Tình trạng tăng trưởng nóng khiến sân bay Tân Sơn Nhất thiếu nhà ga, bãi đỗ tàu bay đã được một số chuyên gia cảnh báo từ nhiều năm trước và đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ song đã không được các cơ quan có thẩm quyền lắng nghe.
Bài 1: Thiếu bãi đỗ, máy bay phải về Cần Thơ “trú đêm”
Không chỉ thường xuyên ùn tắc trên các tuyến đường huyết mạch và khu vực lân cận, các sân đỗ máy bay tại cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất luôn ở trong tình trạng quá tải tại các khung giờ cao điểm.
Mới đây, Cục Hàng không Việt Nam đã khuyến cáo các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific, Vasco … nghiên cứu triển khai kế hoạch đưa máy bay về Cần Thơ đỗ qua đêm nhằm giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất, báo cáo kế hoạch cho Cục Hàng không trước ngày 30/1.
Trao đổi với Tiền Phong chiều 19/1, lãnh đạo Cục Hàng không cho biết yêu cầu này là việc “chẳng đặng đừng” bởi số lượng máy bay của các hãng hàng không ngày càng nhiều, gây áp lực rất lớn lên hạ tầng kỹ thuật hàng không.
Cụ thể: Sân bay Tân Sơn Nhất hiện có 57 bãi đỗ phục vụ các hãng hàng không trong nước và quốc tế nhưng số lượng máy bay có nhu cầu đỗ qua đêm thường cao hơn số lượng được sân bay điều phối. Và, mật độ khai thác bay tiếp tục tăng cao, đặc biệt là tăng chuyến, mở mới các đường bay nội địa. Số lượng máy bay của các hãng hàng không Việt Nam ngày càng nhiều, gây áp lực rất lớn lên kết cấu hạ tầng hàng không, đặc biệt tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Với tổng đội bay theo kế hoạch phát triển của các hãng đến năm 2020 là 263 chiếc thì sẽ vượt 33 chiếc so với khả năng đáp ứng 230 chỗ đỗ máy bay. Vì lẽ đó, các hãng hàng không phải sắp xếp lại lịch bay, các chuyến bay trong khuôn khổ Tân Sơn Nhất điều phối được vẫn đến sân bay này bình thường.
Số còn lại bố trí các chuyến bay cuối ngày về sân bay Cần Thơ đỗ qua đêm, sáng hôm sau sẽ khởi hành từ Cần Thơ đi các tỉnh phía Bắc.
Lãnh đạo một số hãng hàng không trong nước xác nhận sân bay Tân Sơn Nhất luôn trong tình trạng căng thẳng về bãi đỗ nhưng cho rằng việc buộc các máy bay phải bay về Cần Thơ trú đêm là không hợp lý, làm tăng chi phí bay.
Đại diện hãng hàng không quốc gia (Vietnam Airline) cho biết tổng chi phí phát sinh khi phải đưa máy bay về đỗ qua đêm ở Cần Thơ tương đương với một chuyến bay khứ hồi. Các hãng bay phải chịu chi phí xăng dầu, phí cất hạ cánh, phí ăn ở cho cả tổ bay, chi phí bảo dưỡng kỹ thuật… với tổng chi phí khoảng 8.000 -10.000 USD/chuyến. Phân bổ chi phí này vào giá vé thì hành khách khó chấp nhận.
Nguyên trưởng phòng quản lý bay Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất Lê Trọng Sành cho rằng nếu đưởng băng sân bay quá tải, máy bay buộc phải hạ cánh tại các sân bay lân cận thì còn có thể thông cảm, còn nếu vì lý do hết bãi đỗ, phải cho máy bay xuống Cần Thơ là không thể chấp nhận.
PGS TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật Hàng không (trường Đại học Bách Khoa TPHCM) đánh giá: Việc yêu cầu các hãng hàng không đưa máy bay về sân bay Cần Thơ đỗ qua đêm là không hợp lý, gây rất nhiều khó khăn, tốn kém cho các hãng và việc đi lại của hành khách.
Theo ông Lê Trọng Sành, yêu cầu này càng khó chấp nhận hơn vì sân bay Tân Sơn Nhất vẫn còn một quỹ đất rất lớn đang bỏ hoang một cách lãng phí hoặc được sử dụng sai mục đích như dành đất làm sân golf, xây nhà hàng…
Ông Sành còn cho biết dự án sân golf nằm trong sân bay Tân Sơn Nhất uy hiếp an toàn bay. “Nếu chỉ trồng cỏ để đánh golf thì không có gì đáng ngại, đàng này người ta cho xây cả cụm nhà hàng, khách sạn, biệt thự… với chiều cao tối đa đến 12 tầng”, ông Sành nói.
Việc dành 157 ha đất để xây sân golf 36 lỗ và cụm công trình nhà hàng, khách sạn trong sân bay trong bối cảnh Tân Sơn Nhất ngày càng quá tải đã gây bức xúc trong dư luận.
Chính phủ họp khẩn về ùn tắc sân bay Tân Sơn Nhất
Chiều nay, 19/1, phó giám đốc Sở GTVT TPHCM Trần Quang Lâm cho biết ông Bùi Xuân Cường, giám đốc Sở GTVT đã khẩn cấp bay ra Hà Nội để tham dự cuộc họp do Phó Thủ tướng chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì về tình trạng ùn tắc tại sân bay Tân Sơn Nhất. Dự kiến đầu tuần sau, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các Phó thủ tướng và lãnh đạo các Bộ Ngành sẽ làm việc với lãnh đạo TPHCM tìm biện pháp tháo gỡ tình trạng ùn tắc giao thông tại TPHCM.
Theo Tiền Phong
* VNTB đặt lại tiêu đề