chính trị, người ta ngại mích lòng người đứng đầu Đảng ở mọi cấp. Từ ngại mích lòng này đưa tới tâm lý chung là có khá nhiều cán bộ, công chức lâu nay hình như thiếu tư duy phản biện, dễ chấp nhận những kết luận, nhận định vuông vức, tròn trịa, êm thuận mà cấp trên đưa ra, dù trong thực tế cuộc sống còn đầy những gai góc, gập ghềnh.

Đây không phải là chuyện “bới bèo ra bọ” mà là thái độ khoa học cần thiết phản biện là dân chủ. Vì người phản biện chỉ có thể giành phần thắng khi chân lý thuộc về họ, chứ không vì chức vụ quan trọng mà người ấy nắm giữ…

Có lẽ từ những suy nghĩ trên nên giờ khi đã lui về nghỉ hưu rồi, hai vị cựu lãnh đạo quê ở Nghệ An nêu đầu bài viết này, vẫn mới dám đề xuất ở mức gián tiếp là cần cạnh tranh trong bầu chọn nhân sự của kiểu “giải phóng tư tưởng” để “phù hợp thực tiễn”, qua đó giúp Nghệ An có đời sống kinh tế sung túc hơn, giàu có hơn.


Tin bài liên quan:

VNTB – Hồ Mẫu Ngoạt có là ‘cú đổ domino’ khiến ông Tổng bí thư rời chính trường?

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Sinh viên nội trú Trường Đại học Hải Phòng buộc phải rời ký túc xá

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Một bản án hết sức nặng nề: gây thiệt hại 45 triệu lãnh án 5 năm tù

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo