Việt Nam Thời Báo

VNTB – Nửa tháng hỗn loạn của các đại gia nhà băng

Trường Sơn

 

(VNTB) – Khủng hoảng ngành ngân hàng ập tới khi bài toán lạm phát vẫn chưa có lời giải cuối cùng.

 

Rúng động thị trường tài chính toàn cầu

Vụ sụp đổ của Silvergate Bank mở đầu cho chuỗi khủng hoảng của ngành ngân hàng toàn cầu. Silvergate Bank có trụ sở tại California (Mỹ) và là một trong hai nhà băng Mỹ chuyên cho vay tiền số.

Nhà băng này gặp rắc rối khi lĩnh vực tiền số lao đao. Quý cuối năm ngoái, họ lỗ gần 1 tỷ USD. Lượng tiền gửi từ các khách hàng tiền số cũng giảm 68%. Tháng 1 năm nay, ngân hàng này sa thải 40% nhân sự.

Dưới đề xuất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) đã cố gắng can thiệp, thảo luận với các lãnh đạo Silvergate để tìm cách ngăn nhà băng này đóng cửa.

Dường như vụ việc trên đang khiến ông Jerome Powell – Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) – và các đồng nghiệp của mình đứng trước một cuộc họp khó khăn nhất trong nhiều năm ở tuần lễ này với câu hỏi đặt ra, là có nên tiếp tục tăng lãi suất để kìm hãm lạm phát dai dẳng, hay tạm dừng trong bối cảnh cuộc khủng hoảng ngân hàng nghiêm trọng nhất kể từ năm 2008.

Trong năm qua, Fed thường xuyên phát tín hiệu về các động thái lãi suất của mình nhằm giảm biến động trên các thị trường. Theo dữ liệu của CME Group, giới đầu tư hiện định giá khả năng Fed tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm là 75%.

Củng cố cho ngần ngại trên của Fed còn là trong sự kiện trong ngày 8/3/2023, hàng loạt rắc rối của Silicon Valley Bank – ngân hàng lớn thứ 16 tại Mỹ – được bắt đầu. Hôm đó, SVB Financial Group – công ty mẹ của Silicon Valley Bank thông báo đã bán 21 tỷ USD trái phiếu và lỗ 1,8 tỷ USD. Họ cho biết sẽ phát hành thêm 2,25 tỷ USD cổ phiếu mới để củng cố bảng cân đối kế toán.

Thông tin này khiến nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm hoảng loạn và khuyên các doanh nghiệp rút tiền khỏi SVB. Làn sóng rút tiền khiến ngân hàng này không kịp trở tay.

Vậy là cổ phiếu SVB Financial Group giảm tới 60% trong phiên 9/3. Gần 10 tỷ USD giá trị vốn hóa thị trường bị thổi bay. Các quỹ đầu tư mạo hiểm như Founders Fund, Coatue Management và Union Square Ventures đồng loạt chỉ đạo bộ phận đầu tư của mình rút tiền khỏi nhà băng.

Một ngày sau đó, Silicon Valley Bank bị giới chức California đóng cửa, chuyển quyền quản lý tài sản cho FDIC. Đây là vụ sụp đổ lớn thứ hai lịch sử ngành ngân hàng Mỹ, sau Washington Mutual năm 2008.

Giới chức Mỹ sau đó nỗ lực tìm người mua lại Silicon Valley Bank, nhưng vẫn chưa thành công sau vài lần đấu giá. Bloomberg đưa tin First Citizens BancShares – một trong những tổ chức lớn chuyên mua lại các nhà băng Mỹ bị đóng cửa – hy vọng đạt thỏa thuận mua Silicon Valley Bank.

Họa vô đơn chí. Signature Bank trở thành vụ sụp đổ lớn thứ ba lịch sử ngành ngân hàng Mỹ vào 12/3. Việc này xảy ra sau khi lượng khách rút tiền tăng đột biến, lên tới 20% tổng lượng tiền gửi tại ngân hàng này.

Sự sụp đổ của Silvergate 4 ngày trước đó khiến khách hàng của Signature lo ngại, do Signature là ngân hàng quen thuộc với giới tiền số. Giới chức liên bang cũng cho biết họ mất niềm tin vào các lãnh đạo của ngân hàng này. Chính quyền New York đã đóng cửa và chuyển giao tài sản của Signature cho FDIC. Ngân hàng này có 110 tỷ USD tài sản và 88,6 tỷ USD tiền gửi khi đó.

167 năm, giờ cũng đổ

Domino bắt đầu đổ. Ngân hàng lớn thứ 2 Thụy Sĩ vừa vào tay UBS – nhà băng hàng đầu nước này – sau một thương vụ hơn 3 tỷ USD nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tài chính.

Vụ mua lại chấm dứt 167 năm hoạt động của Credit Suisse, bất chấp những nỗ lực của Giám đốc điều hành Ulrich Koerner. Nhưng mọi nỗ lực là không đủ bởi danh tiếng của nhà băng này đã bị hủy hoại vì những bê bối và khoản lỗ hàng tỷ USD.

Ngày 9/3, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ đã truy vấn báo cáo thường niên của Credit Suisse, buộc nhà băng này phải hoãn công bố. Sự hoảng loạn lan rộng sau khi Ngân hàng Quốc gia Saudi (SNB) – cổ đông lớn nhất của Credit Suisse – từ chối việc đầu tư thêm vào ngân hàng…

Và ở Việt Nam, một nguồn tin khả tín cho biết Tập đoàn Vingroup của Phạm Nhật Vượng đã gần như ngay lập tức bị ảnh hưởng từ chuyện sụp đổ của Credit Suisse.

Cụ thể về mức trầm trọng đến đâu thì chưa rõ, chỉ biết trước mắt thì Công ty cổ phần Vinhomes (Vinhomes) vừa công bố thông tin bất thường trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) về việc chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại các công ty con. Theo đó, Vinhomes bán phần vốn góp tại Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Phát Đạt và Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Trường Lộc. Cả hai công ty này đều có trụ sở tại Hưng Yên với tỉ lệ vốn góp của Vinhomes chiếm đến 99.9%.

Điều đáng nói là cả hai công ty này đều vừa được Vinhomes công bố nghị quyết thông qua việc góp vốn thành lập ngày 5-3 với tổng giá trị góp vốn tại 2 công ty này là 11.400 tỉ đồng.

Cụ thể, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển bất động sản Trường Lộc có trụ sở tại dự án Khu đô thị sinh thái Dream City, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Đơn vị này có vốn điều lệ gần 4.425 tỉ đồng, trong đó Vinhomes góp 99,9% vốn.

Còn Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Phát Đạt có trụ sở tại Khu đô thị Đại An, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Công ty Bất động sản Phát Đạt có vốn điều lệ là hơn 7.008 tỷ đồng do Vinhomes góp 99,9% vốn.


Tin bài liên quan:

VNTB – Mánh khóe đồng vốn của ông chủ hãng xe VinFast

Do Van Tien

VNTB – Những cựu đảng viên quan chức liên tục hầu tòa

Phan Thanh Hung

VNTB – Báo cáo thịnh vượng 2017: thịnh vượng ở Việt Nam không bền vững

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.