Việt Nam Thời Báo

VNTB – Những hồng vệ binh chốn học đường góp phần giúp cách mạng thành công?

Hiền Vương

 

(VNTB) – “Ngày xưa chúng tôi đi học nhưng không được vô tư như những học sinh bình thường. Ngoài nhiệm vụ một học sinh, chúng tôi còn thực hiện nhiệm vụ của một chiến sĩ cách mạng…”.

 

Bà Trương Mỹ Hoa – cựu phó chủ tịch nước và là cựu học sinh của trường Huỳnh Khương Ninh, quận Nhất, Sài Gòn – kể lại câu chuyện vừa đi học vừa làm “cách mạng nằm vùng” ở dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập trường Huỳnh Khương Ninh vào sáng 31-12-2022.

Trường tư thục Huỳnh Khương Ninh được thành lập năm 1922, do thầy giáo Huỳnh Khương Ninh sáng lập. Thầy Huỳnh Khương Ninh xuất thân trong một gia đình nho học, rồi theo Tây học, nổi tiếng là một người thông minh, học giỏi.

Cuối năm 1945, khi kháng chiến chống Pháp bắt đầu nổ ra ở Sài Gòn, trường Huỳnh Khương Ninh bị thực dân Pháp ra lệnh đóng cửa do có nhiều thanh thiếu niên được cho là tham gia chống Pháp đang học tại trường này.

Đến năm 1947, trường được phép mở cửa dạy lại. Năm 1950, trước khi qua đời, thầy Huỳnh Khương Ninh cho mời tất cả giáo viên lại, ân cần dặn dò: “Các vị nên cùng chung lo giữ vững ngôi trường cho các con em chúng ta, dù hoàn cảnh nào cũng có thể học tập”.

Việc sử dụng những học sinh vị thành niên như các hồng vệ binh của những người nhân danh cách mạng cho thấy là một sách lược khôn ngoan nhưng bất nhẫn. Khôn ngoan vì ở tuổi mới lớn, tâm lý nổi loạn muốn làm người hùng là đòn bẩy để những cán bộ cách mạng lôi kéo những thành phần học sinh này về để phục vụ cho các kế hoạch của họ.

Còn bất nhẫn là vì ở tuổi ăn chưa no lo chưa tới đó, học sinh vẫn là những đứa trẻ cần được học tập, hơn là bị trực tiếp lôi cuốn vào những cuộc chiến đẩm máu ý thức hệ của người lớn.

Theo tài liệu về lịch sử của thế hệ làm cách mạng như bà Trương Mỹ Hoa, thì Đảng bộ Sài Gòn – Chợ Lớn đã tăng cường chỉ đạo phong trào thanh niên. Một Liên chi ủy phụ trách học sinh sinh viên và giáo chức trong thời kỳ ban đầu đã được thành lập, do Bùi Văn Trạch, bí danh Bảy Kê – một cán bộ từng trải trong phong trào thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp làm Bí thư cùng với các ủy viên Trần Quang Cơ, Trần Văn Nguyên, Huỳnh Ngọc Thanh…

Sang năm 1955, Liên chi ủy được bổ sung thêm Lê Minh Quới. Các hình thức công khai, bề nổi để nhen nhúm phong trào quần chúng ban đầu còn khó khăn. Liên chi ủy đã sử dụng các hình thức báo chí bí mật và nửa công khai để tuyên truyền, giáo dục và tập hợp quần chúng như: báo “Học sinh cứu nước” (báo bí mật), nội san “Gió lên” của sinh viên, nội san “Tổ quốc”, “Tập văn” của trường Kiến Thiết, “Kiên chí” của trường Pétrus Ký…

Sở dĩ mà các lực lượng cách mạng như trên chọn học đường làm nơi để “nhen nhóm phong trào quần chúng”, là vì tận dụng các quyền dân chủ mà người dân ở miền Nam Việt Nam đang thụ hưởng để phục vụ cho cái gọi là “hoạt động cách mạng trong lòng địch”.

Trở ngược thời gian. Quan điểm, chính sách của chính quyền Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam Việt Nam được thể hiện trong “Hiến pháp Đệ nhị Việt Nam Cộng Hòa ngày 1-4-1967”, Điều 10, Chương II ghi rõ: “Nền giáo dục đại học được tự trị”. Nền giáo dục đại học dưới chính quyền Việt Nam Cộng Hòa theo đuổi ba nguyên tắc là tự do, tự trị và phi chính trị. Trong một chừng mực nào đó, Viện Đại học độc lập đối với các đảng phái chính trị, tôn giáo và tự trị đối với chính quyền.

Vấn đề tự trị đại học được đặt ra ngay từ những ngày đầu còn phôi thai của nền đại học ở miền Nam Việt Nam, lúc bấy giờ ngưòi ta đã nhắc đến tính chất tự trị cần thiết cho sự phát triển đại học. Sở dĩ về sau rộ lên vấn đề tự trị đại học nhuốm màu sắc chính trị, đó là do lực lượng “hoạt động cách mạng trong lòng địch” như lời kể của bà Trương Mỹ Hoa ở dịp về thăm trường cũ đã nêu ở phần đầu bài viết này.

Và có lẽ cũng chính vì từng lợi dụng chiêu bài “tự trị đại học” để “hoạt động cách mạng trong lòng địch” nên từ sau tháng tư, 1975, chính quyền Hà Nội kiên quyết không những không chấp nhận chuyện “tự trị giáo dục”, mà còn buộc tất cả các bậc giáo dục từ tiểu học đến đại học đều phải chịu sự phụ thuộc của đảng phái chính trị duy nhất là đảng cộng sản Việt Nam.


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Tin giả và ai đang ‘giả tin’?

Phan Thanh Hung

VNTB – Sài Gòn ‘ngóng’ Bangkok…

Phan Thanh Hung

VNTB – Đó còn là sự tôn trọng về Y Đức, thưa bà hiệu trưởng

Phan Thanh Hung

1 comment

Nguyễn Tuấn Anh 02.01.2023 4:57 at 04:57

“chính quyền Hà Nội kiên quyết không những không chấp nhận chuyện “tự trị giáo dục”, mà còn buộc tất cả các bậc giáo dục từ tiểu học đến đại học đều phải chịu sự phụ thuộc của đảng phái chính trị duy nhất là đảng cộng sản Việt Nam”

Không thể đổ lỗi cho Đảng nếu họ không muốn đi vào vết xe đổ của VNCH. Chuyện này thì chính trí thức nhà mình cũng không muốn, đi vào vết xe đổ của VNCH.

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo