Hoàng Mai
(VNTB) – Chính sự thiếu nhất quán trong chính sách đã gây ra những hệ quả rối loạn thị trường xăng dầu ở thời gian qua.
Phía Bộ Công thương dường như vẫn muốn quản trị thị trường xăng dầu bằng phương thức của ông chủ nhà nước độc quyền, thiếu tính cạnh tranh hệt như đảng phái chính trị hiện tại…
Trong phương thức điều hành giá, Bộ Công thương đưa ra hai phương án. Phương án 1 là Nhà nước tiếp tục định giá xăng dầu và sửa đổi công thức tính giá để bảo đảm tính đúng, tính đủ, kịp thời các chi phí trong giá cơ sở. Công thức tính cụ thể sẽ do Bộ Tài chính đề xuất.
Phương án 2 là Nhà nước không định giá xăng dầu mà sẽ do cung cầu của thị trường quyết định. Tại văn bản số 288/BCT-TTTN ngày 18-01-2023, Bộ Công Thương ưu tiên lựa chọn phương án 1.
Trong văn bản số 288/BCT-TTTN kể trên, Bộ Công thương đề nghị trước mắt sẽ chỉ sửa đổi một số nội dung để khắc phục bất cập, hạn chế trong triển khai Nghị định 95 và Nghị định 83 và về lâu dài thì sẽ cân nhắc sửa đổi một cách căn bản tư duy quản lý điều hành, thực hiện việc quản lý điều hành giá theo cơ chế thị trường, tăng tính chủ động của doanh nghiệp trong việc xác định giá bán lẻ xăng dầu trên thị trường.
Tuy nhiên, Công văn 288 chưa xác định rõ khi nào sẽ thực hiện việc trên. Nếu tiếp tục kéo dài thì các vướng mắc căn bản của phương thức Nhà nước định giá sẽ không được xử lý.
Rất cần một thái độ dứt khoát của Bộ Công thương về việc xác định thời điểm và lộ trình thay đổi phương thức quản lý giá xăng dầu theo hướng thị trường ngay trong Tờ trình xây dựng Nghị định sửa đổi lần này lúc trình Chính phủ.
Sự lừng khừng đó còn tiếp tục thể hiện rõ ở vấn đề chiết khấu tối thiểu trong bán lẻ xăng dầu từ phía Bộ Công thương.
Thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp bán lẻ phản ánh tình trạng chiết khấu bán lẻ bằng 0 hoặc thậm chí âm. Điều này khiến các cửa hàng bán lẻ không muốn bán hàng, nhưng buộc phải bán vì nếu không sẽ bị cơ quan chức năng xử phạt.
Cần lưu ý rằng, trong trường hợp giá bán lẻ điều hành thấp hơn toàn bộ chi phí của chuỗi cung ứng thì các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng sẽ không có động lực để kinh doanh. Nhà nước yêu cầu các doanh nghiệp buộc phải kinh doanh để cung cấp xăng dầu cho nền kinh tế thì khoản âm chi phí lớn hơn giá bán này chắc chắn sẽ do một chủ thể nào đó trong chuỗi cung ứng gánh chịu.
Với cách thiết kế quy định như hiện nay, khi giá bán lẻ điều hành thấp hơn chi phí thì khoản âm này chủ yếu sẽ đổ vào doanh nghiệp bán lẻ bởi doanh nghiệp bán buôn có quyền chủ động giá bán buôn và không bị xử phạt khi ngừng bán hàng. Do đó, mấu chốt vấn đề vẫn là xử lý cơ chế giá bán lẻ xăng dầu.
Nhiều doanh nghiệp lên tiếng kiến nghị Chính phủ và Bộ Công thương là phải quy định mức chiết khấu tối thiểu cho các cửa hàng bán lẻ.
Về vấn đề này, Bộ Công thương đưa ra hai phương án: Phương án 1 là không quy định cụ thể mức chiết khấu. Phương án 2 là quy định mức chiết khấu tối thiểu trong kinh doanh xăng dầu. Bộ Công thương lựa chọn phương án 1 với lý do đây là quan hệ dân sự, dành quyền chủ động cho các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, cần thấy rõ rằng, với cách thức này thì Nhà nước đang can thiệp vào thị trường một cách nửa vời.
Một mặt Nhà nước nói rằng tôn trọng quan hệ dân sự, bằng cách không quy định chiết khấu tối thiểu hay giá bán buôn tối đa và không xử phạt bên bán buôn khi dừng bán hàng. Thế nhưng mặt khác, Nhà nước lại can thiệp vào quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp bán lẻ, bằng cách quy định giá bán lẻ tối đa và xử phạt khi cửa hàng bán lẻ ngừng bán.
Chính sự thiếu nhất quán trong chính sách như vừa viện dẫn đã gây ra những hệ quả rối loạn thị trường xăng dầu ở thời gian qua.
Từ góc nhìn trên, có các ý kiến rằng trong trường hợp Nhà nước không can thiệp vào giá, để cung cầu thị trường quyết định giá, thì không quy định mức chiết khấu bán lẻ tối thiểu.
Trong trường hợp Nhà nước tiếp tục can thiệp vào giá bán lẻ thì cần đồng thời điều hành chiết khấu tối thiểu, hoặc giá bán buôn tối đa để bảo đảm đồng bộ cơ chế quản lý, tránh nửa vời như lâu nay.